;
Vô là không. Tri là hiểu biết. Vô tri là không hiểu biết. Người vô tri không có khả năng suy nghĩ, xem xét, giải quyết đúng vấn đề. Người vô tri không biết bản chất vô thường, khổ, không, vô ngã của cuộc sống. Người vô tri là người không có chánh tư duy.
Theo giáo lý đạo Phật, con người được tạo thành bởi ngũ uẩn (Sắc, Thọ, Tưởng, Hành và Thức). Sắc là phần thân, phần sinh lý (trong phần tiếng anh của trang điện tử www.legacy.suttacentral.net/lzh/sa3 quý thầy dịch sắc là bodily form). Thọ là cảm giác. Tưởng là tri giác. Hành là những hiện tượng tâm lý phát khởi bao gồm vui, buồn, giận, ghen, thương, ghét. Thức là nơi cất giữ những cảm thọ và tri giác. Bởi Thức có chức năng cất giữ nên thức còn gọi là tàng thức.
Trong Kinh Pháp Cú[1], Phật dạy tư duy và nhận thức của người vô tri luôn hướng về ái dục; vì vô tri đôi khi chính mình tự che lấp sự thật. Vô tri đi liền với tà kiến. Chỉ có tuệ giác chân thực, tức là phải có chánh tư duy mới có khả năng phân biệt và thấy rõ được bản chất vô thường, khổ, không, vô ngã, từ đó giúp ta có khả năng ly dục, đoạn trừ khổ não.
Tư tưởng ỷ dâm dục
Tự phú vô sở kiến
Duy tuệ phân biệt kiến
Năng đoạn ý căn nguyên
思 想 猗 婬 欲
自 覆 無 所 見
唯 慧 分 別 見
能 斷 意 根 原
Trong Kinh Tạp A Hàm[2] Phật dạy cách thức đoạn trừ khổ não để có được cuộc sống an vui như sau:
“Đối với sắc không biết, không rõ, không đoạn tận, không ly dục thì không thể đoạn trừ khổ não,
“Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức mà không biết, không rõ, không đoạn tận, không ly dục, thì không thể đoạn trừ khổ não.
“Này các Tỳ-kheo, đối với sắc, nếu biết, nếu rõ, nếu đoạn tận, nếu ly dục, thì có thể đoạn trừ khổ não.
“Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành và thức, nếu biết, nếu rõ, nếu đoạn tận, nếu ly dục, thì có thể đoạn trừ khổ não.”
(於色不知、不明、不斷、不離欲,則不能斷苦。如是受、想、行、識,不知、不明、不斷、不離欲,則不能斷苦,
Ư sắc bất tri, bất minh, bất minh, bất ly dục, tắc bất năng đoạn khổ. Như thị, thọ tưởng, hành thức bất tri, bất minh, bất minh, bất ly dục, tắc bất năng đoạn khổ.
於色若知、若明、若斷、若離欲,則能斷苦;如是受、想、行、識,若知、若明、若斷、若離欲,則能堪任斷苦。
Ư sắc nhược tri, nhược minh, nhược ly dục, tắc năng đoạn khổ. Như thị, thọ tưởng, hành thức nhược tri, nhược minh, nhược ly dục, tắc năng đoạn khổ).
Là con cháu của Phật, vâng theo lời của Phật, mỗi người cần phải thực hành chánh kiến, chánh tư duy để từ đó có được có tri giác về vô thường, khổ, không, vô ngã của vạn vật mà không còn tham đắm vào sắc dục. Tri giác giúp người tu có khả năng đoạn trừ khổ đau.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Bến Tre, ngày 02 tháng 09 năm 2021
Hoàng Phước Đại – Đồng An
Dưới đây là bài Kinh Vô tri trong Tạp A Hàm Kinh
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Đối với sắc không biết, không rõ, không đoạn tận, không ly dục thì không thể đoạn trừ khổ não.
“Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức mà không biết, không rõ, không đoạn tận, không ly dục, thì không thể đoạn trừ khổ não.
“Này các Tỳ-kheo, đối với sắc, nếu biết, nếu rõ, nếu đoạn tận, nếu ly dục, thì có thể đoạn trừ khổ não.
“Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành và thức, nếu biết, nếu rõ, nếu đoạn tận, nếu ly dục, thì có thể đoạn trừ khổ não.”
Bấy giờ, các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
[1] Phẩm thú 32, Phẩm Ái Dục, Kinh Pháp Cú
[2] Tạng Càn Long, tập 51, trang 397
[3] https://legacy.suttacentral.net/lzh/sa3