;
Ðệ tử hôm nay,
Gặp ngày Khánh đản,
Một dạ vui mừng,
Cúi đầu đảnh lễ
Thập phương Tam thế,
Ðiều Ngự Như Lai,
Cùng Thánh, Hiền, Tăng.
Chúng con cùng pháp giới chúng sanh.
Bởi thiếu nhơn lành,
Thảy đều sa đọa;
Tham sân chấp ngã,
Quên hẳn đường về,
Tình ái si mê,
Tù trong lục đạo,
Trăm dây phiền não,
Nghiệp báo không cùng,
Nay nhờ Phật Tổ Năng Nhân,
Dủ lòng lân mẫn,
Không nỡ sinh linh thiếu phước,
Nặng kiếp luân hồi,
Ðêm dài tăm tối,
Ðuốc tuệ rạng soi.
Nguyện cứu muôn loài,
Pháp dùng phương tiện.
Ta bà thị hiện.
Thích chủng thọ sinh.
Thánh Ma Gia mộng ứng điềm lành,
Vua Tịnh Phạn phước sinh con thảo.
Ba mươi hai tướng tốt,
Vừa mười chín tuổi xuân,
Lòng từ ái cực thuần,
Chí xuất trần quá mạnh.
Ngai vàng quyết tránh,
Tìm lối xuất gia,
Sáu năm khổ hạnh rừng già,
Bảy thất nghiêm tinh thiền tọa.
Chứng thành đạo quả,
Hàng phục ma binh,
Ba cõi đều dậy tiếng hoan nghênh,
Muôn vật thảy nhờ ơn tế độ.
Chúng con nguyền,
Dứt bỏ dục tình ngoan cố,
Học đòi đức tánh quang minh.
Cúi xin Phật Tổ giám thành,Từ bi gia hộ.
Chúng con cùng pháp giới chúng sanh, Chóng thành đạo cả.
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.(30 lần)
Nam mô Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát.(3 lần)
Nam mô Ðại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát. (3 lần)
Nam mô Ðại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát.(3 lần)
Nam mô Ðạo Tràng Hội Thượng Phật Bồ Tát. (3 lần)
- Bài in trong “Kinh Nhựt Tụng”. Sen vàng xuất bản - Thành Hội Phật giáo TP. HCM tái bản 1994.
- Ðối chiếu trong "Nghi thức tụng niêm” chùa Xá Lợi Thành Hội Phật Giáo TP. HCM ấn hành 1993.
{youtube https://www.youtube.com/watch?v=c5-1Yz1tj2w|500|500}
*********************************************
Sám Khánh Đản – Khúc ca tâm hồn
Nhất tâm đảnh lễ Lâm Tỳ Ni viên, Vô Ưu thọ hạ thị hiện đản sanh, Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Ai ra đời để mang lại bình an hạnh phúc cho muôn loài chúng sanh? Người nào xuất hiện để dựng lại những giá trị nhân văn đã sụp đỗ, hoang tàn và mở ra con đường đã bị lãng quên? Bậc tôn quý nào vừa chào đời đã cất tiếng hống sư tử sang phẳng tà kiến thế gian? Sự xuất hiện của vĩ nhân nào đã truyền trao cảm hứng tu tập cho muôn ngàn thế hệ và khơi nguồn sáng tạo cho hàng vạn thiêng anh hùng ca bất tuyệt? Hình ảnh đản sanh của ai cách đây hơn 25 thế kỷ mà ngày nay vẫn được toàn thể nhân loại tôn vinh với tột cùng niềm kính ngưỡng tri ân? Chắn chắn không ai khác ngoài người cha mến thương của chúng ta: đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.
Trong niềm kính ngưỡng và tri ân tột cùng ấy, lễ kỷ niệm ngày Phật đản sanh được các thế hệ Phật tử tổ chức trang nghiêm trọng thể. Có một ca khúc tâm hồn thể hiện niềm kính ngưỡng ấy và được tụng niệm trong tất cả những buổi lễ trang nghiêm. Đó là bài sám Khánh đản.
Sám Khánh đản là một khúc ca tâm hồn. Khẳng định như vậy vì mỗi khi quỳ trước Phật đài tụng bài sám ấy, chúng ta thấy rõ lòng mình hơn, nhìn sâu cuộc đời mình hơn và quán chiếu về thân phận của mình nhiều hơn. Điều này có nghĩa, mỗi lần tụng sám Khánh đản là mỗi lần chúng ta nhìn lại quảng đường tu tập của mình. Hãy bắt đầu quảng đường ấy bằng sự quy kính Tam Bảo, như đoạn mở đầu của bài sám:
Đệ tử hôm nay,
Gặp ngày Khánh đản,
Một dạ vui mừng,
Cúi đầu đảnh lễ
Thập phương Tam Thế,
Điều Ngự Như Lai,
Cùng Thánh, Hiền, Tăng.
Đoạn này khởi đầu điệp khúc chuyển hóa thân tâm bằng hành động quy kính Tam Bảo và tinh thần hoan hỷ. Ngày Khánh đản là ngày mùng tám tháng tư âm lịch theo truyền thống trước đây. Nhưng hiện nay Phật tử toàn thế giới lấy ngày mười lăm tháng tư âm lịch làm ngày kỷ niệm chung cho cả ba sự kiện Đản sanh, Thành đạo và Niết bàn của đức Phật, gọi là Vesak. Hành động quy kính biểu hiện qua câu “cúi đầu đảnh lễ“. Đảnh lễ ai? Đảnh lễ Tam Bảo: Phật bảo – “thập phương tam thế, điều ngự Như Lai“, và Tăng bảo – “cùng Thánh Hiền Tăng“. Pháp bảo được ẩn lược để trình bày ở đoạn sau nhằm tăng thêm phần quan trọng. Tinh thần hoan hỷ thể hiện ở “một dạ vui mừng“. Đây là hai đặc điểm nổi bật nhất của đoạn này: quy kính Tam Bảo và hoan hỷ đón mừng khánh đản. Vui là vui với tất cả tấm lòng tôn kính sâu sa và chí thiết. Mừng là mừng bằng cách dâng trọn thâm tâm để cúng dường và quán chiếu. Có tôn kính Tam Bảo mới mở được cánh cửa chuyển hóa. Phải hoan hỷ vui mừng mới có thể tiếp nhận những giá trị cao cả thiêng liêng. Tại sao vui, tại sao mừng với trọn tấm lòng thành kính? Câu trả lời đến ngay sau đây:
Chúng con cùng pháp giới chúng sanh
Bởi thiếu nhơn lành,
Thảy đều sa đọa;
Tham sân chấp ngã,
Quên hẳn đường về,
Tình ái si mê,
Tù trong lục đạo,
Trăm dây phiền não,
Nghiệp báo không cùng.
Nỗi mừng vui lớn nhất và quan trọng nhất: nhờ Tam Bảo mà chúng ta thấy rõ được thân phận, vị trí, hoàn cảnh, tình trạng và những vấn đề của mình. Đoạn thứ hai này chỉ thẳng những điều đó cho chúng ta. “Chúng con cùng pháp giới chúng sanh” là chúng ta và tất cả những gì tương sinh cộng sinh với chúng ta. Có hay không “thiếu nhơn lành, thảy đều sa đọa” là thân phận hiện tại của chúng ta? Có phải vị trí sinh ra và chết đi của chúng ta là đang “tù trong lục đạo” – giam hãm trong cảnh giới Trời, Người, A Tu La, Địa Ngục, Ngạ Quỷ và Súc Sanh không? Ai nhận thức được rằng hoàn cảnh sinh hoạt tinh thần của chính mình là “tham sân chấp ngã, quên hẳn đường về“? “Tình ái si mê” phải chăng là tình trạng sống chết của chúng ta? Và, tất cả những vấn đề nan giải của chúng ta, có lẻ chắn chắn, không gì hơn khác ngoài “trăm dây phiền não, nghiệp báo không cùng“.
Vì thiếu nhơn lành – thiếu những hành động và ý nghĩ cao đẹp, nên hàng loạt bất hạnh xảy ra trong toàn bộ cuộc đời: sa đọa ăn chơi, chấp ngã cạnh tranh, tù đày trong ân oán tình trường, quấn thắt bởi trăm dây phiền não gia tộc họ hàng, si mê mù quáng, quên đường về chân thiện mỹ. Rõ ràng, cái thiếu ấy là cái thiếu căn bản nhất, sâu xa nhất và thâm kín nhất của chúng ta: thiếu những nhân tố đưa đến phước đức và trí tuệ. Con đường chuyển hóa đã được xác định mục tiêu ngay trong đoạn này: biến sự thiếu nhơn lành thành đầy đủ duyên lành. Cũng bởi vì ý thức phải cải tạo cái thiếu ấy, và vì cái thiếu ấy mà Phật ra đời, mà ngày Khánh đản được kỷ niệm.
Thế là, chúng ta vui mừng chào đón ngày Khánh đản vì, nhờ ngày ấy, chúng ta biết nhìn lại số phận của mình, biết mình thiếu cái gì. Hơn thế nữa, chúng ta vui mừng vì sự xuất hiện của một vĩ nhân – người giải quyết những vấn nạn chung cho toàn nhân loại, người mà sinh ra không phải chỉ để tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình. Người đó là đấng Năng Nhân được nói đến tại đoạn thứ ba:
Nay nhờ Phật Tổ Năng Nhân,
Dủ lòng lân mẫn,
Không nỡ sinh linh thiếu phước,
Nặng kiếp luân hồi,
Đêm dài tăm tối,
Đuốc tuệ rạng soi.
Nguyện cứu muôn loài,
Pháp dùng phương tiện.
Các bạn đừng yêu cầu chúng tôi giải thích Năng Nhân nghĩa là gì. Bởi vì những câu tiếp sau đó đã trả lời cụ thể ý nghĩa của mỹ từ ấy. Ai mang tình thương rộng lớn đến những kẻ thiếu phước đang bị luân hồi tăm tối; người nào sử dụng ngọn đuốc trí tuệ để ứng dụng chánh pháp vào cõi trần cứu khổ chúng sanh, người đó là bậc Năng Nhân. Thế gian này có bao nhiêu bậc Năng Nhân như thế?
Đoạn thứ ba này nêu rõ nguyên nhân vì sao Phật ra đời. Ngài ra đời vì lòng đại từ bi, thương xót những chúng sanh đau khổ bởi thiếu phước, nặng kiếp luân hồi, đêm dày tăm tối – trong đó có chúng ta. Ngài xuất thế với một đại nguyện: nguyện cứu muôn loài. Ngài đản sanh như một đuốc tuệ rạng soi. Cuộc đời Ngài, ngay từ khi mới chào đời đến lúc trút hơi thở cuối cùng, là minh chứng sáng ngời cho tinh thần và hành động cao cả của chánh pháp: đại từ bi, đại trí tuệ và đại nguyện lực. Chỉ cần nhìn lại và quán chiếu ba tinh thần và hành động ấy thôi cũng đã trở thành cơ hội lớn để chúng ta gạn lọc thân tâm. Kinh Thủy Sám đã từng nêu nỗi niềm tâm sự rất chung: “Chúng ta cùng với Bổn sư Thế Tôn đồng là phàm phu, vậy mà ngày nay Thế Tôn thành đạo trải qua kiếp số quá hơn cát bụi, còn chúng ta đây đam mê lục trần, lưu chuyển sinh tử, chưa thấy giải thoát. Điều ấy mới thật đáng xấu hổ nhất“. Nếu bạn vẫn chưa nhận ra sự xấu hổ thì chắc chắn sẽ ý thức được sự kém phước đức của mình đối với vĩ nhân ấy ở ngay đoạn sau đây:
Ta Bà thị hiện,
Thích chủng thọ sinh,
Thánh Ma Gia mộng ứng điềm lành,
Vua Tịnh Phạn phước sinh con thảo.
Ba mươi hai tướng tốt.
Đoạn này cung cấp thông tin con người lịch sử của đức Phật Thích Ca. Ngài sinh ra với thân phận Thái tử, với cha là vua Tịnh Phạn dòng họ Thích Ca, Sakya, mẹ là hoàng hậu Ma Gia. Ngay từ khi mới chào đời Ngài tự trang nghiêm mình bằng sự toàn hảo về phước đức và trí tuệ: ba mươi hai tướng tốt. Bởi sự biểu hiện của những nhân tướng tuyệt mỹ ấy mà tiên nhân A Tư Đà đã khóc ròng sau khi xem tướng thái tử và tuyên bố đinh ninh rằng: chính con người này sẽ trở thành một bậc vĩ nhân tối thượng. Ông khóc nấc. Ông đã quá già và không thể sống đến ngày được nghe vĩ nhân ấy thuyết pháp. Chúng ta may mắn hơn ông ấy trong sự gặp và nghe chánh pháp. Nhưng ít ai trong chúng ta khóc và tiếc như ông ấy trong mỗi lần kỷ niệm Phật đản sanh. Ôi tiền nhân và hậu thế, ai cũng có nỗi niềm vinh hạnh rất riêng!
Không những chỉ rõ đức Phật là một con người mang đầy đủ tính lịch sử, đoạn thứ tư này còn gián tiếp giúp ta quán chiếu thân tâm. Ai kia là thái tử mà đã vất bỏ tất cả ngai vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan, để xuất gia học đạo? Còn ta thế nào? Ai kia sở hữu vô vàn tinh hoa sắc đẹp và trí tuệ tuyệt đỉnh mà vẫn buông xả hết, để dấn thân vào con đường vô ngã vị tha? Hỏi mình ra sao? Người ta con vua mà dám đi tu; còn mình con bác sĩ đã vội tự cao tự đắc. Người ta thành công mọi mặt mà vẫn khiêm tốn nhẫn nhịn; trong khi mình thất bại dẫy đầy mà chưa một lần cúi đầu nhường bước. Quán chiếu như vậy may ra khích lệ chúng ta tinh tiến đôi chút trên con đường thăng tiến tâm linh. So sánh như trên nhằm cạo gọt bớt phần nào tham sân chấp ngã vốn đeo đẳng theo ta từ muôn kiếp nào. Chúng ta hãy tiếp tục soi chiếu mình vào tấm gương trong vắt của cuộc đời bậc vĩ nhân mà hôm nay chúng ta lễ bày kỷ niệm:
Vừa mười chín tuổi xuân,
Lòng từ ái cực thuần,
Chí xuất trần quá mạnh.
Ngai vàng quyết tránh,
Tìm lối xuất gia,
Sáu năm khổ hạnh rừng già,
Bảy thất nghiêm tinh thiền tọa.
Chứng thành đạo quả,
Hàng phục ma binh,
Ba cõi đều dậy tiếng hoan nghênh,
Muôn vật thảy nhờ ơn tế độ.
Đoạn thứ năm mô tả tóm tắt hành trình sau khi đản sanh đến lúc thành đạo của đức Bổn Sư muôn vàn yêu kính. Hành trình ấy: xuất gia, khổ hạnh, thiền định, hàng phục ma quân và thành đạo, đã trở thành nguồn cảm hứng tu hành bất tuyệt cho bao thế hệ Phật tử. Hôm nay, ngày Khánh đản, chúng ta ôn lại hành trình đó để thực tập những công hạnh: mở rộng lòng từ ái cực thuần, nung nấu chí xuất trần, quyết tránh dục lạc thế gian, nuôi dưỡng hạnh xuất gia, tu khổ hạnh, nỗ lực tinh nghiêm thiền tọa. Nếu một lòng dũng mãnh làm theo những điều đó thì chắc chắn một ngày nào đó ba cõi dậy tiếng hoan hô ta, và muôn vật thảy nhờ ơn tế độ của ta. Đây không phải viễn cảnh vô vọng mà là cuộc viễn hành đầy hữu vọng. Vô hay hữu tùy thuộc vào sự chuyển hóa nội tâm theo gương đức Cha Lành của chúng ta.
Ba cõi hoan nghênh không phải Ngài sở hữu vàng son gấm vóc, mà vì Ngài là hiện thân của con đường tình thương và sự tỉnh thức. Muôn vật thảy nhờ ơn cứu độ bởi Ngài tự giác mà vẫn không quên giác tha giác hạnh viên mãn. Tiếng hoan nghênh kia, hơn 2556 năm, vẫn thường âm vang như sóng hải triều. Ơn cứu độ ấy, dẫu bao thăng trầm lịch sử điêu linh, mãi khắc sâu trong thâm tâm vạn loại hơn cả vầng nhật nguyệt chói lòa. Đức Bổn Sư xứng tánh ứng sự hoan nghênh ca ngợi của ba cõi chúng sanh. Đấng Từ Phụ tùy duyên cảm tâm thành kính biết ơn khắp vạn loại hữu tình. Bởi ước mong xứng tánh và tùy duyên đó mà hôm nay chúng ta phát tâm:
Chúng con nguyền,
Dứt bỏ dục tình ngoan cố,
Học đòi đức tánh quang minh.
Cúi xin Phật Tổ giám thành,
Từ bi gia hộ.
Chúng con cùng pháp giới chúng sanh
Chóng thành đạo cả.
Đoạn cuối cùng, thứ sáu, đúc kết tinh hoa sự nghiệp tu hành để làm món quà ý nghĩa nhất cúng dường ngày Phật đản sanh. Tinh hoa ấy, món quà ấy chỉ gói gọi trong hai câu: dứt bỏ dục tình ngoan cố và học đòi đức tánh quang minh. Và đây cũng là thâu tóm toàn bộ những nốt nhạc căn bản nhất của khúc ca chuyển hóa.
Phải chăng vì ngoan cố chạy theo dục tình nên chúng ta sa chân vào hố sâu phiền não? Có hay không bởi thờ ơ với những đức tánh cao đẹp mà chúng ta dẫy đạp trong biển rộng vô minh? Dục tình ngoan cố hay lòng ta thiếu dũng cảm tự tin? Đức tánh quang minh hay tâm ta tham sân chấp ngã? Ôi, ai can đảm vất bỏ gánh nặng ổ oan để gia nhẹ bay cùng trời xanh mây trắng? Trời, kẻ nào dám bước tới tận sào vực thẳm chết một lần để vạn kiếp hùng anh? Ta tuy chưa dứt bỏ ngay lập tức dục tình thì ít ra cũng nên ý thức tình là dây oan để đừng kết thắt thêm nữa. Ta dẫu chưa đủ dũng khí hành động theo đức tánh quang minh thì cũng nguyện hướng tâm về nẻo thiện tu là cội phúc. Như thế may ra chúng ta mới cảm nhận được sự chứng minh và gia hộ của chư Phật. Duy nhất con đường dứt bỏ dục tình ngoan cố và học đòiđức tánh quang minh ấy mới giúp chúng ta chóng thành đạo quả.
Sám Khánh đản mở đầu với tâm trạng hoan hỷ và tôn kính ba ngôi Tam Bảo để rồi kết thúc với ý chí dũng mãnh tự tin. Toàn bộ dòng chảy nghĩa lý xuyên suốt trong từng câu từng lời phô bày tâm chí người con Phật. Tâm chí ấy khởi đầu bằng sự quán chiếu tình trạng bản thân để thấy mình thiếu cái gì. Tiếp theo, tâm chí ấy được soi sáng qua hình ảnh đức Phật lịch sử nhằm phát khởi những tâm nguyện và hành vi cao đẹp. Cuối cùng, tâm chí ấy đúc kết với một hành động thề nguyện dứt khoát: dứt bỏ Phàm tình và noi theo Phật hạnh. Đức Cha lành của chúng ta đã đản sanh từ tâm chí ấy. Hôm nay, tưởng niệm ngày bậc Vĩ nhân ra đời, bài Khánh đản gợi lại tâm chí ấy để hướng dẫn cuộc đời chúng ta.
Từ sâu thẳm tâm hồn khơi dậy nhiều nỗi niềm tâm trạng mỗi lần tụng bài sám Khánh đản. Hổ thẹn thân phận. Tri ân báo ân. Khấn khích ý chí. Tức giận bản thân. Tự mừng cho mình. Giận mình biết dục tình ngoan cố nhưng nhiều khi vẫn chần chừ chưa dám dứt bỏ. Tức bản thân ý thức đức tánh quang minh song lắm lúc vẫn xem thường giác tánh để hành động gian tà. Hỗ khi thấy mình còn đầy tình ái si mê, sống trong ngục tù ân oán với trăm dây phiền não mà cứ tưởng thiên đường tịnh độ. Thẹn rằng mình đang thiếu phước và đã nhiều kiếp xoay vần trong ổ oan gia mà lắm lúc vẫn tự tung tự tác. Đúng là chúng ta sống trong thế giới thiếu nhơn lành, đang sa đọa và nghiệp báo không cùng. Song, đâu đó vẫn lóe lên một niềm tin mãnh liệt, đủ để quên đi và vượt qua mọi gian nan trở ngại. Tự mừng cho mình đã có lối đi. Chúng ta đã có đường về chứ không phải quên hẳn đường về.
“…Lối đi về đuốc tuệ thường soi, tiếng từ âm mãi thường vang, đường đi trải ánh nắng vàng…”
Chánh Trí
Công Đức Tắm Phật
Trong Kinh Dục Phật Công Đức có chép về tắm Phật có 15 công đức:
"... Những ai chí tâm cúng dường như thế sẽ có được mười lăm công đức thù thắng sau:
1. Thường biết tàm quý;
2. Phát khởi niềm tin thanh tịnh;
3. Tâm ngay thẳng;
4. Được gần gũi bạn lành;
5: Chứng huệ vô lậu;
6. Thường gặp chư Phật;
7. Luôn hành trì chánh pháp;
8. Làm đúng với lời nói;
9. Tuỳ ý sanh vào quốc độ chư Phật;
10. Nếu sanh trong nhân gian thì sanh vào dòng họ tôn quý, được người khác tôn kính, khởi tâm hoan hỷ;
11. Nếu sanh trong nhân gian thì tự nhiên biết niệm Phật;
12. Không bị ma quân gây tổn hại;
13. hay hộ trì chánh pháp trong thời mạt pháp;
14. Được chư Phật trong mười phương gia hộ;
15. Mau thành tựu được năm phần Pháp thân."
Nói sao cho hết công đức của Phật,
trong kinh thường dạy "công đức của Phật không thể nghĩ bàn".