;
(Bài học khuất sĩ)
Con người cái ý vốn hai,
Khi mừng khi giận, đổi thay không lường
Vội vàng khi ghét khi thương,
Khi vui, vui ngất, khi buồn buồn hiu.
Muốn, ưa tạo sắm đủ điều,
Rồi khi chê chán bỏ liều như chơi!
Pháp nương tương đối không rời,
Do hai lẽ ấy ý đời phát sanh.
Dẫy đầy ngoại cảnh chung quanh,
Càng nuôi tạo ý trưởng thành thêm lên.
Thói đời càng nhiễm càng quen,
Bụi đời càng đóng càng đen tinh thần.
Nhiều năm chung lộn trong trần,
Ý mình còn giữ riêng phần được đâu?
Chịu mang ảnh hưởng từ lâu,
Ý căn thôi đã ăn sâu lắm rồi.
Nếu ai nhận ý là tôi,
Tức thì bị ý cuốn lôi luân trầm.
Dắt đi theo nẻo lạc lầm,
Đọa chìm vào cõi tối – tăm mịt – mờ !
Nghiệp nhơn tội quả bao ngờ,
Biết chi phương hướng bến bờ là đâu !
Lướt theo ý dục mong cầu,
Đèo cao băng vượt, biển sâu lao mình!
Con đường sinh tử, tử sinh,
Ra vào lui tới thân hình đổi thay.
Luân hồi trong cõi trần ai,
Cũng vì cái ý chuyển day không ngừng.
Lên cao xuống thấp vô chừng,
Cũng vì cái ý lẫy lừng buông lung.
Ý năng chế ngự oai hùng,
Người người răm-rắp phục – tùng vâng theo.
Nguồn đời nước chảy thận chiều,
Cảm thương cái bọt riu – riu xuôi dòng!
Mấy ai cũng ý, nén lòng,
Vượt nguồn dục vọng, thoát vòng muốn ham.
Tịnh tâm bớt nói, ngưng làm,
Lần lần nhập thánh, siêu – phàm từ đây.
Đừng lòng cố chấp riêng tây,
Cũng đừng tính có ý nầy, ý kia.
Ta người đừng tính phân chia,
Có không đừng tính, đoạn lìa hai bên.
Như thường, như vậy, như nhiên,
Như như chẳng động không thiên, không dời.
Sự duyên thì đạo khác đời,
Lý – chơn đời đạo không rời, không xa,
Chấp không, chấp có rầy – rà,
Đến khi vô chấp mới hòa- thuận nhau.
Sao sao thôi cũng là sao,
Sự chi cũng vậy, thế nào cũng xong!
Tâm không vạn sự đều không,
Tâm chơn - vạn pháp thảy đồng qui chơn.
Học đòi theo bậc Thánh – nhơn
Phải trừ tâm vọng mới hườn bổn nguyên.
Vọng tâm là ý tư riêng,
Thất – tình lục – dục một tên khác gì.
Thường nên kiểm - soát hành - vi,
Khi ăn, lúc nói, đứng, đi, ngồi, nằm.
Đừng cho vọng ý phóng tâm,
Phải dùng giới - luật buộc cầm khít khao.
Tuy không thấy ý chỗ nào,
Nhưng khi động tác ý xao ra ngoài.
Nếu ai thiền định hoài hoài,
Ấy là ý - mã bị cai trị rồi.
Bằng ai giải – đãi buông trôi,
Trách sao ý – mã chẳng lôi xa đường
Vậy nên hãy rán kiềm cương.
Giờ giờ, phút phút, phải thường soi tâm.
Lặng lờ giữ vẽ trầm ngâm,
Tánh dè dặt kín, nét đằm thắm nghiêm.
Luôn luôn đôi mắt phải kềm,
Đừng hay nhìn liếc kiếm tìm chi chi…
Ngó ngay xuống bước chân đi,
Ngó vào tâm trí luôn khi không rời!
Lỗ tai phải để thảnh thơi,
Chớ ham nghe ngóng tiếng lời ai ai…
Nghe kinh, nghe pháp, nghe bài,
Nghe vào tâm trí đăng hay sữa mình.
Mũi thường phải ngửi mùi thanh,
Ấy mùi đạo lý thơm lành hương đưa.
Ngửi lâu càng mến càng ưu,
Ngửi vào tâm – trí để ngừa nhiễm ô!
Lưỡi dầu phải nếm vị thô,
Cũng đừng chê trách thích đồ cao - lương.
Nếm là nếm vị chơn thường,
Nếm bằng tâm trí tỏ tường nghiệm suy.
Thân như xúc đối thức chi,
Tay chân kiềm chế trong khi đụng sờ,
Sờ thiên - lý nắm huyền – cơ,
Sờ chừng tâm trí xem hờ kẻo quên.
Ý đừng vọng tưởng rối ren,
Thường năng quán – xét nhân – duyên tao – phùng.
Tưởng suy tham - cứu tột cùng,
Tưởng gom tâm trí tập trung điển lành!
Phàm trong sự thể tu – hành,
Đừng buông cái ý tung – hoành tự do.
Bước đầu bổn phận làm trò,
Cả thân - tâm - trí dâng cho người thầy.
Mặc người uốn nắn chuyển xoay,
Đặng mình diệt hẳn riêng tây ý xằng.
Sống trong giáo hội chư Tăng,
Không còn tư ý mới năng thuận hòa.
Đừng làm trái ý người ta,
Cũng đừng tự ý kiêu xa của mình.
Mới mong thực hiện hòa – bình,
Nhờ nơi giáo – giáo pháp chương – trình in khuôn.
Chẳng ai ý lộng tâm buông,
Mỗi người nắn đúc tròn vuông thành phần.