;
Cần phải định nghĩa thế nào là mê tín dị đoan một cách rõ ràng, chi tiết, chặt chẽ. Nếu không thì sẽ dẫn đến việc vận dụng pháp luật một cách tùy tiện, chủ quan.
“Gọi vong” - hình thức tín ngưỡng dân gian lâu đời ở Việt Nam, khi khúc xạ vào trong một số chùa, đặc biệt là ở miền Bắc thì nó thường được kết hợp với những giáo lý Phật giáo và đã được thực hiện như một phương pháp hóa giải oán kết giữa những người đã chết và những người còn sống với tên gọi “Pháp thỉnh oan gia trái chủ”.
Hóa giải oán kết bắt đầu bằng sự chủ động tu tập theo Phật pháp của những người còn sống để hồi hướng công đức cho những người đã chết. Việc tu tập được thực hiện 49 ngày trước khi thỉnh oan gia trái chủ và tiếp tục sau đó. Sự tự nguyện cúng dường và làm công quả không đủ để chuyển nghiệp. Tu tập theo Phật pháp mới chuyển được nghiệp theo đúng lý nhân quả: “Tu là chuyển nghiệp” như lời dạy của Hòa thượng Thiền sư Thích Thanh Từ - thầy của sư Thái Minh trụ trì chùa Ba Vàng.
Nhóm phóng viên báo Lao động đã bỏ qua quy trình tu tập mà chỉ chộp lấy sự kiện thỉnh vong – thời khắc tìm hiểu nguyên nhân và giải pháp hóa giải oán kết, tách ra khỏi tổng thể để đưa thành sự kiện giật gân. Bị đầu độc bởi sự kiện giật gân này, các sư khác trong Giáo hội cũng thi nhau đăng đàn lên án chùa Ba Vàng mà không cần tìm hiểu bản chất của “Pháp thỉnh oan gia trái chủ” tại chùa Ba Vàng.
Do chùa Ba Vàng không tán thành sát sinh, đốt vàng mã và dâng sao giải hạn nên khi thực hành hóa giải oán kết, những người còn sống không được “chiều vong” theo hướng làm tăng trưởng tham, si và trói buộc những người đã chết trong cảnh giới khổ đau. Những người còn sống không nhằm thỏa mãn tham cầu để đắm chìm trong dục lạc thế gian mà nhằm được “thuận duyên trong các công việc để an ổn tu tập theo pháp của người Phật tử tại gia”.
Mục đích tối hậu của thỉnh oan gia trái chủ là người còn sống và người đã chết “từ nay cho tới vô lượng kiếp về sau cùng tu tập theo giáo pháp của Phật cho tới ngày được thành Phật”. Đây là lời bạch hàng ngày của họ trước bàn thờ gia tiên và trước Tam Bảo trong suốt quá trình hóa giải oán kết.
Như vậy, “pháp thỉnh oan gia trái chủ” tại chùa Ba Vàng khác về bản chất so với “gọi vong” trong tín ngưỡng dân gian đang được thực hiện ở các đền, điện, miếu, phủ và một số chùa trên cả nước. Tại chùa Ba Vàng, người thỉnh vong là người thực hiện lí tưởng Bồ tát Địa tạng “Rung tích trượng mở toang địa ngục, nâng minh châu soi khắp đại thiên”. Khép lại quá khứ oán thù, mở ra tương lai hòa ái, trở nên những người bạn đạo, đi chung một đường, cùng chung một lý tưởng là một trong những hình ảnh đẹp nhất của tinh thần Phật giáo. “Pháp thỉnh oan gia trái chủ” có cơ sở luận trong kinh, sách Phật giáo Nguyên thủy cũng như Đại thừa vì những kinh sách ấy công nhận có “vong”, “vong nhập” bằng những thuật ngữ tương đương. Nói cách khác, chùa Ba Vàng đã đưa tuệ giác vào tín ngưỡng dân gian “gọi vong”, hướng những người con Phật đến giác ngộ, giải thoát, vì vậy, về giáo lý không phải là mê tín, dị đoan.
Về pháp lý, “Pháp thỉnh oan gia trái chủ” có phải là mê tín, dị đoan hay không, cần có văn bản giải thích luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, không phụ thuộc vào quan điểm của bất cứ cá nhân, cơ quan, tổ chức nào khác.
Vai trò của chùa Ba Vàng là tổ chức kết nối và hướng dẫn những người còn sống và những người đã chết nương vào pháp lực Tam Bảo hóa giải oán kết để cùng nhau tu hành theo chính pháp. Để làm được việc đó, chư tăng chùa Ba Vàng phải có hạnh nguyện cứu độ chúng sinh trong thế giới nhân cũng như phi nhân và đặc biệt, phải có đạo hạnh, giới đức nghiêm minh.
Không phải ai cũng dám đối diện và giao tiếp với vong vì “linh” là một năng lực của vong – “vong linh” có thể biết và tố cáo trước đại chúng sự bất tịnh của tăng – người đang khai thị cho vong. Chính sự “căng thẳng” đó khiến chư tăng chùa Ba Vàng càng phải nỗ lực trì giới, tinh tấn tu hành. Nhiều Phật tử tin chùa Ba Vàng không phải là nơi kinh doanh tâm linh mà là nơi tu học, chùa Ba Vàng thực hiện “Pháp thỉnh oan gia trái chủ” không phải trục lợi, mà chỉ là sự từ bi phương tiện của chư tăng trên con đường đi đến giác ngộ, giải thoát, đã dừng lại cứu vớt họ. Sau khi “thỉnh oan gia trái chủ” và tu tập theo Phật pháp họ đã khỏi một số bệnh nan y, bỏ được tệ nạn, sống đạo đức, hạnh phúc, an vui và có trách nhiệm hơn với gia đình và xã hội. Đây là đóng góp lớn của chùa Ba Vàng cho một đất nước còn nhiều vấn nạn về sức khỏe và đạo đức.
Nhiều Phật tử công khai tri ân và bày tỏ sự tin tưởng vào sư Thái Minh và chư tăng chùa Ba Vàng – những người thực hiện hạnh đầu đà, trường chay ngày một bữa, chỉ có ba y mấy năm chưa thay mới, rách thì vá lại, không có tiền riêng, không dùng điện thoại riêng, thay nhau vào rừng thực hiện hạnh độc cư, viễn ly sự ồn náo, chuyên tâm thiền quán, rèn luyện khổ hạnh để có ý chí, nằm ngủ không quá ba đêm dưới một gốc cây để từ bỏ tâm ái chấp.
Chùa Ba Vàng từ một ngôi chùa gạch nhỏ bé, khuất lấp đã được chính sư Thái Minh xây dựng với sự chung tay của cộng đồng, trở nên to lớn, hùng vĩ như ngày nay chủ yếu dành cho Phật tử tu tập. Cha mẹ sư Thái Minh cũng thực hiện nếp sống tu hành giản dị ở một miền quê, trong một căn nhà cấp bốn dột nát, bốn mươi năm chưa sửa lại. Nếu chư tăng chùa Ba Vàng là những kẻ “trục lợi niềm tin” hay làm thuê cho đại gia, lấy tiền công đức để trả cổ phần cho nhà đầu tư thì không cần phải “khổ nhục kế” như vậy.
Cả Nhà nước, Giáo hội và Báo chí đều không xem xét quan điểm nói trên của khối Phật tử chùa Ba Vàng – chủ thể có quyền lên tiếng về sự tự nguyện cúng dường, làm công quả và hiệu quả của “pháp thỉnh oan gia trái chủ”; thậm chí phóng viên báo Lao động còn xúc phạm họ là “u mê”.
Đối với một hiện tượng có thật trong thế giới khách quan như hiện tượng “vong”, khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam không phủ định còn khoa học chưa giải thích được thì không nên vội vàng bác bỏ mà cần nghiêm túc nghiên cứu.
Việc nâng cao sức khỏe cộng đồng bằng khả năng đặc biệt đã được nghiên cứu ở nhiều nước trên thế giới. Việt Nam cũng cần nghiên cứu khả năng ứng dụng của “pháp thỉnh oan gia trái chủ”, kết hợp Phật học với y học trong việc trị liệu bệnh, tôn trọng niềm tin, đáp ứng nguyện vọng chính đáng và quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân theo quy định của Hiến pháp.
Mục đích có thể biện minh cho phương tiện, nếu chỉ vì “pháp thỉnh oan gia trái chủ” “không đúng với nghi lễ Phật giáo truyền thống” mà bác bỏ không cần nghiên cứu là một thái độ phản khoa học và vô trách nhiệm.
Quá trình thực hiện “Pháp thỉnh oan gia trái chủ” tại chùa Ba Vàng không tránh khỏi sơ suất nhưng không làm thay đổi bản chất tốt đẹp của nó. Trong cơn bão truyền thông cuồng nộ trút xuống chùa Ba Vàng, bản chất lương thiện của “pháp thỉnh oan gia trái chủ” không được đề cập.
Vì vậy, mọi kết luận và biện pháp xử lý dựa trên những thông tin phiến diện, một chiều, định hướng buộc tội, thiếu khách quan, toàn diện và đầy đủ đều là những kết luận và biện pháp vội vàng, thiếu căn cứ.
Nguyễn Mai