;
Báo chí Phật giáo Việt Nam đương đại, kể cả truyền thông bán chính thức trên mạng, có một nét đặc trưng lớn, là quá… hiền. Hiền đến mức tạo nên một khoảng cách với thực tế, tạo thành một không gian riêng, cách ly, tách biệt, xa rời cuộc sống.
Có phải vì hiền, nên báo chí Phật giáo trở nên… thoát tục? Nhưng, làm truyền thông, báo chí, mà thoát tục, thì sao có được hoạt động truyền thông báo chí thật sự? Đã thoát tục, tức cách biệt thực tế, không gắn bó với thực tế, thì sao còn là báo chí, là truyền thông.
Nhân ngày Báo chí Việt Nam 21/6, Báo Giác Ngộ số 749 có đăng bài của tác giả Chu Minh Khôi có nhan đề “Làm báo Phật giáo nhất định phải… hiền?”. Bài báo đã nêu được một vấn đề lớn của báo chí Phật giáo.
Dẫn nhận xét của tác giả Lê Thị Hồng Hạnh trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, trong luận án thạc sĩ “Báo chí Phật giáo Việt Nam thực trạng và vấn đề”, bài báo đã nêu: “nhược điểm lớn nhất của báo chí Phật giáo Việt Nam là: hình thức trình bày còn sơ sài, so với các lĩnh vực khác, các vấn đề thời sự đưa lên còn nghèo nàn, ít thông tin… nên chưa thu hút được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Đội ngũ phóng viên viết về Phật giáo cũng chưa thật “chuyên nghiệp” và hay né tránh những sự kiện thời sự của tôn giáo có liên quan đến ý thức hệ, quan điểm tư tưởng, chính trị… Đa số người viết là nhà nghiên cứu các bài viết có giá trị khoa học về lĩnh vực này, nhưng khi đề cập đến những mặt trái, góc khuất, bất cập của đời sống Phật giáo thì lại dè dặt hoặc lảng tránh”.
Trong một mạch suy nghĩ như thế, bài báo tìm đến vấn đề viết về những hiện tượng trái chiều trong Phật giáo và bước đầu tìm ra lời giải đáp: “Tôi cũng nhiều lần tự trăn trở với câu hỏi, viết về Phật giáo có nên cứ phải hiền, không được viết những vấn đề trái chiều? Một đồng nghiệp “ngoại đạo” chia sẻ cùng tôi: Trong thế giới Phật giáo cũng không thiếu gì những mặt thiếu sót, thế nhưng báo chí Phật
giáo, các websites của Phật giáo thường rất ít nêu lên, trong khi các báo chí ngoài Phật giáo thì cứ thấy có vấn đề gì nổi cộm là đưa lên tuốt. Chẳng hạn, những bất cập trong việc trùng tu di tích, những hình ảnh phản cảm ở các lễ hội Phật giáo, vấn đề dâng sao giải hạn xâm lấn vào chốn thiền môn… Tuy nhiên, các nhà báo “ngoại đạo” xông xáo “vào cuộc” thì phần lớn thiếu kiến thức chuyên môn về tôn giáo nên nhiều bài viết không khách quan, có phần phiến diện, thiếu chiều sâu. Trong tình huống như vậy, báo chí Phật giáo, các nhà báo am hiểu về đạo Phật không nên đứng ngoài cuộc, mà cần phải thẳng thắn viết các vấn đề nhạy cảm đó dưới góc nhìn và kiến thức Phật giáo để cho đem đến cho độc giả cái nhìn khách quan, đúng đắn, định hướng được dư luận. Mặt khác, nếu báo chí Phật giáo chỉ đưa thông tin một chiều về những điều hay trong thế giới Phật giáo, né tránh những mặt trái, sẽ khiến độc giả dần mất niềm tin vào sự khách quan của dòng báo chí này”.
Hiện tượng mà bài báo nêu ra cùng nằm trong hướng đặt vấn đề của bài viết này: Báo chí Phật giáo có khoảng cách lớn với thực tế!
Báo chí Phật giáo “… cứ phải hiền, không được viết về những vấn đề trái chiều” Thực tế đó là đặc điểm chung của truyền thông Phật giáo. Kết quả “mất niềm tin vào sự khách quan của dòng báo chí này” là việc đương nhiên, tất yếu, ắt phải, không thể tránh khỏi.
Nhưng nếu làm truyền thông, làm báo chí, mà lại thiếu khách quan, làm “độc giả mất niềm tin”, thì còn là làm truyền thông, làm báo chí?
Báo chí, truyền thông không khách quan, không gây được niềm tin ở độc giả thì báo chí truyền thông hoàn toàn thất bại, sai lạc, tha hóa. Đó là tình trạng của báo chí truyền thông Phật giáo hiện nay.
Báo chí, truyền thông Phật giáo chỉ nhìn thấy hiện thực một chiều, theo một khuôn khổ ấn định trước, không thấy được thực tế chân thật đa chiều, không phát hiện được muôn mặt vấn đề của cuộc sống. Làm báo chí truyền thông như vậy không thể là làm báo, dù vẫn có báo in, trang web, hay bản tin truyền hình. Đó không phải là phản ánh hiện thực, mà gọt hiện thực lại theo một cái nhìn phiến diện, “phải đạo”.
Đúng là “phải đạo”, tất cả phải được trình bày một cách “phải đạo” với cách hiểu đạo Phật của riêng một số người. Vì vậy, mở những tờ báo Phật giáo, xem bản tin truyền hình Phật giáo, vào các trang web Phật giáo, thì người đọc, người xem cảm thấy thoát tục một cách tạm thời, thoát tục ảo giác, cách ly giây phút với thực tế cuộc sống. Như thế thì đương nhiên “khiến độc giả mất niềm tin vào sự khách quan của dòng báo chí này”, như lời nhà báo Phật giáo Chu Minh Khôi.
Đây là phút giây nhìn lại mình trong sự thật. Báo chí truyền thông Phật giáo là dòng báo chí truyền thông mà độc giả mất niềm tin vào sự khách quan. Còn sự thật nào phũ phàng hơn?
Cấm nói dối là một trong 5 trọng giới của người Phật giáo. Ấy vậy mà, giờ đây, trong bài viết đánh dấu ngày Báo chí Việt Nam, nhà báo Phật giáo đã nói lên sự thật về báo chí Phật giáo. Mà không có báo chí khách quan thật sự là Phật giáo không có báo chí truyền thông.
Đi vào thế giới báo chí Phật giáo, người ta ngây ngất trong hương khói, mõ chuông, kệ kinh, hoa trái dâng cúng, tĩnh lặng… Nhưng đó không phải là thế giới thực như nó đang tồn tại vận hành, mà chỉ là một phần rất chủ quan của thế giới. Chừng như những nhà báo Phật giáo đang ru nhau vào an lạc xuất thế. Vì thế “các vấn đề thời sự đưa lên còn nghèo nàn, ít thông tin”. Báo chí truyền thông Phật giáo như thế: nghèo thời sự, ít thông tin. Bởi đưa vào là chỏi ngay với cái tông xuất thế, an lạc, yên bình, chỉ có một chiều thuận của con đường lên cực lạc, ai nấy đều đang mỉm cười thỏa mãn, bình an trên tòa sen của mình.
Báo chí truyền thông nghèo thời sự, ít tin tức thì đâu phải là báo chí truyền thông. Với ấn phẩm, đó sẽ trở thành một dạng hợp tuyển những bài viết ghi lại suy nghĩ, tình cảm chủ quan. Chúng ta để ý, những bài trên báo chí truyền thông Phật giáo hầu hết không có thời gian tính, tức là đăng tải vào lúc nào, khi nào cũng được. Những bài viết như vậy không có tính báo chí. Mà tính báo chí là yêu cầu về thời gian. Đối với báo mạng hay truyền hình, người ta còn phải tính đến đơn vị giờ, phút, so với báo giấy là buổi hay ngày (24 giờ).
Nghèo thời sự, ít tin tức, thiếu khách quan là kết quả của những chi phối khách quan, hay là vì nguyên nhân chủ quan. Tôi nghĩ là do cả hai. Không phải chỉ vì hoàn cảnh, mà người làm báo Phật giáo có thể là đã không có tư duy báo chí thông thường, mà thay vào đó là quan điểm chủ quan khác, đồng thời cũng có thể là do kỹ năng chuyên môn truyền thông hạn chế, và một phần có lẽ còn là vì ở bạn đọc. Đây thuộc về phạm vi nguyên nhân, chúng ta sẽ tìm hiểu trong một bài viết khác.
Trong bài này, chúng tôi xin dừng lại ở đặc tính cơ bản của báo chí: trung thực. Báo chí mà bị nghi ngờ về sự khách quan là không trung thực. Mà báo chí Phật giáo không trung thực thì chẳng những không phải báo chí, mà còn không phải Phật giáo.
Thông tin riêng: vinasat132@yahoo.com hoặc www.facebook.com/cusiminhthanh
Diệu Hiếu
Mỗi tờ báo có một tiêu chí riêng nên việc báo chí Phật giáo không đề cập tin tức thế sự hàng ngày theo không nên qui chụp như vậy là hiền quá, hay là né tránh . Điều những nhà báo hay Phật tử làm báo viết bài cho các tờ báo Phật giáo cần làm nên chăng là phải biết đổi mới, vận dụng nhuần nhuyễn tư tưởng đạo Phật nhập thế để có những bài viết thiết thực hướng dẫn tâm linh trong đời sống thường ngày, gây dựng lòng tin - phân tích các vấn đề thời sự của cs dưới ánh sáng Phật pháp, hướng phật tử cũng như quần chúng nói chung sống tốt đời đẹp đạo . A di Đà Phật !
Phuoc dai Hoang
Biết làm răng chừ.
Thích 3 Trả lời 7/29/2016 6:46:19 PM