;
Hình minh họa - nguồn internet
Giáo lý Phật giáo đề cao phẩm hạnh người phụ nữ *
Vài suy nghĩ về ý nghĩa Đức Phật chế Bát kính pháp
Đức Phật thuyết kinh Pháp Diệt Tận
Bát Kỉnh Pháp là tám pháp mà vị Tỳ Kheo Ni suốt đời phải thọ trì, nếu không sẽ tự đánh mất bản thể Tỳ Kheo Ni. Phật dạy:
1. Một Tỳ Kheo Ni, dầu có trăm tuổi hạ khi gặp thầy Tỳ Kheo mới thọ giới Cụ Túc cũng phải chào hỏi, đảnh lễ và thực hành tất cả những bổn phận thích nghi đối với vị Tỳ Kheo.
2- Một Tỳ Kheo Ni không được khiển trách hay nặng lời đối với một vị Tỳ Kheo trong bất kỳ trường hợp nào.
3- Tỳ Kheo Ni không được ngăn Tỳ Kheo xét tội, thuyết giới, tự tứ hay nói lỗi của Tỳ Kheo. Trái lại, Tỳ Kheo được quyền cử tội Tỳ Kheo Ni.
4- Muốn thọ trì Cụ Túc Giới phải thông qua hai bộ Tăng: Tỳ Kheo Ni và Tỳ kheo
5- Nếu Tỳ Kheo Ni phạm tội Hữu Dư (Tăng Tàn) thì phải đến trước hai bộ Tăng thực hành pháp Ý Hỷ (Ma Na Đỏa) trong thời gian nửa tháng.
6- Nửa tháng phải đến bên Tỳ Kheo Tăng cần cầu dạy bảo.
7- Không được an cư kiết hạ ở địa phương nào không có Tỳ Kheo ở.
8- Khi an cư xong, phải đến Tỳ Kheo Tăng cầu ba sự tự tứ: Thấy, Nghe và Nghi.
Vì không chịu tìm hiểu kỹ, nên một số người nông cạn cho rằng Đức Phật trọng nam khinh nữ, bất bình đẳng theo lẽ nam nữ bình quyền như xã hội hiện nay. Từ đó phát sinh ra hệ lụy đòi bỏ Bát Kỉnh Pháp. Thậm chí, một số thành phần tri thức Phật Giáo chủ trương Bát Kỉnh Pháp không phải của Phật nói, do chư tổ đời sau thêm vào. Nhưng thực chất nội dung này được trình bày ở cả hai tạng Pali và Hán truyền. Nên tư tưởng đòi bỏ Bát Kỉnh Pháp vì lý do nào cũng là cực đoan.
Nhà sư nọ, thấy giới luật rườm rà muốn lược bớt, bị người đệ tử trách: ‘Cái gì thầy không giữ được thì đừng sửa đổi, để đó cho người sau ai giữ được thì giữ”. Dù chư Ni còn thọ trì hay không, thì không ai có quyền đòi bỏ Bát Kỉnh Pháp.
Vì khi thầy A Nan đến xin Phật cho nữ giới xuất gia, Đức Thế Tôn từ chối vì “nếu cho Ni giới xuất gia, thì chánh pháp Như Lai sẽ tiêu diệt trước 500, nếu không giữ Bát Kỉnh Pháp”. Nên ngày nào chư Ni còn giữ Bát Kỉnh Pháp, thì đạo Phật sẽ được tồn tại lâu dài. Chính Di Mẫu Kiều Đàm Di, vị Thánh Tổ đầu tiên của Ni giới đã chấp nhận, để được gia nhập vào Tăng Đoàn. Nếu vị Tỳ Kheo Ni nào phủ nhận Bát Kỉnh Pháp là phủ nhận nguồn gốc của mình.
Căn nguyên họ đòi bỏ Bát Kỉnh Pháp là xưa khác, nay khác, không thể lấy cái xưa áp dụng cho nay được. Bằng quan kiến phàm phu, thiếu thực tập, họ cho rằng, Đức Phật làm vậy, để tránh sự phản ứng dư luận xã hội "trọng nam, khinh nữ” đương thời. Nhưng họ quên rằng, những gì Đức Phật nói ra, đều là chân lý bất biến.
Đứng về mặt lịch sử, Đức Phật là người giải phóng phụ nữ đầu tiên trên thế giới, thông qua sự kiện Đức Phật cho người nữ xuất gia, thành lập giáo đoàn Tỳ Kheo Ni, đặt vị trí của phụ nữ lên ngang hàng với nam giới. Đó là bước tiến vĩ đại trong lịch sử nhân loại. Bằng lòng bi mẫn của bậc toàn giác, ngài đã chế ra Bát Kỉnh Pháp, nhằm bảo hộ đời sống tu học như pháp của Ni giới, dựa trên tập khí của phái nữ, nhằm đối trị tánh kiêu mạn và luyến ái của họ.
Kinh Đại Ái Đạo Tỳ Kheo Ni nói: “Nếu người nữ được làm Sa Môn, trì giới Cụ Túc một trăm tuổi, nhẫn đến được A La Hán cũng phải vì Sa Di tám tuổi mà làm lễ...Vì Sa Di Cụ Túc cũng được đắc A La Hán... Vì sao vậy? A Nan! Vì người nữ ngồi trên sự cống cao, dùng âm bất tịnh để lấn hiếp nam tử, do đó cho nên họ không được Đạo.”
Nên ngay từ đầu, Đức Phật mặc cho Di Mẫu ba phen thưa thỉnh, đợi thầy A Nan thỉnh cầu rồi mới cho Ni giới xuất gia vì ngài muốn khẳng định vai trò trưởng tử của chư Tỳ Kheo trong bảy chúng. Nếu không có thầy A Nan, sẽ không có Ni giới. Di Mẫu là người nuôi dưỡng Đức Phật từ tấm bé, lại là người hoàng tộc, nếu Di Mẫu sanh tâm khinh mạn và tất cả chư Ni đều ỷ lại nơi bà, không tôn kính Tăng, thì rất dễ làm Tăng đoàn mất hòa hợp.
Bát Kỉnh Pháp được chế định là nhằm ngăn chặn sự kiện chia rẽ thành lập hai Tăng đoàn. Chư Ni phải nương tựa chư Tăng về pháp luật để hoà hợp phát triển chứ không thể tách rời dẫn đến mất hòa hợp. Không những vậy, Bát Kỉnh Pháp còn ngăn ngừa không cho tình cảm giữa Tăng & Ni phát sanh, làm mất thanh tịnh của Tăng đoàn.
Lúa chín là ngọn lúa cúi đầu. Đạo Phật là đạo vô ngã, tri hành hợp nhất. Nếu một vị Ni thực hành Bát Kỉnh Pháp là tự bảo vệ mình tránh xa tâm ái nhiễm, ngã mạn mà còn dễ dàng đạt đến giải thoát. Những ai phủ nhận Bát Kỉnh Pháp là thuận với phàm tình, tự trái ngăn Thánh đạo. Nếu chỉ bằng học lý mà dám lên án đức Phật bất bình đẳng với phụ nữ là cạn cợt ngông cuồng. Như Đức Phật không cho phép chư Ni an cư xa chỗ chư Tăng, cũng tránh để chư Ni bị bức hại. Đó chẳng từ bi là gì? Nếu Bát Kỉnh Pháp được chế định theo hoàn cảnh xã hội thì có thể thay đổi, tuy nhiên đã chế định theo tâm sinh lý của nữ giới thì bao giờ tập khí nữ giới thay đổi thì giá trị của Bát Kỉnh Pháp mới thay đổi.
Bằng nói tới bình đẳng là nói tới nhân quả. Bình đẳng không có nghĩa là cào bằng. Thật tế, trong bình đẳng luôn có sự phân biệt, trong phân biệt luôn có lý bình đẳng. Giữa Nam và Nữ cùng là người nên bình đẳng. Nhưng vì tâm sinh lý nam khác với nữ nên sự phân công lao động trong xã hội có khác, kết quả có khác, không thể thay đổi. Nên giới luật đức Phật đặt ra cho Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni cũng vậy, cùng là Sa Môn, đồng khả năng đắc thánh quả, nhưng vì nghiệp lực bất đồng, nên giới luật có sự sai biệt khác nhau.
Do đó, trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa, dù Long Nữ bay qua cõi nước Vô Cấu, biến thành thân nam tử mới thành Phật. Bằng dựa vào Ni Sơn Mạt Sơn khai thị cho Hòa Thượng Quán Khuê, để viện lý do Ni làm thầy Tăng, đó là cực lầm. Vì Phật tánh đồng nhưng biệt tướng sai khác. Đâu thể giác ngộ rồi mà chủ trương dẹp bỏ tất cả trật tự thế gian. Hơn nữa ai đủ khả năng ngồi trên luật Phật? Ngay cả bậc giác ngộ như đức Phật mà vẫn còn cãi lại thì thử hỏi mình đang là hậu duệ nối pháp của ai? Sự kì đặc trong thiền tông chỉ để pháp chấp. Bằng chấp vào đó chỉ là phàm phu mê muội, chưa rõ lý sắc không.
Như vậy, Phật chế Bát Kỉnh Pháp vì ngăn ngừa lỗi Phá Hòa Hợp Tăng, vì đối trị tập khí và bảo vệ chư Tỳ Kheo Ni. Bên cạnh đó, cũng nhằm sách tấn các vị tân Tỳ Kheo lo tu học để xứng đáng với sự tương kính của quý Ni, tránh để rơi vào tình trạng bị chư Ni Yết Ma " Không cúng dường, Không đảnh lễ, Không chào hỏi" một Tỳ Kheo thiếu đức độ. Quả là đức Phật không hề bất công với ai cả.
Giấy rách phải giữ lấy lề. Sở dĩ chư Ni có vị không chịu giữ Bát Kỉnh Pháp vì chưa hiểu được lợi ích của đức Phật dành cho mình, nên có ý kiến bỏ Bát Kỉnh Pháp, vì thực trạng xảy ra như hiện nay là điều vội vã, thiếu chính chắn. Hãy để cho người sau thọ trì.
Chí Ngu