;
Qua sự tiếp xúc với một người thầy chúng ta sẽ không còn quán thấy Đức Phật như một huyền thoại nữa mà đấy sẽ là một kinh nghiệm cảm nhận đích thật, và những kinh nghiệm ấy thì tất cả mọi người đều có thể cảm nhận được.
Ngược lại nếu không có một người thầy hướng dẫn thì dù cho có cố gắng tu tập cách mấy đi nữa thì hình như chúng ta vẫn cứ cảm thấy còn thiếu một cái gì đó trong các kinh nghiệm cảm nhận của mình, và cũng sẽ rất khó cho chúng ta hoàn toàn vững tin vào những cảm nhận ấy (người thầy là một "cơ sở cụ thể" để chúng ta nhìn vào và để trông thấy Phật).
Nhờ những gì mà người thầy chỉ dạy chúng ta, chúng ta sẽ nắm bắt được cội nguồn giáo lý mênh mông của Phật Giáo. Chúng ta sẽ không còn cảm thấy là mình đang đứng trước một thư viện khổng lồ nữa mà đã nắm được trong tay chiếc chìa khóa để giúp mình bước vào. Người thầy là hiện thân của một sự hiểu biết mạch lạc về Đạo Pháp do chính vị ấy đã phát huy được qua kinh nghiệm của mình trên đường tu tập.
Hơn nữa người thầy phải luôn tìm cách đối thoại với từng người, và phải giảng giải như thế nào để có thể hồi đáp được sự mong đợi của mỗi người, của chính bạn, của cá nhân bạn - Dharma (Đạo Pháp) qua sự hiện diện mang tính cách cá nhân đó của một người thầy sẽ trở nên cụ thể và sinh động hơn.
Dù sao thì cũng phải giữ một sự thận trọng nào đó, phải tránh các thứ ước mơ và ảo tưởng khi nhìn vào người thầy, đấy là những gì dễ khiến cho chúng ta bị lạc hướng. Người thầy không phải là một ngôi sao màn ảnh mà bạn phải tôn sùng như một thần tượng. Sử dụng sự mê hoặc không phải là một cách hành xử đúng đắn, thế nhưng đấy lại là những gì thường thấy xảy ra trong chốn chùa chiền. Vị thầy uy nghi trên bục giảng và thật khó để đến gần. Bạn đến chùa là để thán phục vị thầy không phải là để tiếp xúc với vị ấy. Con đường đó không phải là con đường của Dharma (Đạo Pháp) mà chỉ là con đường của chính trị.
Một trong các ảo tưởng thường thấy xảy ra trong thế giới Tây Phương là khi đã là thầy thì tất nhiên là đã đạt được giác ngộ. Càng ít dịp để tiếp xúc với người thầy thì bạn lại càng dễ tạo ra cho mình nhiều hình ảnh tưởng tượng về vị ấy. Một người thầy càng có vẻ xa lạ, càng tỏ ra cách biệt với bạn thì mọi thứ ảo tưởng của bạn về sự giác ngộ của vị ấy lại càng dễ để phát sinh ra hơn.
Thật ra thì cũng chẳng có gì là rắc rối lắm. Một người thầy đích thật là một người mà ngôn từ khi thốt ra có thể mang bạn đến gần với giáo huấn của Đức Phật. Nguyên nhân khiến không thể đến gần được với một vị-thầy-siêu-sao chính là vì sự ngưỡng mộ của bạn đối với vị ấy đã được thành hình dựa vào sự cách biệt giữa tính cách vĩ đại của vị ấy và sự tầm thường của bạn. Một người thầy đích thật thì lúc nào cũng chỉ nghĩ đến là phải làm cách nào để có thể giúp bạn tìm thấy được sự vĩ đại của chính bạn. Vị ấy giảng dạy cho bạn chính là để giúp bạn nhận thấy được là Dharma (Đạo Pháp) đang hiện hữu trong lòng đôi bàn tay của bạn. Đức Phật cũng chẳng ở đâu khác hơn là trong con tim của chính bạn.
Thế nhưng một vị thầy chỉ có thể giúp bạn khi nào bạn biết mở rộng lòng mình để đón nhận vị ấy và thừa nhận vị ấy là một người thầy. Nếu bạn nghĩ rằng người giảng dạy cho bạn chỉ là một người dốt nát thì bạn cũng sẽ nhận được những lời giáo huấn của một người ngu đần. Nếu bạn cho rằng vị giảng huấn cho bạn là một người hiểu xa biết rộng thì bạn cũng sẽ nhận được sự truyền thụ của một người uyên bác. Nếu bạn nghĩ rằng người thầy chính là người đã mở ra cho bạn cách cửa của Dharma (Đạo Pháp) thì bạn cũng sẽ đón nhận được giáo huấn của chính Đức Phật. Điều ấy thật hiển nhiên.
Người thầy trước hết phải là người biết hướng dẫn bạn trong việc tu tập và giúp bạn tìm hiểu kinh sách dựa vào sự hiểu biết cũng như các kinh nghiệm của người ấy. Tóm lại đấy là cách mà người thầy vạch ra cho bạn một con đường đúng đắn.
Ở một cấp bậc cao thâm hơn thì người thầy sẽ giúp bạn biết mở rộng con tim của mình. Khi nhìn vào thái độ hành xử luôn trung thực của người thầy đối với Dharma (Đạo Pháp) thì bạn cũng sẽ phát lộ được sự trìu mến và tình thương yêu mà trước đây bạn chỉ biết nhốt chặt chúng trong đáy lòng mình. Người thầy luôn khuyến khích bạn phải bạo dạn và tự tin. Lòng trân quý Dharma (Đạo Pháp) của người thầy có khả năng lan tỏa sang người khác. Lòng trân quý đó sẽ biến cải được bạn.
Chỉ khi nào xảy ra sự gặp gỡ với tư cách hoàn toàn cá nhân giữa hai con người với nhau (giữa người thầy và người đệ tử với một sự riêng tư và bình đẳng nào đó) thì khi ấy người thầy mới có thể mang đầy đủ ý nghĩa của một người thầy. Đấy là một sự gặp gỡ của tình yêu thương. Một con tim hòa nhập với một con tim.
Nếu muốn biết là mình đã tìm thấy đúng vị thầy của mình hay không thì chỉ cần nêu lên một vài câu hỏi thật đơn giản. Mỗi khi được ở bên cạnh vị ấy thì đấy có phải là thêm một dịp khiến cho bạn cảm thấy mình muốn bước theo vết chân của Đức Phật hay không, tức có nghĩa là bạn có cảm thấy mình muốn được trau dồi thêm khả năng chú tâm của mình để quán thấy hiện thực với một ý nghĩa cao rộng hơn hay không? Những lời giảng dạy của vị ấy có giúp bạn tìm thấy sự tự tin nơi phẩm giá của chính bạn hay không? Vị ấy có chỉ dạy cho bạn con đường thiền định hay không? Vị ấy có hàn huyên với bạn một cách ngay thật và không tìm cách ẩn náu phía sau cái vẻ đạo mạo của mình hay không? Vị ấy có tận tình giúp bạn kết nối với một dòng truyền thụ nào hay không? Vị ấy có đủ sức để trả lời "không" với tất cả sự dịu dàng nhưng đầy quả quyết nhằm để giúp bạn biết tự vấn lấy mình hay không? Đấy là các câu hỏi sẽ giúp bạn tìm thấy được một người thầy.
Lắm khi cần phải để ra một thời gian dài để tìm được một vị thầy mà mình có thể đặt hết lòng tin. Dù cho mất thì giờ thì cũng vẫn hay hơn. Không thể nào hấp tấp được. Thế nhưng một khi sự tin tưởng đã phát động trong lòng mình thì khi đó nhất thiết phải hỏi người thầy cho thật rõ ràng là có sẵn sàng chấp nhận bạn làm đệ tử của vị ấy hay không? Nếu vị ấy chấp nhận thì khi đó sự tương kết mới có thể xảy ra được. Sự tương kết đó tuy đơn giản nhưng mang đầy xúc động.
Nếu thật sự bạn muốn tìm cho mình một vị thầy thì phải loại bỏ ngay mọi ý nghĩ là vị ấy phải như thế này hay là như thế kia. Hãy đặt hết lòng tin nơi con tim của bạn và cứ để cho nó hướng dẫn bạn. Khi nào đã gặp được người thầy thì cứ bước theo vị ấy.
Sự tương kết đó phải được xây dựng trên sự kính trọng và tình thương yêu. Kính trọng người thầy là cách giúp bạn biết giữ gìn Dharma (Đạo Pháp) như là tiếng réo gọi mầu nhiệm của vô-ngã (biết kính trọng người thầy là một cách quên đi cái ngã của chính mình để có thể đến gần hơn với Đạo Pháp). Yêu quý người thầy là cách đặt tình yêu thương vào một vị trí ngày càng cao hơn. Nếu cần thì cứ để cho con tim hướng dẫn bạn. Tình thương yêu và sự kính trọng đó là một nguồn năng lực tuyệt vời giúp bạn có thể đi thật xa trên con đường.
Nếu bạn được một người nào đó thật siêu việt giảng dạy cho bạn thì biết đâu bạn cũng sẽ dễ bị choáng ngợp bởi vị ấy. Và đấy cũng sẽ là những gì có thể khiến cho bạn dễ bị thối chí bởi vì bạn có thể cảm thấy mình không sao theo kịp vị ấy được.
Đối với Dharma thì khác hẳn. Bạn tiếp nhận những lời giáo huấn của một vị thầy thì đấy cũng chỉ là cách mà vị ấy truyền đạt lại những gì mà vị ấy đã tiếp nhận được từ trước. Đấy cũng chính là cách giúp bạn kết nối với một dòng truyền thụ mà chính Đức Phật là người khởi xướng. Dù cho người thầy có xuất chúng đến đâu đi nữa thì vị ấy cũng chỉ truyền đạt lại những lời giáo huấn không phải là do chính mình sáng tạo ra. Vị ấy chỉ giúp bạn nối kết với một thứ gì đó vượt cao hơn cả vị ấy. Sự kính trọng của bạn đối với vị thầy chẳng những không hề khiến cho bạn bị bóp ngạt (những lời giảng huấn của người thầy không phải là một sự áp đặt của người thầy mà đấy là giáo huấn của Đức Phật vượt lên trên cả người thầy) mà đúng hơn là chỉ nhằm giải thoát cho bạn - và sự kính trọng ấy đôi khi cũng được gọi là lòng mộ đạo. Cũng giống như trường hợp của bạn, người thầy cũng được thúc đẩy bởi sự kính trọng và tình yêu thương đối với Đức Phật. Và Đức Phật thì trước đây cũng từng là một chúng sinh phục vụ cho chúng sinh.
Bures-Sur-Yvette, 12.07.12
Tác giả Fabrice Midal - Hoang Phong chuyển ngữ