;
Đầu tháng 5/1963, lệnh cấm treo cờ Phật giáo vào ngày lễ Phật Đản được chính quyền Ngô Đình Diệm đưa ra. Điều này đã gây ra sự bất bình sâu sắc trong giới Phật tử. Một đám đông Phật tử phản đối lệnh cấm, bất chấp chính phủ bằng việc diễu hành ngoài trụ sở đài phát thanh với cờ Phật giáo trên tay, kêu gọi bình đẳng tôn giáo. Các lực lượng chính quyền đã phóng hỏa vào đám đông biểu tình và làm 9 người thiệt mạng.
Tổng thống Diệm từ chối nhận trách nhiệm về thương vong và đổ lỗi cho Việt Cộng, khiến cho sự phản kháng càng dữ dội. Vì Diệm vẫn miễn cưỡng chấp nhận 5 yêu sách của Phật tử nên tình hình càng ngày càng căng thẳng.
Bức ảnh chụp cảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm
Ngày 11/6/1963, Thích Quảng Đức xuất hiện trong một cuộc diễu hành trên đường phố Sài Gòn từ ngôi chùa gần đó. Đến ngã tư đại lộ Phan Đình Phùng và phố Lê Văn Duyệt (nay là ngã tư phố Nguyễn Đình Chiểu và đường Cách mạng tháng Tám). Thích Quảng Đức đi ra từ chiếc ô tô cùng với hai nhà sư khác. Hòa thượng Thích Quảng Đức bình tĩnh ngồi thiền trên tấm đệm. Hai nhà sư cùng đi bắt đầu trút xăng lên đầu ông. Lửa nhanh chóng thiêu rụi áo cà sa và da thịt của vị hòa thượng. Cơ thể ông bùng cháy thành một ngọn lửa.
Ngay chiều hôm đó, nhiều cuộc biểu tình và cầu nguyện trên phố của các tăng ni phật tử đã diễn ra tại nơi Thích Quảng Đức tự thiêu và bên ngoài các ngôi chùa. Thi thể ông được mang về chùa an táng. Nhưng trái tim của ông không bị cháy và còn nguyên, được đặt trên một cốc rượu lễ thủy tinh tại chùa Xá Lợi.
Hành động của Thích Quảng Đức đã làm tăng sức ép của quốc tế đối với chính quyền Ngô Đình Diệm, dẫn tới việc Tổng thống Diệm phải tuyên bố đưa ra một số cải cách nhằm xoa dịu giới Phật tử. Tuy nhiên, những cải cách như đã hứa lại được thực hiện một cách chậm chạp hoặc không hề được thực hiện, khiến tình hình càng trở nên xấu hơn.
Khi phong trào phản kháng vẫn tiếp tục dâng cao, lực lượng đặc biệt trung thành với cố vấn Ngô Đình Nhu, em trai Tổng thống, đã tiến hành nhiều cuộc tấn công chùa chiền trên cả nước, lấy được trái tim của Thích Quảng Đức và gây ra những vụ tàn sát quy mô lớn. Một số nhà sư khác cũng đã tự thiêu theo gương Thích Quảng Đức.
Cuối cùng, cuộc đảo chính quân sự vào tháng 11 đã lật đổ chính quyền và giết chết anh em Ngô Đình Diệm. Hành động tự thiêu của Thích Quảng Đức được coi như một bước ngoặt trong cuộc khủng hoảng Phật giáo Việt Nam, dẫn tới việc xóa bỏ nền Đệ nhất Cộng hòa tại miền Nam Việt Nam.
Phóng viên Malcolm Browne đã chụp được bức ảnh này. Và tấm ảnh này đã được truyền đi khắp thế giới, gây nên sự chú ý đặc biệt tới chính sách của chế độ Ngô Đình Diệm. Nhà sử học Seth Jacobs khẳng định: Thích Quảng Đức đã "đốt cuộc thử nghiệm Diệm của nước Mỹ ra tro" và "không có lời bào chữa nào có thể gỡ gạc lại được danh tiếng của Ngô Đình Diệm" một khi những bức ảnh của Browne đã hằn vào tâm trí của công chúng thế giới. Tổng thống Mỹ John F.Kennedy phải thốt lên nói rằng: "Không có một bức hình thời sự nào trong lịch sử lại gây nên nhiều xúc cảm trên khắp thế giới như vậy!".
Tại châu Âu, bức ảnh được bày bán hàng loạt trên đường phố như những tấm bưu thiếp trong suốt thập niên 1960. Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã in bức ảnh ra hàng triệu bản và phân phát khắp châu Á và châu Phi như một minh chứng về "chủ nghĩa đế quốc Mỹ". Một trong những tấm ảnh Browne chụp cảnh tượng kinh hoàng vẫn còn dán trên chiếc xe mà Thích Quảng Đức lái tới ngã tư nơi ông tự thiêu. Năm 1992, ban nhạc rock Rage Against the Machine sử dụng một tấm ảnh làm bìa cho album và đĩa đơn đầu tay của họ.
Ngày nay, tại TP.HCM có một con đường mang tên Thích Quảng Đức, nơi có ngôi chùa mà ông từng trụ trì. Năm 2010, tại ngã tư đường Nguyễn Đình Chiểu và Cách Mạng Tháng Tám đã khánh thành tượng đài Hòa thượng Thích Quảng Đức.
Tượng đài ghi dấu lịch sử đấu tranh cách mạng của tăng ni Phật tử vào năm 1963 và hành động tự thiêu của ông. Bởi chính ngọn lửa này đã thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh dũng cảm của tăng ni phật tử, và bao lớp người yêu nước, thúc đẩy phong trào cách mạng của miền Nam đi đến thắng lợi to lớn.
Hương Lam - Theo Nguoiduatin