;
Đến Băng Cốc hành hương, đa phần ai cũng thích đến với chùa Phật Ngọc và thăm Hoàng cung. Tuy nhiên, có một nơi khác, đặc biệt hơn, thú vị hơn và cũng không phải ai cũng biết đến (riêng đối với cá nhân tôi - rất ấn tượng). Đó là ngôi chùa Wat Traimit có bức tượng Phật bằng vàng được vua Thái Lan đúc vào năm 1295. Bức tượng nặng đến 5,5 tấn và cao quãng 3 mét. Tất cả là vàng. Một khối vàng.
Tôi không muốn bàn về tấm lòng của người Thái, về sự sùng kính của nhà vua cách đây gần 1 ngàn năm. Tôi muốn nói về câu chuyện ý nghĩa và thú vị mà tôi nghe từ bạn Suthatip, người Thái chính gốc, 1 người bạn học của tôi từ thời xa xưa, khi được đến thăm ngôi chùa đặc biệt này. chùa có tên là Wat Traimit, hay còn gọi là chùa Phật Vàng.
Chuyện kể rằng, ngày nọ, người dân địa phương cho rằng sẽ hợp lý hơn khi di chuyển bức tượng Phật bằng xi măng từ ngoài trời vào bên trong chùa. Nghĩ ngợi và bàn bạc để rồi cuối cùng họ quyết định di dời bức tượng. Họ huy động những chàng trai khỏe mạnh nhất. Họ sử dụng những dây thừng và ròng rọc tốt nhất. Họ cùng nhau hết sức cố gắng để di dời tượng Phật.
Tuy nhiên do bức tượng quá nặng nên đã bị lật ngược và đổ sụp xuống đất. Ngay sau đó một cơn mưa lớn kèm theo sấm sét kéo đến. Những người con Phật đành bỏ dở công việc, đợi cho hết mưa.
Khi mưa tạnh, ánh mặt trời lại chiếu sáng, tất cả lại quây quanh bức tượng để tiếp tục di chuyển tượng Phật bằng xi măng vào trong chùa để thờ. Thật buồn bởi do bị ngã nên bức tượng đã bị nứt. Ai ai đều nuối tiếc.
Bỗng có một vị sư lớn tuổi phát hiện ra những tia sáng le lói từ vết nứt. Ngài liền huy động các Phật tử đục lớp xi măng ra. Tất cả cùng vô cùng ngạc nhiên khi khi phát hiện ra rằng đây là khối vàng lớn nhất thế giới. Bức tượng Phật quý này được đúc bằng vàng ròng và nặng đến 5,5 tấn.
Ngày nay, tại chùa Wat Traimit hay tên khác là chùa Phật Vàng, pho tượng độc đáo, quý giá, có ý nghĩa lịch sử đặc biệt thu hút rất nhiều Phật tử từ nhiều nước trên thế giới đến chiêm bái. Chùa Phật Vàng tọa lạc ở cuối đường Yaowarat, gần ha Hualamlong của thủ đô Băng Cốc, Thái Lan.
Tôi gặp và nói chuyện với khá nhiều người dân Thái và được giải thích rằng bức tượng Phật bằng vàng lớn nhất thế giới này biểu thị cho sự thịnh vượng và thuần khiết cũng như sức mạnh và quyền năng. Theo tôi được biết, ở Thái Lan có rất nhiều tượng Phật nhưng bức này là đẹp nhất. Tượng Phật thật sự đẹp, thật sự ấn tượng, rất đáng để chiêm bái. Chính vì vậy lượng Phật tử đến đây ngày càng đông.
Bạn Suthatip của tôi cho biết thêm, tượng Phật Vàng được đúc trong thời đại Sukhothai. Đây là thời kỳ phát triển nhất của nghệ thuật kiến trúc Phật giáo Thái Lan. Khi chiến tranh xảy ra, người dân Thái Lan không muốn quân đội Miến Điện lấy đi số vàng đó nên đã tráng lên một bức xi măng phía ngoài. Bí mật này đã được giữ. Suthatip nói với tôi rằng những người thực hiện nhiệm vụ phủ xi măng lên trên bức tượng vàng quý giá đã bị giết ngay sau khi hoàn thành công việc.
Khi ngồi lễ trước bức tượng tôi cứ nghĩ miên man: Tượng Phật Vàng quý giá và hiếm này sẽ mãi mãi là bức tượng xi măng nếu không có ai nghĩ đến việc di chuyển bức tượng. Và rằng nếu không có sự cố bị đổ bất ngờ thì khối vàng lớn nhất thế giới vẫn không được phát hiện. May thay nhờ sự cố, nhờ cái rủi mà đất nước Thái Lan nói riêng và Phật tử khắp thế giới nói chung mới có cơ duyên được chiêm bái bức tượng quý này. Và rằng các giá trị văn hóa, lịch sử và tôn giáo của bức tượng, nhờ vậy mà mới được nhìn nhận một cách xác đáng và đúng tầm.
Tôi đến chùa Phật Vàng lúc sáng sớm. Quang cảnh ở đây vắng lặng bởi rất ít khách hành hương và tham quan. Tôi có thời gian lễ Phật và hành thiền. Thật hạnh phúc và thấy an lạc vô cùng. Bức tượng quý được đặt trong chánh điện chật hẹp. Và tôi càng thấy như thật gần Phật. Rằng Phật đang bên tôi, quanh tôi, cạnh tôi và thậm chí trong tôi.
Sau khi rời chùa, bạn Suthatip còn kể thêm rằng bức tượng bọc xi măng này đã từng được đóng thùng chuyển đến Bangkok và đặt tại chính điện của chùa Choti - Naram (là Wat Phrayakrai hiện nay) dưới thời vua Rama III (1824 – 1851). Năm 1931, ngôi chùa này bị bỏ hoang và bức tượng phủ bê tông này được chuyển đến một nơi tạm thời và chẳng mấy ai quan tâm trong suốt một thời gian rất dài. Bạn còn kể rằng, vào thập niên 1950, khi di chuyển đến một ngôi chùa mới ở Bangkok, tượng bị tuột khỏi cần cẩu, rơi xuống hố bùn. Vì nghĩ là tượng xi măng nên không ai muốn vớt lên và tượng Phật quý này lại bị tiếp tục quên lãng thêm một thời gian nữa.
Nơi tôi thắng tiến tiếp theo Băng Cốc là Pattaya. Nơi đây có tượng Phật Thích Ca Mâu Ni đang ngồi thiền định, được chính Thái tử khắc tặng nhà vua Rama IX, người trị vì vương quốc Thái Lan trong suốt 50 năm. Bức tượng khổng lồ và được làm bằng vàng ròng đã gây xúc động và hằn sâu vào trí nhớ bất cứ Phật tử hay khách du lịch nào dù chỉ 1 lần đến nơi đây. Bạn có tin rằng tượng Phật cao đến 130 mét, rộng tới 70 mét, được xây dựng vào năm 1996 với tổng chí phí xây dựng 161,7 triệu Bạt. Tôi đã đến nơi này ít nhất 3 lần rồi nhưng vẫn muốn quay lại thêm 1 lần nữa. Bởi tôi muốn thêm 1 lần ngắm lại những đường nét vẽ mềm mại, chính xác, tuyệt đẹp khắc họa Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trên vách núi. Tôi muốn ngồi dưới chân Ngài để nhận sự lung linh và kỳ diệu từ ánh sáng của vàng 24 ca ra (được dùng để khắc tượng) phát ra. Nhưng thực chất, năng lượng từ Đức Phật nơi đây, tôi và nhiều Phật tử cảm nhận rất rõ. Hơn thế nữa, tại nơi này, có một khung cảnh yên lặng, thanh bình, mát mẻ,…. đúng như Đức Phật của thời Ngài ở trong rừng sâu Ấn Độ và hướng dẫn các đệ tử tu tập. Tôi phải đến đây để như được Ngài bên mình chỉ dạy. Cần lắm thôi, 1 con đường đúng ở thời đại của thế kỷ 21 này. Đức Phật đã nhập diệt hơn 25 thế kỷ. Con thì là 1 Phật tử sơ cơ. Thời mạt pháp không biết đâu đúng, đâu sai, Phật ơi!
Bạn hỏi tôi nhớ nhất ở Băng Cốc nơi nào, tôi không ngần ngại mà trả lời rằng, đó là chùa Wat Traimit hay là chùa Phật Vàng. Tôi mong bạn sớm có duyên lành để đến ngôi chùa này. Một ngày không xa. Tôi sẵn sàng làm hướng dẫn viên miễn phí cho bạn. Thật đấy!
TS Nguyễn Mạnh Hùng – Công ty sách Thái Hà
Mời đón đọc:
Bài 3: Lễ thọ giới
tân tu ấn tượng
Bài 4: Lần đầu
tiên được tham dự lễ xuất gia đặc biệt và lớn đến vậy
Bài 5: Lễ truyền đăng – sự kiện khó quên