;
Hoa Tết. Ảnh: VnExpress. |
Bà Nguyễn Khánh Mai, ở Trần Khát Chân, Hà Nội cho biết, năm nào gần Tết bà cũng mua hoa trồng trong nhà từ người bán rong trên đường. Khi mua, các cây hoa như đỗ quyên, địa lan... nở rất đẹp, các cây khác đều xanh mướt. Nhưng sau khi mang chúng về nhà, những cây hoa đó không bao giờ nở nữa, cành lá tả tơi, chết dần dù được chăm bón chu đáo như tưới nước, phơi nắng.
Mấy hôm vừa rồi, bà Mai cũng mua hoa về trồng với mong muốn Tết này có các chậu hoa tươi tốt nhưng tình trạng cây chết dần vẫn diễn ra. Thấy cây héo, bà Mai đưa hoa ra trồng trong vườn mới hay, phía dưới giá thể toàn trấu.
Theo ông Phạm Gia Hiền, Hội Cây cảnh nghệ thuật Hà Nội, tình trạng cây chết sau khi mua về trồng diễn ra khá nhiều do người bán gian dối, người chơi cây không biết chăm sóc. Ông Hiền cho hay, người bán thường muốn lợi nhuận nên trồng cây ở vườn, sau đó chuyển cây vào các giá thể rẻ tiền, không có chất dinh dưỡng để bề ngoài cây có vẻ tươi tốt. Trước khi bán, cây đã được phun tưới chất kích thích.
Cũng theo ông Hiền, người chơi hoa vì thiếu hiểu biết nên chọn mua các loại hoa chưa hiểu rõ về nguồn gốc hoặc cách chăm sóc cho cây tươi tốt. Ông Hiền phân tích, đối với các loài hoa khi trời rét cần được che đậy hoặc cho vào nhà để tránh tác hại thì người chơi vẫn để cây ngoài trời. Trong khi đó, ở các vườn, nếu trồng hoa ngoài trời người ta phải phun khá nhiều thuốc chứa sunfat đồng để chống sương sớm lạnh buốt.
Tiến sĩ Trần Xuân Linh, Giám đốc Trung tâm Khoa học công nghệ rau và hoa quả, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam khẳng định, một lý do khiến nhiều loài hoa chết hoặc tàn lụi, không nở hoa do điều kiện thời tiết không thích hợp như mua chậu địa lan Đà Lạt về Hà Nội, sau khi chơi Tết, muốn năm sau chơi lại thì phải gửi vào Đà Lạt hay gửi đến nơi có khí hậu mát mẻ tương tự. Nếu để ở Hà Nội cây không phát triển và không thể ra hoa tiếp.
Cũng như chậu hoa đỗ quyên có nguồn gốc từ Vân Nam, Trung Quốc đưa về Hà Nội trồng hoa không phát triển do điều kiện khí hậu khác nhau. Vì vậy, khi mua hoa, cây cảnh người mua hoa cũng cần biết về nguồn gốc các loại hoa định mua.
Theo tiến sĩ Trần Xuân Linh, ngày Tết, hoa cắt cành như hoa hồng, hoa cúc, hoa lay ơn, hoa lan... nếu thu hoạch bảo quản đúng quy trình thì khi người chơi hoa mua về hoa vẫn tươi, đẹp, bền khoảng 7 - 15 ngày, độ bền tùy loại hoa.
Tuy nhiên, nếu các loại hoa cắt sau thu hoạch không được xử lý đúng quy trình thì hoa mua về cũng sớm héo, hư hỏng. Ông Linh dẫn chứng, hoa để trong kho lạnh lâu ngày đưa ra sẽ héo rất sớm, lá rụng, hoa không nở tiếp. Hoa từ miền lạnh, đưa về vùng nóng ấm héo sớm hơn hoa trồng tại chỗ. Hoa hồng Sa Pa, Lào Cai về Hà Nội sẽ chóng hỏng, thậm chí không nở, rũ và héo dần so với hoa hồng trồng ở Mê Linh.
"Người bán hoa chủ yếu vì lợi nhuận, ít quan tâm đến chất lượng hoa sau khi bán. Vì vậy, người mua hoa cần chú ý: tránh chọn hoa dập, nát, vết cắt cũ vì điều này thể hiện hoa đã cắt khá lâu và vận chuyển xa".
"Hoa cắt cành sau khi mua về nên cắt vát bớt cành, loại bỏ lá, cành, hoa sâu, bệnh, dập nát và cắm vào nước sạch, hàng ngày thay nước. Để bình hoa nơi mát mẻ, tránh nóng, gió. Cắm hoa với dung dịch cắm hoa hoặc cho thêm vitamin C, B1 để bền, đẹp lâu hơn", tiến sĩ Linh hướng dẫn.
Tiến sĩ Linh cho biết, nếu đúng là hoa trồng chậu ngay từ đầu thì hoa mua về sẽ tươi tốt, đẹp, bền lâu, nhưng nếu mua phải hoa chậu mới chuyển chậu lúc đi bán, thì chậu hoa sẽ chóng tàn, thậm chí chết ngay sau 2 - 4 ngày dù hoa được tưới cẩn thận. Cách phát hiện hoa trồng chậu từ đầu như đất phía trên chậu cũ, thậm chí mốc meo, cây không bị rung rễ.
Theo Kiến thức