;
Thời mạt pháp mê tín làm lu mờ con đường trở về nguồn cội Phật tâm
Chánh Kiến Là Nền Tảng Của Đạo Đức Học
Những người con Phật chơn chính, thì lúc nào và ở đâu, họ cũng thực hành pháp và chánh pháp trở thành đời sống của chính họ. Họ được nuôi dưỡng ở trong chánh pháp và họ vui sống ở trong chánh pháp mỗi ngày.
Ta có thể nói về chánh pháp rất giỏi, vì ta đã có quá trình tích lũy những kiến thức về chánh pháp từ học đường, từ thư viện, từ các buổi hội thảo hay pháp đàm, nhưng thực hành chánh pháp để nhiếp phục phiền não nơi tâm ta, để tâm ta thực sự có giới, có định và có tuệ, khiến cho chánh kiến sinh khởi và có mặt ngay trong đời sống của ta, thì ta có thể chưa giỏi chút nào?!
Ở trên trời dưới đất, ai là người có khả năng thấy pháp để nói, thấy pháp để thực hành và đã thực hành đúng như những gì mình đã thấy và đã nói? Người ấy không ai khác hơn là Phật.
Phật là người có Chánh kiến và Phật là người hiểu Chánh kiến và Phật là người thể nhập với Chánh kiến, còn chúng ta tuy mang danh là phật tử, nhưng là những người đang học về Chánh kiến, chứ chưa thể hiểu được rốt ráo về Chánh kiến. Chánh kiến là do thực hành Giới Định Tuệ mà sinh khởi, chứ không phải do học hỏi hay tích lũy kiến thức phật học mà sinh khởi. Chánh kiến là do đoạn tận vô minh, chấp ngã mà sinh khởi, chứ không thể sinh khởi từ nơi những tư duy chấp ngã. Chấp vô ngã vẫn không phải là chánh kiến huống gì chấp ngã?!
Chánh kiến là phải thấy rõ sự thật về Khổ, thấy rõ sự thật về Tập, thấy rõ sự thật về Diệt, thấy rõ sự thật về Đạo.
Ai là người thấy rõ sự thật về khổ? Chỉ có Phật mới thấy rõ sự thật nầy.
Ai là người thấy rõ sự thật về Tập? Chỉ có Phật mới thấy rõ sự thật nầy.
Ai là người thấy rõ sự thật về Diệt? Chỉ có Phật mới thấy rõ sự thật nầy.
Ai là người thấy rõ sự thật về Đạo? Chỉ có Phật mới thấy rõ sự thật nầy.
Khổ thì ai cũng thấy, nhưng thấy rõ sự thật về Khổ, thì chỉ có Phật mới thấy, vì sao? Vì chỉ có Phật mới có Chánh kiến về Khổ, nên thấy.
Tập thì có nhiều vị thấy, nhưng thấy rốt ráo của sự thật về Tập, thì chỉ có Phật mới thấy, vì sao? Vì chỉ Phật mới có Chánh kiến về Tập, nên thấy.
Diệt thì cũng có nhiều người chứng nghiệm, nhưng chứng nghiệm rốt ráo sự thật về Diệt, thì chỉ có Phật mới chứng nghiệm, vì sao? Vì chỉ có Phật mới có Chánh kiến, nên chứng nghiệm rốt ráo sự thật về Diệt.
Đạo thì cũng có nhiều người thấy, nhưng thấy rốt ráo sự thật về Đạo, thì chỉ có Phật mới thấy, vì sao? Vì chỉ Phật mới có Chánh kiến về Đạo, nên thấy.
Vì không thấy rõ sự thật về khổ, nên khi khổ tới, ta rên rỉ, than khóc, khiếp đảm, khi khổ đi qua, chúng ta quên và chứng nào tật nấy, chúng ta vẫn tiếp tục cái phàm tục trong ta.
Nếu chúng ta thấy sự thật về khổ, thì vấn đề tu học của chúng ta đã tiến bộ rất nhiều, nhưng vì chúng ta không thấy sự thật về khổ, mà chỉ thấy khổ do các cảm giác bất như ý đem lại, nên các khổ thọ đi qua, chúng ta hết thấy khổ và chứng nào tật nấy, chúng ta vẫn tiếp tục cái nghiệp cũ trong ta.
Nếu mình thấy được sự thật về khổ và nuôi dưỡng thường trực cái thấy ấy, thì chúng ta hết khổ đã lâu rồi, nhưng vì chúng ta không thấy thường trực sự thật về khổ, nên không bao giờ chúng ta hết khổ. Đôi khi chúng ta lầm khổ là vui, lầm vui là khổ.
Thấy khổ, thấy tập khởi của khổ rồi, mà than thở cũng vô ích, cho nên khi thấy tập khởi của khổ rồi, thì ta phải hạ thủ công phu mà tu tập đạo đế. Đạo đế đã tu tập, thì diệt đế trước sau gì cũng có mặt trong ta.
Chúng ta là đệ tử Phật, chúng ta quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng và thọ trì năm giới, tức là chúng ta muốn diệt tận tập đế, để khổ đế vĩnh viễn chấm dứt.
Cho nên, sự tu học phải có trạch pháp, phải có sự lựa chọn. Chính sự lựa chọn là một trong những yếu tố tạo nên Chánh kiến.Vì vậy trong chất liệu tạo nên người Phật tử, hoàn toàn không có chất liệu mê tín, không có chất liệu cực đoan. Vậy, chúng ta là phật tử, chúng ta phải đào tạo thế hệ kế thừa sự nghiệp phật tử của chúng ta là chúng ta phải đào tạo như thế nào?
Chúng ta phải đào tạo chính con cháu của chúng ta kế thừa truyền thống cao đẹp của chúng ta; chúng ta phải biết tạo cơ duyên cho những ai có cảm tình với sự tu tập chúng ta; và chúng ta phải biết thể hiện những gì tốt đẹp, cao quý đến những người chưa biết chúng ta là phật tử, để cho họ có những cơ duyên hiểu biết về những gì cao đẹp của người phật tử chúng ta, khiến cho họ nếu chưa đủ cơ duyên để theo chúng ta, thì họ cũng có thể yểm trợ chúng ta và nếu họ chưa có đủ cơ duyên để yểm trợ chúng ta, thì ít ra họ không gây trở ngại hay chống lại chúng ta.
Người phật tử chúng ta hãy lưu ý, ngoài những nhân duyên liên hệ với chúng ta, không có ai chống đối chúng ta. Chống đối chúng ta, phần nhiều đi từ những người đã từng có nhân duyên theo ta và ủng hộ chúng ta, chứ không ai khác. Những người đi theo chúng ta, ủng hộ chúng ta, hoan hô chúng ta, mà không có chánh kiến, không thực hành chánh pháp, thì trước sau gì những người ấy cũng phỉ báng và chống lại chúng ta, chứ không ai khác. Đây là điều mà chúng ta cần phải quán chiếu để thấy rõ sự thật trong từng nhân duyên của vấn đề. Thấy rõ sự thật nhân duyên của từng vấn đề như vậy, gọi là Chánh kiến. Nếu thấy mà không thấy rõ nhân duyên quả báo như vậy gọi là tà kiến. Khi một người bị rơi vào tà kiến, thì càng giải quyết vấn đề là càng sai vấn đề, càng nói là càng bậy, càng đi là càng lệch đường, càng đi là càng sai hướng, vì nhà ở hướng đông mà đi về hướng tây là không bao giờ về đến nhà được.
Phật tử mà không có Chánh kiến thì làm sao thấy được ngôi nhà giác ngộ của mình để đi về? Phật tử mà sợ hãi sự tu học, thì làm sao mà đi tới được với ngôi nhà Phật Pháp?
Con cháu nghe nói về nhà cha mẹ, tổ tiên mà sinh tâm sợ hãi, thì không phải là con cháu của trong gia đình nữa rồi. Cũng vậy, phật tử nghe nói đến sự tu học mà sợ hãi, thì chắc chắn đó không phải là phật tử.
Chỉ vì không có Chánh kiến, nên không nhận ra được đường tà nẻo chánh và vì do không thấy tà, nên không thể bỏ tà; không thấy chánh, nên không thể theo chánh.
Tà thì ở đâu cũng có và lúc nào cũng có, vấn đề là ta có thấy được đó là tà, thì ta mới từ bỏ được, chứ bảo thế gian đừng có tà, thì không còn là thế gian nữa. Vấn đề thế gian hay xuất thế gian là không quan trọng, mà quan trọng là thấy rõ sự thật về thế gian và xuất thế gian, để tu tập và tồi tà phụ chánh. Khi thấy rõ sự thật của tà, thì mình bỏ tà một cách nhẹ nhàng, bỏ tà như cắt bỏ ruột thừa mà thôi. Vì không thấy rõ tà, nên ta không tu tập rõ ràng và ta thường bị tà ma quấy rối.
Tôi nói giữa này có rất nhiều người tín ngưỡng Phật giáo, nhưng lại là rất ít Phật tử. Có tín ngưỡng Phật giáo, nhưng chưa hẳn là phật tử; có nhiều người khoát áo nhà tu, nhưng trở thành những bậc chân tu không phải dễ dàng gì?! Nếu nhiều Phật tử thì tà thuyết không thể xen vào được, nhưng mình chỉ là Phật tử giả danh, tu học không có Chánh kiến. Tôi nói trắng ra, nhiều tổ chức mang danh nghĩa Phật giáo, nhưng đào tạo những thành viên không đúng với phẩm chất Phật giáo. Họ đào tạo chạy theo danh nghĩa hơn là thực chất; đào tạo mang tính lý thuyết hơn là thực nghiệm, nên những hậu quả xấu đã xảy ra đến cho thời đại chúng ta có liên lụy đến Phật giáo và xã hội con người, điều đó nếu chúng ta có chút trầm tĩnh và chiêm nghiệm giáo lý nhân duyên, nhân quả, nghiệp báo của đức Phật dạy là thấy ngay.
Là phật tử, chúng ta không chống lại thế gian mà cũng không theo thế gian. Chống lại thế gian này thì lấy gì để tu? Cơm đâu mà ăn? Áo đâu mà mặc? Nhà đâu mà ở? ….
Theo thế gian để có ngũ dục và hưởng thụ ngũ dục là phi phật tử. Chống thế gian để có giải thoát là điều hoang tưởng, hoàn toàn không có trong Phật giáo và chạy theo thế gian để có giải thoát lại càng không có trong giáo lý Phật giáo.
Chúng ta hãy nhìn kỹ vào hoa sen để thấy, hoa sen có theo ai không? Hoa sen không theo bùn mà cũng không chống lại bùn. Hoa sen sống giữa bùn và sống với bùn mà không trở thành bùn và không bị bùn đồng hóa. Hoa sen sống với bùn mà vẫn là sen, đó mới gọi là hoa sen. Phật tử sống giữa thế gian và sống với thế gian, mà không phải là người đời và không bị người đời đồng hóa mà có khả năng đồng hóa người đời, bằng những tính chất phật tử của mình, nên mới gọi là phật tử quy y Phật Pháp Tăng và giữ giới đã phát nguyện.
Cho nên, đạo Phật có ngay giữa thế gian và ngay nơi thế gian mà xuất thế. Vì vậy, Chánh kiến là thấy rõ, xuất thế gian ngay ở nơi thế gian. Chánh kiến là thấy rõ ngay nơi Khổ đế, có Tập đế, Diệt đế và Đạo đế; thấy rõ ngay nơi Tập đế có Khổ đế, có Diệt đế và Đạo đế; thấy rõ ngay nơi Diệt đế có Đạo đế, để diệt khổ và khổ diệt và thấy rõ ngay nơi Đạo đế là Diệt đế, nên khổ diệt và diệt trừ hết thảy nhân duyên của khổ.
Cho nên, thấy cho rõ trong Khổ có Tập, trong Khổ có Diệt và trong Khổ có Đạo, cái thấy đó là Chánh kiến. Thêm nữa, thấy trong Tập có Khổ, tức là thấy trong nhân có quả, vì biết như vậy, nên không bao giờ tạo nhân xấu để có quả khổ. Biết trong quả có nhân, nên chấp nhận quả để chuyển hóa nguyên nhân, khiến nhân thiện sinh khởi quả vui. Thấy Tập khởi phiền não nầy có thể chấm dứt được, có thể đình chỉ được, có thể tu và thay đổi được, tức là thấy trong Tập có Diệt và trong Tập có Đạo, cái thấy ấy là Chánh kiến. Lại thấy trong Diệt có Khổ là nhờ có khổ này, ta mới đối diện với nó, để tu tập và chuyển hóa. Diệt này do khổ mà khởi tâm tu tập, nhờ vậy nên có diệt; Diệt này do khổ vắng mặt mà có và diệt này đi tới bằng con đường nào? Đó là con đường của Đạo đế. Trong Đạo có Khổ, trong Đạo có Tập và trong Đạo có Diệt.
Nên, chúng ta tu tập là phải khổ luyện, phải thức khuya dậy sớm, phải cần mẫn nhiếp phục phiền não, nghiệp chướng nơi tâm ta với nhiều phương pháp khác nhau. Khi ăn cơm phải quán chiếu để nhắc nhở mình phòng hộ lòng tham, phòng hộ sự sân hận và tâm mù quáng. Khi tu tập, ta ăn cơm, ta phải biêt cơm nầy là của ai và do đâu mà có, mình có xứng đáng để thọ dụng những thực phẩm nầy không, thọ dụng thực phẩm trong sự quán chiếu là để nuôi lớn ý thức trách nhiệm, lòng biết ơn và tâm từ bi của mình mỗi ngày. Tu tập như vậy là khổ luyện và nhờ khổ luyện cái tâm ý của mình như vậy, cho đến chỗ tâm ý thuần thục, thì các khổ nhân và quả tự diệt. Nên tu tập là phải biết ứng dụng phương pháp diệt khổ vào ngay trong đời sống, để cho các khổ nhân và khổ quả tự diệt.
Cho nên, ta ăn cơm ở trong ý thức chánh niệm tỉnh giác, trong ý thức trách nhiệm, biết ơn và từ bi, thì cái nghiệp tạo ra do ăn đem lại sẽ tự tiêu diệt. Ta ăn cơm với những ý thức như vậy, thì phước đức và hạnh phúc của ta sẽ được sinh trưởng và lớn mạnh ở trong chánh pháp.
Ta nên biết rằng, thành tựu cái ăn không phải dễ dàng. Trong cơ thể ta chỉ cần một bộ phận trở ngại, thì việc ăn của ta sẽ không thành tựu và nếu các bộ phận trong cơ thể ta không bị trở ngại, nhưng không có thực phẩm, không có người làm ra thực phẩm hoặc không có không khí, đất nước, gió lửa, mặt trời, mặt trăng, dòng sông… thì cái ăn của ta cũng không thể nào thành tựu được. Nên, ta ăn với ý thức tỉnh giác, ý thức trách nhiệm, ý thức biết ơn và tâm từ bi, thì cái ăn của ta giúp ta tiêu hóa các thực phẩm một cách nhẹ nhàng, có ý nghĩa và thăng tiến. Ta ăn như vậy là ăn ở trong Chánh mạng và được nuôi dưỡng bằng Chánh kiến.
Ta có biết các loài vật ăn cơm, hệ tiêu hóa của chúng phải cấu trúc như thế nào không? Nó không phải cấu trúc theo cơ thể sinh học đơn thuần, mà cấu trúc cơ thể liên hệ theo nhân duyên nghiệp báo. Cơ thể của nó chính là nghiệp báo của nó.
Gà, chim ăn thì bộ tiêu hóa của chúng được cơ cấu như thế nào? Cái gì cơ cấu? Nghiệp báo của chúng tự cơ cấu thân thể theo nhân duyên của chúng, để cho chúng có thể thích ứng với điều kiện sống của chúng, để tồn tại trong hệ quả nghiệp báo của chúng.
Nghiệp thiện và ác của loài nào, thì chúng sẽ tạo ra đời sống thích ứng cho chính loài đó, và khiến cho chúng có đủ điều kiện, để tiêu thụ nghiệp báo của chúng.
Như vậy, nếu không có Chánh kiến, mình làm sao thấy được giá trị của một bữa ăn, công lao của người làm ra hạt gạo và nhân duyên nghiệp báo của mình trong lúc ăn. Nên, hạnh phúc của con người không phải chỉ có cái biết mà còn phải biết tiêu thụ cái biết vào trong đời sống hàng ngày của mình. Hạnh phúc của ta không phải là cái biết mà là hoa trái của cái biết và biết hưởng thụ hoa trái của cái biết ấy, ngay trong đời sống của chính mình.
Nhờ có thực tập Chánh kiến, ta mới thấy được sự thật của từng vấn đề và chỉ có Chánh kiến mới có khả năng giúp ta hưởng thụ hết được những gì ta đã có và đang có. Nếu thiếu Chánh kiến, ta sẽ phung phí sự sống của ta, ta phung phí những gì ta đang có và ta không có khả năng sống với nó một cách hoàn hảo và trọn vẹn
Thiếu Chánh kiến là ta phung phí cuộc đời của ta như Bùi Giáng đã nói:
“Nửa đời đã bỏ thâu canh
Nửa con nước bỏ tuổi xanh lên bờ
Khổ đau về giữa bất ngờ
Hoang liêu phố thị chân hờ hững đi”.
Ta có thể đã bỏ nửa đời, hai phần đời cho những mục tiêu vô ích. Ta đã bỏ hết cả cuộc đời cho sự nghiệp tích lũy tài sản và danh vọng, nhưng khi chết, thì ta không hề có một xu cắc nào dính túi và không có một tên gọi cao sang nào bảo chứng cho ta thoát khỏi sự chết. Trong khi tu học ta tạo phước đức cho tương lai của chính ta, thay đổi nghiệp chủng xấu trong quá khứ của chính ta, thì ta không chịu làm. Tu tập là để có Chánh kiến và nhờ có Chánh kiến khiến cho những nghiệp chủng xấu ác của ta thay đổi, khiến ta có thể có được đời sống an bình ngay trong đời sống nầy và đời sống sau khi chết.
Nhờ có Chánh kiến, ta mới có Chánh tinh tấn, khiến ta nỗ lực làm những gì cần làm; nhờ có Chánh kiến, ta mới có Chánh ngữ, khiến ta biết nói những gì cần nói; nhờ có Chánh kiến, ta mới có Chánh nghiệp, khiến ta hành động những gì cần phải hành động; nhờ có Chánh kiến, ta mới có Chánh mạng, khiến ta biết nuôi dưỡng những gì cần phải nuôi dưỡng; nhờ có Chánh kiến, ta mới có Chanh tư duy, khiến ta biết tư duy những gì cần phải tư duy; nhờ có Chánh kiến, ta mới có Chánh niệm, khiến ta phải nhớ nghĩ đến những gì cần phải nhớ nghĩ và nhờ có Chánh kiến, ta mới có Chánh định, khiến ta an trú tâm vào những đối tượng cần phải an trú để nhiếp phục, soi chiếu và chuyển hóa hết thảy các loại phiền não nơi tâm.
Như vậy, chúng ta thấy Chánh kiến quan trọng như thế nào ở trong Bát Chánh Đạo và quan trọng như thế nào ở trong Phật giáo và trong đời sống tu tập của những người con Phật chúng ta?