;
Người đọc lời Phật phần nhiều đều biết đến câu chuyện về Hóa thành, như sau: trên đường dẫn đoàn người đi đến đích cuối cùng, tạm hiểu là chân lý- Phật đã dùng thần thông để tạo phương tiện giúp đoàn tha nhân mệt mỏi, kiệt sức đi đến đích, rất xa. Đoàn
người đi mãi, đi mãi mà không thấy đích đến ở đâu cả, như trên sa mạc mênh mông đầy nắng gió mà không một bóng cây. Chân lý ở đâu mà tìm? Đoàn người đã xuất hiện những người phản đối cuộc hành trình, đông dần lên. Thật đáng lo ngại, vì đích đến Phật biết còn rất xa. Thế rồi Người dùng thần thông để tạo ra Hóa thành: một ốc đảo xanh trước mặt, có chim có suối…ấm áp, trong lành như cõi cực lạc. Người nói rằng: trước mặt là đích đến! Đoàn người xốc lên, dùng tất cả sức lực còn lại để đến ốc đảo ngay trước mắt. Đến đây, rã rời, nhiều người ngã ra ngủ, nghỉ cho thỏa. Có người đi ra suối tắm, uống cho thỏa. Tìm thức ăn, cây trái…Một sự bù đắp no đầy cho mệt nhọc không thể tưởng tượng được mà họ đã vượt qua.
Đến khi tất cả đã no say, lấy lại sức, Phật mới tuyên bố: “các con ạ, đây là thành do ta dùng thần thông tạo ra (Hóa thành), mục đích vẫn còn phía trước các con ạ!”. Tuyên bố ấy như một tiếng sét, đoàn người giật cả mình, ngơ ngác nhìn nhau. Phật kêu gọi mọi người lên đường, một số hăng hái ít nhiều, một số uể oải và một số đáng kể nằm lại Hóa thành, không tài nào thuyết phục họ tiếp tục hành trình.
Cho nên đường đến Bảo Sở - đích thực sự, và cuối cùng, chỉ dành cho một bộ phận của đoàn người. Và bộ phận tinh túy ấy được cho là đã đạt đạo ở mức cao, Đại thừa, đạt đến chân lý cuối cùng. Bộ phận còn lại, ở lại Hóa thành, đạt đạo ở mức thấp hơn, được cho là Tiểu thừa.
Đấy là một câu chuyện trong Phật giáo, trong câu chuyện ấy Phật đã dùng thần thông để tạo ra một cái thành trên sa mạc, một giải pháp lâm thời mà tôi thiển nghĩ có thể dùng chữ quá độ, để so sánh. Câu chuyện ấy nói lên rằng, với những mục đích lớn lao, những trường chinh xa xôi vượt quá sức người, người lãnh đạo đã dùng phương tiện để đảm bảo sao cho cuối cùng đoàn người vẫn đến đến mục đích, cho dù chỉ là một bộ phận.
Lại có chuyện khác, liên quan đến Tào Tháo. Người ta kể rằng khi dẫn đoàn binh hành quân, Tào Tháo đã gặp cảnh huống như Đức Phật đã gặp ở trên. Đoàn binh kiệt sức, khát không thể tả vì thiếu nước, có người phản kháng, nguy cơ tan rã đã xuất hiện. Tào Tháo đã lâm thời nghĩ ra một kế, ông ta rao truyền trong quân: phía trước có vườn me! Chỉ cần nghe thế, cả khối người khát cháy cổ ứa nước miếng, đỡ khát. Thực ra làm gì có vườn me ở đấy!
Có thể dẫn ra rất nhiều, rất nhiều câu chuyện như thế, trong lịch sử và trong đời sống hằng ngày, lắm khi của chính chúng ta. Như chiếc lá cuối cùng trong truyện ngắn của O.Henry, chiếc lá không có thật, được gắn lên, đã giữ lại hy vọng sống còn cho người ở trong tình thế tuyệt vọng. Và như thế không bị coi là xấu, là nói dối. Trong Phật giáo, rượu là thứ cấm kỵ, song dùng rượu để trị bệnh vẫn được phép.
Nhưng đấy là chỉ là giải pháp lâm thời, trong tình thế khẩn cấp, không được lạm dụng. Có nghĩa là Đức Phật không hề tạo ra nhiều Hóa thành, Tào Tháo không hai lần nói dối về rừng me. Lạm dụng “thần thông” là điều không nên, thậm chí nguy hiểm.
Điển tích Trung Hoa có câu chuyện thấm thía về hậu quả của sự nói dối. Thành nọ có đài lửa dùng để báo động. Theo qui ước, mỗi khi đài lửa nổi lửa lên, các nơi sẽ kéo quân về cứu nguy. Để lấy lòng người đẹp, vị Tiểu Vương dại dột châm lửa. Người đẹp trên cao nhìn cảnh trùng trùng quân lính kéo về rồi khi biết chẳng có gì, chán nản rút đi, đã bật cười- một việc nàng đã lâu không có. Tiểu Vương mát dạ khi thấy người đẹp cười mà không biết rằng mình đã phạm sai lầm nghiêm trọng. Vì chẳng lâu sau, khi giặc uy hiếp (thật), đài lửa nổi lên nhưng chẳng có quân cứu viện xuất hiện, thành quách tan tành!
Bây giờ ta thường bắt gặp nhiều nhân vật quan trọng phát biểu hứa hẹn tận mây xanh, đốt nóng người nghe, nhưng sau đấy chẳng có gì. Có sản phẩm quảng cáo kinh dị, song chất lượng rất thấp. Rồi nhiều trường học, cơ sở đào tạo “nổ” rum trời về năng lực của mình, đến khi “ở trong cuộc” người học mới té ngửa ra vì thất vọng. Đâu đâu cũng nhan nhản “Hóa thành”, đâu đâu cũng thấy rừng me và…chiếc lá cuối cùng! Nhưng sự thật chẳng có gì, có Hóa thành mà không có Bảo Sở, cũng như không, còn tệ hơn không có.
Cho nên “có sao nói vậy người ơi!”, đừng lạm dụng thần thông vì hậu quả là nguy hại vô cùng, cuộc sống còn dài, tương lai còn dài, khi giặc thật đến, nổi lửa lên chẳng ai đến cứu, chí nguy!
Chuyện phiếm kể chơi, biết đâu hữu ích.