;
Tới tham dự và chứng minh có sự hiện diện của TT. Thích Nhật Từ, Trụ trì chùa, Chủ nhiệm chương trình khóa Giáo lý Bát chánh đạo; TT. Thích Đồng Trí, Giáo thọ sư lớp Giáo lý Bát chánh đạo, cùng toàn thể các chư Tăng Ni trong Tăng đoàn chùa Giác Ngộ, các Phật tử và các học viên trong các lớp Giáo lý Bát chánh đạo.
“Thầy là niềm tin” một nhạc phẩm ca ngợi về người Thầy được mở đầu cho chương trình với những ca từ đẹp ca ngợi về người Thầy, được Ban đạo ca trẻ chùa Giác ngộ trình bày đã hứa hẹn một đêm Tri ân: “Tôn sư trọng đạo” đầy cảm xúc.
Với hai bài cảm niệm của Phật tử học viên Tịnh Nhật và Bạch Vân đã để lại dấu ấn trong lòng Thầy và trò trong Lễ tri ân này thật là khó quên:‘’Chúng con có phúc duyên làm người con Thích tử, nên được hưởng thụ cả hai nền tri thức Đạo và Đời. Nếu như những kiến thức thế học giúp chúng con viết được những bài văn hay, nắm bắt được kỹ thuật và nghề nghiệp… thì những kiến thức Phật học giúp chúng con chuyển hóa những phiền não trong nội tâm, hướng đến một đời sống an lạc.’’
Bài ca: “Người Thầy” do Phật tử Ngọc Anh ca dâng Thầy cũng nói lên tất cả lòng biết ơn Cha mẹ và Thầy cô ngoài đời bao nhiêu thì chúng con càng ghi nhớ Thầy dạy đạo gấp nhiều lần như thế, vì Thầy đã dạy chúng con đạo lý làm người và những kỹ năng sống.
Nhân dịp này, các Phật tử là học viên lớp Giáo lý dâng cúng chút phẩm vật cúng dường lên chư Tôn đức trong Tăng đoàn bày tỏ tấm lòng tri ân sâu sắc: ‘’Ngày ấy trong cuộc đời này khi con vấp ngã, thầy đến bên con nâng bàn tay con dạy, dìu dắt con đi trong tình thương Phật pháp. Dù thầy không nói ra nhưng con vẫn hiểu tình thầy bao la”. Nhạc phẩm:“Tình Thầy bao la’’ được thể hiện qua giọng ca của Phật tử Diệu Thanh đã làm cho phần dâng cúng phẩm vật thêm vô cùng trang trọng thành kính đầy ý nghĩa.
Trong giờ phút trang trọng của buổi Lễ tri ân Tôn sự trọng đạo này, TT. Thích Đồng Trí, Giáo thọ sư đã có vài lời tâm tình với Phật tử lớp Giáo lý và cũng là học trò của mình cùng với Tăng đoàn chùa Giác Ngộ. Thầy đã nói về Lễ Tôn sư trọng đạo, đây cũng là ngôi chùa tiên phong tổ chức về lễ tri ân này (các chùa khác thì chỉ có Phật tử đến thăm riêng quí thầy mà thôi). Thầy cũng tán thán tinh thần Tứ trọng ân của các Phật tử lớp Giáo lý và Phật tử chùa Giác Ngộ. Thầy nói: "Khi biết đi thăm các vị thầy dạy chữ cho mình từ cấp 1 cấp 2 ngày xưa thì lẽ nào lại quên đi những bậc thầy đã tận tụy đang giáo dưỡng cho mình ngày hôm nay. Đó là một sự liên hệ hợp lý". Thượng tọa cũng nhắc đến những ưu tư mà Thầy trụ trì và Thượng tọa đặt lên hàng đầu, bởi ngôi chùa Giác Ngộ ngay từ khi mới thành lập đã là một trường Sơ cấp Phật học, là trung tâm của giáo dục Phật giáo.
Nhân dịp này, Thầy cũng nhắc nhở lại vai trò của người Phật tử, đến chùa là phải tu học chứ không chỉ có xin và lạy. Chánh pháp hay mạt pháp, hưng thịnh không phải dựa vào cơ sở vật chất, số lượng chùa to, Phật lớn, số lượng tu sĩ, đó chỉ là một mặt mà vấn đề quan trọng hơn là thực tu, thực học…
Báo ân và tri ân, đạo nghĩa thầy trò theo quan điểm của Phật giáo được TT. Thích Nhật Từ là một trong những người thầy đã ưu tư, trăn trở cho nền Giáo dục Phật học nước nhà mà suốt mấy chục năm qua thầy không ngừng ngơi nghỉ nghĩ về. Nhân dịp này Thầy đã đề cập đến 3 điều sau: i) Cách học ngày trước và cách dạy ngày nay; ii) Vai trò của nhà giáo; iii) Tô canh và kỹ năng sống.
Thầy đã đưa ra cách so sánh để chúng ta thấy rõ sự khác biệt theo chiều hướng tiêu cực như là sự tiến triển từ quá khứ đến hiện tại mà nền giáo dục của Việt Nam ngày càng được tiến bộ và nền giáo dục Phật học ngày cũng được tăng tiến. Dầu có bước tiến triển khá dài nhưng nếu không cải cách nền giáo dục một cách toàn diện thì nền giáo dục Việt Nam vẫn bị lạc hậu so với khu vực.
Đặc biệt,Thượng tọa đã không thích khái niệm sánh ví vai trò người thầy giáo như một người đưa đò thầm lặng. Bởi, theo Thượng tọa thì chỉ thích hợp cho những học trò mẫu giáo, cấp 1, vì người học sinh hoàn toàn phụ thuộc vào kiến thức của người giảng dạy. Người đưa đò làm hết tất cả mọi thứ, còn học sinh thì ngồi như là người khách (chỉ để hưởng) cái đó không thể gọi là giáo dục được. Vì từ cấp 1 trở xuống các em không thể tự học được mà nó phụ thuộc hoàn toàn vào kỹ năng truyền đạt của người thầy. Từ cấp 2, đặc biệt là từ cấp 3 trở lên thì không thể sánh ví người chèo đò như nhà giáo được. Quan niệm sánh ví này là đa số, nên vẫn còn đó các thói quen mọi tri thức, chữ nghĩa mà chúng ta có được đều là sự chu cấp của các nhà giáo mà được sánh ví như người lái đò. Sức người lái đò nhiều thì trở con đò to, nhỏ thì trở ít, nhanh hay chậm là phụ thuộc vào sức của người lái đò. Hoàn toàn bị động, đó không phải là nền giáo dục!
Một lần nữa, thượng tọa lại mong muốn tất cả các vị tu sĩ đều trở thành một vị đạo sư, vì đạo sư là người thầy dẫn dắt, hướng dẫn khác với người chèo đò nâng các em lên bờ. Giáo dục là phải truyền đạt kỹ năng sống, trên nền tảng truyền đạt kỹ năng con chữ. Người học viên phải tự lái, tự trải nghiệm không ai lái và chèo hộ mình. Dựa vào kiến thức đã được chỉ dạy người học viên phải nỗ lực để về lâu dài phải ngang bằng thầy, giỏi như thầy, thậm chí phải đi nhanh hơn, tốt hơn, đi ngắn hơn, hiệu quả hơn. Vì lý do đó mà Thượng tọa thích hình ảnh người thầy là đạo sư hơn là người đưa đò.
Thượng tọa cũng nhấn mạnh rằng: Học Phật là học đạo đức, học kỹ năng sống, không phải học Phật để tích tụ để khoe với mọi người. Với 4 kỹ năng sống: Có tâm, có tầm, có trí tuệ và phụng sự.
Chương trình văn nghệ cúng dường với chủ đề:‘’Tri ân thầy” của Ban nhạc Diệu âm chùa Giác Ngộ, cũng là phần khép lại buổi Lễ Tôn sư trọng đạo lần đầu tiên được diễn ra trọng thể tại chùa Giác Ngộ đã để lại ấn tượng khó quên cho cả thầy và trò trong Tăng đoàn và lớp Giáo lý Bát chánh đạo cùng các Phật tử.