;
Vùng đất Thuận Hóa (Thừa Thiên - Huế) từ lâu được coi là trung tâm Phật giáo của xứ Đàng Trong, với mật độ chùa chiền, niệm phật đường, am tự lớn nhất cả nước.
Hiện ở Huế có hơn 300 ngôi chùa và niệm phật đường lớn nhỏ, trong đó có những ngôi Tổ đình, cổ tự nổi tiếng từ hàng trăm năm như Chùa Thiên Mụ, Từ Đàm, Báo Quốc, Từ Hiếu, Quốc Ân,Trúc Lâm, Thiền Tôn, Trà Am, Vạn Phước…
Sự phát triển của Phật giáo cũng như hệ thống chùa chiền ở vùng đất Thuận Hóa gắn liền với lịch sử phát triển kinh thành Phú Xuân - Huế, kể từ khi vùng đất này trở thành Thủ Phủ của xứ Đàng trong dưới thời các Chúa Nguyễn (1558 - 1788), rồi trở thành kinh đô nhà Tây Sơn (1788 - 1801) và nhà Nguyễn (1802 -1945).
Chùa Từ Hiếu |
Mỗi ngôi chùa ở Huế không chỉ là một công trình kiến trúc độc đáo hòa quyện giữa con người với cảnh quan thiên nhiên, mà còn là một địa chỉ lịch sử, văn hóa, tâm linh đặc sắc. Nhiều ngôi chùa đã trở thành biểu tượng đặc trưng trong đời sống văn hóa tâm linh Huế.
Chùa Thiên Mụ - ngôi chùa được coi là cổ nhất ở Huế, gắn liền với huyền thoại chọn đất đóng đô của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Khi vào trấn thủ xứ Thuận - Quảng, Nguyễn Hoàng đã đích thân đi xem xét địa thế ở đây nhằm chuẩn bị cho mưu đồ mở mang cơ nghiệp, xây dựng giang sơn cho dòng họ Nguyễn sau này.
Trong một lần đi dọc sông Hương ngược lên đầu nguồn, ông bắt gặp một ngọn đồi nhỏ nhô lên bên dòng nước trong xanh uốn khúc, thế đất như hình một con rồng đang quay đầu nhìn lại. Người dân địa phương cho biết, đây là đồi Hà Khê, đêm đêm thường có một bà lão mặc áo đỏ, quần lục xuất hiện trên đồi, nói với mọi người: "Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh".
Năm 1601, chúa Nguyễn Hoàng cho xây dựng chùa trên đồi, ngoảnh mặt ra sông Hương đặt tên là Chùa Thiên Mụ. Trải qua hàng trăm năm tồn tại, mở rộng và phát triển từ thời các chúa Nguyễn đến vua Nguyễn, Chùa Thiên Mụ được vua Thiệu Trị xếp vào “Thần kinh nhị thập cảnh”(20 cảnh đẹp của đất thần kinh) và ngày nay vẫn là biểu tượng tâm linh của người dân Cố đô.
Chùa Từ Đàm |
Chùa Từ Đàm - được xây dựng năm 1690, đời chúa Nguyễn Phúc Thái, với tên gọi ban đầu là Ân Tôn, đến năm 1841 được vua Thiệu Trị đổi tên thành chùa Từ Đàm. Chùa trở thành trung tâm phật học lớn của cả nước, hàng trăm Niệm Phật đường và các khuôn hội thành lập sau này đều lấy bài trí cấu trúc và cách thờ tự của chùa Từ Đàm làm khuôn mẫu.
Chùa Từ Đàm cũng là nơi diễn ra đại hội thành lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam và ký tên gia nhập Hội Phật giáo thế giới năm 1951. Trở thành niềm tự hào của Phật giáo Huế qua ca từ trong bài hát nổi tiếng "Từ Đàm quê hương tôi" của Nguyễn Thông: "Ôi! anh linh bóng chùa Từ Đàm, nơi Bắc Nam nối nguồn Đạo Vàng…”.
Chùa Từ Đàm cũng là trung tâm của các hoạt động đấu tranh của Giáo Hội Phật Giáo chống các chế độ độc tài tại miền Nam vào những năm 60 thế kỷ XX, để lại dấu ấn lớn trong công cuộc đấu tranh giải phóng Miền Nam.
Chùa Báo Quốc – được xây dựng từ thế kỷ XVII thời chúa Nguyễn Phúc Khoát được trùng tu phát triển rực rỡ dưới thời các vua Nguyễn, là trung tâm đào tạo tăng tài cho phật giáo Đàng Trong. Nơi đầu tiên thành lập Trường sơ đẳng Phật học(1935) và Trường cao đẳng Phật học(1940) của cả nước. Chùa trở thành một trung tâm đào tạo Tăng Ni lớn của phật giáo cả nước từ đó cho đến ngày nay.
Chùa Từ Hiếu - hay còn gọi là chùa Thái giám được xây dựng vào năm 1843, gắn với câu chuyện cảm động về tình mẫu tử của Thiền su Nhất Định người sáng lập chùa để phụng dưỡng mẹ già. Chuyện đến tai Tự Đức, cảm phục trước tấm lòng hiếu thảo của sư Nhất Định nên đặt tên là Từ Hiếu Tự. Năm 1848, chùa được các vị quan lại trong cung triều Nguyễn nhất là các vị thái giám cúng đóng góp trùng tu tôn tạo qui mô hơn để lo việc thờ tự sau này. Chùa được coi là nghĩa trang thái giám có một không hai ở Huế hiện nay…
Chùa Thiên Tôn |
Có thể nói, hệ thống chùa Huế là một không gian tâm linh, không gian văn hóa đặc sắc có một không hai ở nước ta. Khác với hệ thống di tích Huế như cung điện, lăng tẩm nhà Nguyễn, in dấu một thời vàng son của quá khứ.
Chùa Huế là một thực thể sống động và phát triển, chứa đựng những dòng chảy văn hóa đặc sắc nối quá khứ với hiện tại, nối con người với văn hóa tâm linh... Đến với chùa Huế, du khách không chỉ được vãn cảnh vườn thiền, thưởng thức ẩm thực chay Huế…mà còn được đắm mình trong dòng lịch sử, văn hóa phật giáo đặc trưng của vùng đất Phú Xuân - Huế.
Chùa Huế nơi thờ tự linh thiêng luôn rộng mở đối với mọi người, thế nhưng chỉ dừng lại ở việc du lịch thưởng ngoạn cảnh quan, kiến trúc theo kiểu “ăn sẵn” như lâu nay vẫn làm thì quả thật lãng phí vô cùng. Bởi ẩn chứa đằng sau mái ngói thâm u, tường rêu cổ kính của những ngôi chùa ấy là cả một kho tàng văn hóa, lịch sử, tôn giáo đặc sắc của đất và người xứ Huế.
Hệ thống chùa ở Huế là nguồn tài nguyên du lịch đặc sắc mà lâu nay chưa được quan tâm đầu tư khai thác đúng mức. Chính vì thế, Huế có lẽ là địa phương đầu tiên trong cả nước đã có hẳn một cuộc Hội thảo chuyên đề “Di sản văn hóa Phật giáo và vấn đề phát triển du lịch ở Huế”.
Tại đây, các nhà nghiên cứu văn hóa, quản lý du lịch đã “cân, đo, đong, đếm” trên rất nhiều khía cạnh với mục đích trả lời câu hỏi: liệu văn hóa Phật giáo xứ Huế có thể biến thành một tài nguyên du lịch đầy hấp dẫn trong thời đại ngày nay hay không?
Rất nhiều ý tưởng được đưa ra như tổ chức tour “Lễ nhạc Phật giáo Huế” nhằm giới thiệu cho du khách lễ nghi nhà Phật nhằm trải nghiệm với những giá trị nghệ thuật của nhạc lễ, lễ hội chùa Huế. Phát triển tuor “Du lịch thiện nguyện”, tour “Tham quan hoạt động thủ công các ni viện” để tận “mục sở thị” tài năng các ni giới chế biến ẩm thực chay. Hay tổ chức Festivan du lịch tâm linh, Festival văn hóa Phật giáo Huế…
Từ nhiều năm nay, hệ thống chùa Huế đã trở thành điểm đến tham quan thưởng ngoạn, nghiên cứu hấp dẫn của đông đảo du khách trong và ngoài nước. Là địa chỉ hành hương, thiện nguyện của đông đảo tăng ny phật tử trong cả nước. Vấn đề là các cấp ngành chức năng phối hợp với nhà chùa như thế nào trên lĩnh vực du lịch? Để chùa Huế vẫn giữ được sự linh thiêng nơi thờ tự, đồng thời là địa chỉ du lịch độc đáo hấp dẫn đối với du khách.
Làm tốt sự phối họp này, chùa Huế và văn hóa Phật giáo Huế sẽ có cơ hội phát huy hết những giá trị độc đáo của mình trên lĩnh vực du lịch, sớm trở thành một thương hiệu văn hóa tâm linh đặc sắc của Huế và cả nước./.
Ngô Minh Thuyên
N.M.T - vov