;
Đến với Bago cố đô vương quốc Môn
Trong chuyến hành hương về xứ sở của xá lợi Phật lần này
tôi không thể không nói về quãng thời gian có mặt tại vương quốc Môn. Tuy thời
gian không nhiều nhưng rất ấn tượng và quan trọng. Đơn giản bởi, nếu đến Việt
Nam mà không đi cố đô Huế thì đó là 1 điều rất đáng tiếc.
Theo truyền thuyết kể lại, hai công chúa người Môn đến từ Thaton đã thành lập lên Bago từ năm 573. Có tài liệu viết rằng, sau khi Đức Phật thành đạo được 8 năm thì ngài cùng tăng đoàn của mình đi hoằng pháp đến nhiều quốc gia đông nam Á. Trên đường về Đức Phật đi ngang vịnh Martaban khi đó thủy triều xuống thấp và Ngài nhìn thấy 2 chú thiên nga vàng đang cỡi lên nhau, con mái trên con đực, ngay trên mỏm đất cao vừa đủ chỗ cho họ đứng.
Nhìn thấy chuyện kỳ lạ này, Đức Phật báo với tăng đoàn rằng nhất định 1 ngày trong tương lai sẽ thành 1 quốc gia sát biển. Vùng biển mà Đức Phật dự báo khi đó đã được người Môn của vương quốc Thaton biến thành thuộc địa 1.500 năm sau. Chính người Môn đã trở thành những người đầu tiên thống lĩnh vùng đất đặc biệt này.
Chúng tôi đến Bago thăm chùa cổ Shwe Tha Lyaung với pho
tượng Phật nằm đẹp nhất và lớn nhất thế giới (dài 54.88m, cao 16m, khuôn mặt
dài 6.86m, mắt dài 1.14m) do vua Miga Depa
xây dựng năm 994. Phải công nhận là vĩ đại. Không thể phủ nhận rằng nơi
đây linh thiêng và có cái gì đó rất đặc biệt. Tôi cứ nghĩ trong đầu khi có mặt
tại đây rằng những gì liên quan đến Đức Phật và rất cũ, rất cổ luôn quá tuyệt
vời. Chúng tôi lại được Đại Đức Thích Minh Đồng – trụ trì chùa Hưng Khánh Hà
Nội và là trưởng đoàn hướng dẫn làm lễ rất chu đáo. Tôi luôn rất thích thú phần
đi nhiễu quan tượng phật. Tôi luôn cố gắng dành thời gian ngồi tọa thiền. Tĩnh
tâm ở nơi đây dù chỉ ít phút thôi nhưng thật tuyệt vời.
Một ngôi chùa ở cố đô Bago mà tôi cũng rất thích là chùa Shwe Maw Daw với tòa tháp dát kim cương cao 114m – nơi đang bảo tồn xá lợi Tóc và Xương của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ở đây cũng đang lưu giữ quả chuông được đúc từ thời vua Dhammazedi xa xưa, 1 vương miện từ thời vua Bayinpauung, 1 chiếc ô (dù) và 1 cái đẫy lọc nước từ thời vua Bodawpaya. Cũng thật may mắn khi biết rằng ngôi chùa này được xây dựng bởi 2 anh em Mahasala và Kullasala sau khi họ đi Ấn Độ về. Khi đó họ chỉ xây 1 bảo tháp nhỏ để thờ 2 sợi tóc của Đức Phật mà họ may mắn có được.
Lễ Phật ở đây tôi thấy rất thích. Chắc là do cảm nhận cá
nhân nhưng ở ngôi chùa này tôi thấy bình an đến là lạ. Tôi thấy người mình tràn
đầy cảm xúc và năng lượng. Tình yêu thương và lòng từ bi từ Đức Phật như lan
tỏa khắp trong tôi. Liệu không biết có phải do xá lợi của Ngài hay là từ những
viên kim cương quý hiếm đang hiện diện nơi đây. Nhưng tôi thấy khâm phục người
dân xứ sở tại: dù nghèo và khó đến đâu cũng vẫn quyết tâm bảo toàn và bảo tồn
Tam Bảo. Chùa chiền với đầy rẫy vàng lá và kim cương vẫn còn nguyên, không suy
chuyển, không bị mất đi theo năm tháng.
Cũng cần phải nói thêm rằng vào những năm 850 thủ đô của người Môn đươc chuyển đến Thaton. Khi đó họ bị người Miến thống trị. Đến tận năm 1287, sau khi đế chế Bagan sịp đổ thì người Môn mới dành lại được độc lập. Tôi có dành chút thời gian nghiên cứu về lịch sử của đất nước Myanma và thấy cũng khá phức tạp và huy hoàng. Nhiều triều đại và nhiều phong cách lãnh đạo tại nhiều vùng đất trên lãnh thổ Myanma ngày nay.
Nhưng tôi đặc biệt ấn tượng
với vua Bodawpaya (1782 – 1819), người đã cho xây dựng lại Bago. Nhưng cũng ít
ai biết rằng sau đó dòng sông trào dâng nước và cuốn trôi thành phố ra biển. Để
rồi sau này vĩnh viễn không bao giờ chúng ta có cơ hội thấy lại 1 vị thế và
nguy nga của Bago ngày xưa nữa.
Tại Bago, tôi gặp được 1 người địa phương rất am hiểu về lịch sử. Anh cho biết thêm rằng sau khi cuộc chiến tranh Anh – Miến lần thứ 2, chính phủ Anh cho sát nhập Bago vào năm 1852 để rồi 10 năm sau tỉnh này được thành lập và thủ đô của Myanma được dời về Yangon. Như vậy cố đô huy hoàng của vương quốc Môn và đất nước Myanma chỉ kéo dài đến giữa thế kỷ 19.
Tôi khuyên bạn, nếu có cơ duyên đến với Bago, nên dành thời
gian thăm viếng thêm Hoàng Cung của Vua Bayint Naung. Địa danh này ít gắn với
Phật giáo và không là thánh địa trong những cuộc hành hương nhưng đến để cảm
nhận về 1 thời huy hoàng của 1 vương quốc. Bạn đến để cảm nhận được sự vô
thường: những gì bị tàn phá theo thời gian, những gì còn lại theo năm tháng. Và
rằng dù có vĩ đại đến đâu, có hoành tráng đến mức nào thì vẫn không ra khỏi 2
chữ Vô Thường mà thôi.
Viết đến đây, tự nhiên tôi muốn đi 2 nơi: Huế và Hoa Lư. Nhất là Huế. Tôi thấy Huế có gì đó rất giống, rất gần với Bago của người Môn. Và để rồi lại quyết tâm quay lại cố đô Bago với những ngôi chùa đẹp và nguy nga của đất nước Myanma thân thương và yêu dấu.
TS Nguyễn Mạnh Hùng – Công ty sách Thái Hà
Angon, Myanma, tháng 6/2013
Mời đón đọc:
Phần 5: Thỉnh xá
lợi Phật và những chuyện khó tin
Phần 6: Những lời
muốn nói thêm