;
Phật giáo có thể có nhiều hình thức để gây thiện cảm với báo chí.
1. Từ “đối tượng” ở đây được đặt trong ngoặc kép, với cách hiểu có khác với khái niệm “đối tượng” khi đi kèm với khái niệm “đối tác”, như sách vở, báo chí vẫn dùng.
Nói Phật giáo Việt Nam là đối tượng của báo chí thì không phải Phật giáo Việt Nam và báo chí có sự đấu tranh (so với đối tác). Mà ý chỉ nói, hiện nay báo chí tập trung sự quan tâm vào Phật giáo Việt Nam quá mức bình thường, nóng và nhạy cảm chênh lệch so với các tôn giáo khác.
Quá trình những năm vừa qua, đặc biệt, năm 2019, đã cho thấy điều đó.
Mới đây, ở vụ ni cô đánh trẻ, một tờ báo đã tỏ ra nhanh nhảu dị thường, đăng ngay nội dung một văn bản của cơ quan thẩm quyền không nêu thời gian của văn bản, trích dẫn thông tin không đầy đủ, cắt cúp nội dung, gây sự ngộ nhận trong dư luận.
2. Lý do báo chí hôm nay cứ coi Phật giáo là một hỏa điểm cần nhắm tới tôi đã phân tích trong nhiều bài trước. Trong các bài đó, tôi đã dự báo họ sẽ làm như thế dưới nhiều hình thức, bằng nhiều phương thức, và dự báo đó đúng như chúng ta đã thấy trong trường hợp mới đây nhất. Với bài này, chúng ta không tìm nguyên nhân nữa, mà sẽ thử tìm hướng giải quyết vấn đề.
3. Trên mạng, có ý kiến cho rằng lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam cứ để thế, cho đến khi có trường hợp một cơ quan báo chí nào đó biểu hiện sai phạm rõ ràng, khi đó khởi kiện “điểm”, xử điểm một lần cho báo chí... sợ, hết dám đụng tới Phật giáo?
Chờ một trường hợp sai phạm rõ ràng, có cơ sở để tố giác hoặc khởi kiện dân sự? Vậy là đúng pháp luật. Nhưng báo chí khi đề cập đến Phật giáo Việt Nam theo kiểu chúng ta đã thấy họ không dễ gì để sai phạm đến mức để phiền phức cho họ như thế.
Báo chí có nghiệp vụ, có kỹ năng, có ngón nghề, có kỹ xảo của họ. Nếu bị động mà chờ họ sai phạm đến mức thưa kiện, thì không biết bao nhiêu lần họ hành xử kiểu tạm gọi “tập kích truyền thông” vào Phật giáo nữa?
Một vụ kiện nó sẽ mang trong mình tất cả sự phiền toái, rắc rối. Lại một chuyện nữa để báo chí khai thác, xoi mói, đàm tiếu... Phật giáo Việt Nam lại rơi vào tâm bão truyền thông?
Kiện thì có thắng có thua, tùy vào nhiều yếu tố? Nhưng tục ngữ có câu “vô phúc đáo tụng đình”, dù ra tòa với tư cách nguyên đơn, bị hại.
Vấn đề ở chỗ, liệu một, hai vụ kiện đạt kết quả có làm thay đổi cục diện quan hệ giữa báo chí với Phật giáo Việt Nam, chấm dứt hoàn toàn vấn nạn “tập kích truyền thông” vào Phật giáo Việt Nam?
Câu trả lời không khó để nghĩ đến, là không!
Ngược lại, nếu mâu thuẫn giữa Phật giáo Việt Nam với giới báo chí hiện nay được đẩy sang khúc quanh mới, thì có thể sau khi bồi thường, bị phạt tiền, xin lỗi, đính chính, thì có thể tâm lý thành kiến trong một số lãnh đạo các tờ báo, biên tập viên, phóng viên lại lên cao hơn, ác cảm sẽ lớn hơn đối với Phật giáo Việt Nam. Khi đó, giới báo chí sẽ hình thành một dạng ẩn ức với Phật giáo Việt Nam và những tình huống bộc lộ ẩn ức sẽ làm quan hệ giữa giới báo chí với cả Phật giáo Việt Nam phức tạp, gay gắt hơn trước, không phải chỉ tiềm tàng, mà khả năng không có lợi cho Phật giáo Việt Nam sẽ cao hơn?
4. Hiện nay, Phật giáo Việt Nam, trong kết luận từ tổng điều tra của chính quyền, đã là tôn giáo thiểu số, chỉ còn ở khoảng 4,6 triệu tín đồ. Tình thế này cộng với tình trạng phức tạp mới của giới báo chí đối với Phật giáo Việt Nam sẽ đi ngược lại mục tiêu hạn chế các cuộc “tập kích truyền thông” vào Phật giáo Việt Nam, mục tiêu nâng cao vị thế của Phật giáo Việt Nam? Vì dưới con mắt của báo chí khi đó, vị trí Phật giáo càng xuống thấp hơn, bị coi thường hơn và đáng ghét hơn?
Điều lưu ý là, giới báo chí chuyên nghiệp họ làm truyền thông ở đẳng cấp khác với những người tay ngang tham gia truyền thông mạng xã hội.
Nếu họ có một vấp váp, sơ hở nào đó để bị khởi kiện dân sự hay tố giác hình sự, họ sẽ có biện pháp điều chỉnh hiệu quả. Từ đó, họ sẽ “tập kích truyền thông” vào Phật giáo Việt Nam một cách tinh vi, khéo léo hơn, công phá mạnh, với những phương thức tàng hình ẩn mặt, nghi trang tinh vi, nâng cấp, phức tạp hơn.
Hướng xử lý này không phải là chuyển hóa, mà là dấn sâu vào những vấn đề đã được nhận ra.
Cùng với tiến trình thiểu số hóa tín đồ Phật giáo, đương nhiên là tiến trình thiểu số hóa nhà báo theo đạo Phật, giảm thiểu tình cảm của giới nhà báo nói chung với đạo Phật.
5. Vậy nên, vấn đề phải là ở chỗ làm cho giới báo chí nói chung, tập trung vào những tờ báo đã có những tin bài bất lợi cho Phật giáo, CHUYỂN HÓA THÀNH YÊU PHẬT GIÁO VIỆT NAM, chứ không nên có bất kỳ động thái nào làm gia tăng căng thẳng quan hệ, gia tăng não trạng ác cảm với Phật giáo. Tựa bài viết này hướng Phật giáo Việt Nam đến mục tiêu “đối tác” với báo chí cũng là vì vậy.
Nói đến hướng đến mục tiêu “đối tác” với báo chí tức là nói đến việc chủ động. Trong đó, các quan chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam có vai trò hàng đầu, quyết định.
Những khi báo chí có những tin bài tích cực đối với Phật giáo Việt Nam, như Vesak 2019, thì do những tác động từ Giáo hội Phật giáo Việt Nam? Do báo chí tự nguyện, cảm tình, làm lợi cho Phật giáo? Hay do tác động từ xuống từ cấp cao hơn?
Riêng cảm nhận chủ quan của cá nhân tôi, thì dường như các quan chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam quan hệ với báo chí không thắm thiết ở mức cần có để giải quyết vấn đề, không chủ động tác động đến báo chí?
Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam vừa qua, lẽ ra, bên cạnh những đoàn chính quyền tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp... liên tục đến thăm viếng, chúc mừng, tặng hoa, tặng quà, đăng quảng cáo ủng hộ nguyên trang trên các tờ báo lớn... phải có đoàn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp.
Có lẽ không cần nói ra chi tiết, nhưng khi đã định hướng xây dựng quan hệ tốt đẹp, thân hữu, tình nghĩa với giới báo chí thì có rất nhiều phương thức, mà thậm chí mỗi chùa cũng có thể thực hiện.
Mỗi chùa, trong những dịp lễ hội lớn, có mục tiêu thông báo rộng rãi để quy tụ người tham gia đông đảo, có thể đăng thông tin nguyên trang trên các tờ báo mà chúng ta muốn gieo duyên thiện cảm, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp.
Các chùa có thể tổ chức những hoạt động chuyên đề, mời các nhà báo đến để thông tin, viết bài PR, như cổ động ẩm thực chay, giới thiệu sách mới xuất bản...
Trong đó, cần quan tâm ưu đãi phóng viên những tờ báo lớn có nhiều bạn đọc, giao thiệp thân hữu với những nhà báo cần quan tâm đặc biệt.
Gây thiện cảm với giới báo chí không cải thiện tức thì mối quan hệ giữa báo chí với Phật giáo Việt Nam như chúng ta đã thấy trong thời gian qua, nhưng việc cải thiện dần dần đương nhiên chắc chắn.
Tôi không nói đến việc tặng quà, bao thư riêng đối với các nhà báo được xác định là mối quan tâm. Chắc chắn không có việc như vậy. Dứt khoát nói không với văn hóa phong bì nhằm mục tiêu tạo thiện cảm.
Còn việc chùa đăng thông tin lễ hội, chẳng hạn trọn trang bìa 4 của một tờ báo xuân, thì điều đó phù hợp với pháp luật và các nhà báo trong tờ báo đó khi thấy thông tin từ Phật giáo được trình bày như vậy, thì tác động đến họ là phải có. Họ không thiện cảm hơn thì cũng phải có xem xét lại trong cách đối xử với Phật giáo Việt Nam. Và một trong những yếu tố quan trọng là thái độ của ban biên tập.
Đối với một tờ báo, họ không thể vừa đăng quảng cáo thông tin cổ động về lễ hội Phật giáo, vừa cứ đúng dịp sau tết là lại có bài tiêu cực về lễ hội Phật giáo, coi lễ hội Phật giáo đầu xuân là một thứ “loạn” phải “dẹp” như đã từng làm?
Phật giáo có thể có nhiều hình thức để gây thiện cảm với báo chí mà ở các tôn giáo khác khó có thể thực hiện. Thí dụ, những lễ hội của một vài tôn giáo mang tính chất khép kín, đặc thù không thể đăng báo cổ động, cổ động thì vô nghĩa, khó coi. Cánh cửa làm thân với báo chí hẹp nếu rơi vào tình trạng như vậy. Nhưng Phật giáo Việt Nam thì khác. Lễ hội Phật giáo mang tính mở, tính quần chúng cao hơn.
Một ví dụ nữa, khi thế giới qua đại dịch, thì các đoàn hành hương đất Phật của Phật giáo Việt Nam cũng có thể mời các nhà báo trong diện quan tâm đi cùng để họ hiểu và thông cảm hơn về Phật giáo.
Do đó, xin nhắc trở lại, các lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam nên xác định “đối tượng” các nhà báo cần quan tâm là ai, để tập trung chuyển hóa họ thành “đối tác” bằng những hình thức thích hợp, toàn Phật giáo có thể tham gia.
Một chương trình tổng lực gây thiện cảm, cải thiện, chuyển hóa quan hệ với giới báo chí là sự lựa chọn duy nhất. Kết quả của lựa chọn ngược lại đã được phân tích ở trên. Còn lửng lơ, thụ động, không làm gì như hiện nay thì chắc chắn vẫn sẽ lại có những vụ việc mới như đã diễn ra trong thời gian qua?
MT
Phản hồi riêng đối với các bài tranh luận đặc biệt: vinasat132@yahoo.com, vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh, ĐT: 0915553610