;
Tôi ước giữ mãi tấm lòng trong trắng và tâm hồn chân thật ngây thơ, như gương trong không vướng chút bụi mờ. Lòng trong lặng như mặt hồ êm ái. Này danh vọng, này ái tình ngươi hỡi Không khuynh đảo, không cám dỗ được ta đâu. Tâm ta nay như …. Trí ta vững như….
Tôi rất tiếc bây giờ không nhớ rõ bài thơ của sư bà Thích Diệu Niệm nói về ý chí tu hành nữa. Nhưng hình ảnh sư bà vẫn còn khá đậm trong tâm trí tôi. Sau hơn tám năm băn khoăn và ưu tư chọn một con đường đi cho cuộc đời mình, tôi đã nhất quyết xuất gia học đạo tu hành. Người thầy đầu tiên trên đường tầm thầy học đạo của tôi chính là sư bà chùa Cần linh mà tục quen gọi là chùa Sư nữ.
Tôi không thực sự biết nhiều về những biến cố trong cuộc đời khiến sư bà đi tu vào năm 1942, lúc đó người mới 19 tuổi. Ngày tôi gặp sư bà thì người đã là một Lão Ni ngoài bảy mươi tuổi. Giữa chúng tôi có 50 năm cách biệt nhưng không vì thế mà chúng tôi cách biệt và khó thông cảm. Ngoài tình thầy trò nghiêm trang, giữa chúng tôi còn có một tình bạn vong niên khi nói đến thi ca hội họa và nhiều vấn đề khác trong cuộc sống tu hành và tuổi thơ của chúng tôi tuy khác thời.
Tôi được biết sinh thời sư bà là con gái thứ sáu của một gia đình trung lưu có cha là bác sĩ họ Vũ ở huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, mẹ là một nữ sĩ thuộc dòng Nguyễn Khoa ở Vĩ Dạ, Huế. Cha sư bà mất sớm, mẹ tần tảo buôn bán nuôi các con ăn học để không hổ danh với tiên tổ. Ngày còn trẻ, Ni cô Diệu Niệm rất đẹp. Khi cô vào chùa Cần Linh, Tp Vinh xuất gia tu hành cùng sư cụ Diệu Viên, người ta kháo nhau, chùa Sư Nữ có một cô tiên giáng trần vào chùa xuất gia! Sắc đẹp tinh khiết của Ni cô trẻ đem đến không ít phiền toái cho chùa. Các thư sinh ở trường Quốc học gần đó bỗng dưng thích viếng cảnh chùa! Thư tình, thơ văn tỏ tình gián tiếp cứ đêm đêm lại bay qua cổng chùa như cánh bướm.
Chỉ làm khổ mấy chú tiểu và bà vãi trong chùa đi nhặt chúng đốt vào mỗi sáng mai sau thời công phu khuya! Tuy nhiên, đôi khi sắc đẹp của cô cũng có giá trị nhân đạo! Truyện kể rằng vào năm 1945, quân đội Nhât chiếm đóng Việt Nam đã được một thời gian.
Chiến tranh loạn lạc khắp nơi, đói khổ do chiến tranh và thất bát mùa màng khiến dân tình thêm điêu linh tuyệt vọng. Trong hoàn cảnh đau thương đó, sư cụ chùa Cần Linh đã xin quân đội Nhật có kho thóc trong thành, mỗi ngày xuất cho các Ni cô đem nấu cháo phát chẩn cho những người đang chết đói kéo về càng ngày càng đông khắp trong vùng. Vị quan năm coi sóc trong thành Trung Đô đã đồng ý cho chùa mỗi ngày 120 kg thóc - gạo để phát chẩn. Người ăn mày ngày càng đông, nhu cầu cháo cho họ cũng tăng lên. Sư cụ bỗng nhớ ra là trong số những người ngưỡng mộ sắc đẹp của ni cô trẻ có con trai của viên quan giữ kho gạo, một sĩ quan trẻ đóng quân trong vùng. Thế là Ni cô xinh đẹp được phái đến lấy gạo khi có sự hiện diện của viên sĩ quan trẻ. Người hùng thường hào phóng hơn khi gần nữ sắc. Khi nữ sắc đó lại trong hình hài của một cô ni thoát tục thì… thóc trong kho được xuất ra nhiều hơn! Có thêm nhiều chúng sinh đói khổ được cấp dưỡng những ngày cơ cực nhất trong lịch sử Việt Nam cận đại. 50 năm sau…
Chuyện tình bi hùng như lịch sử Việt Nam cận đại. Một chiều thu nắng đang tàn phai của năm 1995. Tôi, một chú tiểu nhỏ đang săn sóc sư bà Diệu Niệm, vị thầy thế phát cho tôi chưa lâu. Khi không có việc cần kíp, tôi thường lấy kinh sách ra đọc và ngắm trời mây thơ thẩn. Hôm đó chùa có một người khách đặc biệt. Ông cụ độ gần 80 tuổi với dáng dấp của một lão ông đẹp tướng đang từ từ tiến vào khu vực nội tự. Tôi lễ phép chào cụ và hỏi xem tôi có thể giúp gì cho cụ không? Cụ nhìn khuôn viên chùa, mắt ngấn lệ có vẻ rất xúc động. Gương mặt cụ có vẻ hồng hào hơn (hình như đang lên tăng xông), cụ run run hỏi tôi có thể gặp Ni cô Diệu Niệm được không. Chú tiểu tôi hơi ngạc nhiên. Từ ngày tôi bước chân vào chùa đến nay, mọi người đều gọi thầy tôi là sư bà, có ai gọi ni cô (đại từ chỉ một nữ tu còn khá trẻ như tôi lúc đó) đâu.
Sao hôm nay lại có người…hơi bất kính, tôi không khỏi tò mò ngắm người khách lạ. Trang phục và phong cách của cụ cho thấy hình như cụ từ một nơi văn minh và xa xôi tới ngôi cổ tự bé nhỏ quê kiểng này. Chú tiểu mời cụ ngồi chờ ở phòng khách rồi vào thưa sư bà có người khách muốn diện kiến. Độ 15 phút sau, tôi dẫn cụ vào phòng sư bà. (Vì sư bà đã bị bại liệt mấy năm, không tiện ra tiếp khách bên ngoài.) khi vừa thấy sư bà, cụ ông lại có vẻ càng xúc động hơn. Cụ hỏi với giọng trầm lắng đầy xúc động: ̶ Ni cô còn nhớ tôi không? Sư bà Diệu Niệm nhìn thẳng vào người khách với đôi mắt sáng tinh anh và hỏi không chút xao xuyến, Ông là ai? ̶ Tôi … tôi là…một học trò của trường Quốc học Trung Đô hơn 50 năm trước, người đã theo ni cô suốt mấy năm hồi… ưChú tiểu vội đỡ cụ ngồi xuống chiếc ghế duy nhất trong phòng. Còn chú thì nhảy tót lên ngồi trên giường sư bà… để tiện cấp cứu nếu có gì bất thường xẩy ra! “Chuyện nghiêm trọng đây”, chú tự nhủ rồi chăm chú lắng nghe trong lúc tay vờ sắp xếp lại những đồ vật trên giường sư bà. Giọng sư bà hơi chùng xuống nhẹ nhàng hơn… trước nỗi đau nhãn tiền. ̶ Nếu vậy thì làm sao tôi nhớ được. Cụ ông đã bình tĩnh hơn đôi chút, nhưng vẫn còn xao xuyến nhắc lại chuyện cũ. ̶ Có một lần tôi được nói chuyện với ni cô. Ni cô còn nhớ không…?
Hôm đó ni cô đang gánh gạo từ kho Nhật về chùa.Trưa nắng gắt, gió lào tàn khốc thổi bay nốt những chiếc lá sắp lìa cành. Dáng ni cô mảnh mai oằn xuống cùng chiếc đòn ghánh tre kĩu kịt, mồ hôi ướt áo. Tôi đã đi theo ni cô được một đoạn đường. Khi thấy ni cô có vẻ thấm mệt, định dừng chân nghỉ dưới bóng mát hiếm hoi của con đường trơ trụi đó, tôi liền tiếp cận. Khi ghánh gạo đã được đặt xuống, tôi đến bên ni cô lễ phép hỏi tôi có thể giúp ni cô gánh nốt đoạn đường còn lại về chùa? Khi nghe đến đó, chú tiểu không nín được tiếng cười khúc khích, nhưng cố bụm miệng nén lại để nghe tiếp câu chuyện tình lâm ly của anh học trò trường Quốc học với ni cô tài sắc một thời. Ông cụ tiếp tục dòng tâm sự muộn màng. ̶ Tôi biết ni cô là con nhà trâm anh, là tiểu thư đi tu.
Tôi đã rất ái ngại và xót thương nhìn tấm thân ngọc ngà đó dãi nắng dầm mưa vì chúng sinh đang gặp khổ nạn. Nhưng ni cô đã từ chối và vội đặt gánh gạo lên vai bước đi tiếp. Ni cô đã bước đi nhanh hơn, như chạy trốn tôi, gã học trò dám quấy rầy người ẩn mình nơi cửa Phật. Tôi lúc đó tự trách mình, thấy mình vô duyên hơn, vì muốn giúp, muốn lấy lòng ni cô nhưng đã làm cho ni cô phải bước gấp hơn dưới sức nặng của đòn ghánh oằn vai và cái nắng quái ác của một trưa hè Bắc Trung Bộ năm đó. Tôi vẫn lẽo đẽo theo ni cô về chùa. Nhưng cánh cổng gỗ nặng nề đã đóng sập lại trước mắt gã trai si tình ngớ ngẩn…
Nghe một người lớn tuổi như vậy tỏ tình, dù là tình của hơn 50 năm trước, chú tiểu đã không nín được nụ cười mỉm tinh quái! Chú đi ra ngoài chút xíu để xả tiếng cười vô duyên ngịch ngợm của mình xuống gốc hòe ở sân sau ni tự. Khi chú đi vào thì thấy cả sư bà và vị khách trọng tuổi đều rơm rớm nước mắt xúc động. Rồi cụ ông lấy lại phong thái của một nhà ngoại giao kinh nghiệm đầy mình, trầm lắng tâm sự tiếp. ̶ Tuy sự gỡ gặp của chúng ta chỉ bấy nhiêu thôi, nhưng tôi cất giữ hình ảnh ni cô mãi mãi trong tim mình.
Sau khi trường Quốc học đóng cửa, tôi đã tham gia vào kháng chiến. Những năm tháng gian khổ và nguy hiểm của chiến tranh, hình ảnh đẹp thánh thiện của ni cô đã bảo vệ tôi khỏi bom mìn và súng đạn vô cảm giữa chiến trường ác liệt chín năm. Sau ngày hòa bình lập lại ở Miền Bắc, tôi đã được vinh dự ra nước ngoài học tiếp, sau đó làm việc cho bộ ngoại giao. Những năm tháng sống nơi đất khách quê người, là đại sứ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở trời Tây, tôi đã giữ mình được cũng nhờ hình ảnh trong trắng thanh lương của ni cô luôn ẩn hiện trong tâm hồn…Ni cô ơi, ni cô có biết chăng hình ảnh của ni cô có ý nghĩa thật lớn với cuộc đời tôi.
Hơn mười năm nay tôi đã nghỉ hưu, nhưng cho đến hôm nay mới thu xếp được để về quê xưa, thăm cảnh cũ và gặp người xưa…Tôi biết rằng tôi sẽ không sống bao lâu nữa, lại thấy ni cô cũng như thế này… Cụ ông nghẹn ngào nói không ra tiếng, mắt đẫm nước làm chú tiểu cũng gần khóc theo!
Chú lén nhìn sư bà xem phản ứng…có gì nguy hiểm đến tim không? Thấy gương mặt sư bà chỉ hơi ửng hồng, cặp mắt tinh anh nay dịu xuống thăm thẳm…một trời thương. Rồi cụ ông trầm giọng nói tiếp: ̶ Tôi đã định cư ở Pháp mấy chục năm nay. Lần này tôi đi không biết có sức khỏe để về nữa không. Tôi mạo muội xin sư bà… cho tôi một tấm hình để tôi mang theo bên mình mãi mãi… Sư bà bảo tiểu tìm một tấm hình gần đây nhất của mình tặng cụ …bạn cũ. Tôi lục tìm được một tấm hình rất vừa ý. Đưa cho cụ và yên tâm rằng mình đã làm được một điều gì đó để an ủi người khách lạ. Chú tiểu tôi tiễn cụ ra cổng. Cánh cổng nay nhẹ nhành thanh thoát hơn của thời ấy.
Một cơn gió nhẹ trong chiều tà thổi những lá vàng bay tơi tả trên lối đi trong sân ngôi cổ tự. Tôi đứng ngẩn ngơ hồi lâu, nhìn theo hình ảnh cụ ông cũng ngoái đầu nhìn lại cổng chùa nhiều lần trước khi tất cả nhạt nhòa trong chiều muộn. Trong tâm đồng vọng tiếng kinh chiều: “Thân như ngọn lá vàng Bên bờ ranh cõi chết. Tử thần đang đứng đợi, Sao chưa có hành trang….”
Bài viết của Sư cô Nguyên Hương (Dhammananda: Pháp Hỷ)