;
Thích Huệ Hương (áo vàng) làm lễ thọ giới cho các con
Như một cơ duyên sẵn bày, đúng lúc ấy, vị sư nữ duy nhất trong ngôi chùa này đẩy cửa bước ra. Người “đàn bà điên” thoát khỏi hoạn nạn và từ ấy, “cơ duyên” của người nữ tu kia cũng đổi thay…
“Mẹ Âu Cơ” và 100 người con
Tiếng khóc của đứa trẻ cứ lớn dần khiến vị sư nữ tỉnh giấc. “Lại có chuyện rồi”- linh tính bà mách bảo. Tiếng khóc đưa bà đến chiếc thùng mỳ tôm ai đó đặt trước cổng chùa. Đứa bé đỏ hỏn, trên trán còn dính một vệt máu dài được quấn vội vàng trong một tấm khăn màu cháo lòng, đang khóc ngất đi. Phía đằng xa, bóng một người phụ nữ chạy liêu xiêu khuất dần trong sương sớm. “Huỳnh Phước Huy đã chào đời như thế đấy. Tôi cứ sợ nó không thể sống được, may mà trời phật thương tình!…”- Thích nữ Huệ Hướng rưng rưng kể lại.
Thích Huệ Hương (áo vàng) làm lễ thọ giới cho các con
Phước Huy là “đứa con” thứ 100 mà trong mười năm qua…Trời phật mang đến cho Thích nữ Huệ Hướng. 99 anh chị của Huy, số phận mỗi người là một câu chuyện làm đau lòng người. Và ở những câu chuyện ấy nhân vật chính đều có một điểm chung là sự ghẻ lạnh, bơ vơ, đói rách từ thưở chào đời. Nhưng giờ đây, hơn 10 anh chị lớn của Huy đã được “mẹ” Huệ Hướng cho học nghề tận Sài Gòn. Chị Nguyễn Thị Thu Sương giờ đã là y sĩ. Thấu hiểu nỗi khổ của “mẹ”, thương lũ em bơ vơ, Sương tự nguyện xuống tóc ở lại chùa coi sóc các em. Hơn 60 anh chị khác của Huy ai cũng được “mẹ” cho đi học chữ. Số còn ẵm ngửa như Huy tính ra cũng đến gần 30 người nhưng ai cũng được chăm sóc kỹ càng từ miếng ăn, giấc ngủ. Tính ra, mỗi tháng, anh em Huy đã “ngốn” của “mẹ” gần hai trăm triệu đồng. Nhưng đấy không phải là điều khiến “mẹ” khổ. Cái khổ lớn hơn là chùa neo người, anh chị Huy mỗi người mỗi nết, chỉ riêng chuyện chia quà cũng đã “loạn” lên rồi chứ chưa cần nói đến hàng trăm chuyện khác.
Mới đây, người “mẹ” bất đắc dĩ này đã thuê thêm 5 người để chăm sóc đàn con nhưng xem ra vẫn không xuể. Bởi trời phật không chỉ mang đến cho bà những đứa trẻ, còn hơn 50 con người khác số phận cũng không kém phần bi ai. Đấy là những cụ già tứ cố vô thân; là cô bé mồ côi lượm ve chai trước khi bị liệt cả hai chân đã bị người ta cưỡng hiếp sinh con; là những nạn nhân của chất độc da cam bị gia đình vứt bỏ…Cũng như 100 đứa “con” kia, hơn 50 người này chẳng ai đủ sức để làm được việc gì. Chuyện ăn uống, giặt giũ, thậm chí là vệ sinh cá nhân của họ cũng do các nữ tu trong chùa lo lắng. Thế mà trong đại gia đình ấy, người ta chưa bao giờ nghe thấy tiếng càu nhàu khó chịu mà chỉ có tiếng cười vui vẻ mỗi ngày.
Góp phước cho người
Thích nữ Huệ Hướng tên thật là Huỳnh Thị Hương. Lên năm, Hương mồ côi cả cha lẫn mẹ và bắt đầu cuộc đời phiêu dạt để nuôi thân. Những năm tháng ấy, Hương đã trải biết bao tủi nhục, đắng cay. Từ Quảng Nam, Hương phiêu dạt tận Sài Gòn, Long An, Vũng Tàu… và đã không biêt bao lần phải chìa tay xin sự ban ơn của người đời. Ba mươi tuổi, Hương dứt nợ trần xuống tóc đi tu mong tìm chút thanh thản. Vậy mà, nợ trần chẳng dứt, bà lại một lần nữa lâm vào hoàn cảnh khó khăn khi về làm trụ trì chùa Bửu Thắng.
Bửu Thắng tự cách đây 40 năm nhưng chỉ là một cái am nhỏ ngụ trên mảnh đất hoang vu. Khi Thích nữ Huệ Hướng về đây, Bửu Thắng đang là nơi ẩn thân của hàng chục con nghiện ở cái thị trấn Buôn Hồ hẻo lánh (nay là thị xã Buôn Hồ- Đăk Lăk). Một “cuộc chiến” tranh giành “lãnh địa” xảy ra. Sống ở cửa thiền nhưng vị nữ tu này chưa một ngày bình yên bởi sự phá phách hòng lấy lại “lãnh địa” của nhóm người nghiện. Rồi sự xuất hiện của người đàn bà điên chỉ biết ăn với đập phá làm chốn thiền càng thêm bề bộn.
Thế mà một ngày kia, “Phật” lại mang đến cho Thích nữ Huệ Hướng thêm 10 sinh linh nhỏ bé… Đám mía sau chùa, nguồn “tài chính” duy nhất, giờ đã không thể cáng đáng nổi hơn 10 miệng ăn. Hết đường, vị sư nữ đành lên đường “hành khất”, 10 đứa trẻ phải nhờ phật tử thay phiên trông coi. Nhưng “cơ duyên” chẳng dứt, “Phật” cứ thế mang thêm cho bà những phận đời hẩm hiu, lạc lõng. Ngẫm phận mình, nghĩ đến người lòng bà đã xót xa trăm bận. Vậy nên bà chẳng cần suy nghĩ gì cứ thế đón nhận giúp cho những số phận kia qua cơn bỉ cực. Lo cái ăn đã khổ, lo cái ở cũng đến khốn cùng, chùa cứ thế vá víu dần ra. Thích Huệ Hướng đành phải chạy vạy khắp nơi để lo cho hơn trăm con người. Tiếng là nữ tu nhưng bà cứ như con thoi ra Bắc vào Nam. Người độc miệng bảo bà làm thế để kiếm tiền tài trợ nuôi thân. Nhưng có ai biết, một trụ trì như bà lại đi vay tiền “nóng”, trong khi đó mỗi ngày bà chỉ ăn duy nhất một “bữa ngọ”. Bà đã tìm đủ cách để tụi trẻ có thể vừa học vừa kiếm thêm chút tiền. Mười năm nay, chưa bao giờ bà hết nợ, con số nợ có khi lên đến vài trăm triệu là chuyện thường tình. Nhưng bà cảm thấy mình thật may mắn vì có người sẵn lòng cho nợ…
Gian nan khôn lường nhưng vị nữ tu bỗng thấy lòng mình thanh thản khi những đứa trẻ ngày một lớn khôn, hàng trăm người vẫn sẵn lòng cùng bà góp phước cho người. Tên những đứa “con” bà đều đặt thêm chữ “Phước” và lấy ngày 1-1 hàng năm để làm sinh nhật cho chúng. Năm nào cũng vậy, đúng ngày này bà bỏ hết mọi việc để tổ chức sinh nhật cho các “con”. Và trong bữa “tiệc” này, bà luôn nhắc nhở các “con” về chữ “Phước”. Rằng: “Ta nuôi nấng các con chẳng mong nhận lại điều gì cho riêng mình, chỉ mong các con mai này khôn lớn được hưởng phước và đừng quên chia sẻ phước đó cho những người kém may mắn, cũng như ta và nhiều người khác góp phước cho các con.”
Người cửa Phật lấy câu “sắc sắc, không không” làm đầu. Nhưng càng về già bà lại càng ao ước làm sao có đủ tiền, đủ lực để xây dựng lên một trung tâm bảo trợ. Để mai này khi bà về với Phật những đứa trẻ lang thang, cơ nhỡ, những phận đời bất hạnh có chốn nương thân.