;
Bài giảng "Những điều hiển nhiên" được giảng tại chùa Hòa Khánh - Ảnh chụp màn hình
Đức Thế Tôn bậc trí tuệ như thế chưa bao giờ xác quyết rằng 95% chúng sanh sau khi chết làm ma đói, mà phàm Tăng ở đây còn giỏi hơn Đức Thế tôn?! Hù dọa chúng sanh như thế để mọi người sợ mà tu hay họ sẽ hủy báng giáo lý đạo Phật ? Thay vì hướng dẫn mọi người vào nẻo thiện lại hù dọa người nghe.
Trong tam tạng giáo điển của Đạo Phật không có một câu kinh nào hù dọa chúng sanh như thế. Pháp ái ngữ luôn là “vô úy thí” thể hiện lòng từ của một vị tu hành theo chánh giáo Phật đạo. Người giàu sang do phước quá khứ, nếu hưởng phước mà vẫn biết tạo thêm phước thì sao phải bị đọa?.
Bài giảng được tường thuật trên trang điện tử Phật giáo
Dù không tạo phước mà không tạo tội chắc gì đọa làm quỷ đói? Nếu giàu có do phước sanh mà không được thụ hưởng thì tạo phước làm gì? Chả lẽ tất cả người đời đều phải sống như người xuất gia kham khổ? Chắc gì người xuất gia không hưởng thụ sự giàu sang? “Người sống mà hết phước thì bệnh tật, đói khổ bủa vây…”
Không thấy sao, người giàu có là người đang hưởng phước mà vẫn bệnh tật chứ đâu đợi họ hết phước? Nếu vậy thì ngay nơi bản thân hiện đang mang thân bệnh, vậy có phải đã hết phước?
Không thể hiểu nổi!
Đọc bài giảng kiểu này, không thể hiểu nổi nếu đúng là lời Phật dạy!
Lần lượt xin trích đoạn:
Ts T.Chân Quang thuyết giảng tại chùa Hòa Khánh. TP HCM ngày 05/4/23 với đề tài “NHỮNG ĐIỀU HIỂN NHIÊN”.
...“Thêm nữa, ngoài việc tích cực làm từ thiện quý thầy ở đây ai cũng có lý tưởng tu hành” thế thì các chùa khác không có lý tưởng tu hành sao?... Trong khi nhiều chùa khác hoạt động không hiệu quả, quanh năm ít người tới tu học. Trước thực trạng này, Thượng toạ đặt câu hỏi tại sao nhiều người ngoài kia không chịu tu, còn quý Phật tử ở đây lại tinh tấn tu?” . Vậy chỉ có Phật tử chùa Hòa Khánh và đạo tràng của Phật Quang mới có tu và tinh tấn sao? còn bao nhiêu Phật tử tại gia họ vẫn thầm lặng tu tập không cần khua chiêng gõ mõ thì sao?
... “Sau rất nhiều câu trả lời khác nhau, Người khẳng định lại, chúng ta chịu tu bởi chúng ta tin vào đạo lý Phật dạy sẽ giúp ta vượt lên khỏi khổ đau của luân hồi, tái sinh, đạt được những điều cao thượng. Những người ngoài kia không tin điều đó bởi nghĩ rằng có làm thì có ăn nên họ cố gắng xoay sở trong cuộc sống để hưởng thụ, nhiều khi gây nghiệp, cứ mãi lăn trôi trong luân hồi, chết rồi không biết đi đâu.” Chỉ có Phật tử ngồi nghe gỉảng ở đây mới tin lời Phật dạy, các chùa khác và những người lương thiện không tin hay sao?
... “Khai mở tâm linh giác ngộ, rời bỏ thân phận phàm phu tầm thường, trở thành bậc Thánh, có thể thoát khỏi luân hồi sinh tử.” Chữ Thánh hiểu theo dân gian, các bậc siêu phàm như Lão, Khổng..đều được gọi là Thánh. Đức Phật dưới mắt thời Khổng, Nho gọi là đại Thánh.
Nhưng trong Phật giáo, Thánh đã diệt 10 kiết sử gồm hạ phần: (Thân kiến, Nghi, Giới cấm thủ, Dục và Sân), thượng phần kiết sử (hữu ái, vô hữu ái, mạn, trạo cử và vô minh), trong cõi sắc giới và vô sắc giới. Trải qua nền tảng Giới - Định - Huệ để tiến đến các giai đoạn:
1. Thánh quả Dự lưu (Tu đà hoàn):
Quả vị này gọi là “Thất lai” Kinh tạng Nikāya định nghĩa như sau: “Ở đây Tỷ-kheo đoạn dứt ba kiết sử, thành bậc Dự lưu, không đọa ác thú, chắc chắn đạt quả Bồ-đề.” Đoạn dứt ba kiết sử đầu là Thân kiến, nghi và giới cấm thủ. Quả vị này còn 7 lần sanh tử nữa mới chứng Thánh quả thực thụ.Thánh của quả vị này được gọi là Thánh quả Dự lưu, tức là mới bắt đầu bước vào dòng Thánh. Tuy còn 7 lần sanh tử nhưng chắc chắn là bậc không còn bị thối đọa, quyết chắc đạt đến Chánh giác.
2.Thánh quả Nhất lai (Tư Đà Hoàn):
Là quả vị thứ hai trong tứ Thánh quả. Phải trở lại sanh tử một lần nữa mới đạt đến vô sanh. Quả vị này ngoài ba phần kiết sử trên còn phải đoạn Dục và Sân.
3. Thánh quả Bất Lai, Bất hoàn (A Na Hàm):
Là bậc không còn phải trở lại vòng sanh tử vì nghiệp quả.
4. Thánh quả Bất sanh(A La Hán):
Là bậc đã diệt trừ hết các phiền não, đoạn diệt nghiệp sanh tử. A La Hán là quả vị cao nhất, thoát khỏi sanh tử luân hồi.
Thánh có hai loại, Thánh hạnh và Thánh quả, một người chưa đạt Thánh quả nhưng công hạnh của một vị Thánh trong đời thường được thể hiện trọn vẹn gọi là Thánh hạnh. Như vậy Thánh theo lối giảng trên đây... “khai mở tâm linh giác ngộ, rời bỏ thân phận phàm phu tầm thường, trở thành bậc Thánh, có thể thoát khỏi luân hồi sinh tử.”
Mà không giảng cho quần chúng đoạn trừ thập kiết sử để khai mở tâm linh giác ngộ thì đâu dễ rời bỏ thân phận phàm phu? Nhất là tam độc Tham Sân Si. Quá trình tiến đến khai mở tâm linh giác ngộ rời bỏ thân phận phàm phu tầm thường để trở thành bậc thánh đâu chỉ nghe giảng mà chứng đắc được (nghe cho vui thôi).
Trên đây là bốn quả vị Thánh, theo Phật giáo Bắc truyền còn phải hành Bồ Tát Hạnh mới đến Phật quả.
1. Hoan hỉ địa,
2. Ly cấu địa,
3. Phát Quang địa (Minh địa),
4. Diệm huệ địa (Diệm địa),
5. Nan thắng địa (Cực nan thắng địa),
6. Hiện tiền địa,
7. Viễn hành địa,
8. Bất động địa,
9. Thiện huệ địa,
10. Pháp vân địa.
Quá trình tu tập không chỉ một một giờ, một kiếp nếu không có căn lành nhiều đời. Ngay cả ăn chay và bỏ rượu đã là khó đối với nhiều người, nói chi đến những giới điều nhỏ nhặt.
Kinh điển nhà Phật dạy nhân thừa, giúp chúng sanh có một đời sống căn bản của con người phù hợp với căn cơ và hoàn cảnh của họ, làm Thánh chỉ dành cho những bậc xuất trần. Mỗi căn cơ có một sự hướng dẫn phù hợp với giáo lý đó. Sống trong xã hội bon chen kinh tế mà lại giảng chuyện trên mây, nghe cho vui ra về, rồi đâu cũng vào đó, có lợi gì cho bản thân ngoài chuyện mê tín?
Giáo lý thích hợp căn cơ thính chúng gọi là khế cơ. Giảng tâm lý xa rời giáo lý là “ly kinh nhất tự tức đồng ma thuyết”. Một giảng sư lấy giáo lý làm tiêu chuẩn, tâm lý xã hội để minh họa mới không sai Phật pháp. Giảng cho quần chúng cần giảng nhân thừa, đừng đề cập quả vị trên mây thiếu thực tế.
Từ lâu không muốn nghe những bài giảng tự kỳ xuất ý như vậy, nhưng do nhiều người yêu cầu, hiểu thế nào cho đúng giáo lý đạo Phật, đành phải nêu lên những quan điểm sai lầm không đáng có đối với giáo lý Phật giáo, phải chăng đó đúng với chủ đề: “NHỮNG ĐIỀU HIỂN NHIÊN” của bài giảng.
Giảng với bài giảng kiểu này, không thể hiểu nổi nếu đúng là lời Phật dạy!
19/4/2023
Dưới đây cũng là một bài giảng tương tự được đăng trên Cổng thông tin Phật giáo
--------------------------------------------
Vì thói quen khi sống ngày ăn 3 lần, đến khi chết một năm chỉ được ăn 1 lần nên bị đói thê thảm luôn! Coi trên phim ta thấy, người phương Tây ra viếng mộ, đem theo mỗi bó hoa, đứng tưởng niệm ngậm ngùi, chảy nước mắt chút rồi thôi. Hoa đó ăn không được! Chữ “Ngạ quỷ” trong Đạo Phật không có nghĩa là ác quỷ răng nanh, thè lưỡi, miệng chảy máu, nước dãi chảy nhễu nhãi, trợn mắt bóp cổ người ta. Mà “ngạ” nghĩa là đói, “quỷ” trong chữ Nho nghĩa là người âm, “ngạ quỷ” người âm bị đói, chịu cảm giác đói.
Một năm mà chỉ được ăn một bữa là đói thê thảm, đói chết luôn! Mà không biết làm sao kêu!Nếu mình ở trong cái nhà mà có con cháu của mình ở, thì mình ăn lén thức ăn của nó. Vì nó ăn mà không có cúng. Khi nó vừa dọn ra là mình lại mình lùa lùa, mình ăn liền. Hoặc là có khi tụi nó ăn còn dư mình lại liếm liếm của nó ăn, ngửi mùi nó ăn, ĐỠ ĐÓI.
Còn nếu trường hợp mình ở trong nhà, không phải con cháu (nhà bán lại cho người khác), thức ăn vừa đủ, ăn xong nó dọn sạch. Mình đói quá mà không biết làm sao xin. Vì họ là người lạ, lại mua cái nhà này. Không phải con cháu mình nên không ăn được, họ ăn họ không mời, nên mình ăn không được. Lúc đó thì làm sao? Ai đã từng làm ma nhớ lại coi lúc đó mình làm sao? Lúc đó mới XIN, xin bằng cách gì? Lúc đó cứ đập, gõ vô chén bát kêu rổng rảng, chủ nhà vô mở cửa, bật đèn lên: “Ủa? Chuột đâu mà nghe kêu hoài!”.
Rồi họ đóng cửa lại, mình tức quá mình khua tiếp, la: -Tui đây, tui thèm ăn đây nè, thấy còn miếng cơm nguội nè, cho tui ăn đi! Mình nói mà chủ nhà KHÔNG NGHE, mình khua tiếp! Họ lại mở cửa ra, không thấy chuột đâu, họ mới nghi: “Trong nhà có MA!”. Họ kiếm ông thầy pháp lại trấn, kiếm con ma khác dữ hơn đuổi mình đi, lúc đó mình tiếp tục đói.
Hoặc có khi chủ nhà ngủ, mình lay chân người đó, xin miếng ăn vì mình đang làm ma đói mà… Họ mới sợ, “Trong nhà có MA, con ngủ mà nó lôi chân con". Lúc đó có phải người ta nhát mình không? KHÔNG, người ta xin ăn thôi. Vì đói nên phải xin: đập cửa, lôi chân, kéo mền, giận quá đè lên người! Tất cả chỉ là xin ăn thôi!
Còn nếu mình bị tứ cố vô thân, chết vì bị xe tông, chết nước không người thân thừa nhận thì ma sẽ đói thê thảm luôn! Vì quá đói như vậy nên mới tìm cách đầu thai trở lại, nhưng mà không ai cho làm con hết. Vì người ta có thương đâu mà vào làm con nhà người ta được. Nên cứ đói mà đi lang thang như vậy…đến lúc thấy bụng con chó cái sáng lên, là chui ngay vô đó, đẻ ra mình làm con chó con, có bầu sữa chó mẹ bú cho đỡ đói. Hoặc thấy bụng con bò sáng lên, là chui vô, đẻ ra làm con bò con, bú bầu sữa mẹ cho đỡ đói! NHỚ, luân hồi là vậy!
Hơn 90% chúng sinh chết là làm quỷ, làm ma đói. Chỉ trừ những người nào lúc sống mà HAY CÚNG CƠM, chết được để bài vị trong chùa, thì mỗi ngày quý thầy cúng một lần thì được ăn một lần. Cũng đói nhưng mà đỡ hơn 1 năm cho ăn một lần. Nên sau khi chết, ta ở nước nào mà thường hay cúng cơm là sướng nhất?. Đó là Việt Nam.
(Trích cuốn sách “Chuyện luân hồi” – TT. Thích Chân Quang).