;
>>Hai sinh viên nghèo mượn tiền cứu người dưng bị tai nạn
Khi còn là sinh viên khoa Sư phạm Mầm non, chúng tôi được giáo viên hướng dẫn “Dạy thơ cho trẻ như thế nào?” - Thơ ca sẽ giúp trẻ tiếp nhận cái hay cái đẹp trong tiếng nói của dân tộc mà từ khi mới lọt lòng trẻ đã được nghe tiếng hát ru của mẹ và là lần đầu tiên nghe giọng nói của con người. Thơ ca làm giàu xúc cảm, làm sao người giáo viên phải biết khơi dậy ở trẻ tình cảm sâu đậm về con người, hun đúc ở trẻ một tâm hồn nhạy cảm, dễ xúc động khi tiếp xúc với con người hoặc cảnh vật thiên nhiên xung quanh. Đặc biệt qua thơ ca giáo viên cần giáo dục trẻ lòng nhân ái, lòng yêu quê hương và gia đình người thân….
Ảnh minh hoạ( nguồn internet)
Ra trường, chúng tôi thuộc nằm lòng lời bài giảng năm xưa và hy vọng mình sẽ dạy tốt về thơ ca…không biết có chủ quan hay không khi cho rằng dạy thơ cho trẻ là dễ nhất và hy vọng mình sẽ dạy thơ giỏi nhất.
Tôi nhớ buổi lên lớp đầu tiên với tiết dạy trẻ đọc thơ, bài Hạt gạo làng ta của anh Trần Đăng Khoa. Hôm ấy “không may” cho lớp tôi là có người dự giờ, biết tin có cô hiệu trưởng dự giờ tôi cứ túng túng không thể tả, không còn biết thứ gì để ở đâu nữa. Thế là một mình tôi với ba mươi cháu nhỏ vừa tròn bốn tuổi chạy lui, chạy tới chuẩn bị thật lâu nào là tranh vẽ cảnh đồng ruộng giữa cái nắng gay gắt của mùa hè; tranh mưa bão với hình ảnh bà mẹ lưng còng đang run run cấy mạ trên đồng…. nói chung nội dung các bức tranh được đánh giá là khá chuẩn – với cái nhìn của tôi, một sinh viên mới ra trường tập dạy.
Lần đầu tiên tôi dạy trẻ đọc thơ bằng hình thức cô đọc trước, trẻ đọc theo từng câu cho đến hết bài thơ. Khi đọc đến đoạn:
Hạt gạo làng ta
Có bão tháng bảy
Có mưa tháng ba
Giọt mồ hôi sa
Những trưa tháng sáu
Nước như ai nấu
Chết cả cá cờ
Cua ngoi lên bờ
Mẹ em xuống cấy…
Bổng dưng tôi ngập ngừng vì …nhớ mẹ. Quê tôi nghèo lắm, mẹ tôi ngày ngày hai buổi ra đồng, trời mùa nắng nóng như thiêu, như đốt; mùa mưa bão thì lạnh thấu xương …ai có ở miền Trung khó nhọc thì đều thấu hiểu.... Nghĩ vậy nên nước mắt tôi cứ chực rơi, cổ họng tôi như nghẹn lời…các cháu trong lớp thì im lặng và hình như đang chia sẻ với tôi điều gì đó về tình cảm dành cho mẹ…
Ảnh minh hoạ( nguồn internet)
Cố gắng lắm tôi mới có thể dạy tiếp đoạn thơ nữa:
Hạt gạo làng ta
Những năm bom Mỹ
Trút trên mái nhà
Những năm cây súng
Theo người đi xa
Những năm băng đạn
Vàng như lúa đồng
Bát cơm mùa gặt
Thơm hào giao thông…
Và rồi lần này tôi rưng rưng nước mắt vì nhớ bố…
Bố tôi đã từ giã bà, mẹ tôi và anh em tôi vào bộ đội đi chiến trường lúc tôi mới vào lớp sáu. Thương bố, nhớ bố nhưng tôi không bao giờ dám nhắc tên bố vì sợ mẹ càng buồn hơn. Tôi nhớ ngày đó chiến tranh còn khốc liệt, ngày về phép, bố chở tôi qua thăm bà bị ốm, vừa vào nhà thì lại có lệnh gọi của đơn vị và bố tôi lại vội vã hỏi thăm vài lời rồi chào bà lên đường ra trận… cho đến tận bây giờ tôi cũng không còn gặp lại bố nữa…
Tôi lau vội giọt nước mắt rồi cùng các cháu đọc hết đoạn thơ còn lại trong không khí trầm lắng đến lạ thường….Dạy xong bài thơ, cô hiệu trưởng bảo tôi “Em cất dọn đồ dùng dạy học rồi gửi cháu lại cho cô bảo mẫu trông, lên văn phòng gặp chị nhé”. Tôi lo lắng vô cùng, không biết bài dạy đầu tiên hôm nay như thế nào?; tôi lí nhí trong miệng “Dạ em sẽ lên”.
Thế nhưng mọi suy nghĩ lo sợ trong tôi tự nhiên tan biến vì vừa vào văn phòng, chị hiệu trường tươi cười nói với tôi “Em giỏi lắm, bài thơ em chuyển tải đến các cháu thật cảm xúc, chị thấy có đứa đã đỏ mắt theo em đó, chị còn nghe cháu nói thương cô nhỉ? Chắc cô nhớ bố đó…”.
Chào người thủ trưởng mới tôi trở về lớp với các cháu mà tràn ngập niềm vui sướng và hạnh phúc vì mọi sự lo lắng đã qua đi và nhất là được chia sẻ với các cháu tình cảm yêu thương bố mẹ thông qua bài thơ đầu tiên tôi lên lớp.
“Bố ơi, mẹ ơi con cảm ơn bố mẹ thật nhiều..!
Minh Tâm