;
Người Bà-la-môn chưa tin hẳn (việc con ông sinh thiên chỉ do kính tin Như Lai, chứ không do công đức nào khác nữa), hỏi lại Thế Tôn:
- Có ai do tin Phật mà được sanh thiên không?
Thế Tôn đáp:
- Chẳng phải có hằng trăm, hằng ngàn hay hằng trăm ngàn mà vô số người do đặt niềm tin nơi ta đều được sinh thiên.
(Trích từ Tích Truyện Kinh Pháp Cú 2, nguyên tác Chú Giải Pháp Cú (Dhammapada Commentary) bằng tiếng Pàli)
Những lời dạy của Thế Tôn được ghi lại trong Thánh điển Pali và Hán tạng cho thấy công đức thù thắng của những người, những cư sỹ chỉ đủ lòng tin, lòng thương mến Như Lai như được đúc kết phần nào bằng bốn đề mục sau: 1) Một trong mười hạng người đáng được cung kính và cúng dường, 2) Sinh Thiên, 3) Sinh về Tịnh Độ, 4) Phước điền cho các hữu tình, đặc biệt trong loài ngạ quỹ kém phước.
1) Một trong mười hạng người đáng được cung kính và cúng dường
Trong Tăng Chi Bộ Kinh, Đức Thế Tôn cho rằng người chỉ đủ lòng thương mến Như Lai, là một trong mười hạng người xứng đáng được cúng dường
Này các Tỷ-kheo, mười hạng người này đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời. Thế nào là mười?
Như lai, bậc A-la-hán, Chánh đẳng Giác, bậc Ðộc giác, bậc Giải thoát cả hai phần, bậc Tuệ giải thoát, bậc Thân chứng, bậc Kiến chí, bậc Tín giải thoát, bậc Tùy pháp hành, bậc Tùy tín hành, bậc Chuyển tánh.
Này các Tỷ-kheo, mười hạng người này đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời.
(Tăng Chi Bộ kinh-Chương 10: Mười Pháp, Phẩm: Đáng được cúng dường)
Có thể hiểu rằng bậc Chuyển tánh là những Phật tử, những cư sỹ chỉ đủ lòng tin, và thương mến Như Lai, như lời dạy của Ngài trong Trung Bộ Kinh số 22 Dụ Con Rắn như sau. Sau bậc Tùy Tín Hành là những hạng người chỉ đủ lòng tin và thương mến Như Lai. (Trung Bộ Kinh. 22. Kinh Ví Dụ Con Rắn.)
Trong khi đó ở Tam Tụ Luật Nghi Kinh, phẩm I của Kinh Đại Bảo Tích cho rằng những người nghe danh hiệu Phật mà có lòng tin chân thật, thời phải đem hương hoa cúng dường như đoạn trích sau:
Nếu có người nghe danh hiệu Phật, có lòng tin chắc là thật, thời mọi người nên đem hương hoa như núi Tu Di, phan lọng trùm cả đại thiên để cúng dường, vì người này tin Phật vậy. (Đại Bảo Tích: Phẩm I: Pháp Hội Tam Tụ Luật Nghi, tr.60).
2) Sinh thiên:
Những ai chỉ đủ lòng tin và thương mến Như lai, thì tất cả được hướng về Chư Thiên như đã được Đức Phật thuyết trong bài kinh số 22 Dụ Con Rắn của Trung Bộ Kinh. Đức Phật trong phần pháp khéo giảng đã chỉ ra bảy hạng đệ tử: Bậc A La Hán, bậc Bất Lai, bậc Nhất Lai, bậc Dự Lưu, bậc Tùy Pháp Hành, bậc Tùy Tín Hành, và bậc Đủ lòng tin Như Lai. Trong đó bậc cuối cùng cho thấy với những ai chỉ đủ lòng tin và thương mến Như Lai, thì sẽ hướng về Chư Thiên như đoạn kinh sau:
Chư Tỷ-kheo, như vậy pháp được Ta khéo giảng làm cho tỏ lộ, làm cho khai thông, làm cho khai thị, được loại trừ khỏi các vải quấn cũ. Chư Tỷ-kheo, vì pháp được Ta khéo giảng, làm cho tỏ lộ, làm cho khai thông, làm cho khai thị, được loại trừ các vải quấn cũ, nên những vị nào chỉ đủ lòng tin nơi Ta, chỉ đủ lòng thương mến đối với Ta, thì tất cả những vị ấy được hướng về chư Thiên.
Sự thật này được minh chứng trong tích truyện kinh Pháp Cú 2, Phẩm Song Yếu kể rằng: con trai duy nhất của một phú gia Bà-la-môn keo kiệt, bị bệnh (do người cha tánh bỏn xẻn, không chịu chạy chữa) và bị chết, được tái sinh lên Cõi Trời Đao Lợi (Trời Ba Mười Ba) do nhờ kính tin Như Lai như đoạn trích sau đây:
Thấy con mình gần chết, tuy có đau buồn nhưng vẫn không quên tính keo kiệt, bo bo giữ của, ông ra lệnh mang con ra khỏi nhà, đặt nằm trên thềm, vì sợ những người đến thăm con mình sẽ dòm ngó luôn tài sản trong nhà.
Hôm ấy, từ sáng sớm, đức Thế Tôn đã xuất định Ðại Bi, và để tìm xem những ai có lập nguyện trong đời chư Phật trước, những người căn lành tròn đầy, những đạo hữu có thể xuất gia, Ngài quán sát với Phật nhãn mở rộng đến mười phương thế giới, và thấy Matthakundali đang nằm hấp hối ngoài thềm nhà.
Ðấng Ðạo sư biết ngay là anh ta vừa từ trong nhà được khiêng ra đặt nằm đó, và cũng biết rằng anh ta có nhân duyên với Phật, đặt niềm tin nơi Phật, sẽ chết và sẽ tái sinh lên cõi trời thứ ba mươi ba, sống trong lâu đài bằng vàng, có một ngàn thiên nữ theo hầu.
Bà-la-môn sẽ thiêu xác con, rồi đi quanh bãi thiêu khóc lóc. Vị trời sẽ tự ngắm mình thân cao ba dặm, được trang điểm với sáu mươi xe đầy ắp đồ trang sức, có ngàn thiên nữ vây quanh. Vị ấy thắc mắc không biết do công đức gì mà được quả báo thù thắng như thế, và rồi vị ấy biết là do tín tâm. Rồi vị ấy thấy cha mình trước đây không chịu lo thuốc thang cho mình, nay đang đi trong bãi thiêu than khóc. Vị ấy liền quyết định sẽ làm cho cha thay đổi tâm tánh.
Vị trời xúc động vì cha, sẽ hóa hình thành Matthakundali đi đến bãi thiêu, gieo mình xuống đất khóc lóc. Ông Bà-la-môn sẽ hỏi:
- Người là ai?
Vị trời sẽ trả lời:
- Là Matthakundali, con của cha.
- Con tái sinh ở đâu?
- Ở tầng trời thứ ba mươi ba.
Ông Bà-la-môn sẽ hỏi tiếp:
- Con làm công đức gì mà được?
- Nhờ tin Phật.
Người Bà-la-môn chưa tin hẳn, sẽ hỏi lại Thế Tôn:
- Có ai do tin Phật mà được sanh thiên không?
Thế Tôn sẽ đáp:
- Chẳng phải có hằng trăm, hằng ngàn hay hằng trăm ngàn mà vô số người đều được (sinh thiên).
Sau đây là đoạn kinh văn diễn ra giữa Đức Phật, Phú gia Bà-la-môn và vị trời, con trai của Bà-la-môn cho thấy với những ai chỉ đủ lòng tin Đức Phật, thì với tâm ý này, sẽ được sinh thiên:
Ngài Cồ-đàm, có ai được sanh thiên chẳng phải vì cúng dường Ngài hay xưng tán Ngài, cũng chẳng vì nghe pháp hay ăn chay, mà chỉ do một hành vi đầy lòng tín tâm?
- Này Bà-la-môn, tại sao ông hỏi Ta? Chẳng phải con trai ông Matthakundali đã nói cho ông nghe rằng anh ta được sanh thiên nhờ kính tin Ta sao?
- Hồi nào, Ngài Cồ-đàm?
- Chứ chẳng phải hôm nay ông đã đi đến bãi thiêu, và khi đang khóc lóc ông trông thấy một chàng trai cũng vật vã than khóc. Và ông đã chẳng hỏi:
Trang sức sang trọng, bông tai đeo vàng chói
Mang vòng hoa có khảm gỗ đàn hương.
Rồi đức Ðạo sư tiếp tục kể rõ ràng chi tiết cuộc đối đáp giữa hai cha con và trọn vẹn câu chuyện của Matthakundali.
Do đây mà đức Phật nói lên đoạn kinh:
- Này Bà-la-môn, chẳng phải là một trăm hay hai trăm, mà có vô số người do đặt niềm tin nơi Ta mà được sanh thiên.
Thấy đám đông chưa hết nghi ngờ, đấng Ðạo sư ra lệnh:
- Phạm thiên Matthakundali, hãy đến đây với lâu đài của ngươi!
Tức thì Matthakundali hiện ra, thân cao gần một dặm với nhiều đồ trang sức cõi trời. Từ lâu đài bước xuống, Phạm thiên đảnh lễ đức Ðạo sư rồi cung kính đứng một bên.
Ðức Phật hỏi:
- Ngươi đã tạo lập công đức gì mà được phước báo thế này?
Phạm thiên với dung nhan thù thắng.
Chiếu sáng bốn phương như sao trời,
Hỡi vị trời oai lực phi thường,
Sinh thời làm công đức gì thế?
Phật nói kệ xong, Phạm thiên đáp:
- Bạch Thế Tôn, con được phước báo thù thắng này do kính tin Ngài.
- Ngươi được phước báo sanh thiên nhờ kính tin Ta?
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn!
Ðám đông chiêm ngưỡng vị trờ và đồng vui mừng thốt lên:
- Oai lực của chư Phật thật là kỳ diệu! Con trai Ba-la-môn Adinnapubbaka được phước báo như thế này chỉ do kính tin Phật, chẳng phải do công đức nào khác!
Ðức Ðạo sư bèn thuyết giảng:
- Tâm ý là gốc của hành động, cả tốt lẫn xấu. Chính tâm ý điều khiển hành động. Bởi vì việc làm do lòng tin theo người đi trong nhơn thiên như bóng theo hình.
Ðấng Pháp Vương, như một vị vua đóng dấu ấn bằng con triện hoàng gia lên sắc dụ đã được niêm phong, tiếp tục đọc Pháp Cú số 2:
Ý dẫn đầu các Pháp,
Ý làm chủ, ý tạo,
Nếu với ý thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng không rời hình.
(Tích Truyện Kinh Pháp Cú. I Phẩm Song Yếu. 2. Khóc đòi những chuyện trên trời)
3) Sinh về Tịnh Độ
Tương tự như vậy với lòng tin chân thật, nhất tâm tin vào Bản Nguyện Bi Trí Viên Mãn của Đức Phật A Di Đà, không một chút phân vân, không một chút nghi ngờ, hành giả với tâm mong cầu thoát sanh về Thế Giới Cực Lạc, thì sẽ được như nguyện như đã được Như Lai tuyên thuyết như sau:
Hết thảy hữu tình khắp cả mười phương thế giới, nghe tin danh hiệu công đức Vô Lượng Thọ Phật, lập tức nhập địa vị chánh định, sinh về cõi Phật An Lạc thanh tịnh.
Này A Nan! Dù có lửa mạnh đầy khắp tam thiên đại thiên thế giới, cũng phải vượt qua để đến nghe, tin danh hiệu đức Phật ấy (Nam Mô A Di Đà Phật), người như vậy được gọi là hoa sen trắng sanh trong lửa. Đó gọi là một đại sự nhân duyên danh hiệu lợi ích chẳng thể nghĩ bàn. Do bổn nguyện lực của đức Phật ấy, mười phương chư Phật đều cùng khen ngợi công đức của danh hiệu đức Phật ấy, lại còn khen ngợi những loài hữu tình niệm Phật. Bởi thế, các ông đều nên tin nhận danh hiệu Phật ấy.
Dẫu cho hết thảy hữu tình, phiền não ác nghiệp, chướng sâu, báo nặng thì quang minh, danh hiệu, thần lực của đức Phật ấy chẳng bị chướng ngại. Vì thế, đức Phật ấy hiệu là Vô Ngại, Vô Đối, Thanh Tịnh, Trí Huệ, Hoan Hỷ v.v…
Do trí huệ vô ngại nên sức oai thần cũng vô ngại. Do thần lực vô ngại nên đại từ bi cũng vô ngại... Vì thế, nếu có hữu tình chánh tín Phật trí sẽ tức thời nhập địa vị Chánh Định, bất thoái chuyển nơi Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, đấy gọi là đại sự nhân duyên lợi ích của danh hiệu có công đức chẳng thể nghĩ bàn
(Phật Thuyết Vô Lượng Thọ Phật Danh Hiệu Lợi Ích Đại sự Nhân duyên Kinh. Hán dịch Thiên Trúc Tam Tạng Khang Tăng Khải (Tào Ngụy). Việt dịch Bửu Quang đệ tử Như Hòa, tr.2 A4]
“Chúng sanh ở phương khai, nghe danh hiệu Di Đà Như Lai, cho đến chỉ phát một niệm tin ưa, vui vẻ hâm mộ, chỗ có căn lành đó đem hồi hướng nguyện vãng sanh Cực Lạc, tùy nguyện liền được vãng sanh, được vị bất thối chuyển cho đến thành Phật.” [,Kinh Đại Bảo Tích- theo Hương Đạo số 19 -2008. tr.23]
“Có những chúng sanh nghe danh hiệu Đức Phật A Di Đà, lòng tin vui mừng nhẫn đến phát một niệm chí tâm hồi hướng nguyện cầu sanh Cực Lạc, thì liền được vãng sanh ở bực bất thối chuyển…” [,Phật Thuyết Vô Lượng Thọ Như Lai. Hán dịch. Tam tạng pháp sư Khương Tăng Khải. Việt dịch Hòa Thượng Thích Trí Tịnh tr.83]
Những lời dạy của một số tổ sư tương ưng với lời Phật dạy cho thấy sức mạnh của lòng tin chân thật vào Thiên Nhơn Sư (sức mạnh của tín lực):
Liên Tông Bảo Giám có kệ: “Nhất niệm khởi mà muôn vật đều biết, lòng tin sanh là chư Phật hiện.”
Trong khi đó Ngẫu Ích Đại Sư tổ thứ chín của Tịnh Độ Tông cho rằng: “Vãng sanh hay không đều do tín nguyện quyết định.”, hay “Công phu niệm Phật quý ở chỗ lòng tin chân thật.”
Thân Loan, Tổ sư của Tịnh Độ Chân Tông đặt trọn tín tâm vào bản nguyện lực của Đức Phật A Di Đà. Ngài cho rằng; “Niệm Phật không để củng cố tự lực của mình mà Niệm Phật chính là hoan hỷ đón nhận tha lực nơi chính thân mình.”
(Tịnh Độ Nhật Bản, tr.183. Nguyên tác Kakehashi Jitsuen, Việt dịch: Hòa Thượng Thích Như Điển)
Hay Ngài Long Thọ có kệ: “Có người trồng căn lành, nghi ngờ hoa chẳng nở, Có lòng tin trong sạch, Hoa nở liền thấy Phật” (Chương Kệ Di Đà – Phẩm Dị Hành: Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận – Bồ Tát Long Thọ).
“Trụ vào tâm tha lực (nguyện lực của Đức A DI ĐÀ) mà niệm Phật thì chỉ trong khoảnh khắc, đã được dự vào sự lai nghinh của Đức Phật A DI ĐÀ” (Niệm Phật Tông yếu – Pháp Nhiên Thượng Nhân, tr. 21).
Rõ ràng, với lòng tin chân thật, thì hành giả sẽ được vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ, và công phụ niệm Phật sẽ có thể thành tựu khi tâm rời khỏi tham, sân, si, hân hoan niệm danh hiệu Phật.
4) Phước điền ở đời: Cúng dường cho cư sỹ có đầy đủ lòng tin với Đức Phật, hồi hướng cho loài ngạ quỹ kém phước báu, thì kết qủa bất khả tư nghì hiển thị ngay tức khắc.
Không những cúng dường tỷ khéo (từ phương diện cá nhân, tập thể (chư tăng), tứ phương tăng (hết thảy chư tăng thế gian), hay Tăng Bảo, Thập Phương Tăng, và hồi hướng công đức này cho ngạ quỷ, thì ngạ quỷ sẽ được hưởng kết quả thù thắng, an lạc ; mà việc cúng dường có thể an trú vào một vị cư sỹ có đầy đủ lòng tin vào Đức Phật, và đem phần công đức này hồi hướng cho ngạ quỷ, thì ngạ quỷ cũng sẽ được hưởng những kết quả to lớn, và an lạc lâu dài.
Chuyện số 10 Nữ Nhân Soái Đầu là một thí dụ điển hình cho thấy việc chân thành dâng cúng y phục của các thương gia cho một vị cư sỹ đi cùng trên con thuyền và hồi hướng công đức này cho nữ quỹ bị trần truồng cô quạnh trong nhiều kiếp sống, nữ quỷ được hưởng ngay nhiều trang phục lộng lẫy như nàng tiên như được mô tả bằng những vần kệ trích dẫn sau :
Sau khi đem áo tặng người này,
Hồi hướng cho ta phước đức vầy,
Ta sẽ được ban nhiều hạnh phúc,
Mọi nguồn lạc thú sẽ tràn đầy.
Sau khi nghe nàng nói, các thương nhân tắm rửa và thoa dầu thơm lên người đệ tử tại gia kia và khoác lên chàng một bộ y phục.
Chư vị kết tập Kinh điển ngâm ba vần kệ để giải thích việc này:
6. Khi đã tắm chàng, đám phú thương
Cho chàng cư sĩ tẩm dầu hương,
Và cho chàng được mang y phục,
Nữ quỷ hưởng công đức cúng dường.
7-8. Kết quả này do việc cúng dường:
Tràn đầy y phục với đồ ăn.
Xiêm y thanh lịch, nàng trong trắng
Khoác lụa Ba-la-nại tuyệt trần,
Vừa mỉm miệng cười, nàng mỹ nữ
Bước ra lầu ấy, lại thưa rằng:
'Ðây là kết quả từ công đức
Lễ vật các ngài đã hiến dâng'.
Tâm vị đệ tử tại gia đầy xúc động thương cảm, chàng nói:
- Này nữ thần, do năng lực của lễ vật nàng cúng dường ta, nàng đã thành tựu mọi ước nguyện một cách sung mãn. Nhưng giờ đây, do cúng dường các đệ tử tại gia này và ghi nhớ mọi đức hạnh của bậc Ðạo Sư, nàng sẽ thoát khỏi tái sanh vào địa ngục.
(Tiểu Bộ Kinh, Tập II, Ngạ Quỷ Sự, Chuyện 10 : Nữ Nhân Sói Ðầu (Khallàtiya)
Tâm Tịnh cẩn tập
Nguyện đem công đức này
Hướng về chúng sinh khắp pháp giới
Đồng sanh Tây Phương Cực Lạc!