;
Hiện nay, mô hình hành chính của Giáo hội được tổ chức theo 3 cấp từ Trung ương tới cấp huyện; có 13 Ban, Viện, 63 BTS GHPGVN cấp tỉnh; 08 tổ chức Chi hội phật tử Việt Nam ở nước ngoài; có 04 Học viện Phật giáo, 34 trường Trung cấp Phật học, 08 lớp Cao đẳng Phật học và trên 100 tiến sĩ, 100 thạc sĩ, 2500 cử nhân, 4500 tăng, ni tốt nghiệp các trường Trung cấp Phật học trong cả nước.
Nhìn vào con số trên, câu hỏi đặt ra tại sao Phật giáo có nguồn lực, nhưng công tác hành chính Giáo hội lại còn có những bất cập. Thực tế, mô hình tổ chức của Giáo hội có thực sự liên quan hữu cơ đến các con số trên hay không?
Chúng ta cùng thử phân tích.
1. Về tổ chức hành chính của Giáo hội, theo quy định của Hiến chương GHPGVN được thông qua tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII (nhiệm kỳ 2012 – 2017), hệ thống tổ chức của GHPGVN hiện nay có 03 cấp hành chính là: Trung ương/cấp tỉnh/cấp huyện.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy có một số tồn tại và bất cập trong việc tổ chức triển khai các công việc hành chính của Giáo hội.
Theo định nghĩa, một cấp đơn vị hành chính hoạt động được phải có, có công cụ để thực hiện và vận hành tổ chức; có trụ sở, điều kiện cơ sở vật chất để điều hành và duy trì hoạt động; có con người đủ năng lực trình độ để vận hành, thực hiện công cụ với vai trò lãnh đạo, quản lý và điều hành mọi hoạt động của tổ chức.
GHPGVN hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật, đồng thời, không lấy giáo quyền để chi phối mà Giáo hội hoạt động phật sự là nhằm mục đích điều hòa, hợp nhất sinh hoạt đúng chính pháp, lấy tinh thần tự giác của mỗi tăng, ni, phật tử, lấy công thưởng đức, tu nhân tích đức, khuôn thước mẫu mực để làm chỗ dựa tinh thần cho phật tử, do đó, không thể có công cụ giáo quyền để duy trì tổ chức của Giáo hội?
Thực tế cho thấy, đối với các sự việc xảy ra trong tăng, ni thì tuân thủ giáo pháp và giới luật Phật chế để điều chỉnh trên tinh thần giáo dục “cứu một người phúc đẳng hà sa” là rất đúng. Tuy nhiên, ở góc độ là đơn vị tổ chức khi áp dụng điều đó là bất khả thi, vì sinh ra tổ chức thì phải có công cụ để thực thi các quyết định của chính tổ chức đó.
Văn phòng các Ban của T.Ư Giáo hội tại chùa Quán Sứ, chụp vào một ngày hành chính, trong giờ làm việc.Ảnh: Thái Văn Tuyền
Mặc dù có 03 cấp hành chính, nhưng chưa cấp nào có trụ sở hành chính riêng của đơn vị hành chính theo phân cấp Giáo hội, mà hầu hết là "dùng chung" (trụ sở của T.Ư GHPGVN cũng như của BTS GHPGVN cấp tỉnh, huyện đều đặt tại một ngôi chùa và ngôi chùa đó đều có sư trụ trì, không phải là công sở hành chính của Giáo hội). Thường là vị đứng đầu Giáo hội ở chùa nào thì Văn phòng BTS sẽ được đặt ở đó.
Vì vậy, khi có sự thay đổi về con người lãnh đạo Giáo hội các cấp thì lập tức, Trụ sở của cấp Giáo hội cũng có thể bị thay đổi theo, nhất là đối với các BTS GHPGVN cấp huyện.
Trong thực tế, đã xảy ra hiện tượng một số vị có hành vi lạm quyền, gây khó khăn cho tăng, ni khi cần lấy các xác nhận về chức thực hoặc di chuyển hộ khẩu; một số có biểu hiện móc ngoặc, cấu kết với một số cá nhân, đơn vị có chức năng để loại bỏ những tu sĩ và phật tử không "chịu hiểu luật" do họ quy định.
Mặt tốt, mặt phải của tổ chức chưa được phát huy, mặt xấu, mặt tiêu cực lại được tích cực phát huy để triệt tiêu những nhân tố tích cực của Phật giáo.
2. Nhiệm kỳ của Giáo hội hiện nay là 05 năm. Trong mỗi năm, Giáo hội các cấp tổ chức một kỳ hội nghị sơ kết và một kỳ hội nghị tổng kết công tác phật sự.
Mỗi kỳ đại hội, hội nghị như vậy, đều có báo cáo tổng kết, báo cáo sơ kết và đề ra phương hướng hoạt động phật sự và các nghị quyết. Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, Giáo hội chưa bao giờ ban hành văn bản để thể chế hóa, triển khai các hoạt động phật sự cụ thể trong hệ thống tổ chức để hướng dẫn tăng, ni, phật tử thành viên trực thuộc thực hiện.
Các công tác phật sự được tổng hợp thành báo cáo của các cấp Giáo hội đều do tăng, ni, phật tử trụ trì và sinh hoạt tại các cơ sở tự viện tổ chức thực hiện mang tính tự phát, mạnh ai người đó làm.
Báo cáo của các cấp Giáo hội tại các kỳ Đại hội, Hội nghị đều được gom từ công tác phật sự của tăng, ni, phật tử tại các chùa đã thực hiện, cấp huyện lấy báo cáo của các chùa, cấp tỉnh lấy báo cáo của cấp huyện và cấp Trung ương thì lấy báo cáo của cấp tỉnh! Chính vì vậy, sự hiện diện của các cấp Giáo hội, phạm vi ảnh hưởng theo mô hình từ Trung ương xuống địa phương rất yếu.
Giáo hội hầu như đứng ngoài cuộc đối với các vụ việc tranh chấp đất đai, tài sản, tôn tạo trùng tu cơ sở tự viện, những việc làm gây mất đoàn kết liên quan đến tăng, ni, phật tử; thậm chí, Giáo hội còn không có quan điểm chính kiến rõ ràng để giải quyết thấu tình đạt lý trên cơ sở pháp luật của Nhà nước và giới luật của đạo Phật, hoặc theo chính Hiến chương của tổ chức Giáo hội.
Khi xảy ra những vụ việc như vậy, gần như Giáo hội để mặc cho chùa đó, vị tăng, ni có liên quan đó tự lo liệu mọi bề, đúng không bênh, sai không góp ý, không xử lý.
3. Mô hình tổ chức Đại hội Phật giáo các cấp hiện nay đã thể hiện một số bất cập.
Theo mô hình hiện nay, mỗi đại hội đều có một Ban lo về nhân sự, cân đong đo đếm, thêm người này, bớt người kia. Ban Nhân sự (hoặc Tiểu Ban nhân sự) có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất nhân sự dự kiến được cơ cấu vào Ban Trị sự để Đại hội suy cử nhưng hầu như Ban Nhân sự đều làm việc trong “bóng râm”, chứ không công khai.
Mỗi kỳ Đại hội, Ban Nhân sự mất hơn cả vài tháng chỉ để tham khảo lẫn nhau, nhiều khi còn xảy ra nảy lửa kiểu như: không đưa người A vào, tôi từ chức, đưa người B vào là tôi nghỉ.
Với những phát ngôn và hành xử như vậy, sao lại gọi là đệ tử của Như Lai?
Bởi có lẽ người A kia là đệ tử, người thân tín; còn người B kia bị ghét. Nhìn vào BTS mới, người am hiểu tình hình, không khỏi lo ngại. Hãy nhìn vào cách làm việc của Ban Nhân sự Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII thì sẽ thấy rất rõ điều này!
Việc cơ cấu nhân sự lãnh đạo Giáo hội các cấp chỉ do Ban Nhân sự tiến hành, sắp xếp và được đại hội suy cử hoặc suy tôn. Do vậy, các kỳ Đại hội hầu như là để hợp thức hóa các nhân sự lãnh đạo đã được sắp đặt từ trước.
Trước Đại hội đều tổ chức phiên trù bị, rà soát lại công việc, một kiểu diễn tập trước khi khai mạc thì đúng hơn. Đến ngày chính thức, chỉ là đọc báo cáo, rồi BTS khoá cũ lên chào tạm biệt (chỉ là tạm biệt thôi chứ không vĩnh biệt bởi hơn quá bán là nhân sự cũ tiếp tục làm việc), rồi khoá mới lên nhận nhiệm vụ, thế là xong!
Như vậy, sẽ có một số tăng, ni, phật tử không biết Đại hội đó để làm gì và thậm chí có nhân sự đắc cử vào thường trực BTS, vào các Ban, Viện cả cấp Trung ương và địa phương cũng không biết vì sao mình được chọn, dựa theo tiêu chí nào?
Nhìn vào Đại hội Phật giáo các cấp hiện nay cho thấy, bên cạnh các vị quyền cao trong Ban Trị sự luôn có những đệ tử và thân tín của mình nằm trong đó. Thậm chí, những con người đó không có đủ đạo hạnh, trong nhiệm kỳ trước bị than phiền về cách làm việc, bị chư tăng, ni, phật tử địa phương phê bình nhưng vẫn được cơ cấu.
Một số vị đã từng làm chánh văn phòng các ban ngành, nhiều khi không biết viết cái bản thông báo phật sự cho ra hồn, không biết điều khiển một phiên họp của ngành ra sao nhưng vẫn được cơ cấu vào Thường trực Ban Trị sự.
Khi mang các vấn đề liên quan đến các vị này chất vấn “sếp” của họ thì được trả lời: nếu cứ chê trách tỉ mỉ như vậy thì lấy ai mà làm việc! Thật hết chỗ nói vì nếu đúng như vậy thì quả thật là nhân sự bên Phật giáo có vấn đề và điều hiển nhiên, nhân sự yếu kém thì sao lại luôn bảo là Phật giáo đang phát triển?
4. Với lực lượng tăng, ni hùng hậu hiện nay của GHPGVN thì không thiếu người có đủ tài và đức tham gia vào các công tác phật sự của Giáo hội. Hiện nay, Giáo hội đã có nhiều tăng, ni trẻ được đào tạo bài bản, có trình độ thực sự, có năng lực và tâm huyết để đảm nhận phật sự.
Sự nhiệt tâm của tầng lớp tăng, ni trẻ thiết nghĩ có thừa nhưng cơ chế nào để họ đường hoàng đĩnh đạc bước vào tổ chức ấy để cống hiến. Hay phải tự thân vận động theo kiểu nương nhờ, còn không là tìm cách làm y chỉ sư vị nào đó…lớn lớn. Mà những việc làm như thế, người có học, có năng lực và nhiệt huyết sẽ khó mà có thể thực hiện, vì người đó có tự trọng.
Để giải quyết tình trạng trên, theo suy nghĩ của chúng tôi, nên tổ chức bầu cử tại các kỳ đại hội theo các tiêu chí công khai, và nhân sự có quyền giới thiệu đại biểu ngay tại đại hội để đại hội bầu trực tiếp. Chỉ có như vậy, hy vọng mới có thể lựa chọn những người ưu tú, có tâm huyết tham gia lãnh đạo Giáo hội, tạo điều kiện cho tăng, ni trẻ trí thức thật sự được cống hiến.
Việc tổ chức thực hiện quy trình bầu cử sẽ tạo không khí dân chủ (dù có ít còn hơn không) trong tập thể tăng, ni của một tỉnh. Chí ít ra, tăng, ni trong tỉnh đó cũng biết được người sắp tới mình sẽ phải làm việc với vị đó như thế nào, trình độ học vấn ra sao, cống hiến thế nào trong nhiệm kỳ trước và kế hoạch hành động của nhiệm kỳ mới ra sao.
Hiện nay, đa phần các vị mới vào hầu như không ai biết họ từ đâu ra, làm việc thế nào, ai đề cử, ai bầu mà vào đó. Trước khi đại hội, mỗi huyện, thị, thành hội trong tỉnh tự hiệp thương nhân sự rồi đề cử nhân sự để tăng, ni trong huyện, thị thành hội đó bỏ phiếu.
Chư tăng, ni trong toàn đơn vị hành chính các cấp Phật giáo phải được quyền bỏ phiếu. Đại hội phải như vậy mới là Đại hội của sự hoan hỷ của toàn thể tăng, ni và tín đồ Phật giáo. Thực hiện nghiêm túc, công khải việc bầu cử tự do, thể hiện:
Thứ nhất, đúng theo tinh thần dân chủ của Phật giáo. Thứ hai, tăng, ni các cấp có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến việc chọn lựa cho mình người đại diện xứng đáng về tư cách đạo đức, trình độ điều hành tổ chức. Thứ ba, những người được bầu tinh thần sẽ phấn khởi, trong công việc họ có sự liên kết với nhau, thuận lợi hơn nhiều.
Chứ không như hiện nay, ở cấp địa phương, một số nơi mới bắt đầu một nhiệm kỳ mới mà đã có sự rạn nứt, không phối hợp được với nhau trong các nhiệm vụ phật sự.
Với mong muốn Phật giáo nói chung và GHPGVN nói riêng ngày càng phát triển, việc nêu lên các vấn đề tồn tại, bất cập nêu trên không phải là kiểu bới lông tìm vết, chỉ trích phê phán mà là mong muốn được nhìn thấy viễn cảnh người tăng ni trẻ trí thức thật sự được cống hiến và Phật giáo phải là người đi tiên phong trong cuộc cách mạng làm mới mình, là nơi nương tựa của tăng, ni và tín đồ phật tử.
Tuyệt nhiên, ở đó Phật giáo là dân tộc, biết đặt quyền lợi của quốc gia dân tộc lên trên hết, Phật giáo dù trong hoàn cảnh nào cũng không được phép là một tổ chức trang hoàng, cây cảnh cho có, vì như vậy là suy vong.
Hiện nay, Giáo hội đã có nhiều tăng, ni trẻ đi du học, nhiều cư sĩ phật tử có kiến thức, trường lớp Phật giáo được mở rộng, thiết nghĩ công tác nhân sự nên được mở ra một cách công bằng, tạo điều kiện cho tăng, ni trẻ dấn thân thông qua công tác bầu cử, cho họ có cơ hội cống hiến khi tuổi đời còn trẻ và có sức khỏe.
Khi lãnh nhiệm vai trò kế thừa truyền thống vẻ vang của Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải có trách nhiệm trước lịch sử phát triển liên tục của Phật giáo trong dòng chảy dân tộc.
Thành Toàn - Đạo Tâm - Như Thực - Lai Hiện
Ghi chú: Bài viết thể hiện quan điểm, cách hành văn và góc nhìn riêng của tác giả, một người kính ngưỡng đạo Phật hiện đang sinh sống tại Hà Nội.
Người gửi: Quảng Tâm
Nguyễn Minh Tâm
Nam mô A Di Đà Phật. Trong các kinh điển hình dung ra thời Phật còn tại thế khi nghe đức Thế tôn giảng pháp hoặc các Tăng ni làm Phật sự đều có các vị Thượng thủ. Khi Phật nhập Niết bàn đã dạy Tăng ni cũng như Phật tử tu hành lấy giới luật làm thầy. Do xã hội phát triển ở Việt nam chúng ta thành lập GHPGVN nhằm mục đích thống nhất sự chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương trong giáo hội Phật giáo Việt Nam. Khi đã xuất gia tu hành thì không còn cầu danh lợi, tu thân - khẩu - ý để độ mình và làm mẫu mực cho chúng sinh tu hành. Ai còn cầu danh lợi là đã tu hành không đúng. Cho nên trong dân cũng có ý kiến: Các thầy đi tu cũng mong tu ở nơi sầm uất chứ ở nơi dân cư nghèo thì các thầy không muốn đến. Trong bầu GHPGVN không đơn thuần như bầu các tổ chức chính trị ngoài đời- không thể cứ học xong học viện Phật giáo, trẻ là được đưa vào nhân sự. Phật quy định như danh từ Thượng tọa là người tu hành đã qua nhiều tuổi hạ và tuổi đã cao được gọi là thượng tọa, cũng có người trẻ mà có năng lực hiểu biết thấu đáo kinh điển rồi truyền thụ giảng được kinh điển cho chúng sinh và đi đến đâu cũng mở được đạo tràng được Phật tử tin kính thì cũng gọi là Thượng tọa, còn danh từ Hòa thượng như đức Phật Thích ca thì nên hạn chế dùng và nên khiêm kiệm vì chưa đạt được như Phật Thích ca mà dùng từ này e rằng hơi khiếm nhã. Cho nên con mong các thầy lấy sự tu hành làm chính, việc bầu GHPG không nên như trong cõi đời cầu danh, cầu lợi mà làm chi. Nên chọn những thày có tu hành thực sự, có đạo hạnh có đức cao vọng trọng để nắm giữ Tăng đoàn và không chia vùng miền... không đem cái ta vào đây. Có chăng mỗi vùng miền nên có ban thư ký hay ban trị sự GHPG Tỉnh, Thành để thống nhất hoạt động từ trên xuống dưới, trong đó bao gồm tất cả các việc hành chính khi các thày di chuyển đi nơi khác và giải quyết tất cả các việc liên quan đến chùa chiền nội tự v.v...
Chúc Đại hội Phật giáo Việt Nam thành công tốt đẹp cùng đồng hành với dân tộc.
Hoàng tích Lãm
Hy vọng ký đại hội nhiệm kỳ 2017-2021 tới đây vấn đề nhân sự sẽ thực hiện như ý tưởng bài viết trên.Muốn được như vậy thì phải triệt tiêu tình trạng dùng tiền chạy chức chạy quyền,bè nhóm,môn phái,vùng miền,tham quyền cố vị...Nếu không như thế,tổ chức GHPGVN ngày càng đi đến vực thẳn đổ vỡ mà thôi!!
Nguyễn Hữu Quân
Tôi hiện cũng đang làm trưởng Ban TS GHPGVN một huyện. Xét thấy Đại hội Phật giáo của GHPGVN bây giờ đã theo trao lưu của một xã hội thối nát. Những kẻ bất tài vô dụng nhũng nhiễu nơi cửa Thiền thị đưa lên lãnh đạo,nhũng người đủ tài, đủ trí, thì ngậm ngùi mà nhìn, mà nghe một GH quá yếu ớt, bè cánh thua cả một hội người khuyết tật. Với tình trạng này, những con người đang lam việc của GH hết sức nghiêm túc để nhìn lại vấn đề. Phật có dạy" Lục hoà cộng trụ" người tu sỹ là vi lý tưởng thượng cầu hạ hoá có vây mới mong báo Phật ân đức. Tôi mong những con sâu của. GH nhìn lai chính mình và sám hối những bậc chân tu...
Thích Trả lời 12/12/2016 6:39:01 PM