;
Khi thấy Đức A Di Đà Phật xuất hiện, Cụ Ông 80 tuổi, vào hai đêm trước ngày ra đi,
mặc dù bị bệnh ung thư đại tràng giai đoạn cuối, vẫn mỉm cười niệm Nam Mô A Di Đà Phật; ngay trước giờ xả bỏ báo thân, Cụ Ông, lại một lần nữa, thấy Đức A Di Đà Phật hiện ra; và sau đó tỉnh táo, sáng suốt ra đi an lành.
Tâm Tịnh và Hoa Chí cùng con cháu của Cụ có duyên lành hỗ trợ Cụ Niệm Phật suốt tám ngày và tám đêm, khai thị, khuyến khích, làm cho Cụ phấn chấn, đặc biệt, Tâm Tịnh đã tận mắt chứng kiến sự ra đi nhẹ nhàng của Cụ vào lúc 9.40 sáng ngày 11 tháng 07 Quý Mão (2023).
Để kỷ niệm một năm giỗ đầu của Cụ, và như một lời hứa khả với quý đạo hữu Tịnh Độ, Tâm Tịnh xin hân hoan tường thuật lại những gì mắt thấy, tai nghe trong suốt thời gian trợ duyên Niệm Phật cùng với Cụ cho đến thời khắc ra đi, kể cả thời gian ban đầu khi nhập viện và thời gian hộ niệm sau khi tắt thở.
Từ những gì diễn ra trong những ngày cùng Cụ niệm Phật, có thể đúc kết thành 14 chỉ dấu sau đây, làm cơ sở cho niềm tin rằng thần thức của Cụ Ông đã theo Đức A Di Đà Phật về Miền Cực Lạc Tây Phương.
14 chỉ dấu này sẽ được giải thích rõ trên nền tảng của những lời Phật dạy trong hai tạng kinh - Hán Tạng và Pali Tạng, cùng với lời dạy của chư tổ, ngõ hầu giúp quý đạo hữu có cái nhìn chân thật và đúng đắn, làm cơ sở khả ý xác quyết cho niềm tin này.
Hình chụp sắc mặt của Cụ Ông ngay sau khi hộ niệm gần 7 tiếng đồng hồ
1) Niềm tin chân thật vào Niệm Phật cầu vãng sanh Cực Lạc và vào sự lai nghinh của A Di Đà Phật
Khi biết Cụ Nguyễn Đình Hồng đang điều trị bệnh ung thư đại tràng tại Bệnh Viên Ung Bướu Đà Nẵng, Tâm Tịnh và Hoa Chí ghé đến thăm và chia sẻ những kinh nghiệm và hiểu biết về pháp môn Niệm Phật Vãng Sanh. Có lẽ chưa biết mình bị ung thư giai đoạn cuối, nên cụ ông chỉ mỉm cười hiền lành.
Khi có kết luận rõ ràng của bác sỹ: tế bào ung thư đã di căn quá nặng rồi, khó có thể chữa trị được, và chỉ sau thời gian ngắn nằm trị bệnh tại Bệnh Viên Ung Bướu Đà Nẵng, Cụ Ông quyết định tịnh dưỡng tại nhà ở xã Điện Hồng, huyện Điện Bàn cách Bệnh Viện Đa Khoa Đại Lộc Quảng Nam khoảng 2-3 km, mặc dầu vợ và con cháu cố khuyên Cụ điều trị tại Bệnh Viên Ung Bướu Đà Nẵng.
Trong thời gian tịnh dưỡng tại gia, không quản đường xa và thời tiết nắng nóng vào mùa hè, Tâm Tịnh & Hoa Chí vẫn sắp xếp thời gian đi từ Đà Nẵng đến Điện Hồng để thăm cụ; đặc biệt khai thị, giảng giải cho cụ hay về Niệm Phật Vãng Sanh, và cõi Cực Lạc Tây Phương; làm cho người bệnh phát khởi lòng tin trong sạch vào Niệm Phật Vãng sanh; và an trú người bệnh vào TÍN NGUYỆN HẠNH.
Khác với lần gặp mặt trước tại Đà Nẵng, Cụ Ông bắt đầu phát khởi niềm tin, và niệm theo Tâm Tịnh & Hoa Chí lục tự hồng danh Nam Mô A Di Đà Phật. Người bệnh niệm một cách chậm rãi theo cách của riêng mình. Tâm Tịnh & Hoa Chí, theo đó điều chỉnh cách Niệm Phật sao cho tương ưng với nhịp điệu của bệnh nhân.
Khi bệnh trở nặng, bệnh nhân được đưa vào Khoa Ung Bướu, Bệnh Viên Đa Khoa Đại Lộc, Tâm Tịnh & Hoa Chí liền ghé đến thăm, tiếp tục khai thị, giảng giải ngắn gọn, đặc biệt làm cho bệnh nhân tin tưởng vững chắc vào Niệm Phật Cầu Vãng Sanh và Sự Lai Nghinh của Đấng Từ Phụ A Di Đà Phật.
Tâm Tịnh, bằng cả tấm lòng chân tình, áp nhẹ bàn tay lên bụng bệnh nhân và nói, “Chú ơi, cô gắng Niệm Phật nhé Chú, niệm Phật không phải để hết cơn đau, mà càng đau càng niệm Phật nhé chú, hãy giao thân và tâm này cho Phật A Di Đà nhé Chú”, và Tâm Tịnh Niệm NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT một cách chậm rãi hòa theo nhịp điệu của tiếng niệm Phật của bệnh nhân. Mặc dầu đau đớn, bệnh nhân vẫn cố gắng niệm theo.
Tâm Tịnh kiên tâm Niệm như vậy cùng với bệnh nhân cho đến khi ra về. Những diễn biến tâm lý theo mức độ nghiêm trọng của căn bệnh trong thời gian gần 06 tháng qua cho thấy lần này bệnh nhân thật lòng và kiên quyết nghe theo lời Tâm Tịnh “giao thân tâm cho Đức Phật A Di Đà, Niệm Phật theo Phật về Tây Phương Tịnh Độ. Chú ơi! Đừng để chết làm ma giữ mồ, vất vưởng bơ vơ ngoài nghĩa địa nhé Chú.”
Niềm tin chân thành của Cụ biểu hiện qua việc bệnh nhân cố gắng Niệm Phật theo Tâm Tịnh (theo điệu và nhịp của người bệnh), mặc dầu căn bệnh làm cho đau đớn trong một thời gian khá lâu (từ khi Tâm Tịnh & Hoa Chí đến và ra khỏi phòng bệnh nhân).
Điều đặc biệt là, trong hoàn cảnh như vậy, bệnh nhân vẫn lạc qua, mỉm cười và cố gắng niệm đủ sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật một cách đều đều và chậm rãi. Tất cả chỉ dấu cho thấy Niềm tin chân thật của bệnh nhân vào Niệm Phật cầu vãng sanh Cực Lạc và vào sự lai nghinh của A Di Đà Phật.
Những ai có niềm tin trong sạch, nguyện cầu vãng sanh Cực Lạc, và chân thành Niệm Phật, nhất định sẽ được vãng sanh về Tây Phương Tịnh Độ, như những lời dạy của Đức Phật và của chư Tổ như sau:
Có những chúng sanh nào nghe danh hiệu Di Đà Như Lai, lòng tin vui mừng nhẫn đến phát một niệm chí tâm hồi hướng nguyện cầu sanh về nước ấy, thì liền được Vãng Sanh ở bậc bất thối chuyển, chỉ trừ kẻ phạm tội ngũ nghịch và phỉ báng chánh pháp. (Kinh Đại Bảo Tích. Pháp Hội Thứ Năm: Pháp Hội Vô Lượng Thọ Như Lai.
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế. Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Tịnh https://daophatonline.com/phat-thuyet-kinh-dai-bao-tich--phap-hoi-thu-nam--phap-hoi-vo-luong-tho-nhu-lai--phan-hai-dp10149.html)
Do bổn nguyện lực của đức Phật ấy, (Vô Lượng Thọ Phật), do sức oai thần chẳng thể nghĩ bàn, trong khắp mười phương thế giới, Ngài dùng đại âm thanh tuyên bố danh hiệu công đức. Vì thế, hết thảy hữu tình trong mười phương thế giới nghe, tin danh hiệu công đức ấy, lập tức nhập địa vị Chánh Định, sanh về cõi Phật An Lạc thanh tịnh. (Kinh Phật Thuyết Vô Lượng Thọ Phật Danh Hiệu Lợi Ích Đại Sự Nhân Duyên. Hán Văn: Tam Tạng Pháp Sư Khang Tăng Khải, Việt Văn: Như Hòa)
Những lời dạy của một số Tổ Sư tương ưng với lời Phật dạy cho thấy sức mạnh của lòng tin chân thật vào Thiên Nhơn Sư (sức mạnh của tín lực):
Liên Tông Bảo Giám có kệ: “Nhất niệm khởi mà muôn vật đều biết, lòng tin sanh là chư Phật hiện.”
Trong khi đó Ngẫu Ích Đại Sư tổ thứ chín của Tịnh Độ Tông cho rằng: “Vãng sanh hay không đều do tín nguyện quyết định.”, hay “Công phu niệm Phật quý ở chỗ lòng tin chân thật.”
Thân Loan, Tổ sư của Tịnh Độ Chân Tông đặt trọn tín tâm vào bản nguyện lực của Đức Phật A Di Đà. Ngài cho rằng; “Niệm Phật không để củng cố tự lực của mình mà Niệm Phật chính là hoan hỷ đón nhận tha lực nơi chính thân mình.”
(Tịnh Độ Nhật Bản, tr.183. Nguyên tác Kakehashi Jitsuen, Việt dịch: Hòa Thượng Thích Như Điển)
Hay Ngài Long Thọ có kệ: “Có người trồng căn lành, nghi ngờ hoa chẳng nở, Có lòng tin trong sạch, Hoa nở liền thấy Phật” (Chương Kệ Di Đà – Phẩm Dị Hành: Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận – Bồ Tát Long Thọ).
“Trụ vào tâm tha lực (nguyện lực của Đức A DI ĐÀ) mà niệm Phật thì chỉ trong khoảnh khắc, đã được dự vào sự lai nghinh của Đức Phật A DI ĐÀ” (Niệm Phật Tông yếu – Pháp Nhiên Thượng Nhân, tr. 21).
Rõ ràng, với lòng tin chân thật, thì hành giả sẽ được vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ,
2) Một lòng quy y với Đức Phật A Di Đà
Lẽ ra đề mục này được gộp chung vào lòng tin chân thật của Cụ Ông với Đức Phật. Tuy nhiên, chỉ việc quy ngưỡng hoặc quy y Phật bằng cả tấm lòng, hân hoan của bất kể ai, thời với căn lành này (thường luôn hoan hỷ với căn lành này), họ sẽ được sinh thiên sau khi bỏ thân người; hoặc đối với hành giả theo Tịnh Độ, thời với căn lành nguyện hồi hướng về Tây Phương Tịnh Độ, họ sẽ được vãng sanh về Miền Cực Lạc.
Bài kệ sau đây (trong Tiểu Bộ Kinh _Khuddhaka Nikàya, Tập IV: Chuyện Tiền Thân của Đức Phật (1). Chương I Apannaka. Chuyện Pháp Tối Thượng. Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch), cho thấy những ai với lòng hân hoan quy y với Đức Phật, thời sẽ được sinh thiên.
Những ai quy y Phật
Sẽ không đi đọa xứ,
Từ bỏ thân làm người
Sẽ tràn đầy thiên giới.
Từ Bệnh viện Đại Lộc, Cụ Ông được vợ, con cháu đưa về nhà chăm sóc kết hợp với Tâm Tịnh & Hoa Chí trợ duyên và nhắc nhỡ bệnh nhân Niệm Phật. Việc chăm sóc và trợ duyên niệm Phật được phân chia như sau: từ 05 sáng đến 19 giờ tối là vợ và con cháu bệnh nhân, từ 19 giờ tối đến 24 giờ khuya, Hoa Chí cùng với con cháu. Từ 00 giờ đến 05, hoặc 06, hoặc 07 giờ sáng, Tâm Tịnh cùng con cháu bệnh nhân.
Sau khoảng ba ngày cùng con cháu, Tâm Tịnh & Hoa Chí Niệm Phật, bệnh nhân cảm thấy an lành, lạc quan, chỉ dấu cho thấy Pháp hỷ sung mãn.
Sau khoảng 3 ngày niệm Phật, vào buổi sáng hôm đó, Tâm Tịnh, Hoa Chí và con cháu vây quanh niệm Phật cùng bệnh nhân. Cụ Ông nói với Tâm Tịnh: “Tiến ơi (Tiến là tên tục của Tâm Tịnh), Chú niệm Phật mà chưa có Pháp Danh.”. Tâm Tịnh đáp, “Dạ, những ai chân thành Niệm Nam Mô A Di Đà Phật là đã quy y với Đức A Di Đà Phật, và những ai quy y với A Di Đà Phật đều có Pháp Danh Diệu Âm, (như Ngài Tịnh Không đã dạy, và ngay trong Phật Thuyết Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh cũng có đoạn với đại ý như thế này những ai vãng sanh về cõi Cực Lạc sau này sẽ đều thành Phật đồng danh hiệu Diệu Âm Như Lai.). “Như vậy, tùy duyên, tùy hoàn cảnh cấp bách này, chú đã hân hoan niệm hồng danh của Đức Phật là chú đã quy y với A Di Đà Phật rồi, nên Pháp danh của chú là Diệu Âm nhé chú.”
Từ đó, bệnh nhân có pháp danh Diệu Âm. Đặc biệt, ngay trước thời khắc ra đi, bệnh nhân vẫn ý thức rõ và ghi nhớ pháp danh Diệu Âm của mình (xem mục 10).
Việc tự tam quy y hoặc một cư sỹ hiểu đạo cho một người khác thọ tam quy y có thể thực hiện được, tương ưng với lời Phật dạy trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, Tập I. Phẩm Như Lai Tánh Thứ 12, và Trong Tiểu Bộ Kinh Khuddaka Nikàya. Tập II. Thiên Cung Sự, như hai đoạn trích dẫn từ trong kinh dưới đây.
Mặc dầu vậy, đây không phải nhiệm vụ của cư sỹ, không nên khuyến khích, hay cũng không được lạm dụng, mà nên, hoặc chỉ được phép khi duyên sự cấp bách như trong trường hợp bệnh nhân này vậy.
Nếu có chúng sanh nương theo phái chẳng phải chơn Tăng, Như Lai sẽ vì chúng sanh làm chỗ chơn Tăng để chúng quy y.
Nếu có người phân biệt ba pháp quy y, Như Lai vì họ mà làm chỗ quy y duy nhất, không ba pháp sai khác. (Đại Bát Niết Bàn Kinh. Tập I Phẩm Như Lai Tánh Thứ 12, tr.270)
Trong Tiểu Bộ Kinh Khuddaka Nikàya, Tập II. Thiên Cung Sự, Phần 1.a Lâu Đài Nữ Giới, Chuyện thứ 17, có một nữ nhân được thọ Tam Quy Y từ Nam Cư Sỹ như đoạn trích sau đây:
…Bấy giờ có một cư sĩ tại gia đã đắc Sơ quả và hiểu pháp, nghe được câu chuyện khi đi ngang qua đường ấy và đến gần hai mẹ con. Vị nữ nhân Bà-la-môn hỏi vị ấy:
- Này cư sĩ, nhiều thiện nam tử từ bỏ tài sản quý giá và đại gia tộc thân quyến để xuất gia trong dòng họ Thích-ca. Vì cớ gì họ xuất gia như vậy?
Vị cư sĩ nghe bà nói, liền đáp:
- Vì thấy sự nguy hiểm trong dục lạc và lợi ích của xuất gia.
Vị ấy giải thích đầy đủ chi tiết về động lực ấy theo khả năng hiểu biết cao nhất của mình, vừa nêu rõ các đức tính của Tam Bảo vừa thuyết giảng sự hữu ích tiện lợi của Ngũ giới liên hệ đến đời nay và đời sau.
Sau đó, thiếu nữ Bà-la-môn hỏi vị ấy:
- Thế chúng tôi có thể hưởng phần hữu ích tiện lợi mà Tôn giả vừa nói, qua sự quy y Tam Bảo và giữ Ngũ giới chăng?
Vị ấy đáp:
- Tại sao lại không? Những điều được đức Thế Tôn thuyết giảng cần được mọi loài hưởng phần đều nhau.
Rồi vị ấy (cư sỹ) cho nàng thọ Tam quy và Ngũ giới. Khi nàng đã chấp nhận Tam quy và hành trì Ngũ giới…(hết trích).
Có thể nhận ra bệnh nhân hân hoan tiếp nhận pháp danh Diệu Âm, và từ đó ghi nhớ pháp danh Diệu Âm cho đến thời khắc nhắm mắt xả bỏ báo thân, an nhiên ra đi an lành trong tiếng niệm Nam Mô A Di Đà Phật của Tâm Tịnh và con cháu.
Chỉ với tâm hân hoan quy ngưỡng Đức A Di Đà Phật là một căn rất lành, như lời Phật dạy trong Tăng Chi Bộ Kinh Anguttara Nikàya. Chương sáu pháp. Phần Niệm Phật như sau:
Ở đây, này Mahànàma, Thánh đệ tử tùy niệm Như Lai: "Đây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn". Khi nào, này Mahànàma, Thánh đệ tử niệm Như Lai, trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối, tâm không bị sân chi phối, tâm không bị si chi phối; trong khi ấy, tâm vị ấy được chánh trực nhờ dựa vào Như Lai.
Và này Mahànàma, một Thánh đệ tử, với tâm chánh trực, được nghĩa tín thọ, được pháp tín thọ, được hân hoan liên hệ đến pháp. Người có hân hoan, nên hỷ sanh. Người có hỷ, nên thân được khinh an.
Với thân khinh an, vị ấy cảm giác lạc thọ. Người có lạc thọ, tâm được định tĩnh. Này Mahànàma, về vị Thánh đệ tử này, được nói như sau: "Với quần chúng không bình thản, vị ấy sống bình thản. Với quần chúng có não hại, vị ấy sống không não hại. Nhập được pháp lưu, vị ấy tu tập niệm Phật".
(Tăng Chi Bộ Kinh, Chương sáu, Phẩm I, Đáng Được Cung Kính, Hòa Thượng Thích Minh Châu).
Như vậy, những ai với tâm hân hoan quy ngưỡng Như Lai, thời tâm của vị ấy không bị THAM SÂN SI chi phối do dựa vào Như Lai, tâm được chánh trực, được nghĩa tín thọ, pháp thọ…
Thật là căn lành cho bệnh nhân với tâm hân hoan quy ngưỡng Đức A Di Đà Phật, đặc biệt, vẫn ghi nhớ pháp Danh Diệu Âm vào ngay thời khắc lâm chung theo Phật về Miền Cực Lạc. Với căn lành từ sự hân hoan quy ngưỡng Phật, hành giả với tâm nguyện muốn vãng sanh về miền Cực Lạc, thời sẽ được vãng sanh như tâm nguyện.
3) Kính tín Đức A Di Đà Như Lai
Một buổi sáng nọ, Tâm Tịnh, Hoa Chí cùng con cháu chứng kiến Cụ Ông nằm trên dường bệnh, nét mặt sáng ngời chắp tay thành kính đảnh lễ Tôn ảnh Đức A Di Đà Phật (được treo trên cao đối diện với chỗ bệnh nhân nằm). Dường như cảm thấy bất kính khi vị trí Tôn ảnh của Ngài treo như thế vô tình khiến bệnh nhân nằm để chân xoay về hướng Đức Phật.
Vì thế, Cụ Ông yêu cầu con trai của Cụ dời vị trí treo Tôn ảnh sang bức tường bên phải, nơi bệnh nhân dễ dàng nhìn thấy Tôn ảnh của Đức A Di Đà Phật mà không tạo ra cảm giác bất kính như được treo đối diện.
Hành vi đầy lòng tín tâm này của bệnh nhân đối với Đức A Di Đà Phật là một pháp rất thiện lành, công đức không thể nghĩ bàn.
Với những ai có công đức này (luôn hân hoan kính ngưỡng), người ấy sẽ được sinh thiên (theo lời dạy của Thế Tôn như đoạn trích dẫn dưới đây), và nếu người ấy nguyện vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ, thời sẽ được vãng sanh như tâm nguyện.
Những ai chỉ vì kính tín Như Lai, với công đức (căn lành) này, người ấy sẽ được sinh thiên giới, như tích truyện kinh Pháp Cú số 2 kể về một nam thanh niên bị bệnh sắp chết, duyên lành ngay thời khắc ấy, nhác thấy Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, sanh tâm kính tín Ngài, và trong tâm bệnh nhân ngay lúc ấy thực lòng muốn đảnh lễ Thế Tôn, nhưng cảm thọ đau đớn do bệnh nặng sắp chết khiến bệnh nhân không thể dùng thân đảnh lễ Đức Phật.
Nhờ tâm kính ngưỡng này, ngay khi lâm chung, vị ấy được sinh lên cõi trời Đao Lợi (Trời Ba Mươi Ba) với dung sắc tuyệt mỹ hào quang sáng rực rỡ, như đoạn trích dưới đây là một minh chứng:
Sau đây là đoạn kinh văn diễn ra giữa Đức Phật, Phú gia Bà-la-môn và vị trời, con trai của Bà-la-môn cho thấy với những ai chỉ kính tin Đức Phật, thì với tâm ý này, sẽ được sinh thiên:
Ngài Cồ-đàm, có ai được sanh thiên chẳng phải vì cúng dường Ngài hay xưng tán Ngài, cũng chẳng vì nghe pháp hay ăn chay, mà chỉ do một hành vi đầy lòng tín tâm?
- Này Bà-la-môn, tại sao ông hỏi Ta? Chẳng phải con trai ông Matthakundali đã nói cho ông nghe rằng anh ta được sanh thiên nhờ kính tin Ta sao?
- Hồi nào, Ngài Cồ-đàm?
- Chứ chẳng phải hôm nay ông đã đi đến bãi thiêu, và khi đang khóc lóc ông trông thấy một chàng trai cũng vật vã than khóc. Và ông đã chẳng hỏi:
Trang sức sang trọng, bông tai đeo vàng chói
Mang vòng hoa có khảm gỗ đàn hương.
Rồi đức Ðạo sư tiếp tục kể rõ ràng chi tiết cuộc đối đáp giữa hai cha con và trọn vẹn câu chuyện của Matthakundali.
Do đây mà đức Phật nói lên đoạn kinh:
- Này Bà-la-môn, chẳng phải là một trăm hay hai trăm, mà có vô số người do đặt niềm tin nơi Ta mà được sanh thiên.
Thấy đám đông chưa hết nghi ngờ, đấng Ðạo sư ra lệnh:
- Phạm thiên Matthakundali, hãy đến đây với lâu đài của ngươi!
Tức thì Matthakundali hiện ra, thân cao gần một dặm với nhiều đồ trang sức cõi trời. Từ lâu đài bước xuống, Phạm thiên đảnh lễ đức Ðạo sư rồi cung kính đứng một bên.
Ðức Phật hỏi:
- Ngươi đã tạo lập công đức gì mà được phước báo thế này?
Phạm thiên với dung nhan thù thắng.
Chiếu sáng bốn phương như sao trời,
Hỡi vị trời oai lực phi thường,
Sinh thời làm công đức gì thế?
Phật nói kệ xong, Phạm thiên đáp:
- Bạch Thế Tôn, con được phước báo thù thắng này do kính tin Ngài.
- Ngươi được phước báo sanh thiên nhờ kính tin Ta?
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn!
Ðám đông chiêm ngưỡng vị trờ và đồng vui mừng thốt lên:
- Oai lực của chư Phật thật là kỳ diệu! Con trai Ba-la-môn Adinnapubbaka được phước báo như thế này chỉ do kính tin Phật, chẳng phải do công đức nào khác!
Ðức Ðạo sư bèn thuyết giảng:
- Tâm ý là gốc của hành động, cả tốt lẫn xấu. Chính tâm ý điều khiển hành động. Bởi vì việc làm do lòng tin theo người đi trong nhơn thiên như bóng theo hình.
Ðấng Pháp Vương, như một vị vua đóng dấu ấn bằng con triện hoàng gia lên sắc dụ đã được niêm phong, tiếp tục đọc Pháp Cú số 2:
Ý dẫn đầu các Pháp,
Ý làm chủ, ý tạo,
Nếu với ý thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng không rời hình.
(Tích Truyện Kinh Pháp Cú. I Phẩm Song Yếu. 2. Khóc đòi những chuyện trên trời)
4) Không sợ chết, không than thân trách phận, buồn đau, và quyết định xả bỏ báo thân, niệm Phật cùng con cháu, nguyện cầu vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ.
Việc không sợ chết, không than thân trách phận, không buồn đau mà ngược lại còn có thái độ lạc quan của Cụ Ông, là yếu tố tích cực trong việc Niệm Phật Cầu Vãng Sanh Tịnh Độ.
Trong Tiểu Bộ Kinh Khuddaka Nikàya, Chuyện tiền thân số 323 kể về một vị Ba La Môn (tự tin về dòng dõi cao quý và chú thuật của mình) tưởng con bò tót cúi đầu đảnh lễ mình vì đức hạnh của ông, nên tự tin tiến về phía con bò tót.
Không như ông tưởng, con bò hung tợn này húc vị Bà La Môn rất mạnh khiến ông bị thương nặng, và than khóc. Ngay lúc đó, Bồ Tát (tiền thân của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni) đứng gần đó lên tiếng khuyên ông đừng khóc lóc, kêu than nữa, mà hãy phản tỉnh tự cứu mình trước khi bị giết như bốn câu kệ sau:
”Bình bát lật úp và chân bị gãy,
Người tiếc than thân phận ấy đau buồn.
Ðừng dang tay khóc lóc thật hoài công,
Mau cứu chữa trước khi người bị giết!”
(Tiểu Bộ Kinh Khuddaka Nikàya. Chuyện Tiền Thân số 323 Vua Brahmadatta)
Tư cứu chữa mình bằng cách gì? Bốn câu kệ sau đây từ Chuyện tiền thân số 388 là lời giải, khi con heo em sắp bị mang đi làm thịt, khóc lóc, run sợ, và được con heo anh (thân trước của Đức Phật) khuyên rằng
Người không sinh mạng là vui
Người còn sinh mạng lo toan
Con người phải chết chớ buồn
Phải vui như hội trăng tròn quanh năm.
(Tiểu Bộ Kinh Khuddaka Nikàya. Chuyện Tiền Thân số 388 Con Heo Mõm Dài (Tiền Thân Tundila)
Như vậy, người sắp mất, trí cần rõ biết thân này là vô thường, khổ và vô ngã, nên vui vẽ đón nhận sự đoạn diệt của thân, hay sẵn sàng đón nhận cái chết mà không sợ hãi, tiếc than, đau buồn.
Tất cả những biểu hiện này dường như đều được tìm thấy nơi Cụ Ông trong hơn 6 tháng kể từ khi nhận hung tin, “Ung Thư Đại Tràng giai đoạn cuối” cho đến lúc lâm chung sáng suốt, an nhiên ra đi an lành. Trong trường hợp này, chúng ta nên hiểu rằng bệnh nhân sẵn sàng xả bỏ thân mạng, Niệm Phật theo Phật về Tây Phương Tịnh Độ (xem mục 10).
Việc không sợ chết và không có than thân trách phận, buồn đau được biểu hiện ngay từ đầu khi biết mình bị bệnh ung thư nặng, Cụ Ông không ngần ngại từ chối việc điều trị bệnh tại Bệnh Viện Ung Bướu Đà Nẵng, thay vào đó yêu cầu người thân đưa bệnh nhân về Nhà tại Điện Hồng, huyện Điện Bàn, Quảng Nam để tự chăm sóc, hoặc nhờ y bác sỹ địa phương đến hỗ trợ.
Biểu hiện không sợ chết khi ‘nhận án tử hình’ này có thể nói là nhờ căn lành ‘tu tập’ từ những kiếp trước, và/hoặc cũng một phần nhờ tin nhận lời chia sẻ của Tâm Tịnh & Hoa Chí về Niệm Phật Cầu Vãng Sanh Tịnh Độ, như chiếc ‘phao cứu sinh’ trong lúc ‘nguy nan’ tử biệt của con người.
Trong thời gian dưỡng bệnh tại Nhà, Tâm Tịnh & Hoa Chí vẫn sắp xếp thời gian từ Đà Nẵng đi ĐIện Hồng, Điện Bàn thăm, động viện, và khuyến tấn Cụ Ông kiên tâm Niệm Phật. Vài lần thăm và cùng bệnh nhân Niệm Phật cho thấy bệnh nhân vẫn lạc quan, không sợ chết, không than thân, không buồn đau, mặc dầu cảm thọ đau đớn do ung thư giai đoạn cuối hành hạ, và sức khỏe yếu hơn nhiều.
Khi bệnh trở nặng, người nhà đưa bệnh nhân vào Bệnh Viện Đại Lộc. Tâm Tịnh & Hoa Chí tích cực vài lần ghé đến thăm, an trú và động viện Cụ Ông Niệm Phật. Tại đây, một lần nữa chứng kiến sự lạc quan, không sợ chết của Cụ Ông. Hơn thế nữa, Bệnh Nhân một mực yêu cầu người thân trong gia đình đưa Cụ về nhà chăm sóc cho đến ngày lâm chung.
Sự quyết định dứt khoát không tiếp tục nằm viện để điều trị là biểu pháp chỉ dấu cho thấy sự không sợ chết, muốn kéo dài mạng sống, tức là sẵn sàng xả bỏ thân mạng, Niệm Phật Vãng Sanh Tịnh Độ cùng sự trợ duyên của con cháu. Việc kiên quyết từ chối yêu cầu và mong muốn của người bạn đời và của con cháu trong việc nhập viện trở lại khi bệnh trở nặng đã tạo duyên lành cho con cháu từ xa về thăm, và đặc biệt cùng Tâm Tịnh & Hoa Chí sắp xếp việc túc trực 24/24 cùng bệnh nhân Niệm Phật trong suốt tám ngày tám đêm cho đến thời khắc Cụ Ông an nhiên nhắm mắt ra đi an lành.
5) Kham nhẫn với cơn đau (cảm thọ bất lạc) do ung thư di căn giai đoạn cuối, vẫn kiên tâm Niệm Phật cùng con cháu và người trợ niệm.
Khó có ai có thể kham nhẫn những cảm thọ bất lạc ‘kịch liệt’, những cơn đau nhức do ung thư di căn khắp cơ thể vào những ngày cuối đời của bệnh nhân, nhưng Ông Cụ vẫn kham nhẫn những cơn đau như thế, và kiên tâm niệm lục tự hồng danh Nam Mô A Di Đà Phật một cách đều đều, chậm rãi và không thay đổi nhịp điệu kể từ lúc vào bệnh viện cho đến tám ngày tám đêm cùng Tâm Tịnh, Hoa Chí và con cháu Niệm Phật tại tư gia của gia đình, và vẫn giữ nhịp điệu niệm lục tự Di Đà như vậy cho đến vào những giờ cuối cùng xả bỏ thân mạng ra đi an lành.
Bốn thời điểm khác nhau biểu thị cho bốn tiểu giai đoạn của ung thư di căn khiến bệnh nhân đau đớn, nhưng vẫn kham nhẫn cơn đau và vẫn niệm Phật.
Thời điểm khi từ chối điều trị bệnh tại Bệnh Viện Ung Bướu Đà Nẵng, Cụ Ông được đưa về Nhà chăm sóc. Tâm Tịnh & Hoa Chí hay đến thăm, động viên, an trú và khuyến tấn Ông Cụ Niệm Phật Vãng Sanh. Mặc dầu đau đớn, bệnh nhân vẫn cứ niệm Phật theo Tâm Tịnh và Hoa Chí.
Thời điểm thứ hai là thời gian nhập và nằm viện tại Bệnh Viện Đại Lộc khi bệnh trở nặng và bệnh nhân yếu hẳn. Tâm Tịnh & Hoa Chí có mặt vững chãi trong sự Chánh Niệm Yêu Thương và Từ Ái. Một lần nữa, Cụ Ông, dù rất đau đớn khiến cho khuôn mặt nhăn nhó, khó chịu, nhưng vẫn kham nhẫn Niệm Phật với nhịp điệu đều đều vững chãi như mọi khi.
Thời điểm thứ ba là thời gian từ bệnh viện đưa bệnh nhân về nhà để con cháu từ xa trở về thăm, chăm sóc và cùng nhau niệm Phật trong tám ngày tám đêm. Cơn đau vẫn tiếp tục, nhưng Tâm Tịnh vẫn thấy Cụ Ông vẫn với giọng điệu chậm rãi ấy niệm Nam Mô A Di Đà Phật một cách rõ ràng cùng Tâm Tịnh. Nghe con cháu nói, có những lúc bệnh nhân đau quá, người nhà cũng đã yêu cầu Bác sỹ, hoặc Y Tá tiêm thuốc giảm đau.
Thời điểm thứ tư là buổi sáng cuối cùng, gần ba giờ cuối cùng trước lúc lâm chung, Tâm Tịnh có mặt trợ niệm cho Bệnh Nhân. Ông Cụ, có lúc đau đớn, vẫn cứ giọng điệu quen thuộc ấy cùng niệm theo Tâm Tịnh (Tâm Tịnh niệm đúng nhịp và giọng điệu của bệnh nhân kể từ ngay lúc ban đầu cho đến lúc lâm chung và cả gần bảy tiếng hộ niệm cùng con cháu sau khi tắt thở).
6) Khuyên bảo con cháu Niệm Phật, không được nói chuyện và làm ồn (làm sao nhãng việc Niệm Phật)
Một chi tiết quan trọng nữa cho thấy bệnh nhân không sao nhãng việc Niệm Phật. Khi những người con từ xa về đông đủ cũng khó tránh việc làm ồn, gầy phiền cho bệnh nhân.
Tâm Tịnh nghe một số người nhà kể lại rằng: Một buổi nọ khi con cháu tập trung đông đúc trong phòng nói chuyện, không chịu Niệm Phật mà chỉ mở máy Niệm Phật. Cụ Ông bảo mọi người không được nói chuyện, làm ồn, tắt ‘máy niệm Phật’, và bảo mọi người cùng nhau niệm Nam Mô A Di Đà Phật.
Chính việc hoan hỷ nghe tiếng Niệm Phật cũng là điều lành, như Kinh Vô Lượng Thọ có đoạn: Nghe được tiếng Niệm Phật, an lành được lợi lớn. Tuy nhiên, không bằng tự mình và người nhà niệm Phật, vì công đức chơn thật phát ra từ nội tâm chân thành, và tương ưng với lời Phật dạy, vì Đức Phật dùng ánh sáng để nhiếp thọ người Niệm Phật (chứ không phải nhiếp thọ máy niệm Phật), như những đoạn trích dẫn trong Quán Vô Lượng Thọ Kinh và Niệm Phật Ba-La-Mật Kinh (xem mục 7 Hai lần thấy ánh sáng, ánh hào quang bên dưới).
Hơn thế nữa, việc nhắc nhỡ con cháu không được nói chuyện ồn, và bảo con cháu cùng nhau Niệm Phật chỉ dấu cho thấy Cụ Ông rất có ý thức trong việc Niệm Phật, không sao nhãng việc Niệm Phật Vãng Sanh, biểu pháp của việc tinh tấn trong việc chấp trì danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật, duyên lành cho việc vãng sanh về Miền Cực Lạc Tây Phương.
7) Hai lần thấy ánh sáng, hào quang
Tâm Tịnh trực ca khuya cùng với cô gái đầu của Cụ Ông từ 11 giờ khuya hoặc 00 giờ xuyên suốt đến 05 hoặc 06, hoặc 07 giờ sáng trong bảy đêm liên tục như vậy (không ngủ). Nên, Tâm Tịnh có cơ hội trợ duyên tích cực, nhắc nhở, khuyến tấn bệnh nhân Niệm Phật, cũng như xem xét tình hình diễn biến bệnh tật, tâm trạng, tâm lý, cảm xúc của bệnh nhân ra làm sao, đặc biệt, quan sát việc Niệm Phật của bệnh nhân như thế nào để có thể có những hành động thích ứng nhằm an tâm, và an trụ bệnh nhân vào Hồng Danh Nam Mô A Di Đà Phật.
Sự phát hiện đáng chú ý trong khi túc trực Niệm Phật là mỗi lần khi bệnh nhân tỉnh giấc, và thấy Tâm Tịnh ngồi Niệm Phật một cách đều đều, chậm rãi và rõ ràng theo nhịp điệu của bệnh nhân thường niệm, thì Cụ Ông tức khắc Niệm Phật theo ngay.
Khi bệnh nhân rơi vào giấc ngủ trong thời gian khá lâu, Tâm Tịnh thử kê miệng gần lỗ tai của Cụ Niệm Nam Mô A Di Đà Phật để nhắc nhở Cụ Ông niệm Phật, thì bệnh nhân tức khắc niệm theo ngay. Đặc biệt, Tâm Tịnh & cô con gái đầu khi túc trực, phát hiện thấy miệng của bệnh nhân nhấp nháy dường như thể đang Niệm Phật vậy. Tất cả đều cho thấy bệnh nhân rất cố gắng và ý thức trong việc niệm Phật.
Sau khoảng hai ngày đêm Niệm Phật cùng con cháu, Tâm Tịnh & Hoa Chí, Tâm Tịnh thấy bệnh nhân ít có biểu hiện đau đớn mà lại lạc quan, không sợ chết và sáng suốt. Đặc biệt, vào đêm nọ, cụ ông nhìn lên trên trần nhà với khuôn mặt rạng ngời. Tâm Tịnh hỏi, “Chú thấy Phật đến hả?”. Bệnh nhân trả lời ngay “Thấy ánh sáng”.
Một lát sau, để kiểm tra lại sự kiện này. Tâm Tịnh lại hỏi Cụ Ông, “Hồi nảy, chú thấy hào quang?” Bệnh nhân gật đầu xác nhận. Để xem bệnh nhân có đủ minh mẫn, sáng suốt hay không? Tâm Tịnh lại hỏi, “Chú biết người ngồi bên cạnh đây là ai không?” Bệnh nhân trả lời chính xác.
Sáng hôm sau, Tâm Tịnh kể lại cho Hoa Chí và người nhà nghe. Lúc đó, đột nhiên Hoa Chí hỏi, “Đêm qua Chú thấy Phật đến hả?” Cụ Ông trả lời, “không phải thấy Phật, mà thấy ánh hào quang như hình đèn pin chiếu sáng vậy” Để minh họa cho câu trả lời này, bệnh nhân dùng tay làm dấu hình tròn.
Đêm tiếp theo, sự việc diễn ra y như đêm trước. Tâm Tịnh cũng cẩn thận kiểm tra lại trí nhớ và sự sáng suốt của bệnh nhân. Như vậy hai đêm liên tiếp, bệnh nhân thấy ánh sáng với gương mặt rạng ngời, an lạc.
Phật dạy trong kinh rằng những ai niệm Phật, Đức Phật dùng ánh sáng để hộ trì và nhiếp thọ người niệm Phật không bỏ sót, không bỏ rơi, như hai đoạn trích dưới đây trong Quán Vô Lượng Thọ Kinh và Niệm Phật Ba-La-Mật Kinh:
Thân Phật Vô Lượng Thọ có tám vạn bốn ngàn tướng. Trong mỗi mỗi tướng có tám vạn bốn ngàn tùy hình hảo. Trong mỗi mỗi hình hảo có tám vạn bốn ngàn quang minh. Mỗi mỗi quang minh chiếu khắp thập phương thế giới, nhiếp lấy chúng sanh niệm Phật chẳng bỏ sót (Quán Vô Lượng Trọ Kinh, tr.8. Hòa Thượng Thích Trí Tịnh)
Này đại chúng nên biết rằng vô lượng vô biên muôn ức na do tha vi trần số hóa thân và Ta khắp tất cả quốc độ trong mười phương cũng đều giảng nói Kinh Niệm Phật, cũng đều khuyến phát chúng sanh siêng năng Niệm Phật. Tất cả chư Phật phân thân của Ta luôn luôn phóng đại quanh minh nhiếp thọ và thủ hộ những chúng sinh niệm Phật, không bỏ rơi (Kinh Niệm Phật Ba-la-Mật, tr.111, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm).
Chính vì thế, Ngài Thân Loan Thánh Nhân, sơ Tổ Tịnh Độ Chân Tông Nhật Bản xác quyết, “Ai nào Niệm Phật được ánh sáng ấy nhiếp thủ, thâu nhiếp mãi cho đến khi người ấy lâm chung, được tiếp dẫn về cõi tịnh độ một cách chắc chắn không bị bỏ rơi (Tịnh Độ Nhật Bản, Hòa Thượng Thích Như Điển. tr. 171).
8) Hai lần thấy Phật, một lần hai đêm trước ngày ra đi, và một lần ngay trước giờ lâm chung
Thật là kỳ diệu 05 đêm trực liên tục trong khung thời gian như đã đề cập ỏ trên, Tâm Tịnh phát hiện thấy rằng bệnh nhân lạc quan, vô úy, không sợ hãi. Đến đêm thứ sáu, một hiện tượng kỳ đặc xảy ra. Khi thấy khuôn mặt bệnh nhân rạng rỡ với cặp mắt sáng ngời nhin chằm chằm lên hư không.
Tâm Tịnh liền hỏi, “Chú thấy Phật tới hả Chú?” Cụ Ông gật đầu trả lời. Để biết chắc câu trả lời khẳng định Đức Phật xuất hiện. Tâm Tịnh hỏi câu hỏi để xác minh. “Nếu chú thấy Phật tới, thì chú hãy tự tại mỉm cười Niệm Nam Mô A Di Đà Phật để biết rằng Chú thấy Phật để cho mọi người chứng kiến” Thật ngạc nhiên, Ông Cụ liền nở nụ cười Niệm Nam Mô A Di Đà Phật theo giọng điệu đều đều chậm rãi rõ ràng như cách niệm ngay từ những ngày ban đầu của bệnh nhân.
Người con rễ của Cụ Ông cùng Tâm Tịnh thấy vậy sinh tâm hoan hỷ đồng thanh Niệm lớn tiếng Nam Mô A Di Đà Phật theo bệnh nhân trong niềm hỷ lạc liên tục hai giờ đồng hồ mà những đêm trực trước người con rễ này, dầu có hiếu thảo, cũng không thể ngồi Niệm Phật lâu như vậy. Ra ngoài kít thở khi trời một chút, Người con rễ này tranh thủ nói với Tâm Tịnh, “Chưa bao giờ em ngồi quá 15 phút, mà hôm nay cảm hứng ngồi liên tục Niệm Phật hai tiếng đồng hồ như thế này.”
Sự kiện vi diệu hơn nữa là ngay khoảng một giờ xả bỏ báo thân, Bệnh nhân với khuôn mặt rạng ngời nhìn lên hư không. Ngay khoảnh khắc đó, Tâm Tịnh liền hỏi, “Chú thấy Phật tới hả?” Bệnh nhân trả lời, “Vâng”.
Cụ Ông rất sáng suốt, sáng suốt đến lạ kỳ đến nỗi thật khó tin vào mắt thấy tai nghe của Tâm Tịnh. Sự sáng suốt tuyệt vời của bệnh nhân sẽ được mô tả chi tiết ở mục 10 bên dưới. Việc thấy Phật xuất hiện trước giờ ra đi của người Niệm Phật là khoảnh khắc thiêng liêng và quả thật phước duyên kỳ diệu mà có lẽ ít người có được nhân duyên thù thắng như vậy.
9) Buông xả, không luyến ái với người thân, nhà cửa và sở kiến…
Hành giả theo bất kể Pháp Môn nào trong 84000 Pháp Môn của Phật Đà, theo Phật Giáo Nam Truyền hay Bắc Truyền, Thiền Tông, Mật Tông, Tịnh Độ Tông, hoặc theo bất kể hệ phái nào, cũng hướng đến mục đích chung là giải thoát phiền não, khổ đau.
Nhưng, muốn giải thoát phiền não, khổ đau, hành giả phải tập cách xả ly, ly tham, tức là học cách buông xả, không luyến ái, không chấp thủ. Trong trường hợp của bệnh nhân này, Tâm Tịnh xét thấy Cụ Ông dường như đã buông xả vạn pháp, không có luyến ai với vợ con cháu, và người thân, và cũng không chấp thủ kiến thức hay sở kiến của mình. Làm sao biết như vậy?
Cụ Ông Nguyễn Đình Hồng cùng Cụ Bà tên Hoa có với nhau 5 người con 3 gái và 2 trai trong đó có một người con trai là em rễ thân quý của Tâm Tịnh. Tâm Tịnh cũng đã thân biết mọi người trong gia đình Cụ Ông. Tất cả năm người con đã lập gia đình, đều ra ở riêng và đều có con.
Ông cụ sống vô tư, hầu như không bận lòng hay phiền lòng đến những vấn đề con cháu, và vấn đề của gia đình Cụ. Ông cụ sống hiền lành, không mất lòng với con cháu, hàng xóm, hay bất kể ai, và hầu như không hề quan tâm đến vấn đề của người khác, không bận tâm đến nhà cửa, hay chuyện làm ăn, thành công hay thất bại của con cái.
Vì thế, tất cả các con kể cả dâu rễ và hàng xóm đều mến thương Ông. Chỉ có một điều khi còn sống, Cụ Ông thích uống rượu và hút thuốc. Tuy nhiên, uống rượu nhưng không mất trí, loạn tâm và ít mất lòng ai do uống rượu gây ra. Vấn đề thứ hai của bệnh nhân là chấp thủ những kiến thức về chính trị, thế gian về trình độ tiếng Anh vv.
Nhưng, khi niềm tin Niệm Phật vãng sanh phát khởi, Cụ Ông hầu như không còn nhắc đến những sở kiến đó nữa, có lẽ vì bệnh nhân nghe theo lời Tâm Tịnh, buông xả vạn duyên, không luyến ái vợ con, không vướng tâm chuyện gia đình, hay bất kể điều gì, mà chỉ Niệm Phật và giao thân và tâm này cho Phật A Di Đà. Như vậy, lối sống vô tư, ít phiền não này của Cụ Ông khi còn sống và vào cuối đời buông xả tất cả, có thể nói là nhờ trồng căn lành từ nhiều đời, nhiều kiếp.
Vì thế, việc không luyến ái gia đình, buông bỏ vạn hữu tạo duyên lành cho bệnh nhân xả bỏ báo thân theo Phật vãng sanh về Miền Cực Lạc Tây Phương. Bốn câu kệ của Pháp Cú 213 thuộc Tiểu Bộ Kinh Khuddaka Nikàya cho thấy những ai giải thoát ai luyến, sẽ không sầu, không sợ hãi
Ái luyến sinh sầu ưu,
Ái luyến sinh sợ hải.
Ai giải thoát ái luyến
Không sầu, đâu sợ hải?
Ở chừng mực nào đó, việc buông bỏ, ly tham, không ái luyến vợ con, gia đình của Cụ Ông là duyên lành để bệnh nhân an nhiên theo Phật ra đi an lành. Có thể thấy nhờ không có luyến ái, Ông cụ hầu như không sợ hãi mà lại lạc quan ngay từ đầu khi nhận hung tin ‘Ung Thư Đại Tràng giai đoạn cuối’, và được Tâm Tịnh chia sẻ và giảng giải để làm cho Cụ Ông hiểu và tín thọ Niệm Phật Vãng Sanh cho đến phút lâm chung (tham khảo mục 10 bên dưới).
10) Lạc quan, minh mẫn, sáng suốt cho đến những giây phút lâm chung, nhẹ nhàng ra đi trong tiếng Niệm Phật
Sự lạc quan, minh mẫn, sáng suốt có thể nói xuyên suốt từ khi còn nằm dưỡng bệnh tại Bệnh Viện Đại Lộc cho đến khoảng thời gian về nhà tỉnh dưỡng, Niệm Phật cùng con cháu, đặc biệt ngay thời khắc xả bỏ thân mạng, Cụ Ông rất minh mẫn, sáng suốt đến lạ thường đến nỗi khó tin vào những gì đang diễn ra.
Sau khi bệnh nhân nói thấy Phật xuất hiện, Tâm Tịnh và người nhà tiếp tục cùng nhau Niệm Phật với Cụ Ông. Một lát sau, bệnh nhân nói, “thôi về, thôi về”. Tâm Tịnh nhắc nhở, “Phật tử Diệu Âm, Niệm Phật theo Phật về”. Bệnh nhân trả lời ngay, “Dạ”. Bệnh nhân dường như đang chịu đau một chút. Người nhà thấy vậy yêu cầu cô y tá cho tiêm một mũi thuốc giảm đau cho Cụ, mặc dầu không cần thiết phải làm vậy, vì mọi việc đang tiến triển rất tốt.
Những gì diễn ra dường như cho thấy rằng bệnh nhân vượt qua cơn đau, có lẽ vì pháp hỷ sung mãn nhờ kham nhẫn Niệm Phật, không sao nhãng Niệm Phật, hoặc/và nhờ lực gia trì của Đức Phật, Bồ Tát nên bệnh nhân mới lạc quan, minh mẫn và sáng suốt. Phổ Hiền Bồ Tát dạy trong Kinh Niệm Phật Ba-la-mật.
“Nam Mô A Di Đà Phật là hóa thân Phật bất khả tư nghì vì luôn luôn hiện thân Phật nơi thân và tâm người niệm Phật.” Trong khi đó, Phật Thuyết Vô Lượng Thọ Phật Danh Hiệu Lợi Ích Đại Sự Nhân Duyên Kinh có đoạn, “Này A Nan! [Ai] xưng danh hiệu đức Phật ấy (Nam Mô A Di Đà Phật) một tiếng hoặc mười tiếng, cho đến trăm ngàn tiếng, thì trong mỗi một niệm, sẽ có vô số hóa thân của Phật Vô Lượng Thọ thường hộ trì người ấy. Lại có hai vị Bồ Tát: một vị tên là Quán Thế Âm, một vị tên là Đại Thế Chí.
Hai vị Bồ Tát ấy tự làm thượng thủ, cùng các đại Bồ Tát chúng thường đến hộ trì. Người ấy sau khi mạng chung, sanh trong cõi nước An Lạc thanh tịnh của Phật Vô Lượng Thọ.”
Lại nữa, Đức Phật A Di Đà, Đức Phật Thích Ca cùng với chư Phật thường dùng ánh sáng để nhiệp trọ, hộ trì những chúng sanh Niệm Phật không bỏ rơi, không bỏ sót như đã được ghi lại trong Quán Vô Lượng Thọ Kinh, Niệm Phật Ba-La-Mật Kinh vv.
Vì thế, Thân Loan Thánh Nhân xác quyết “Ai nào Niệm Phật được ánh sáng ấy nhiếp thủ, thâu nhiếp mãi cho đến khi người ấy lâm chung, được tiếp dẫn về cõi tịnh độ một cách chắc chắn không bị bỏ rơi (Tịnh Độ Nhật Bản, Hòa Thượng Thích Như Điển. tr. 171).
Tâm Tịnh và người nhà tiếp tục niệm Phật không bao lâu, những khoảnh khắc cuối cùng đã đến cho thấy sự minh mẫn, sáng suốt của bệnh nhân ngay thời khắc xả bỏ báo thân:
11) Ra đi với thoại tướng đẹp, tay chân mềm mại, sắc mặt tươi nhuận như người đang ngủ ngon, sắc tướng chuyển sang ‘màu vàng kim’
Sau khi xả bỏ báo thân nhẹ nhàng ra đi an lành vào lúc 9.40 sáng ngày 11/07/Quý Mão, Tâm Tịnh và con cháu tiếp tục Niệm NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT liên tục, gần 7 tiếng đồng hồ không ngừng nghỉ cho đến 16 giờ chiều cùng ngày (theo thầy địa, đây là giờ tốt để liệm),mặc dầu căn cứ vào những gì đang diễn ra trong giờ khắc cuối cùng của bệnh nhân, và căn cứ vào những gì diễn ra trong cả một tiến trình của Phật sự này, Tâm Tịnh tin rằng thần thức của Cụ Ông đã theo Phật ra đi ngay lúc xả bỏ báo thân, chấm dứt mạng sống.
Sau bảy tiếng đồng hồ Niệm Phật cùng con cháu, Tâm Tịnh khám xét toàn thân và phát hiện thấy tay chân mềm mại, miệng khép lại, khuôn mặt của Cụ Ông như đang ngủ ngon, đặc biệt sắc diện chuyển hóa thành màu ‘vàng kim’ (xem hình đính kèm). Mặc dầu, thoại tướng tốt của xác thân không đồng nghĩa với việc xác quyết bệnh nhân được vãng sanh về Miền Cực Lạc, mà chỉ dấu cho thấy thần thức của người bệnh ra đi an lành, nhẹ nhàng.
Đây là một trong những chỉ dấu bổ sung thêm cho niềm tin Cụ Ông đã được Đức A Di Đà Phật lai nghinh về Miền Cực Lạc. Pháp Nhiên Thượng Nhân sơ tổ Tịnh Độ Tông Nhật Bản cho rằng: “Trụ vào tâm tha lực (Nguyện lực của Đức Phật A Di Đà) mà Niệm Phật, thì chỉ trong khoảnh khắc, được dự vào sự lai nghinh của Đức Phật (Niệm Phật Tông Yêu – Pháp Nhiên Thượng Nhân, tr.21).
12) Tương ưng với lời Phật dạy từ hai tạng kinh: Hán Tạng và Pali Tạng đối với những diễn biến trong tám ngày Niệm Phật cùng với con cháu và người trợ niệm, và cả tiến trình của Phật sự này
Tất cả những gì diễn ra trong toàn bộ Phật sự thiêng liêng này, như đã được trình bày, giải thích chi tiết trên đây cho thấy có một sự tương ưng vi diệu với những Lời Phật Dạy trong hai Tạng Kinh: Hán Tạng và Pàli Tạng. Tất cả đều làm căn đế cho niềm tin rằng: Thần Thức của Cụ Ông Nguyễn Đình Hồng, Pháp danh Diệu Âm đã siêu sanh về Miền Cực Lạc Tây Phương.
13) Đúng với dự đoán của người trợ duyên, trợ niệm về ngày ra đi của bệnh nhân
Khi hay tin bệnh của Cụ Ông trở nặng và sắp mất, một người con gái và hai người con trai của bệnh nhân sắp xếp thời gian từ TP. HCM về thăm, chăm sóc Cụ và Niệm Phật cùng Cụ vào những ngày cuối cùng, và lo hậu sự khi Cụ Ông qua dời. Một trong hai người con trai đến tiếp chuyện với Tâm Tịnh, và hỏi, “Theo anh, Ba em còn sống được bao lâu nữa? Em nghe Bác sỹ nói Ba em yếu lắm rồi, và có thể chết bất kể lúc nào, có thể hai hoặc ba hôm gì đó.”
Tâm Tịnh đáp và giải thích, “Về điểm này, anh cũng đồng ý với Bác sỹ vì Ba em yếu lắm rồi. Tuy nhiên, anh nghĩ sau khoảng 7 ngày 7 đêm, Ba em sẽ ra đi. Vì sao? Trong Kinh, Đức Phật dạy Niệm Phật từ một ngày cho đến bảy ngày. Ba em cả đời không theo Tam Bảo, cho đến những tháng cuối cùng mới tín thọ Niệm Phật Vãng Sanh, đặc biệt từ ngày hôm qua, là ngày bắt đầu con cháu trợ duyên Niệm Phật cùng bệnh nhân. Nên công phu và công đức niệm Phật của Ba em hãy còn kém.
Thời gian bảy ngày với sự quyết tâm, Ba em Niệm Phật cùng sự trợ duyên tích cực của anh, chị Nga (Hoa Chí) và con cháu, Ba em sẽ có thêm nhiều công đức và sẽ được Đức A Di Đà Phật lai nghinh về Miền Cực Lạc. Hơn nữa, con cháu có duyên lành cùng nhau Niệm Phật và làm những việc phước thiện, tăng phước lành cho bản thân.. Bảy ngày cả nhà cùng Chú hết lòng Niệm Phật sẽ tốt cho thổ thần thổ địa, thần linh xá trạch, nhơn và phi nhơn trong khu vực này vv. ”
Tuy nhiên hết ngày và đêm thứ bảy, bệnh nhân vẫn còn khỏe mạnh, lạc quan và sáng suốt. Với tình trạng này của bệnh nhân, Tâm Tịnh thật sự không thể biết bệnh nhân có thể kéo dài thọ mạng trong bao lâu nữa. Nên, đêm thứ tám, Tâm Tịnh không trực. Nhờ Tâm Tịnh không tham gia trợ Niệm từ khuya đến sáng sớm. Nên, người con trai hiếu thảo buộc phải thức, và cố gắng không ngủ (vì khi Tâm Tịnh trực, thì anh con trai này ngủ vì không quen thức đêm) túc trực và Niệm Phật. Ngay đêm đó, bệnh nhân chịu đau đớn nhiều và yếu dần.
Ngay sáng sớm hôm sau, người con rễ gọi điện cho Tâm Tịnh báo tình hình nguy cấp. Nên, Tâm Tịnh từ Đà Nẵng xuất phát đi đến Điện Hồng, có mặt ngay sau khoảng 40 phút đi xe máy. Từ khi có mặt (tầm hơn 7 giờ sáng), Niệm Phật, khuyến Khích và an trú bệnh nhân vào hồng danh Nam Mô A Di Đà Phật, và khoảng thời gian này, chứng kiến những điều vi diệu như đã được thuật lại ở 12 mục trên.
Như vậy, xê xích một ngày dự đoán về ngày ra đi, mà nếu cạn suy thì đêm thứ tám là đêm duyên lành thành tựu công đức cho người con trai, vì như đã trình bày, Tâm Tịnh quen thức suốt đêm đến sáng mà không buồn ngủ, có thể vì pháp hỷ sung mãn khi Niệm Phật, và những biểu pháp vi diệu của bệnh nhân làm cho Tâm Tịnh phấn chấn, hân hoan là duyên lành tạo pháp hỷ sung mãn nên không có buồn ngủ. Khi Tâm Tịnh trực khuya thì anh con trai này ngủ vì không quen thức, kế cả những người con khác của Cụ, chỉ có cô con gái đầu có thể thức, nhưng thỉnh thoảng ngủ khi ngồi trực bệnh.
Như vậy, đêm thứ tám là duyên lành cho người con trai thành tựu công đức, ở chừng mực nào đó, một đêm trực Niệm Phật của con trai Cụ là duyên lành đưa đến một phần thành tựu “hạnh hiếu” của em ấy. Thật là vi diêu. Tất cả Pháp lành đang diễn ra.
14) Đúng với tâm nguyện của người trợ niệm chính về sự tùy duyên hết cả: Lời Phật Dạy, Chư Tổ Sư Tịnh Độ, và cả những hủ tục ma chay của người Việt, đặc biệt tại những miền quê Quảng Nam
Toàn bộ diễn tiến của Phật sự này ngay từ những ngày đầu tiếp xúc với bệnh nhân trong bệnh viện cho đến những ngày ngày trợ niệm, Tâm Tịnh với lòng đầy thành kính tùy thuận và ứng dụng những lời dạy của Đức Phật vào Phật sự thiêng liêng này, tùy thuận và tôn trọng tuyền thống của việc trợ niệm cho bệnh nhân, đặc biệt hộ niệm cùng con cháu gần 7 tiếng đồng hồ kể từ sau khi bệnh nhân tắt thở (duyên rất lành cho tất cả những người hộ niệm khi tăng thêm nhiều công đức, lợi mình, lợi người).
Thêm một điều đáng chú ý nữa là toàn bộ hủ tục ma chay, chôn cất theo truyền thống làng xóm của người dân Điện Hồng đều được tôn trọng, được tùy thuận, vì xét thấy những hủ tục ma chay này không ảnh hưởng đến việc vãng sanh của Cụ Ông. Bởi vì những gì diễn ra trong toàn bộ tiến trình và những giờ phút cuối cùng của bệnh nhân làm cho chúng ta có niềm tin mạnh mẽ rằng thần thức của Cụ Ông được vãng sanh về Miền Cực Lạc Tây Phương ngay khi tắt thở.
Tâm Tịnh
Nam Mô A Di Đà Phật
Nguyện đem công đức này
Hướng về chúng sanh khắp pháp giới
Đồng sanh cõi Cực Lạc!
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1 - Kinh Đại Bảo Tích. Pháp Hội Thứ Năm: Pháp Hội Vô Lượng Thọ Như Lai. Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế. Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Tịnh. Online available: https://daophatonline.com/phat-thuyet-kinh-dai-bao-tich--phap-hoi-thu-nam--phap-hoi-vo-luong-tho-nhu-lai--phan-hai-dp10149.html)
2 - Kinh Phật Thuyết Vô Lượng Thọ Phật Danh Hiệu Lợi Ích Đại Sự Nhân Duyên. Hán Văn: Tam Tạng Pháp Sư Khang Tăng Khải, Việt Văn: Như Hòa.
3 - Tiểu Bộ Kinh _Khuddhaka Nikàya, Tập IV: Chuyện Tiền Thân của Đức Phật (1). Chương I Apannaka. Chuyện Pháp Tối Thượng. Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch
4 - Kinh Đại Bát Niết Bàn, Tập I. Phẩm Như Lai Tánh Thứ 12.
5 - Tiểu Bộ Kinh Khuddaka Nikàya, Tập II. Thiên Cung Sự, Phần 1.a Lâu Đài Nữ Giới, Chuyện thứ 17. Online available: (https://www.budsas.org/uni/u-kinh-tieubo2/tb2-tc11.htm)
6 - Tăng Chi Bộ Kinh, Chương sáu, Phẩm I, Đáng Được Cung Kính, Hòa Thượng Thích Minh Châu
7 - Tích Truyện Kinh Pháp Cú. I Phẩm Song Yếu. 2. Khóc đòi những chuyện trên trời
8 - Tiểu Bộ Kinh Khuddaka Nikàya. Chuyện Tiền Thân số 323 Vua Brahmadatta
9 - Tiểu Bộ Kinh Khuddaka Nikàya. Chuyện Tiền Thân số 388 Con Heo Mõm Dài (Tiền Thân Tundila)
10 - Quán Vô Lượng Trọ Kinh, Hòa Thượng Thích Trí Tịnh
11 - Kinh Niệm Phật Ba-la-Mật. Hòa Thượng Thích Thiền Tâm
12 - Tiểu Bộ Kinh Khuddaka Nikàya. Kinh Pháp Cú. Pháp Cú 213. Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch.
13 - Tịnh Độ Nhật Bản. Nguyên tác Kakehashi Jitsuen, Việt dịch: Hòa Thượng Thích Như Điển
14 - Niệm Phật Tông yếu – Pháp Nhiên Thượng Nhân
15 - Chương Kệ Di Đà – Phẩm Dị Hành: Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận – Bồ Tát Long Thọ
16 - Liên Tông Bảo Giám
17 - Ngẫu Ích Đại Sư