;
Hình minh họa
Tại sao chúng ta cần (nên) tĩnh tọa trước khi ngủ?
Tịnh tọa nói giản đơn là thu nhiếp sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại một nơi, không để chúng lăng xăng với những cảnh giới bên ngoài nữa, vì thế muốn tĩnh tọa, buộc chúng ta phải ngồi xuống một chỗ. Nhưng bản chất phàm phu căn của chúng ta vốn là lăng xăng, thích lăng xăng với đủ mọi ý niệm: tham, sân, si, mạn, nghi, phân biệt, chấp trước; tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ...
Nay buộc ngồi một chỗ, chắc chắn các căn sẽ không để chúng ta yên. Vì thế muốn yên chúng ta phải có pháp khắc chế là niệm hồng danh A Di Đà Phật.
Lúc đầu niệm, tùy định lực mỗi người, nhưng nhanh cũng mất 5-10 phút mới có thể giúp cho các căn đi vào quy củ tức không được lăng xăng nữa. Nhưng đó mới chỉ là chế phục ngoại căn. Nhưng khi niệm Phật, nội căn sẽ phát khởi lăng xăng. Nội căn chính là sự tương thông với các căn bên ngoài bằng các ý niệm.
Ví thử; mắt nương theo sắc; tai nương theo âm thanh; mũi nương theo hương; lưỡi nương theo vị; thân nương theo xúc chạm; ý sẽ dẫn các căn nói trên và tùy thuộc vào sự mê - giác của 5 căn mà nương theo để tác nghiệp. Do đó, muốn tĩnh tọa, buộc phải chế phục nội căn mà quan trọng nhất là ý căn. Vì vậy hồng danh A Di Đà Phật lúc tĩnh tọa là vô cùng quan trọng, là liều thuốc để chúng ta tác ý, không cho nó khởi lên bất cứ ý niệm nào ngoài Phật hiệu. Khi Phật hiệu được tác ý đều đặn, có thể thông qua hơi thở vào - ra, hoặc thông qua miệng - tai - ý, nội căn lúc này không có cơ hội phát khởi lăng xăng.
Muốn buổi tĩnh tọa như ý, thời gian huân tập tối thiểu phải từ 45 phút đến 1h30 phút. Sự lăng xăng trong suốt buổi tĩnh tọa nhiều hay ít phụ thuộc vào việc tác ý hồng danh A Di Đà Phật lên các nội căn, giúp các căn khôi phục nguyên trạng thanh tịnh vốn có.
A Di Đà Phật là đại thanh tịnh.
Tĩnh tọa - niệm Phật chính là khôi phục lại tự tánh thanh tịnh vốn có trong mỗi chúng ta.
Tâm tịnh - cõi Phật tịnh. Phật là tịnh cũng là tâm. Sống với Phật tâm giấc ngủ không thể không an lạc.
Nam Mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát Ma Ha Tát