;
Xin chia sẻ cùng các bạn ba cách niệm Phật để các bạn tuỳ duyên áp dụng trong mỗi thời công khoá hàng ngày:
1. Niệm Phật theo pháp điều khí
Tuỳ theo hơi thở ra, vô thường ngày của mỗi người dài hay ngắn để áp dụng niệm Phật bằng cách: Hít vào niệm “A Di”. Thở ra niệm “Đà Phật”. Cứ thế duy trì hơi thở thật nhẹ nhàng, thong thả niệm, không nhanh, không chậm, không đứt quãng. Rõ ràng từng tiếng trong suốt buổi.
2. Niệm thập ký số
a/ Nếu hơi thở ngắn, niệm Phật theo 3 nhịp còn gọi là thập niệm nhịp: 3-3-4 là hai hơi 3 hồng danh và 1 hơi 4 hồng danh.
b/ Nếu hơi thở tầm trung, niệm Phật theo 2 nhịp, còn gọi là thập niệm nhịp: 5-5 là 2 hơi, mỗi hơi 5 hồng danh.
c/ Nếu hơi thở đủ dài, niệm Phật theo một nhịp, còn gọi là thập niệm nhịp: 10 hồng danh trong 1 hơi.
3/ Pháp thập niệm ký số chỉ thực sự cần thiết khi tâm quá tán loạn. Nhưng khi tâm đã an định rồi thì các bạn nên tuỳ nghi, thong thả niệm, sao cho từng niệm A-Di-Đà-Phật rõ ràng, phân minh, không cho tạp niệm đan xen.
Như vậy chính là niệm Phật trong chánh niệm.
Nhiều người lầm lẫn pháp thập niệm ký số là vừa đếm số lần niệm từ 1-10 + thêm số lần đếm hồng danh A DI ĐÀ PHẬT. Hiểu vậy là sai, nếu thực hành lâu dài sẽ bị tổn khí, dẫn tới hụt hơi, chóng mặt, bốc hoả lên mắt, lên đầu.
Trong Kinh Niệm Phật Ba La Mật đức Phật Thích Ca dạy Diệu Nguyệt Cư sĩ cách niệm Phật như sau: "Người niệm Phật chỉ buộc tâm và ý vào danh hiệu Phật, chăm chú lắng nghe, mỗi câu rõ ràng, mỗi niệm phân minh, quên cả thân, quên cả cảnh, quên cả cái ý thức tự biết ta đang niệm Phật. Như thế gọi là Niệm Phật với cái tâm lìa bỏ".
Nguyện chúc các bạn niệm Phật trong chánh niệm.
Nam Mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát Ma Ha Tát
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô A Di Đà Phật
Nguyện có ai thấy nghe
Đều phát tâm bồ đề
Khi mãn báo thân này
Đồng sanh Cực lạc quốc.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Cư sĩ Thiện Nhân