;
III. Phương pháp tu tập để vng sinh ci Tịnh độ của Phật A-di-đà
Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ, đức Thế Tôn dạy cho thái hậu Vi Đề Hy rằng: “Này Vi Đề Hy! Người muốn sang nước Cực Lạc ấy nên tu ba phước. Một là hiếu nuôi cha mẹ, kính thờ bực Sư trưởng, có tâm nhân từ chẳng giết hại và tu tập mười nghiệp lành.Hai là thọ trì Tam quy, đầy đủ các cấm giới và chẳng phạm oai nghi.
Ba là phát tâm Bồ-đề, sâu tin nhân quả, đọc tụng kinh điển Đại thừa và khuyên dạy sách tấn người tu hành. Ba sự như vậy gọi là tịnh nghiệp. Này ViĐề Hy! Nay bà có biết chăng?Ba tịnh nghiệp ấy là chánh nhân tịnh nghiệp của tam thế chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại.”
Lời đức Thế Tôn đã xác quyết, chánh nhân vãng sinh Tịnh độ chính là đây. Mười phương ba đời chư Phật cũng từ chánh nhân này thành tựu đạo quả, vậy phàm phu như chúng ta không thể không y giáo phụng hành. Chánh nhân ấy nói rộng là như vậy, nhưng tóm gọn lại chỉ gồm ba điều “Tín, Nguyện và Hạnh”.
1. Niềm tin chân chính (Tín tư lương)
Tín chính là cửa ngõ để vào đạo giải thoát.Không có niềm tin chắc chắn không thành tựu được việc gì. Người thế gian kinh doanh buôn bán quan trọng vẫn là tin tưởng, tín nhiệm lẫn nhau. Sự ngờ vực sẽ dẫn đến chia rẽ, khoảng cách, bất hòa, nghi kỵ, là nguyên nhân gia đình đổ vỡ, xã hội bất an, thế giới chiến tranh loạn lạc.
Trong giáo lý nhà Phật, hầu hết các pháp môn tu đều lấy “Tín” làm nền tảng như: “Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ”. Riêng với người thực hành pháp môn Tịnh độ, “Tín” lại được xem như căn bản của con đường tu tập.
Trong kinh A-di-đà, đức Thế Tôn đã cho rằng pháp môn Tịnh độ là “nan tín chi pháp” tức là pháp môn rất khó tin. Vì sao? Vì dễ tu chứng! Vì sao dễ tu chứng?Vì ngoài tự lực của mỗi chúng sinh còn có tha lực của chư Phật gia trì.Tự lực của chúng sinh có hữu hạn nhưng đối với tha lực của chư Phật vô hạn vô cùng không thể dùng trí phàm phu đo lường được. Thế nên người không tin pháp môn này tức không tin vào năng lực vô biên của chư Phật, cũng chính là không tin vào lời chắc thật của Phật Thích-ca Mâu-ni và hạnh nguyện của Phật A-di-đà.
Vậy muốn vãng sinh Tịnh độ cần phá bỏ lưới nghi “nghi thời hoa không nở”, một lòng chánh tín nương theo lời Phật chỉ dạy, làm kim chỉ nam trực thẳng đến Tây phương Cực Lạc.
Tín được chia làm hai: chánh tín và mê tín. Đối với người tu Tịnh độ không tin nhân quả, không tin lời Phật dạy, không tin có cõi Tịnh độ của Phật A-di-đà... đó là mê tín. Ngược lại là chánh tín.
Trong Vãng Sinh Luận, Bồ-tát Thế Thân dạy rằng: “Y theo quán sát công đức chân thật cõi Tịnh độ mà sinh lòng tin.” Vậy công đức chân thật ấy chính là:
a. Tin lời đức Phật Thích-ca không hư dối
Phật Thích-ca Mâu-ni là đức Phật của lịch sử, điều này đã được minh chứng.Lời dạy của Ngài vẫn còn vẹn nguyên giá trị và ảnh hưởng lớn trong đời sống hiện tại.Người quân tử lấy sự thật làm thước đo giá trị đạo đức ở đời, còn Thế Tôn là bậc đại Thánh trong các hàng Thánh há nào lại lừa dối chúng sinh.Thế nên lời của Thế Tôn nói hoàn toàn không có hư dối.
b. Tin cõi Tịnh độ và lời nguyện của đức Phật A-di-đà hoàn toàn chắc thật
Trong thế gian có vô số uế độ vì có vô số chúng sinh tạo nghiệp sinh tử luân hồi mà cõi Ta-bà là một trong số đó. Do đó vô số Tịnh độ xuất hiện vì hạnh nguyện chư Phật trong 10 phương 3 đời vẫn luôn bao trùm khắp không gian, thời gian mà Tịnh độ của Phật A-di-đà là một.
Lời đại nguyện thâm sâu được phát ra từ lòng bi mẫn của vị Pháp Tạng Tỳ-kheo khi còn ở nhân địa tu hành Phật quả được đức Phật nói rõ trong phần 2 của kinh Vô Lượng Thọ: “Nhân duyên Ngài Tỳ-kheo Pháp Tạng phát 48 đại nguyện trước đấng Thế Tôn và nhờ công đức tu tập thù thắng, đức hạnh thâm mật, Ngài thành tựu Pháp thân hiệu A-di-đà, thể hiện cảnh giới như tâm nguyện và ngự trị cõi nước tên là Cực Lạc ở phương Tây.”
c. Tin chư Bồ-tát, chư Hiền Thánh tăng đều gia trì hộ niệm
Cõi Tịnh độ của Phật A-di-đà có vô lượng Bồ-tát, Thanh văn.Trong đó, đức Quán Thế Âm và đức Đại Thế Chí là bậc Bồ-tát thượng thủ, trợ giúp đức Phật giáo hóa chúng sinh. Tâm nguyện của các Ngài rộng lớn không gì sánh bằng, kinh Quán Vô Lượng Thọ, Phật Thích-ca dạy trong phần quán tưởng về đức Quán Thế Âm: “Quán Thế Âm Bồ-tát ấy chỉ nghe danh hiệu còn được phước vô lượng huống là quán kỹ.” Chúng sinh chỉ cần nghe tên Bồ-tát thôi phước đức đã không thể nghĩ bàn.Vì sao?Vì công đức của chư Bồ-tát, Thanh văn ở cõi Tịnh độ là vô lượng, công đức ấy không khác gì công đức của Phật A-di-đà.
d. Tin nhân quả
Định luật này bao trùm khắp vũ trụ vạn hữu.Người tu Tịnh độ nếu xa lìa nhân quả mười phần công đức không được một.Thế nên nhân nào quả đó, niệm Phật, quán tưởng cõi Phật là nhân, vãng sinh Tịnh độ thành Phật là quả.Nhân quả tuy muôn trùng nhưng tóm gọn trong câu “Thiện nhân thiện quả, ác nhân ác quả”
e. Tin bản thân có thể vãng sinh, thành tựu Phật quả
Đức Thế Tôn đã dạy “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. Đó là lời thọ ký, lời xác quyết đầy tuệ giác của đức Thích-ca Mâu-ni. Chúng ta thường nghe “Phật, chúng sinh tánh thường rỗng lặng”, tánh rỗng lặng chính là Phật tánh, là Chân tâm thường trú, là Diệu giác tánh, là Bản lai diện mục cũng chính là Phật A-di-đà trong mỗi chúng sinh. Phật đã thành vì Ngài nhận ra được bản tâm thanh tịnh đoạn trừ phiền não chướng, sở tri chướng, tự độ, độ tha, nên viên thành Vô thượng chánh giác.
Chúng sinh vì lấy ba độc tham, sân, si làm cam lồ nên trôi lăn trong ưu bi, khổ não. Nay nương nguyện lực Phật, nương tha lực Phật, tin tự lực chính mình nỗ lực tiến tu, gieo tịnh nhân, trồng tịnh nghiệp, niệm hồng danh Phật, thiết tha cầu nguyện vãng sinh lo gì không thành Phật.
2. Chí nguyện chăn chính, thiết tha (Nguyện tư lương)
Nguyện chính là động lực thúc đẩy người niệm Phật tinh cần ngày đêm không thoái chuyển vì mục tiêu cứu cánh vãng sinh Tịnh độ, thành tựu Phật quả vì lợi lạc cho chúng hữu tình. Nếu nguyện không tha thiết, tâm Bồ-đề dễ bị lay chuyển, nhờ có nguyện mới giữ được đạo tâm, trau dồi đạo lực, viên thành đạo quả. Cũng như người cưỡi ngựa nắm vững dây cương, khéo léo điều phục làm chủ trên lưng ngựa mà không bị té ngã.
Đức Phật A-di-đà lúc còn là Pháp Tạng Tỳ-kheo cũng nhờ nơi 48 đại nguyện mà thành lập nên cõi Tịnh độ Tây phương. Đức Thích-ca Mâu-ni khi còn là vị Thái tử trải qua 6 năm khổ hạnh không có kết quả, vượt sông Ni Liên Thiền đến dưới cội Bồ-đề phát lời thệ nguyện “Nếu không thành Phật thề không đứng dậy”.
Đức Quán Thế Âm vì muốn thành tựu hạnh nguyện độ tha đã phát 12 lời thệ nguyện rộng cứu chúng sinh.Từ đây cho thấy, xa rời thệ nguyện không thể nào thành tựu Phật đạo.
Chúng sinh muốn vãng sinh Tịnh độ nên ngày đêm thiết tha phát nguyện. Nguyện này phải dựa trên tâm Bồ-đề, vì giá trị của tâm Bồ-đề là vô cùng tận được Ngài Tịch Thiên dạy rõ trong Nhập Bồ-tát Hạnh:
“Bồ-đề tâm cam lồ bất tử
Vô tận kho trừ khử đói nghèo
Dược phương chữa bệnh cheo leo
Bóng cây che mát nhóc nheo hữu tình.”
Lại nữa, trong kinh Quán Vô Lượng Thọ,đức Phật bảo A-nan và Vi Đề Hy: “Người sinh Cực Lạc thế giới, bậc Thượng phẩm Thượng sinh ấy, nếu có chúng sinh nguyện sinh Cực Lạc thế giới phát ba thứ tâm liền được vãng sinh. Những gì là ba tâm?Một là chí thành tâm, hai là thâm tâm và ba là hồi hướng phát nguyện tâm.Người đủ ba tâm này ắt sinh Cực Lạc thế giới.” Ba tâm ấy được gồm thâu trong hai phần:
a. Bồ-đề tâm phát nguyện
Vào buổi sáng trước khi bước xuống giường, hoặc trước thời công phu sáng, người niệm Phật nên ngồi ngay ngắn, chắp tay thành kính hướng về bàn Phật hoặc hướng tây khởi lên động lực làm sống dậy Bồ-đề tâm nguyện theo phương pháp 6 nhân 1 quả:
· Tất cả chúng sinh trong vô lượng kiếp đến nay đều là cha mẹ, thân thuộc của con.
· Cha mẹ đã từng cưu mang và nuôi dạy con bằng mọi hình thức tốt nhất có thể.
· Con xin ghi nhớ ân đức mà cha mẹ đã dành cho con.
· Con nguyện báo đáp ân đức cao đẹp của cha mẹ.
· Hiện giờ chúng sinh đang trôi lăn trong vòng sinh tử như người mẹ thân thiết của con đang bị cuốn trôi trong dòng nước xiết, con nguyện cứu họ thoát khỏi dòng sinh tử khổ đau ấy.
· Con nguyện đem mọi phương tiện như chư Phật đưa họ đến an vui vĩnh cửu.
· Con xin gánh chịu mọi khổ đau của chúng sinh và nguyện đem an vui mà con có được dù chỉ là nhỏ bé dâng tặng cho họ.
Từ 6 nhân này nếu được huân tập thuần thục sẽ thành tựu quả vị Bồ-đề tâm vô thượng tức gồm đầy đủ “thành tâm và thâm tâm”. Đây chính là điểm then chốt trong các pháp tu theo Đại thừa giáo điển.
b. Hồi hướng phát nguyện tâm
Trước khi ngủ hoặc sau các thời công phu tụng kinh niệm Phật nên đọc bài kệ:
Con xin nguyện quay về nương tựa Phật
Con xin nguyện quay về nương tựa Pháp
Con xin nguyện quay về nương tựa Tăng
Con xin nguyện quay về nương tựa chư Phật, chư Thánh chúng cõi Tây phương Cực Lạc.
Từ ngày hôm nay cho đến ngày giải thoát,
Với công đức có được,
Nhờ bố thí, trì giới, tụng kinh, niệm Phật...
Và các hạnh lành khác,
Con xin nguyện hồi hướng về cõi Tây phương Cực Lạc,
Nguyện con sớm thành tựu Phật quả,
Vì lợi ích cho chúng hữu tình.
Đây là bài phát nguyện dựa theo lời chỉ dạy trong quyển Giải Thoát Trong Lòng Bàn Tay của bậc đạo sư Pabongkha vĩ đại. Với cách thức này, chủng tử Phật sẽ luôn tăng trưởng và được duy trì qua nhiều kiếp sống về sau. Nhờ đặt hết tâm lực vào lời nguyện, từ sáng đến tối người niệm Phật sẽ luôn được chư Phật gia hộ, vượt qua chướng ngại, gặp nhiều thuận duyên trên bước đường tu tập viễn ly mọi khổ não đạt được an lạc, hạnh phúc ngay trong lúc hiện tiền, tương lai chắc chắn sẽ vãng sinh Tịnh độ.
3. Phương pháp hành trì (Hạnh tư lương)
Nếu “Tín” là sự xác quyết con đường đi hoàn toàn chân thật, “Nguyện” là động lực để tiến hành thì “Hạnh” chính là bắt đầu sự khởi hành.
Đối với người tu Tịnh độ tư lương “Hạnh” chính là sự gia công tinh tấn hành trì liên tục không gián đoạn. Phương pháp tu tập pháp môn Tịnh độ đã được đức Phật Thích-ca Mâu-ni dạy rất rõ trong bản kinh Quán Vô Lượng Thọ, kinh A-di-đà, kinh Vô Lượng Thọ và Vãng Sinh luận do Bồ-tát Thế Thân trước thuật. Nay chỉ khái lược qua những điểm chính yếu sau:
a. Phương pháp phổ quát
Đây là cách thức tu tập dành cho tất cả mọi căn cơ. Người hành trì những pháp này sẽ tạo nhân Tịnh độ để quyết định vãng sinh trong tương lai và dự vào phần hạ phẩm đến trung phẩm tùy theo khả năng hành trì.
Quy y Tam bảo và quy y chư Phật, Thánh chúng cõi Tịnh độ
Quay về nương tựa Phật
Quay về nương tựa Pháp
Quay về nương tựa Tăng
Quay về nương tựa Phật và Thánh chúng cõi Cực Lạc
Thọ trì năm giới tại gia
Không sát sinh
Không trộm cắp
Không tà dâm
Không nói dối
Không sử dụng ma túy và các chất gây say
Tín tâm niệm danh hiệu Phật
Dùng niềm tin chân chính thiết tha chuyên niệm hồng danh “Nam mô A-di-đà Phật.”
Ngày đêm tinh tấn không khởi tạp niệm, hành trì đến khi nhất tâm bất loạn.
Các phương pháp niệm Phật.
Trì danh niệm Phật: Nghĩa là chuyên trì tụng danh hiệu Phật. Phương pháp này được chia ra nhiều cách niệm tương ứng với từng người trong từng hoàn cảnh cụ thể như: niệm Phật cao tiếng, niệm Phật kim cương, niệm Phật bằng tràng hạt, niệm Phật theo số lượng, mặc niệm niệm Phật... đây được xem như là những cách niệm Phật phổ thông nhất.
Thật tướng niệm Phật: Nghĩa là quán tưởng thật tướng của Phật. Kết quả của phương pháp này là Chân như Tam muội, cũng gọi là Nhất hạnh Tam muội nghĩa là chánh định, chỉ cho cảnh giới đạt được trong định khi sự tu tập đã thành tựu. Phương pháp này chỉ thích hợp với hạng thượng căn, hạng trung, hạ căn không tương thích được.
Quán tưởng niệm Phật: Nghĩa là quán tưởng cảnh giới Cực Lạc của đức Phật A-di-đà. Phương pháp này y cứ vào kinh Quán Vô Lượng Thọ mà lập.
Phương pháp niệm Phật thích hợp mọi căn cơ
o Ý nghĩa
Trong ba cách niệm Phật trên, phương pháp “Trì danh niệm Phật” phù hợp mọi căn cơ.Từ hàng thượng căn thông minh uyên bác cho đến kẻ hạ căn một chữ không thông. Từ người giàu sang đến kẻ khốn cùng, từ người trẻ tuổi đến cụ già tóc bạc... Vì sao?Vì phương pháp này lấy danh hiệu “Nam mô A-di-đà Phật” làm đề mục.Dùng câu Phật hiệu buộc nơi chánh niệm, nhớ nghĩ rõ ràng làm chủ tâm ý không để tạp niệm có cơ hội xen vào.
Với câu Phật hiệu bất kỳ ở nơi nào cũng có thể niệm được, nhưng “niệm” là phải từ tâm lưu xuất, không lơ là, tạp loạn.Hành giả luôn đặt ba nghiệp của mình vào hồng danh Phật.
Miệng niệm “Nam mô A-di-đà Phật” một cách khoan thai, không nhanh không chậm, không quá to không quá nhỏ, tai lắng nghe tiếng niệm rõ ràng từng chữ không nhầm lẫn, ý trụ vào câu Phật hiệu không sinh tâm dao động, lăng xăng, ví như người bưng bát, chú tâm hứng từng giọt cam lồ không để rơi mất.
Theo cách này hành trì miên mật, người niệm Phật đến khi thuần thục, ba nghiệp thân, miệng, ý đêm ngày không xa lìa câu Phật hiệu, đạt đến sự thanh tịnh hoàn toàn, nhờ đó mà hiện tiền được an lạc, tương lai quyết định vãng sinh Tịnh độ.
o Phương pháp hành trì
Dưới đây là một số phương pháp hành trì thông dụng thích hợp với tất cả căn cơ trình độ.Thực hành miên mật sẽ đem đến kết quả không thể nghĩ bàn. Nương vào công đức niệm Phật của tự thân và tha lực của chư Phật, hành giả chắc chắn được an lạc trong hiện đời, lúc lâm chung thân ngồi trên sen báu được chư Phật, Thánh chúng tiếp dẫn vãng sinh Tịnh độ.
§ Niệm Phật bằng tràng hạt (chuỗi hạt)
Những người tâm khó tập trung nên dùng tràng hạt để cột tâm vào câu niệm Phật.Phương pháp này thông dụng cho mọi độ tuổi, trong mọi hoàn cảnh.Có thể dùng chuỗi 18 hạt cho đến 108 hạt.
Mỗi một hạt niệm một câu Phật hiệu.Người có thời gian cố định mỗi khi niệm hết một tràng rồi dùng một hạt đậu hoặc ngô (bắp) để ghi số lượng. Tay lần chuỗi, miệng niệm danh hiệu Phật rõ ràng, khoan thai, tâm nhớ nghĩ. Niệm liên tục, lâu ngày tâm sẽ được an định, tạp loạn nếu khởi lên sẽ bị câu Phật hiệu ngăn lại và tan biến.
§ Niệm Phật theo tiếng nhạc
Người tâm dễ bị buồn ngủ có thể kết hợp niệm Phật lớn tiếng theo âm điệu. Nhờ âm thanh có thể đưa câu niệm Phật dễ dàng đi vào trong tâm. Với cách này, miệng niệm lớn (như đang hát một bản nhạc theo giai điệu yêu thích) tai lắng nghe âm thanh của tiếng niệm Phật, tâm sẽ được thoải mái, phấn chấn, xoa dịu cơn buồn ngủ, thư giản tinh thần, giảm thiểu sự bực tức, chán nản do áp lực công việc, học tập đem lại. Đây cũng là cách thư giản bổ ích, không tốn kém, đồng thời gieo được chánh nhân vãng sinh cõi Tịnh độ.
§ Niệm Phật mặc niệm (niệm thầm)
Người thường làm công việc văn phòng, giao tiếp, di chuyển nhiều trên các loại phương tiện, hoặc gia đình chưa hiểu đạo, không có không gian niệm Phật riêng có thể áp dụng niệm Phật mặc niệm. Cách này miệng tuy không niệm ra tiếng, nhưng tâm lúc nào cũng rõ ràng, đi, đứng, nằm ngồi đều nhớ danh hiệu Phật. Trong các thời, dù niệm nhiều hay ít cũng đều hồi hướng cầu vãng sinh Tịnh độ.
§ Niệm Phật đại chúng
Cách này áp dụng trong trường hợp niệm Phật tập thể. Phương tiện cần có gồm: một mõ, một khánh, một người đánh khánh, một người niệm Phật có chất giọng khỏe, rõ ràng, đồng thời giữ nhịp mõ làm trường canh.
Cách niệm: hai nhịp khánh đi kèm hai chữ “Nam mô”, một nhịp mõ đi kèm một chữ “A”, cũng thế áp dụng cho chữ “Di Đà” và chữ “Phật”. Người chủ xướng niệm ba câu liên tiếp, sau khi dứt đại chúng đồng niệm tiếp ba câu giống như trên. Theo cách này, đại chúng nương theo người chủ xướng, nhịp khánh và mõ, miệng niệm to, rành rẽ, tai lắng nghe, tâm an trụ trong câu Phật hiệu.
§ Niệm Phật kinh hành
Cách này áp dụng cho người không thể ngồi lâu, nếu kết hợp với niệm Phật đại chúng sẽ tạo nên không gian niệm Phật hoàn hảo.
Cách niệm: người niệm Phật tùy theo sức khỏe có thể ngồi từ 5 phút cho đến lâu hơn. Trong khi cơ thể mệt mỏi, sắp rơi vào trạng thái ngủ gật, nên đứng dậy đi kinh hành. Miệng niệm “Nam mô” chân trái đồng thời bước theo và niệm chữ “A” chân phải cùng lúc bước theo.
Cứ như vậy áp dụng cho chữ “Di Đà” và chữ “Phật”.Đây được xem như bài tập thể dục cho toàn bộ cơ thể mà không mất tiền bạc lại được công đức vô lượng, làm nhân lành cho sự vãng sinh cõi Cực Lạc.
Nói chung tùy theo hoàn cảnh cụ thể mà áp dụng cách niệm Phật thích hợp, nhưng chung quy phải lấy niềm tin chân chính, chí nguyện thiết tha và hành trì miên mật làm tư lương cho quá trình tu niệm.
Hiếu dưỡng cha mẹ
Sống gương mẫu, vâng lời, kính thờ, lo lắng chăm sóc sức khỏe và hướng dẫn cha mẹ quy hướng Tam bảo, niệm hồng danh Phật.
Cha mẹ qua đời siêng tu phước lành hồi hướng cho cha mẹ.
Ngăn ngừa mười điều ác và tu mười điều lành:
Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, đức Phật Thích-ca đã dạy cho Long Vương rằng: “Mười thiện nghiệp này có công năng làm cho các pháp như Thập lực, Tứ vô sở úy, Thập bát bất cộng, tất cả các pháp mà Phật đã chứng, thảy đều được viên mãn. Vì vậy nên các người cần phải tu học thập thiện.
Này Long Vương! Ví như tất cả thành ấp xóm làm đều y vào đại địa mà an trú, tất cả cỏ cây rừng rú đều y vào đại địa mà sinh trưởng, thì mười điều thiện này cũng lại như vậy. Tất cả thiên nhơn đều y vào “đại địa” thập thiện mà thành lập, tất cả Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát và tất cả Phật pháp cũng đều y vào “đại địa” thập thiện mà thành tựu được các hạnh Bồ-đề.” Những gì là mười:
Thân có 3 việc: không sát sinh, không trộm cắp, không dâm dục (nếu tại gia thì không tà dâm).
Miệng có 4 việc: không nói dối, không nói lưỡi hai chiều, không nói lời ác độc gây chia rẽ, không nói lời thêu dệt mê hoặc lòng người.
Ý nghĩ có 3 việc: không tham dục, không sân hận, không si mê.
Hồi hướng công đức lành về cõi Tịnh độ
Tất cả những hạnh lành trên nên hồi hướng hết về Tây phương Cực Lạc nguyện được vãng sinh, thành ngôi Chánh giác.
Phương pháp chuyên sâu
Đây là cách thức tu tập dành cho các hạng có căn trí thông lợi.Thực hành nhân tịnh này trong khoảnh khắc hành giả sẽ gặp Phật, thể nhập cảnh giới Tịnh độ ngay hiện tiền và quả vị vãng sinh Tịnh độ chắc chắn ở ngôi Thượng phẩm.
Ngoài việc thực hành thuần thục phương pháp phổ quát, người niệm Phật cần nên tiến sâu vào cảnh giới Tịnh độ bằng phương pháp “Chỉ và Quán” căn cứ vào kinh Quán Vô Lượng Thọ và Vãng Sinh Tịnh độ luận giảng yếu do Bồ-tát Thế Thân trước tác, Ngài Thái Hư đại sư giảng. Phương pháp thực hiện bao gồm:
Tán thán Phật A-di-đà và chư Thánh chúng cõi Cực Lạc
Ý nghĩa
Tán thán tức là ca ngợi công đức của chư Phật.Cách đơn giản nhất là xưng tán danh hiệu Phật.Vì Phật A-di-đà bao gồm đầy đủ ánh sáng vô lượng, thọ mạng vô lượng và công đức vô lượng.Dùng lối xưng tán này để ghi nhớ y báo và chánh báo của Phật cũng chính là sự trang nghiêm nơi cõi Tịnh độ.
Điều này thật sự cần thiết vì đây là nhân để sau khi sinh về Cực Lạc được vào trong Thánh chúng tham dự pháp hội.Vãng sinh Tịnh độ luận giảng yếu chép: “Có người sinh về Cực Lạc mà không được vào hội chúng là do nghi tâm niệm Phật, tuy sinh về Cực Lạc, song phải chịu 500 đại kiếp không có thể vào đại hội chúng nghe giảng Phật pháp.”
Phương pháp xưng tán
Dựa trên bài kệ sau, hành giả thân tướng trang nghiêm, chấp tay cung kính, miệng xưng tán lời này:
Sắc thân Như Lai đẹp
Thế gian không ai bằng
Chẳng sánh, chẳng nghĩ bàn
Nên nay con đảnh lễ
Tướng Phật đẹp vô cùng
Trí tuệ Phật cũng thế
Tất cả Pháp thường trụ
Vì thế con quy y
Trí lớn nguyện lực lớn
Độ khắp cả quần sinh
Khiến bỏ thân nóng khổ
Sinh kia nước mát vui
Con nay sạch ba nghiệp
Quy y và lễ tán
Nguyện con cùng chúng sinh
Đồng sinh về Tịnh Độ.
Úm phạ nhật la vật (3 lần)
Lễ bái Phật A-di-đà và chư Thánh chúng cõi Tây phương Cực Lạc
Ý nghĩa
Đem thân, miệng, ý thanh tịnh năm vóc sát đất (trán, 2 tay và 2 chân) cung kính đảnh lễ chư Phật, Bồ-tát và Thánh chúng nơi cõi Cực Lạc. Khi trán vừa chạm đất liền nghĩ mặt đất hóa thành cõi Tịnh với bảy báu trang nghiêm ngay đó tâm người lễ Phật đã nhập vào cảnh giới Cực Lạc.
Phương pháp lễ lạy
Sử dụng 9 lạy quy mạng cõi Cực Lạc
§ Nhất tâm quy mạng lễ, A-di-đà Như Lai, Thân diệu pháp thanh tịnh, Thường tịch quang Tịnh độ, khắp Pháp giới chư Phật. (1 lễ).
§ Nhất tâm quy mạng lễ, A-di-đà Như Lai, Thân tướng hải vi trần, Thật báo trang nghiêm độ, khắp Pháp giới chư Phật. (1 lễ).
§ Nhất tâm quy mạng lễ, A-di-đà Như Lai, Thân trang nghiêm giải thoát, Phương tiện Thánh cư độ, khắp Pháp giới chư Phật. (1 lễ).
§ Nhất tâm quy mạng lễ, A-di-đà Như Lai, Thân căn giới Đại thừa, cõi An lạc phương Tây, khắp Pháp giới chư Phật. (1 lễ).
§ Nhất tâm quy mạng lễ, A-di-đà Như Lai, Thân hóa đến mười phương, cõi An lạc phương Tây, khắp Pháp giới chư Phật. (1 lễ).
§ Nhất tâm quy mạng lễ, Ba kinh Giáo, Hành, Lý, tuyên dương cả ý chính, cõi An lạc phương Tây, khắp Pháp giới Tôn Pháp. (1 lễ).
§ Nhất tâm quy mạng lễ, Bồ-tát Quán Thế Âm, Thân tử kim muôn ức, cõi An lạc phương Tây, khắp Pháp giới Bồ-tát. (1 lễ).
§ Nhất tâm quy mạng lễ, Bồ-tát Đại Thế Chí, Thân trí sáng vô biên, cõi An lạc phương Tây, khắp Pháp giới Bồ-tát. (1 lễ).
§ Nhất tâm quy mạng lễ, Thánh chúng như biển lớn, thân hai nghiêm phước trí, cõi An lạc phương Tây, khắp Pháp giới Thánh chúng (1 lễ).
§ Nay con vì bốn ân, ba cõi cùng chúng sinh trong ba cõi, nguyện dứt trừ ba chướng, nên quy mạng sám hối. (1 lễ)
Một lòng chuyên niệm Phật cầu sinh Tịnh độ
Ý nghĩa
Tâm ý chúng sinh phần nhiều dao động theonhững âm thanh, hình sắc bên ngoài khởi lên phiền não, tham chấp. Nay dùng hồng danh “Nam mô A-di-đà Phật” cột tâm tán loạn, đưa tâm về một chỗ dừng hẳn các tạp niệm.
Trong khoảng sát-na chuyên tâm buộc niệm không để tán thất đó là nhất tâm cũng gọi là “Chỉ”.Vãng sinh Tịnh độ luận giảng yếu chép: “Một lòng chuyên niệm gọi là hành Chỉ, do Chỉ làm ngưng dứt tán loạn tạp tâm được liền tịch mịch. Nên Cổ đức nói: Biết dừng rồi sau mới định, định rồi sau mới tịnh.” Do đắc được “Chỉ” nên vào chánh định gọi là tam muội liền vào được cõi an lạc của Phật A-di-đà.
Phương pháp chuyên niệm
Sử dụng phương pháp trì danh niệm Phật để đi vào “Chỉ”. Nghĩa là miệng niệm, tai lắng nghe và ý nhớ nghĩ danh hiệu Phật một cách rõ ràng.
Nhớ rõ ý nghĩa hồng danh Phật
Danh hiệu Phật, tiếng Phạn là Amitabha, dịch âm là A-di-đà có nghĩa là Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang, Vô Lượng Công Đức nhưng chủ yếu là Vô Lượng Thọ, nên hầu hết các kinh đều dịch Vô Lượng Thọ. Vậy “Nam mo Amitabha Buddha” hay “Nam mô A-di-đà Phật” có nghĩa là:
“Nam Mô”: nghĩa làKính lễ, Quy y, Phụng thờ, Cứu ngã, Độ ngã, Quy mạng
“A”: nghĩa là Không, là Vô
“Di Đà”: nghĩa là Lượng
“Phật”: nghĩa là Giác giả. Tổng hợp 4 chữ lại gọi là “Quy mạng đấng Giác ngộ Vô lượng”.
Lại nữa chữ “Vô lượng” rất rộng: Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang, Vô Lượng Công Đức, Vô Lượng Thần Thông, Vô Lượng Từ Bi, Vô Lượng Thiện Xảo... Tóm lại, niệm “Nam mô A-di-đà Phật” là bao hàm đầy đủ ý nghĩa.
Nhất tâm không loạn động
Người tu niệm Phật để đạt nhất tâm trước tiên cần cột tâm vào câu Phật hiệu.Tạp loạn nếu khởi lên liền dùng Phật hiệu ngăn không cho vào. Niệm này nối tiếp niệm kia không gián đoạn, ngày ngày chuyên niệm, tháng tháng không quên lần hồi sẽ được “Tịnh Chỉ”. Ngay khi ấy tâm thể vắng lặng như nước trong hồ không bị khuấy động, vạn vật soi vào đều nhận biết rõ.
Chuyên niệm quán sát cõi Tịnh độ trang nghiêm vi diệu
Ý nghĩa
Đây là từ nơi “Chỉ” khởi sinh “Quán”. Pháp “Quán” lại nương vào kinh Quán Vô Lượng Thọ thiết lập còn gọi là “Quán tưởng niệm Phật” nghĩa là căn cứ trên y báo, chánh báo nơi cõi Tịnh độ quán tưởng đến thuần thục thì nhắm mắt, mở mắt, đi, đứng, nằm, ngồi đều ở nơi cảnh Cực Lạc. Nhờ pháp quán này người tu Tịnh độ có thể chuyển cảnh Ta-bà uế trược thành cảnh an lạc trang nghiêm. Trong giờ phút hiện tại đã thọ dụng được “Thật báo trang nghiêm độ”, vị lai lo gì không đắc quả Vô thượng Bồ-đề.
Phương pháp quán tưởng
Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ chia ra làm 16 phép quán tương ứng với 16 giai đoạn dựa trên công đức trang nghiêm thù thắng của y và chánh báo. Kinh dạy rằng: “Người muốn tưởng nước nên biết Cực Lạc thế giới có ao nước bát công đức. Mỗi mỗi ao nước bảy báu làm thành.Báu ấy nhu nhuyến từ như ý châu vương sinh, chia làm mười bốn chi, mỗi mỗi chi làm sắc đẹp bảy báu. Hoàng kim làm lòng ao. Dưới lòng ao có kim cương nhiều màu làm cát tráng đáy.
Trong nước mỗi mỗi ao báu ấy đều có sáu mươi ức hoa sen thất bửu. Mỗi mỗi hoa sen tròn đều mười hai do tuần. Nước ma-ni chảy rót trong khoảng lá, theo thân cây sen mà lên xuống, phát ra âm thanh vi diệu diễn nói Khổ, Không, Vô thường, Vô ngã, các Ba-la-mật, còn có tiếng tán thán tướng hảo của chư Phật.
Như ý châu vương phóng ra ánh sáng vi diệu màu hoàng kim. Ánh sáng ấy hóa ra các giống chim màu trăm báu, hòa hót êm nhã, thường tán thán niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.Đây là tưởng nước bát công đức gọi là pháp quán thứ năm.”
Vận dụng lòng đại từ bi quán sát tất cả khổ não của chúng sinh, bằng nguyện lực trở vào vườn sinh tử, rừng phiền não, hiển lộ thần thông, đến chỗ giáo hóa, khiến tất cả chúng sinh xa lìa đường dữ, sinh về cõi Tịnh
Ý nghĩa
Phần thứ năm này chính là phần hồi hướng.Việc hồi hướng công đức tán thán, lễ bái, chuyên niệm hồng danh và quán tưởng về cõi Tịnh độ đó là Sự hồi hướng, còn Lý hồi hướng chính là công hạnh độ tha của chư Bồ-tát.
Hành giả tuy chưa hoàn toàn thể nhập vào cảnh giới Tịnh độ nhưng cấp độ tu tập ngày một tăng dần tương xứng với quả vị của chư Bồ-tát, Thanh văn trong cõi Phật.
Giai đoạn này hành giả có thể dùng tâm từ bi, phương tiện thiện xảo và trí tuệ chứng đắc để giáo hóa khiến chúng sinh xa hẳn đường tà, quay về nẻo chánh, tu nhân tịnh nghiệp, cầu sinh Cực Lạc.
Phương pháp hành trì
Lòng từ bi của chư Bồ-tát là luôn hướng về chúng sinh phục vụ không biết mệt nhọc, không ngằn mé, hạn lượng. Nơi nào Phật pháp cần Bồ-tát đến, nơi nào chúng sinh cần Bồ-tát đi, không kể gian lao, không từ khó nhọc. Đây chính là diệu dụng của chư Bồ-tát tại thế gian.
Bồ-tát ngoài việc tự tu cho mình đồng thời lo nghĩ đến chúng sinh, lấy Ta-bà làm đạo tràng tự độ, độ tha mong viên thành Phật quả. Vì thế Bồ-tát có mặt khắp mọi nơi: nhà trường, bệnh viện, công sở, trên xe buýt và ngay trong gia đình.
Với lòng bi mẫn, Bồ-tát luôn xem chúng sinh như là bậc thiện tri thức, hết lòng tôn kính phục vụ.Vì nếu không có chúng sinh, Bồ-tát cũng không thể nào viên mãn Bồ-tát hạnh.Cũng ví như người học làm thầy thuốc là vì muốn cứu giúp bệnh nhân, nhưng nếu không có bệnh nhân thì thầy thuốc cũng không có nghĩa gì.Thế nên Bồ-tát tại gia cần tâm nguyện tận trừ thống khổ cho chúng sinh. Ngày cũng như đêm giữ gìn thệ nguyện:
“Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phước, Trí vô cùng thệ nguyện tu
Như Lai vô số thệ phụng sự
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.”
Lập thệ xong Bồ-tát cần gia công dụng hạnh để đưa thệ nguyện vào đời sống tu hành và hóa độ chúng sinh bằng cách thực hành 6 pháp Ba-la-mật: “Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ.” Đây là phương cách thực hành để Sự và Lý hồi hướng dung thông. Hoàn thành năm điều nêu trên tức là Bồ-tát đã viên thành Phật quả, đầy đủ oai đức, tự tại trong sinh tử, tùy thuận nhân duyên, khéo độ chúng sinh, lìa khổ Ta-bà, vãng sinh Tịnh độ.
Lại nữa, muốn thành tựu thân Phật và hiển bày cảnh giới Cực Lạc thù thắng ngay trong hiện đời, người tu pháp môn Tịnh độ có thể áp dụng phương pháp “Chỉ, Quán song vận”. Cách này tuy có phần giống như cách “Niệm Phật quán tưởng” nhưng hiệu nghiệm hoàn toàn hơn hẳn.Vì đây là tổng hợp của Thiền (nương nơi Chỉ và Quán), Tịnh (dùng câu Phật hiệu làm đề mục) và Mật (kết hợp thân mật, khẩu mật và ý mật tương ưng).
Cộng với ba tư lương Tín, Nguyện, Hạnh hành giả Tịnh độ sẽ được tịnh hóa tội chướng, nhờ vào sự gia trì của chư Phật, Bồ-tát và Thánh chúng, nương theo đó mà được thuận duyên trong quá trình tu tập cho đến ngày viên mãn.
Kết hợp chỉ quán song hành
Ý nghĩa
Hành giả sau khi đã từng bước thực hành “Chỉ”và “Quán” thuần thục rồi thì bất cứ lúc nào cũng có thể song hành mà không cần phải theo thứ tự vì trong “Chỉ” có “Quán” và ngược lại. Nhờ sự hợp nhất này mà trong mọi lúc, mọi hoàn cảnh hành giả niệm Phật đều không xa rời câu Phật hiệu và cảnh giới Tây phương Cực Lạc.Ngay tại nơi thân phàm phu này mà tâm có thể nghe Phật thuyết pháp, cùng chư Bồ-tát, Thanh văn vô ngại thảnh thơi, tùy duyên hóa độ vô lượng chúng sinh.
Phương pháp hành trì
Trong thời khóa công phu, hành giả trước hết nên buông lơi toàn thân, dùng hơi thở để điều hòa khí huyết. Khi tư thế đã vững vàng, thư thái hành giả bắt đầu quán tưởng Tây phương Tam Thánh (Phật A-di-đà, Bồ-tát Quán Thế Âm, Bồ-tát Đại Thế Chí) cùng lúc xuất hiện trước mặt vây quanh là chư Thánh chúng.
Từ nơi tướng lông mày trắng (giữa chặng mày của Phật) xuất hiện một luồng hào quang trắng mát dịu chiếu thẳng vào đỉnh đầu hành giả (tịnh hóa thân nghiệp), từ đỉnh đầu hào quang hóa thành tinh chất cam lồ chảy vào cuống họng (tịnh hóa khẩu nghiệp) rồi chảy xuống ngực (tịnh hóa ý nghiệp). Những tội lỗi của ba nghiệp theo dòng cam lồ biến thành dòng nước màu đen chảy xuống hòa tan vào mặt đất. Lúcnày Phật đưa tay xoa đỉnh đầu và 2 vị Bồ-tát cùng chư Thánh chúng hoan hỷ dùng ánh sáng bao trùm lấy hành giả khiến thân tâm thanh tịnh.
An trụ trong cảnh tịnh lạc này, từ trong tâm khởi lên câu niệm “Nam mô A-di-đà Phật” thật nhẹ nhàng, khoan thai. Mỗi câu niệm Phật quay theo chiều kim đồng hồ xuất hiện giữa ngực hành giả đồng thời tất cả chúng sinh trong pháp giới đều đồng thanh niệm Phật.
Dùng phương pháp này đến giai đoạn viên mãn thân hành giả và thân của tất cả chúng sinh đều hóa hiện thành thân Phật, nơi hành giả ngồi tức khắc biến hiện thành cõi Cực Lạc.Đây chính là sự hợp nhất “Chỉ Quán song hành”, là diệu dụng của pháp môn Tịnh độ niệm Phật.
Hành giả thực hành phương pháp này tinh cần có thể chủ động thời gian, nhưng nếu muốn kết thúc thời công phu cần phải gom hết các pháp quán tưởng và câu Phật hiệu biến thành một luồng ánh sáng trắng hòa tan vào giữa ngực của mình. Sau đó chấp tay trang nghiêm hồi hướng công đức về cõi Tịnh độ.
Đến đây là kết thúc phần điều kiện vãng sinh cõi Tịnh độ.Tùy vào căn cơ cạn sâu, cao thấp mà chọn lấy phương cách hành trì thích hợp.Khi đã chọn được phương pháp tu hành điều cần yếu là nên tinh tấn quyết tâm.
Sự nỗ lực của tự thân chính là gốc của giải thoát.Nếu ta không tự nỗ lực tiến tu lại giao phó hết cho tha lực của chư Phật thì đó là một sự nhầm lẫn lớn.Có câu “Cảm ứng đạo giao nan tư nghì” nghĩa là sự giao thoa từ trường tâm linh giữa Phật và chúng sinh là không thể nghĩ bàn cũng ví như tần sóng vô tuyến điện. Nếu chúng ta không mở radio thì dù sóng vô tuyến điện có mạnh đến đâu đi nữa cũng không thể phát kênh chuyển đài.
Chúng sinh có “cảm” Phật liền “ứng” hiện, tùy theo mức độ mạnh yếu khác nhau sẽ có kết quả cao thấp, nhanh chậm sai biệt. Cõi Tịnh độ là thật có.Phật A-di-đà, chư Bồ-tát và Thánh chúng cõi Cực Lạc đang mong chờ chúng sinh là thật có. Tha lực của chư Phật phủ trùm khắp không gian và thời gian là thật có, nhưng nếu không tự biết khắc niệm tín thành, tha thiết nguyện cầu, hành sâu miên mật thì tất cả đều chỉ là huyễn hóa hư vô. Rất mong quý đạo hữu lưu tâm!