;
Tiếp tục chương trình của Đại giới đàn Hà Nội, ngày 09 tháng 04 năm 2015, nhằm ngày 21 tháng 02 năm Ất Mùi, toàn thể Giới tử đã vân tập về Giảng đường chùa Bằng (Linh Tiên tự) lắng nghe thời pháp thoại Giáo giới về “Tầm quan trọng của Giới luật trong đời sống phạm hạnh” của Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng Ban Hoằng Pháp TW GHPGVN, Trưởng BTS GHPGVN Thành phố Hà Nội.
Mở đầu bài pháp thoại, Hòa thượng đã nhắc lại lý do ra đời và sự hình thành của Giới luật. Tài liệu Suttavibhanga và bản kinh Upali và Giới bản thuộc Tăng Chi Bộ lưu tài liệu đưa ra 10 lý do khiến giới luật được ra đời:
1. Để tăng chúng được cực thịnh
2. Để tăng chúng được yên ổn
3. Để chặn đứng những người cứng đầu
4. Để các thiện tỳ khiêu được sống yên ổn
5. Để chế ngự các lậu hoặc ngay trong hiện tại
6. Để chặn đứng các lậu hoặc trong tương lai
7. Để đem lại tịnh tín cho những người không tin
8. Để làm tăng trưởng tịnh tín cho những người có đức tin
9. Để diệu pháp được tồn tại
10. Để giới luật đươc chấp nhận
Tiếp đó, Hòa thượng cũng đã nói về công năng và lợi ích của Giới luật. Trong kinh Ước Nguyện (Akankheyya-Sutta), Trung Bộ Thế Tôn khuyên các Tỳ khiêu nghiêm trì giới luật Patimokkha vì lợi lạc cho tự thân vả lợi ích cho tha nhân, bởi nó có 15 lợi ích sau:
1. Được các bạn đồng phạm hạnh thương mến, cung kính, tôn trọng.
2. Các thí chủ cúng dường đầy dủ các vật dụng cần thiết như y phục, đồ ăn khất thực, trú xứ và dược phẩm trị bệnh.
3. Khiến cho những người thí chủ hưởng được phước báu lớn.
4. Khiến cho những người thân trước khi mất có tưởng nhớ đến thì quả báo lợi ích lớn.
5. Có khả năng nhiếp phục được lạc và bất lạc.
6. Có khả năng nhiếp phục tâm lý khiếp đảm và sợ hãi.
7. Dễ dàng chứng đắc bốn thiền sắc giới.
8. Có khả năng chứng đắc các cảnh giới vô sắc.
9. Có khả năng đắc quả Dự lưu.
10. Có khả năng chứng quả Nhất lai.
11. Có khả năng chứng qua Bất lai.
12. Có khả thực nghiệm các loại thần thông.
13. Có khả năng thành tựu Túc Mạng Minh.
12. Có khả năng thành tựu Thiên Nhãn Mính.
15. Có khả năng thành tựu Lậu Tận Minh, hướng đến đoạn trừ các lậu hoặc chứng đắc tâm giải thoát, tuệ giải thoát ngay trong hiện tại.
Từ đó, Hòa thượng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của Giới luật trong đời sống phạm hạnh. Trong Khế Kinh, Đức Phật dạy: “Dục đắc lợi tha, tiện tu tự lợi” nghĩa là muốn làm cho người khác lợi lạc thì chính mình trước nhất phải lợi lạc. Bởi thế, Tổ Quy Sơn dạy: “Phù xuất gia giả phát túc siêu phương, tâm hình dị tục thiệu long Thánh chủng, chấn nhiếp ma quân, dụng báo Tứ ân, bạt tế Tam hữu …” (Phàm là người xuất gia bước lên thềm bậc cao thắng nên thân và tâm phải khác thế tục, để nối dài dòng thánh, hàng phục ma quân, báo đáp 4 trọng ân, cứu tế 3 đường khổ).
Như thế đủ thấy, người xuất gia là mang trong mình một trọng trách nặng nề, là khuôn mẫu của nhân thiên. Song, giới luật là bước đầu tiên làm nền tảng để đạt được mục đích mĩ mãn, nếu không có “Chỉ trì Giới và Tác trì Giới” thì làm sao đạt được lý tưởng của một vị Tỳ khiêu.
Giới tử lắng nghe giáo giới.
Giới luật có khả năng đem đến hạnh phúc an lạc. Thông qua lợi ích của sự hành trì giới mà Tăng đoàn trở nên hài hòa, niềm tin của hàng phật tử tại gia đối với Tam bảo ngày càng kiên định. Đem an lạc giải thoát cho tự thân, người giữ giới và đem lại lợi ích an vui cho tha nhân và xã hội. Có thể nói, yếu tố chủ đạo đưa đến sự thành công của Tăng đoàn chính là giới luật.
Yếu tố làm cho chính pháp được cửu trụ khi đời sống phạm hạnh của các Tỳ khiêu được viên mãn, thanh tịnh và hòa hợp:
Giới luật còn thì Phật pháp cửu trụ vì giới luật là bậc thầy của Tăng chúng.
Còn có người thông đạt hai bộ luật và chủ trì được tạng luật thì Phật pháp cửu trụ.
Còn có ít nhất năm vị trì luật ở xứ sở nào thì ở đó Phật pháp hưng thịnh trăm năm.
Ở đô thị nào có năm vị tỳ khiêu thanh tịnh làm việc truyền giới đúng pháp có thể làm cho Phật pháp cửu trụ.
Nếu có hai mươi vị tỳ kheo thanh tịnh làm việc giải tội đúng pháp cho những vị phạm giới thì làm cho Phật pháp cửu trụ.
Có thể nói, đạo đức, phạm hạnh của người đệ tử Phật chính là giới luật. Giới luật là kỷ cương của Phật giáo, là mạch sống của Tăng già, là sự trường tồn của Phật pháp.
Mục đích của Đức Phật khi chế định ra giới luật không phải bắt buộc hàng đệ tử phải phục tùng mệnh lệnh của Ngài mà để ngăn chặn lỗi lầm, sai trái trong ý niệm. Giới luật là biểu tượng cao đẹp của giáo lý Phật đà. Biểu tượng ấy là tu tập Giới - Định -Tuệ, đồng thời nhằm giáo dục nhân cách mang tính chất hướng thượng, nhằm tịnh hóa thân tâm cá nhân và đoàn thể trong tinh thần hòa hợp và thanh tịnh, hướng mọi người đến quỹ đạo đó là đoạn trừ vô minh tham ái, an tịnh thân tâm. Nói khác đi, giới luật là con đường chuyển hóa nhân cách con người đi vào chiều sâu của tự tính, đánh thức tiềm năng giác ngộ nơi tự thân của mỗi con người.
Tu sĩ sống đời sống phạm hạnh cần phải trang nghiêm giới luật, nương vào giới luật tịnh hóa thân tâm phát triển trí tuệ, duy trì sự nghiệp giải thoát. Học tập và hành trì giới luật để tự mình thanh tịnh và làm bậc mô phạm cho hàng Phật tử tại gia tín tâm Tam bảo, từ đó ta mới có thể thật sự an lạc tự thân góp phần ổn định xã hội, đất nước và trực tiếp nhất là Giáo hội Phật giáo ngày càng vững mạnh.
Sau thời Giáo giới ý nghĩa của Hòa thượng, toàn thể các Giới tử tiếp tục miên mật hành trì ngày hành sám theo chương trình dưới sự hướng dẫn hành đạo của chư tôn đức trong Ban tổ chức.