;
VAI TRÒ TO LỚN CỦA NGÔI PHÁP CHỦ TRONG LỊCH SỬ PHẬT GIÁO VIỆT NAM Chế định người đứng đầu của các Giáo hội Phật giáo trong lịch sử Việt Nam
Lịch sử trung đại đã có chế định về người đứng đầu, lãnh đạo về mặt tinh thần hoặc tổ chức của Giáo hội Phật giáo. Các triều đại phong kiến Trung Hoa đặt danh vị ấy
khi thì gọi là Đạo nhân thống, Sa môn thống, Tăng thống, Tăng Chính hoặc Tăng lục. Ở nước ta, từ thời nhà Đinh đã định chức Tăng thống cho Khuông Việt Đại sư.
Năm 971, Đinh Tiên Hoàng đế phong chức Tăng lục đạo sĩ cho Trương Ma Ni. Thời nhà Lý, Trần cũng vẫn còn chức Tăng thống để quản lãnh các vấn đề, sự vụ Phật giáo trong cả nước, sử sách còn lưu lại tên một số vị như Thẩm Văn Uyển, Phí Trí…
Đến thời nhà Trần, cùng với sự xuất hiện của Phật giáo Trúc Lâm, Giáo hội Phật giáo hoàn bị thời trung đại của nước ta đã ra đời với ba bậc long tượng là Phật hoàng Trần Nhân Tông, Nhị tổ Pháp Loa và Tam tổ Huyền Quang, đều là bậc đứng đầu về Phật giáo ở trong nước với uy tín và trí tuệ vô song.
Đến thời kỳ hiện đại, một số tổ chức hội Phật giáo trong quá trình vận động chấn hưng cũng suy tôn các vị cao tăng thạc đức lên ngôi vị đứng đầu tổ chức, có thể thể kể đến:
– Trong thời kỳ chấn hưng Phật giáo, tại miền Bắc, Hội Phật giáo Bắc Kỳ đã tôn Hòa thượng Thích Thanh Hanh (1840-1936) lên ngôi vị Thiền gia Pháp chủ. Sau khi Ngài viên tịch năm 1936, Hòa thượng Thích Thanh Tường được Hội và các sơn môn ở miền Bắc đồng suy tôn làm Thiền gia Pháp chủ.
– Năm 1951, Hội Phật giáo Tăng Già Bắc Việt suy tôn Hòa thượng Thích Mật Ứng (1889-1957) lên ngôi vị Thiền gia Pháp chủ.
– Cũng trong năm 1951, ở miền Trung, Sơn môn Tăng Già Trung Việt suy tôn Thiền sư Tịnh Khiết là Tùng lâm Pháp chủ .
– Giáo hội Tăng Già Nam Việt suy cử Thiền sư Đạt Thanh làm Pháp chủ lâm thời năm 1951. Đến năm 1953, Thiền sư Huệ Quang được hội suy tôn làm Pháp chủ. Kế vị là Thiền sư Khánh Anh (được suy tôn năm 1956)
– Từ năm 1957-1981, Giáo hội Tăng Già Nguyên thủy Việt Nam suy tôn các vị Tăng thống như: Hòa thượng Bửu Chơn, Hòa thượng Thiện Luật, Hòa thượng Hộ Tông, Hòa thượng Giới Nghiêm…
– Từ năm 1964, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất suy cử các vị Tăng thống như Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Hòa thượng Thích Giác Nhiên, Hòa thượng Thích Đôn Hậu.
Kể từ khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) được thành lập năm 1981 và thống nhất Phật giáo cả nước vào một ngôi nhà sinh hoạt chung, chức vụ người đứng đầu, vị lãnh đạo cao nhất của Giáo hội là Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN, thường gọi là Pháp chủ.
Hiện nay, theo Hiến chương mới nhất Giáo hội Phật giáo Việt Nam sửa đổi lần thứ VI được thông qua tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2017-2022, hệ thống tổ chức cấp Trung ương của GHPGVN gồm có Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự GHPGVN.
Trong đó, chức danh Pháp chủ dùng để gọi người lãnh đạo cao nhất của GHPGVN. Ngôi vị Pháp chủ do Đại hội Phật giáo toàn quốc suy cử một vị Hòa thượng và tại vị đến suốt đời.
Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ: Ngài sinh ngày 12/4/1917, quê ở xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, thế danh là Bùi Văn Chước (tức Bùi Văn Quý). Sau khi Đức Đệ nhị Pháp chủ viên tịch, tại Đại hội Phật giáo toàn quốc khóa VI vào tháng 11/2007 đã suy cử Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ lên ngôi vị Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Trung ương GHPGVN, trở thành Đức Đệ tam Pháp chủ của GHPGVN.
Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc sẽ diễn ra mỗi 5 năm một lần với sự tham dự của các thành viên Hội đồng Chứng minh, các thành viên Hội đồng Trị sự và các Đại biểu ban, viện Trung ương; cũng như các thành viên Ban Trị sự địa phương và các Đại biểu ban, viện địa phương của toàn quốc.
Đây là cơ quan quyền lực cao nhất của GHPGVN, có trách nhiệm bầu chọn thành viên và suy tôn chức vụ lãnh đạo của Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự. Trong đó, thành viên Hội đồng Chứng minh là các Hòa thượng.
Đứng đầu Hội đồng Chứng Minh là vị Pháp chủ, kế đến là các vị Phó Pháp chủ và các Ủy viên khác. Vị Pháp chủ sẽ thay mặt Hội đồng Chứng minh ban hành các Giáo chỉ, các văn bản quan trọng nhất, đại diện cho Giáo hội trong các hoạt động đối ngoại.
Trong thời gian nhiệm kỳ, nếu ngôi Đức Pháp chủ khuyết vị thì Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh cung thỉnh một trong các vị Phó Pháp chủ đảm nhiệm Quyền Pháp chủ và thông báo Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự biết để suy cử trong Hội nghị Thường niên gần nhất của Trung ương GHPGVN [1].
NGÔI VỊ PHÁP CHỦ HỘI ĐỒNG CHỨNG MINH GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
Từ khi thành lập năm 1981 đến nay, GHPGVN có ba vị Pháp chủ là: Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận (1897-1993) (tại vị 1981-1993), Đại lão Hòa thượng Thích Tâm Tịch (1915-2005) (tại vị 1997-2005), Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ (1917-2021) (tại vị 2007-2021).
Năm 1993 và năm 2005, sau khi hai vị Đệ Nhất và Đệ Nhị Pháp chủ viên tịch, Giáo hội đã không suy tôn Quyền Pháp chủ nào mà đợi đến Đại hội kế tiếp của Giáo hội (vào năm 1997 và năm 2007) mới suy tôn một vị Pháp chủ kế vị. Thời gian này, chức danh Pháp chủ tạm khuyết vị.
Các đời Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận: Hòa thượng Thích Đức Nhuận (1897-1993) là vị Pháp chủ đầu tiên được GHPGVN suy tôn. Ngài tại vị từ năm 1981 đến năm 1993. Ngài có thế danh là Phạm Đức Hạp, pháp hiệu Thanh Thiệu, pháp tự Đức Huy, sinh năm 1897, tại thôn Quần Phương (nay thuộc xã Hải Phương, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định), Ngài là con thứ 6 trong gia đình có truyền thống Nho học với 8 anh chị em; cha là ông Phạm Công Toán, mẹ là bà Lê Thị Vụ.
Từ thuở nhỏ, Ngài đã sớm có điều kiện tiếp cận và mang tâm hướng Phật trong những lần theo cha lên chùa Đồng Đắc thuộc dòng thiền Tào Động (tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) để luận bàn với sư trụ trì. Thân tâm ngộ đạo, nên năm 15 tuổi (1912), Ngài đã xin xuất gia với sư Thích Thanh Nghĩa, trụ trì chùa Đồng Đắc – chính nơi giúp Ngài giác ngộ Phật pháp.
Một thời gian sau, Ngài tiếp tục đến chùa Thanh Nộn (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) học đạo với sư Thích Thanh Ninh. Năm 1917, Ngài chính thức thọ giới Cụ túc tại chùa Phúc Nhạc (Già Lê tự), tỉnh Ninh Bình. Sau khi thọ giới, Ngài tiếp tục theo học tại các tổ đình miền Bắc như: Tổ đình Đào Xuyên (huyện Gia Lâm, Hà Nội) do tổ Giám Thông Mệnh giảng dạy; Tổ đình chùa Bằng (huyện Thường Tín, Hà Tây); tổ đình chùa Sở (chùa Phúc Khánh, Đống Đa, Hà Nội) do sư Phan Trung Thứ giảng dạy.
Năm 1939, Ngài thọ giới Bồ tát tại giới đàn do sư Thích Doãn Hài, viện chủ chùa Tế Xuyên (Nam Hà) chứng đàn. Năm sau, Ngài trở về thừa kế trụ trì chùa Đồng Đắc. Phật sự đầu tiên của Ngài là thành lập hai trường Phật học ở chùa Đồng Đắc và chùa Kỳ Lân (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình).
Cũng thời gian này, Ngài thường làm chủ hạ các Trường Hạ tại chùa Phúc Nhạc, chùa Đại Hữu, chùa Sơn Thủy (chùa Non Nước), chùa Lê Xá, chùa Bà Đá. Đến năm 1950, Ngài được Hội Phật giáo tỉnh Ninh Bình cung thỉnh giữ chức Giám luật Phật giáo tỉnh Ninh Bình.
Sau khi kháng chiến chống Pháp thành công, năm 1955, Ngài tham gia tổ chức lại Giáo hội và về làm trụ trì tại chùa Phổ Giác (Hà Nội). Một thời gian sau, Ngài về trụ trì ở chùa Quán Sứ. Năm 1956, Ngài đảm nhận chức danh Phó ban Đại diện Phật giáo Thủ đô. Tháng 3/1958, Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam được thành lập, Ngài được bầu làm Phó Hội trưởng và đảm nhiệm ngôi vị này liên tục qua bốn kỳ đại hội đến năm 1979.
Ngoài ra, năm 1969, sau khi về trụ trì chùa Hoằng Ân (Quảng Bá, Hà Nội), Ngài còn kiêm nhiệm chức danh hiệu trưởng trường Tu học Phật pháp Trung ương. Năm 1979, khi Hòa thượng Thích Trí Độ, Hội trưởng Hội Phật giáo Thống Nhất Việt Nam qua đời, Ngài là Quyền Hội trưởng cho đến năm 1981, khi GHPGVN được thành lập [2].
Năm 1980, Ngài nhận lãnh trụ trì chùa Hòe Nhai (chùa Hồng Phúc), chốn Tổ của thiền phái Tào Động cho đến khi viên tịch. Cũng năm này, Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam ra đời do Ngài làm Chứng minh Ban Vận động. Ngài đã cùng các thành viên Ban Vận động thăm hỏi, trao đổi với lãnh đạo các Giáo phái, Hệ phái, Hội đoàn Phật giáo ở phía Nam để thực hiện việc thống nhất Phật giáo.
Tháng 11 năm 1981, Hội nghị Đại biểu Thống nhất Phật giáo Việt Nam diễn ra tại chùa Quán Sứ (Hà Nội) để thành lập GHPGVN. Trong hội nghị, Ngài được suy tôn ngôi vị Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN ở tuổi 84 và giữ chức vị này đến khi viên tịch vào năm 1993.
Là một vị cao Tăng cống hiến trọn đời cho lý tưởng hoằng pháp lợi sinh, Ngài đã đóng góp nhiều công đức trong công cuộc chấn hưng, thống nhất và hoà hợp Phật giáo, góp phần đoàn kết và phụng sự dân tộc.
Đại lão Hòa thượng Thích Tâm Tịch (1915-2005) là Đức Đệ nhị Pháp chủ GHPGVN. Ngài tại vị từ năm 1997 đến khi viên tịch năm 2005. Thế danh của Ngài là Nguyễn Đình Khuê, pháp hiệu Như Sơn, sinh tại phố Hội Bình, tỉnh Yên Bái (nay là phường Hồng Hà, TP. Yên Bái, tỉnh Yên Bái). Ngài là con út trong một gia đình trí thức Nho giáo, làm nghề thủ công mỹ nghệ. Năm lên 4 tuổi, thân phụ qua đời và sau đó 10 năm thân mẫu cũng tạ thế.
Sớm mồ côi cha mẹ, Ngài vừa học chữ vừa học nghề dưới sự dạy dỗ của anh trai là nhà giáo Nguyễn Văn Kính. Do sẵn có thiện duyên với Phật pháp, nên trong thời kỳ đi học Ngài có xu hướng thiên về học đạo nhiều hơn. Với tấm lòng ngưỡng mộ đạo Phật, năm 16 tuổi, Ngài đã quyết tâm từ biệt gia đình để xuất gia cầu đạo [3]. Thời gian này cũng là giai đoạn phong trào chấn hưng Phật giáo phát triển khắp Bắc Trung Nam.
Năm 1935, Ngài tìm đến gặp Tổ Vĩnh Nghiêm, tức Đức Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Hanh tại chùa Quán Sứ và được gửi cho Hòa thượng Thích Thái Hòa đưa về Hà Nam, rồi nhận Hòa thượng Thiện Bản – trụ trì chùa Cao Đà ở Lý Nhân làm thầy nghiệp sư thế phát, quy y.
Năm sau, Ngài thọ giới Sa di do Hòa thượng Thích Doãn Hài làm Đàn đầu Hòa thượng tại Tổ đình Tế Xuyên. Một thời gian sau, Ngài theo học với Tổ sư Tuệ Tạng tại chùa Quán Sứ. Đến năm 1939, Ngài thọ Cụ túc giới tại Đại Giới đàn chùa Quán Sứ do Tổ Trung Hậu là Hòa thượng Thích Thanh Ất làm Đàn đầu.
Năm 1958, Đức Thượng thủ Tuệ Tạng chỉ định Ngài làm Giám tự Tùng lâm Quán Sứ. Năm 1962, Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Bản (Tổ Cao Đà) viên tịch, Ngài được chư Tôn đức sơn môn giao phó trọng trách trụ trì chùa Cao Đà, xã Nhơn Mỹ, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam – khởi đầu sự nghiệp trụ trì hoằng hóa độ sanh. Năm 1976, Ngài được thỉnh cử làm Hòa thượng Đàn đầu Đại Giới đàn chùa Bà Đá, Hà Nội.
Năm 1979, Hòa thượng Thích Trí Hải viên tịch, Ngài được sơn môn thỉnh giữ chức vụ trụ trì Tổ đình Bồ Đề (Thiên Sơn cổ tự), xã Bồ Đề, huyện Gia Lâm (nay là phường Bồ Đề, quận Long Biên), TP Hà Nội. Năm 1997, Đại lão Hòa thượng Thích Thông Ban – Trưởng sơn môn viên tịch, Hòa thượng được chư Tôn đức sơn môn thỉnh cầu nhận lãnh Viện chủ Tổ đình Tế Xuyên – Bảo Khám, xã Lý Đức, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam [4].
Từ năm 1981, sau khi GHPGVN thành lập, Đệ nhất Pháp chủ Thích Đức Nhuận chỉ định Ngài làm trụ trì chùa Quán Sứ. Trong giai đoạn này, ngoài cương vị là thầy Hòa thượng các giới đàn, Ngài đã truyền thụ Tam quy, Ngũ giới, Bồ tát giới cho hàng ngàn Phật tử ở thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành khác. Năm 1984, Ngài giữ chức vụ Chánh Thư ký Hội đồng Chứng minh GHPGVN, đồng thời làm Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự Thành hội Phật giáo Hà Nội cho đến tháng 9/2002.
Tháng 11/1992, tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ III (nhiệm kỳ 1992-1997), Ngài được suy tôn làm Phó Pháp chủ kiêm Chánh Thư ký Hội đồng Chứng minh GHPGVN. Sau khi Đức Đệ nhất Pháp chủ viên tịch, tháng 11/1997, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IV (nhiệm kỳ 1997-2002) cũng như Đại hội lần thứ V (nhiệm kỳ 2002-2007), toàn thể Đại hội đã suy tôn Hòa thượng lên ngôi vị Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN, giữ vững “Thạch trụ tùng lâm”, xây dựng và phát triển ngôi nhà GHPGVN.
Trong suốt cuộc đời tu học và hành đạo, dù ở cương vị nào, Đại lão Hòa thượng Pháp chủ luôn luôn thể hiện tính gương mẫu, “xuất trần thượng sĩ”, nghiêm trì giới luật và răn dạy chúng đệ tử cũng phải nghiêm trì giới luật, siêng tu Tam vô lậu học, thu nhiếp tam nghiệp Thân – Khẩu – Ý… phụng sự trang nghiêm Tam bảo.
Thường nhật, Ngài rất ít nói, nếu phải nói thì Ngài cũng chỉ nói ít lời về những công việc cần làm. Ngài luôn kiên định, thầm lặng suy tư tìm những phương pháp thích nghi, góp ý chỉ đạo, khuyến tấn tứ chúng thực hiện những định hướng của Giáo hội đã vạch ra để phụng sự theo đúng phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”.
Trong suốt thời gian phụng sự Phật pháp, Ngài là tấm gương trong sáng, hiền đức để muôn ngàn môn đồ tứ chúng, Tăng Ni, Phật tử noi theo. Với những thành tích, công trạng to lớn, Ngài đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất; Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân và Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội trao tặng Huy hiệu Vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô cùng nhiều bằng khen, giấy khen của các ban, ngành Trung ương.
Theo Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, cuộc đời đạo hạnh của Đại lão Hòa thượng Pháp chủ Thích Phổ Tuệ đạt được ba điều mà ai ai cũng đều cúi đầu kính ngưỡng, đó là ngôi vị cao nhất, tuổi thọ dài nhất, đức độ sáng nhất.
Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ: Ngài sinh ngày 12/4/1917, quê ở xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, thế danh là Bùi Văn Chước (tức Bùi Văn Quý). Sau khi Đức Đệ nhị Pháp chủ viên tịch, tại Đại hội Phật giáo toàn quốc khóa VI vào tháng 11/2007 đã suy cử Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ lên ngôi vị Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Trung ương GHPGVN, trở thành Đức Đệ tam Pháp chủ của GHPGVN.
Ngày 24/11/2012, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII thống nhất tái suy tôn Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ giữ ngôi vị Thiền gia Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Trung ương GHPGVN. Mặc dù ở ngôi vị Pháp chủ nhưng Hòa thượng Thích Phổ Tuệ không trú tại Trụ sở Giáo hội ở Hà Nội, mà vẫn trụ trì ở chùa Viên Minh (còn gọi là chùa Giáng, ở huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội).
Với những cống hiến cao quý, Ngài đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Đại Đoàn kết dân tộc; được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nhiều Bằng Tuyên dương công đức của GHPGVN và nhiều phần thưởng cao quý khác [5].
ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ QUẢNG (QUYỀN PHÁP CHỦ)
Hòa thượng Thích Trí Quảng, thế danh là Ngô Văn Giáo, sinh ngày 15/1/1938, tại xã Phú Mỹ Hưng, huyện Hóc Môn, Gia Định (nay là huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) là Đệ nhất Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh, đương Quyền Pháp chủ GHPGVN.
Ngài xuất gia từ năm 10 tuổi, thọ giới Tỳ kheo năm 1960 với Hòa thượng Thích Trí Đức, viện chủ Tổ đình Huê Nghiêm, Thủ Đức thuộc dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 41. Sau đó, Ngài còn theo học với các vị Hòa thượng Thích Thiện Hòa, Thích Thiện Hoa, Thích Thiện Hào, Thích Trí Tịnh. Từ năm 1965-1972, Ngài du học tại Nhật Bản (Đại học Rissho, Tokyo). Ngài đã tham gia GHPGVN từ ngày đầu thành lập và gắn bó, cống hiến suốt hơn 40 năm qua.
Sau khi GHPGVN thành lập (7/11/1981), Hòa thượng được suy cử Ủy viên Hội đồng Trị sự, Ủy viên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương; Phó Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Hoằng pháp Thành hội Phật giáo TP Hồ Chí Minh (1982), Phó Trưởng ban Thường trực kiêm Trưởng ban Hoằng pháp Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh, rồi Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP Hồ Chí Minh từ tháng 11/1998 đến tháng 6/2022.
Ngài còn được suy cử đảm nhiệm Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự (2002), Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại TP Hồ Chí Minh (2002), Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại TP Hồ Chí Minh (2008 đến nay), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (2002-2012), Trưởng ban Phật giáo Quốc tế Trung ương (2007-2017), Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ (từ năm 1989 đến nay).
Từ năm 2015, Ngài được suy tôn làm Phó Pháp chủ GHPGVN [6]. Sáng 31/12/2021, tại Hội nghị kỳ 6 – Khóa VIII (nhiệm kỳ 2017-2022), Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự GHPGVN đã tiến hành nghi thức suy tôn Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng lên ngôi vị Quyền Pháp chủ GHPGVN.
TẤM GƯƠNG SÁNG NGỜI CỦA CỐ ĐỆ TAM PHÁP CHỦ ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH PHỔ TUỆ
Tu học và trước tác
– Tu học: Vốn sinh ra trong gia đình có truyền thống thâm tín Phật Pháp, cho nên hạt giống Bồ đề của Ngài sớm nảy nở. Từ năm 7 tuổi (1923), Ngài được song thân cho đến xuất gia với Sư cụ Thích Đàm Cơ, trụ trì chùa Phúc Long (chùa Quán), thôn Phú An, xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh, tính Ninh Bình và được Sư cụ cho theo học chữ Nho với cụ đồ Lê Hiêng.
Năm 1929, Đại lão Hòa thượng khi ấy mới 13 tuổi đã được sư cụ cho đến làm đệ tử Sư tổ Thích Nguyên An, trụ trì chốn tổ Vọng (xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định). Đến năm 1932, Ngài được Sư tổ cho thọ giới Sa Di tại Giới đàn hạ trường chùa Đống Cao, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.
Năm 1934, Ngài lên tham học và y chỉ vào Sư tổ Thích Quảng Tốn, trụ trì Tổ đình Viên Minh. Năm 1936, Ngài được thọ Cụ túc giới và Bồ tát giới tại Đại Giới đàn chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) do Sư tổ Thích Quảng Tốn làm Đàn đầu Hòa thượng. Khi được truyền giới Bồ tát, Ngài được Hoà thượng Thích Doãn Hài (Tổ Tế Xuyên) đặt cho pháp danh Phổ Tuệ.
Trong giai đoạn năm 1950-1953, Ngài sang học tại chùa Quán Sứ với Hoà thượng Tố Liên, chư Tôn đức đồng học với Hoà thượng có HT Thích Trí Tịnh (Tổ Linh Phong), HT Thích Thanh Kiểm, HT Thích Thanh Huấn… Ngài chính là một trong 8 học trò xuất sắc của Hoà thượng Tố Liên..
– Trước tác: Trên bước đường tu học, dấu chân của Đại lão Hòa thượng trải khắp các tổ đình miền Bắc. Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ sở học uyên bác cả về Hán học lẫn Phật học, toàn bộ vốn kiến thức của Ngài có được đều nhờ kiên trì tự học. Sự nghiệp nghiên cứu giảng dạy phiên dịch, trước tác, chú giải kinh điển của Ngài rất nổi bật, đáng chú ý là các tác phẩm để lại cho đời như: Đại từ điển Phật học, kinh Bách dụ, Phật Tổ tam kinh, Bát nhã dư âm, Đề cương kinh Pháp hoa, Phật học là tuệ học, cùng sự biên tập Đại tạng kinh Việt Nam, phiên dịch và hiệu đính Luật Tứ phần…
Các tác phẩm của Ngài đều mang tính giáo dục cao: giáo dục nhân cách, đạo đức, cách làm người. Các tác phẩm, bài viết, bài giảng của Ngài toát lên ý tưởng: đối với Tăng, Ni không chỉ là cách làm người mà còn giáo dục trách nhiệm với Giáo hội, xã hội và với đất nước; giáo dục Phật giáo không ở đâu xa, Phật không ở xa mà ở ngay trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta; cần phải sống tốt ở trong xã hội này, nhân dân này, chúng sinh này thì mới trở thành chức sắc Phật giáo tốt.
Sự uyên bác về Phật học và Phật pháp của Ngài được khắc họa sâu sắc hơn cả qua tác phẩm “Bát Nhã dư âm” do chính Ngài biên soạn. Năm 1987, nhiều vị chư tôn Hoà thượng vô tình đọc được và nhận ra được sự uyên thâm Phật pháp nơi Ngài, bởi kinh Bát Nhã vốn là một bộ kinh rất khó để có thể thấu hiểu toàn vẹn.
Sau đó không lâu, Đức Đệ nhất Pháp chủ GHPGVN Thích Đức Nhuận đã cử ba vị cao Tăng là cố Hòa thượng Thích Kim Cương Tử, cố Hòa thượng Thích Thiện Siêu và cố Hòa thượng Thích Tâm Thông cùng Đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ về Tổ đình Viên Minh mời Ngài lên Hà Nội chủ trì hiệu đính Đại tạng kinh Việt Nam, biên soạn Đại từ điển Phật học Việt Nam, tham gia Tạp chí Nghiên cứu Phật học và tham gia các hoạt động Phật sự của Giáo hội. Cũng trong khoảng thời gian đó, đích thân Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh (Đài Loan) đã về tận chùa Viên Minh để gặp trực tiếp và mời Hòa thượng tham gia hiệu đính Kinh Hoa Nghiêm.
Ngoài số ít tác phẩm đã xuất bản rộng rãi, hầu hết các tác phẩm dịch thuật và trước tác của Ngài được in ấn và lưu hành nội bộ trong sơn môn, thành hội,… Bên cạnh những tác phẩm biên soạn, dịch thuật và trước tác về Phật học, Ngài cũng sáng tác một số bài thơ Đường luật, theo thể thất ngôn bát cú để sách tấn hàng hậu học như: Mừng khai giảng khóa II, Trường Trung cấp Phật học Hà Tây; Cỗ tết nhà Chùa và Cảnh chùa Viên Minh.
HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ
– Truyền thừa Phật pháp
Năm 1961, sau khi Sư tổ Thích Quảng Tốn, Trụ trì đời thứ hai Tổ đình Viên Minh viên tịch, Ngài kế đăng làm trụ trì đời thứ ba Tổ đình Viên Minh và làm Trưởng Sơn môn Đa Bảo từ đó cho đến khi viên tịch. Ngoài việc tu học tự thân và nghiên cứu, phiên dịch kinh sách, Ngài còn mở lớp học cho Tăng, Ni lân cận đến học pháp tại chùa Viên Minh.
Các lớp Phật học liên tục mở ra, nhiều Tăng Ni sinh đã đến thọ giáo và được Ngài chỉ bảo, không chỉ về kiến thức Phật học mà qua đó còn được trải nghiệm đời sống tu hành bên một bậc cao Tăng ẩn mình nơi thôn dã.
Ngài luôn răn dạy các Tăng Ni, Phật tử về chữ luôn giữ vững tâm Phật: “Nói đến Phật tại tâm thì người ta cứ tưởng nó là cái gì. Nếu đem mổ xẻ ra thì nó là ruột gan mề phổi chứ nó là cái gì. Đấy nhưng mà trong đấy còn cái gọi là linh tính nữa. Cho nên người ta mới gọi là tâm linh, cái đấy thì lại vô hình. Nếu được thuận duyên nó thì nó xây nên cuộc đời cực lạc thế giới. Thế thì cực lạc thế giới đấy là tâm chân như, tâm chính giác, tâm chí thiện. Đấy, là cái tâm ấy”. Cũng theo Ngài: “Cái tâm ấy đã phát sinh trong mình là tâm ích kỷ thì là tâm xấu, tâm ma quỷ, không phải tâm Phật. Mà cái tâm lợi mình lợi người làm cuộc đời tốt đẹp đấy là tâm Phật, tâm sáng suốt, tâm từ bi, tâm đạo hạnh.
Tâm ma cũng ở mình, tâm Phật cũng ở mình. Mà cái tâm ấy vô hình. Nó chỉ vận dụng được đạo lý của vũ trụ, chân lý của bản thể, là chí thiện thì lành. Còn rơi vào vô minh, phiền não thì nó xấu. Nó làm cho không những trụy lạc một đời mà còn trụy lạc nhiều nữa. Nên đạo Phật có câu luân hồi, sa vào luân hồi ấy.
Đạo Phật đánh giá chỉ có tâm trí con người làm nên tất cả. Cũng cái tâm ấy cũng như bát nước nó lẫn bùn, bây giờ phải gạn lọc lấy chất trong. Bùn đất thì phải gạn nó đi. Nó cũng lẫn vào tư tưởng con người thôi. Nước là chân tâm, từ tâm, thiện tâm nhưng nó bị bùn đất lẫn vào. Thì phải gạn lọc đi. Đi lên cảnh giới an lạc cũng là mình. Sở dĩ người ta tu là như thế… Nó chỉ khác nhau ở hai chữ thiện ác, chân vọng”.
– Tham gia lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Từ năm 1993, Ngài bắt đầu đảm nhận nhiều trọng trách trong Giáo hội, như: Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hà Tây (1993-2008), Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học Hà Tây (1993-2008), Ủy viên Kiểm soát Hội đồng Trị sự GHPGVN. (1992-1997), Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN (1997-2007), Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội (2003-2007), Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Phật học (2003-2007), Phó Trưởng ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương GHPGVN, Phó ban Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN (1997-2007), Phó Pháp chủ kiêm Chánh Thư ký Hội đồng Chứng minh GHPGVN (2002-2007).
Đặc biệt, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VI (2007), Ngài được Đại hội suy tôn ngôi vị Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN, kế vị Đức Đệ nhị Pháp chủ Thích Tâm Tịch. Trải qua các nhiệm kỳ Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VII (2012), VIII (2017), Ngài tiếp tục được Đại hội suy tôn ngôi vị Thiền gia Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN cho đến ngày viên tịch.
Bên cạnh việc đảm nhiệm các chức vụ Giáo hội, Ngài cũng có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, từ phong trào Bình dân học vụ đến phong trào xây dựng hợp tác xã sau khi hoà bình lập lại. Cùng với việc chăm lo chùa cảnh góp phần xây dựng quê hương, Ngài là bậc Tòng lâm thạch trụ, luôn giữ tình đoàn kết các tôn giáo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhờ uy tín, đức độ và tài đức, Ngài được tín nhiệm bầu làm Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ khoá IV đến khoá IX.
Trên ngôi vị lãnh đạo cao nhất của GHPGVN, Ngài vẫn sống thanh đạm, tự tại tại ngôi cổ tự giữa vùng chiêm trũng đồng bằng Bắc Bộ. Ngài tụng kinh viết sách, cùng chư Tôn đức mở trường Phật học, đào tạo tăng tài và dành cả cuộc đời cho sự nghiệp biên soạn, chú giải Đại Từ điển Phật học, hiệu đính Đại tạng kinh. Khi được hỏi: “Tự cày cấy nuôi thân, chạy đua với thời gian để biên soạn, dịch, nghiên cứu kinh Phật để lại công nghiệp cho Phật giáo nước nhà, mà ngài đã bách niên vẫn không tỏ ra mỏi mệt. Hòa thượng có bí quyết gì để truyền lại cho hậu thế?”, Đại lão Hòa thượng trả lời: “Tôi không có bí quyết gì. Tuổi thọ không phải là thước đo giá trị con người. Vấn đề là sống để thực hiện sứ mệnh gì, mang lại lợi ích gì cho Đời, cho Đạo.
Ngài Trần Nhân Tông chỉ ở đời có 51 năm, ngài Pháp Loa có 47 năm mà công nghiệm thì bất khả tư nghì. Tôi trụ thế đến nay đã 99 năm, ở chùa 94 năm, thụ Đại giới được 78 năm, nghiệp là tu hành, nuôi thân thể chủ yếu bằng nghề làm ruộng, chưa từng dám lạm dụng một bát gạo, một đồng tiền của tín thí thập phương, khi nào chư Phật, chư Tổ cho gọi thì về thôi” [7].
Dù lúc gian nan cuốc đất trồng rau trong hợp tác xã nông nghiệp, hay khi được Giáo hội suy tôn ngôi vị Pháp chủ tối cao, Ngài vẫn một lòng sống cảnh thanh bần thủ đạo. Trong trượng thất đơn sơ, dưới mái chùa cổ kính, dù thời tiết đổi thay, dù thế cuộc xoay vần, Ngài vẫn nghiêm trang cốt cách thoát tục: Tay lần tràng hạt, miệng niệm Nam-mô.
Câu kinh vàng của Phật Tổ Tam Kinh, lời niệm Phật của Đức Pháp chủ đã trở thành hơi thở của Giáo hội, truyền lưu mạng mạch Phật pháp (Lời của HT Thích Trí Quảng tại lễ tưởng niệm, truy điệu, cung nghinh kim quan Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ). Ngài đã âm thầm gìn giữ ngọn đèn trí tuệ của Đức Như Lai được Tổ tương truyền.
Năm 2012, nhân dịp Ngài được tái suy tôn vị trí Pháp chủ của GHPGVN, Phật tử và Nhân dân tổ chức Đại lễ cung nghinh Ngài rất lớn, Ngài cảm động phát biểu: “Tôi không ngờ chư vị lại giữ lời đã hứa khả với chúng tôi như vậy! Đã tổ chức lễ đón rước quá lớn. Ngoài sự tưởng tượng của chúng tôi. Chúng tôi đã làm được những gì trong cuộc đời tu hành của mình mà dám nhận cái phúc lớn đó? Phúc là phải do tu mà có. Phúc thì nên tích mà không nên tán. Phúc không tích thêm mà cứ lạm hưởng thì rồi cũng hết. Khi đó phúc trở thành họa” [8].
Hòa thượng Thích Phổ Tuệ luôn được Tăng Ni, Phật tử, Nhân dân hết lòng kính ngưỡng. Qua 105 năm trụ thế, 85 hạ lạp, với đức độ, sự khiêm cung, giản dị, Ngài đã để lại cho hậu thế bài học quý giá về nếp sống và đạo phong của một bậc chân tu, thực học, một vị cao Tăng có đóng góp lớn cho đạo pháp và dân tộc Việt Nam.
“Sự ra đi của Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ là sự tổn thất to lớn của Рhật giáo nước nhà. Từ những năm còn trẻ đến những giây phút cuối cùng của đời mình, Ngài vẫn giữ một lối sống khiêm nhường, thanh tao. Trải qua biết bao thời kỳ gian khó, chiến tranh của đất nước, đến khi đảm nhiệm chức vị cao nhất của Giáo hội, ở ngôi vị nào Ngài cũng sống giản dị. Ngài từng đảm nhiệm chức vụ Phó ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại Hà Nội nên rất tâm huyết với việc giáo dục Tăng, Ni. Ngài là một nhà giáo dục Phật giáo lớn, là tấm gương sáng cho hàng hậu học noi theo”, Hòa thượng Thích Thanh Quyết chia sẻ trong tang lễ Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ [9].
“Hòa thượng Thích Phổ Tuệ là nhà tu hành có trí huệ siêu phàm thông tuệ Nho, Phật, Lão, hiểu cổ kim, là một tác giả và dịch giả nổi tiếng với sở học uyên thâm, nhưng cụ luôn giảng giáo lý đạo Phật rất giản dị nên ai được gặp Hòa thượng cũng cảm thấy rất gần gũi, như “người ông kính quý” của mình. Đức Pháp chủ là bậc cao Tăng hiếm có của Phật giáo Việt Nam. Ngài là bậc chân tu, thực tu, thực học, là người gần như cả đời, từ lúc 5 tuổi đã sống trong cửa thiền, cửa chùa, thấm đẫm giáo lý đạo Phật và thực hành theo lời Phật dạy, đặc biệt là đức giản dị, khiêm cung. Hòa thượng mất đi là một tổn thất rất lớn không phải chỉ của Giáo hội. Đối với Tăng Ni trẻ, Phật tử là mất đi một lãnh tụ tinh thần, một chỗ dựa quan trọng”, Thượng tọa Thích Đạo Hiển – Phó ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh – chia sẻ khi nhớ về Đức Pháp chủ [10].
KẾT LUẬN
Có thể nói, cuộc đời và đạo hạnh của Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ như một quyển kinh Phật sống, là bài học cao quý cho hậu thế muôn đời. Cuộc đời Hòa thượng là minh chứng sinh động cho những giá trị văn hóa, đạo đức của Phật giáo trong đời sống xã hội. Di sản của Ngài là đức hạnh, là cuộc đời thanh bạch, luôn sáng ngời ý chí tu hành, là nhân cách ưu việt của một bậc Cao tăng thạc đức, trọn đời vì đạo pháp và dân tộc. Bằng tinh thần phụng sự đạo pháp, tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức Đại lão Hòa thượng Pháp chủ là hiện thân của giới luật, là thọ mạng của Phật pháp.
Không những vậy, Ngài còn là vị cao Tăng uyên thâm Phật pháp, đức trí vẹn toàn, có nhiều đóng góp to lớn, là tấm gương quy tụ Tăng Ni, Phật tử đoàn kết, lãnh đạo GHPGVN vững vàng theo phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, giữ vững truyền thống “Hộ quốc, an dân” của Phật giáo Việt Nam.
Với công hạnh vô ngã vị tha, Ngài luôn tận lực chuyên tâm vào sự nghiệp hoằng dương chánh pháp, phục vụ nhân sinh, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng vững mạnh.
Khi còn sống, Ngài từng nói: “Sống được bao nhiêu năm, không phải là thước đo giá trị của đời người. Vấn đề là sống để thực hiện sứ mệnh gì, mang lại lợi ích gì cho Đời, cho Đạo. Ngài Trần Nhân Tông chỉ ở đời có 51 năm, ngài Pháp Loa có 47 năm mà công nghiệm thì bất khả tư nghì” [11].
Theo Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, cuộc đời đạo hạnh của Đại lão Hòa thượng Pháp chủ Thích Phổ Tuệ đạt được ba điều mà ai ai cũng đều cúi đầu kính ngưỡng, đó là ngôi vị cao nhất, tuổi thọ dài nhất, đức độ sáng nhất. Các đệ tử nguyện mãi noi tấm gương sáng ngời giới đức của Ngài, tiếp tục thực hiện di nguyện của Đức Pháp chủ để xây dựng và phát triển ngôi nhà GHPGVN ngày càng hưng thịnh, trang nghiêm trong lòng dân tộc.
Những đóng góp của Đại lão Hòa thượng Pháp chủ Thích Phổ Tuệ cho đạo và cho đời được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận tán thán khi viếng tang lễ của Ngài như sau: “Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, bậc cao tăng, thạch trụ, vị chân tu thanh bạch của Phật giáo thời nay, là biểu tượng của tinh thần đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo. Cuộc đời Hòa thượng là minh chứng sinh động cho những giá trị văn hóa, đạo đức của Phật giáo trong đời sống xã hội” [12].
TT. TS. Thích Minh Nhẫn
Chú thích:
* Thượng tọa Tiến sĩ Thích Minh Nhẫn, Ủy viên Thường trực HĐTS GHPG Việt Nam, Phó ban Thông tin truyền thông GHPG Việt Nam, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo.
[1] Nguyễn Huệ (2021), Cơ cấu tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, https://vtc.vn/co-cau-to-chuc-cua-giao-hoi-phat-giao-viet-nam-ar642280.html.
[2] Tuệ Đăng (2018), Hòa thượng Thích Đức Nhuận – Đệ nhất Pháp chủ GHPGVN, https://phatgiaohanoi.vn/hoa-thuong-thich-duc-nhuan-de-nhat-phap-chu-ghpgvn.html.
[3] GHPGVN (2019), Hòa thượng Thích Tâm Tịch – Đệ nhị Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, https://phatgiaohanoi.vn/hoa-thuong-thich-tam-tich-de-nhi-phap-chu-ghpgvn.html.
[4] GHPGVN (2019), Tiểu sử Đại lão HT.Thích Tâm Tịch Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1915-2005), https://phathocdoisong.com/tieu-su-dai-lao-ht-thich-tam-tich-phap-chu-giao-hoi-phat-giao-viet-nam-1915-2005-.html.
[5] Lê Anh (2021), Cuộc đời đạo hạnh của Đại lão Hoà thượng Thích Phổ Tuệ mãi hằng hữu, https://vov.vn/xa-hoi/cuoc-doi-dao-hanh-cua-dai-lao-hoa-thuong-thich-pho-tue-mai-hang-huu-900079.vov.
[6] Thiện Minh (2021), Hành trạng xuất gia, tu hành của Hòa thượng Thích Trí Quảng, https://phatgiao.org.vn/hanh-trang-xuat-gia-tu-hanh-cua-hoa-thuong-thich-tri-quang-d50154.html#.
[7] Hoàng Trường Giang (2021), Tiễn biệt bậc chân tu đạo hạnh – Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, https://www.qdnd.vn/xa-hoi/dan-toc-ton-giao/tien-biet-bac-chan-tu-dao-hanh-dai-lao-hoa-thuong-thich-pho-tue-675058.
[8] https://tuhocphatphap.net/de-tam-phap-chu-giao-hoi-phat-giao-thich-pho-tue-vien-tich-sau-105-nam-tru-the/.
[9] Năng Lượng (2021), Trang nghiêm lễ bái vọng Đức Pháp chủ tại Học viện Phật giáo Hà Nội, https://phatgiao.org.vn/trang-nghiem-le-bai-vong-duc-phap-chu-tai-hoc-vien-phat-giao-ha-noi-d49409.html#.
[10] Thiên Điểu (2021), Hòa thượng Thích Phổ Tuệ: Đám mây trắng ấy đã về trời, https://tuoitre.vn/hoa-thuong-thich-pho-tue-dam-may-trang-ay-da-ve-troi-20211022132859549.htm.
[11] Trinh Nguyễn (2021), Cuộc đời thiện tâm của Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, https://thanhnien.vn/cuoc-doi-thien-tam-cua-dai-lao-hoa-thuong-thich-pho-tue-post1393532.html.
[12] Thông tấn xã Việt Nam (2021), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc viếng Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, https://baotintuc.vn/chinh-tri/chu-tich-nuoc-nguyen-xuan-phuc-vieng-dai-lao-hoa-thuong-thich-pho-tue-20211022093815146.htm.A
(Theo Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 399)