nguoiphattu.com Hòa trong không khí chào đón lễ hội Vu Lan và mùa chư Tăng Ni thêm tuổi Hạ sau ba tháng Kiết hạ An cư; đồng thời để bày tỏ lòng tôn kính với các đấng sinh thành,
Tối ngày 07/08/2014 (nhằm ngày 12/07/Giáp Ngọ), tại chùa Phúc Thành, xã Hưng Châu, huyện Hưng Nguyên đã trọng thể tổ chức Đại lễ Vu Lan Báo Hiếu PL.2558 - DL.2014.
Hòa trong không khí chào đón lễ hội Vu Lan và mùa chư Tăng Ni thêm tuổi Hạ sau ba tháng Kiết hạ An cư; đồng thời để bày tỏ lòng tôn kính với các đấng sinh thành, Đạo tràng Hương Sen Xứ Nghệvà các em trong "Gia đình Vườn Tuệ" Phật tử chùa Phúc Thành đã trọng thể tổ chức Đại lễ Vu Lan - Bông hồng cài áo.
Chứng minh và tham dự buổi lễ có: Đại đức Thích Thích Định Tuệ - trụ trì chùa Phúc Thành. Tham dự buổi lễ còn có đại diện các cấp lãnh đạo chính quyền, các sở, ban, ngành của chính quyền địa phương và hành nghìn thiện nam, tín nữ Phật tử thập phương cùng về tham dự.
Các tiết mục văn nghệ chào mừng Đại lễ Vu lan được các ca sĩ, Phật tử trình diễn mang đến không khí sâu lắng và cảm động.
Đúng 19h30’, ba hồi chuông trống bát nhã vang lên, các Phật tử trang nghiêm chắp tay búp sen, cất cao tiếng niệm Phật cung đón chư tôn đức quang lâm lễ đài để chứng minh buổi lễ.
Tại buổi lễ, Đại đức Thích Định Tuệ đã đọc ý nghĩa lễ Vu Lan và Bông hồng cài áo. Vu Lan Bồn, phiên âm của chữ Phạn Ullambana mang ý nghĩa giải đảo huyền, cứu nạn khổ treo ngược, nạn khổ tột cùng. Chuyện Tôn giả Mục Kiền Liên, đại đệ tử của Phật với thần thông đệ nhất được đức Phật dạy Pháp Vu Lan Bồn cúng dường trai tăng sau 3 tháng An cư tu hành thanh tịnh để lấy công đức hồi hướng cầu nguyện cho Mẹ thoát khỏi cảnh khổ A Tỳ Địa ngục là duyên khởi của Vu Lan.
Ngày lễ Vu Lan chính là dịp “nhắc nhở” các thế hệ con cháu chúng ta nhớ tới công ơn dưỡng dục sinh thành của cha mẹ, ông bà, tổ tiên cũng như những đóng góp to lớn của các anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước. Ðồng thời giúp chúng ta tiếp cận được những ý nghĩa giáo dục đầy nhân bản của văn hoá Phật giáo đó là “Từ, bi, hỷ, xả”, “vô ngã, vị tha”, “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”...Tiếp đó, toàn thể đại chúng đón nhận những đóa hồng do các em trong “gia đình Vườn Tuệ” dâng tặng. Trong không khí trang nghiêm tràn đầy đạo vị, toàn thể chư tôn đức Tăng, quý vị đại biểu và Phật tử cùng tụng kinh Vu Lan Báo Hiếu.
Ở Việt Nam, một đất nước bốn nghìn năm văn hiến,đạo hiếu là tinh thần văn hóa bất di bất dịch đối với đời sống đạo đức của mỗi con người. Phật giáo hòa quyện dòng sống dân tộc Việt Nam như nước với sữa. Chúng ta hãy cùng nhau làm sao để cho Lễ hội Vu Lan báo hiếu vượt ra ngoài khuôn khổ của phật tử và chùa chiền, trở thành một Lễ hội chung, nét đẹp văn hóa, nếp sống người dân Việt Nam. Cuối cùng của chương trình là phần nghi lễ với tiếng chuông ngân nga thanh thoát và hương trầm quyện tỏa và Sám Vu Lan cao siêu mầu nhiệm. Hàng ngàn trái tim tha thiết. trang nghiêm thành kính hòa âm cầu nguyện.
Buổi lễ đã thành tựu viên mãn trong niềm hỷ lạc, xin trân trọng gửi tới quý độc giả một số hình ảnh đã ghi nhận được: