;
Kinh kệ ngân nga, quyện khói hương
Tâm tư
hướng đến những nguồn thương
Đại Bi
Quan Âm, Mùa Báo Hiếu
Chan chứa ân tình, Lễ Vu Lan
Bắt đầu chương trình là phần niệm Phật cầu gia bị và phút mặc niệm. Theo hướng dẫn của Thầy MC buổi Lễ Thích Minh Tuệ, đại chúng hòa nhau trong phút lắng lòng niệm tưởng Ân Phật lớn lao khai phát ra Ánh Đạo Vàng, Ân Tổ Sư dày công, không quản ngại khó khăn, quên cả thân mình để mang Đạo Pháp đến khắp nơi nơi, Ân của các vị Ân Sư, Thiện Hữu Trí Thức thắp sáng niềm tin, đưa đường chỉ lối, dắt dẫn chúng ta trên đường Đời, đường Đạo, niệm tưởng thâm ân cha mẹ nhiều kiếp quá khứ và trong kiếp sống hiện tại, ân quốc gia, chiến sỹ trận vong, tưởng nhớ đến người vượt biên mất tích và nạn nhân của thiên tai động đất, sóng thần, lò nổ hạt nhân,...Phút mặc niệm là giây phút quán niệm về trùng trùng duyên khởi, tương tức tương sanh, mối dây liên hệ đến các chúng sanh và nguyện lực sống cống hiến cho trọn vẹn, rải tâm từ đến khắp mọi loài, như gương Đức Phật đã từng lạy đống xương khô giữa đường.
TIếp theo chương trình là Đạo Từ Vu Lan của Hòa Thượng Thích
Bửu Lợi, Trụ Trì Chùa Đại Bi Quan Âm. Hòa Thượng nhấn mạnh Hiếu Hạnh là đức
hạnh căn bản của con người. Phật Giáo hòa quyện vào truyền thống văn hóa đạo
đức dân tộc. Đại Lễ Vu Lan xuất phát từ câu chuyện Tôn Giả Mục Kiền Liên được
Đức Phật chỉ bảo về Pháp Vu Lan Bồn, cúng dường Trai Tăng chư Tăng sau mùa an
cư để hồi hướng công đức, cầu nguyện cho Mẫu thân ra khỏi khổ cảnh địa ngục
nhưng nay đã phổ cập trở thành Lễ Hội Văn Hóa Việt Nam, ngày tưởng nhớ Cha Mẹ
Tổ Tông, hiếu hạnh,...Người con Phật cần học cách báo hiếu để chu toàn hiếu
hạnh và giữ gìn truyền thống đạo đức tốt đẹp này qua nhiều thế hệ.
Trong phần Pháp Thoại về Vu Lan Hiếu Hạnh, Thượng Tọa Thích
Minh Dung, Trụ Trì Chùa Quang Thiện, Tu Viện Sơn Tùng đã khuyên nhắc đại chúng
bằng những câu chuyện có thật đầy cảm động về công đức của cha mẹ và nguyện
vọng báo hiếu của người con nhưng trễ tràng hoặc chuea kịp thực hiện khi cha mẹ
sanh tiền. Thượng Tọa chỉ ra cách tri ân và báo ân ngay trong ngày hôm nay -
tặng hoa đến người thân, ân nhân và nói lên lời cảm ơn chân thành đối với họ.
Thượng Tọa cũng nhắc lại những kỷ niệm ân tình với Vị Đệ Nhất Trụ Trì Chùa Đại
Bi Quan Âm - Cố Hòa Thượng Thích Chí Năng - trong những Lễ Vu Lan trước. Đại
chúng say sưa và xúc động lắng nghe thời pháp thoại chân chất, dễ hiểu, dễ áp
dụng và đầy ấn tượng của Thượng Tọa giảng Sư.
Để đánh dấu ghi nhận những ân tình mà mọi người đang vương mang, mọi người được cài bông hồng lên áo trong khi 3 ca sỹ của Chùa hát bài : Bông Hồng Cài Áo và nghệ sỹ Thiện Thảo ngâm bài : "Mười Thương" kể về công lao sinh dưỡng của cha mẹ đối với con cái.
Nghi thức bông hồng cài áo mùa Vu Lan
bắt đầu vào năm 1962, do thiền sư Thích Nhất Hạnh khuyến khích. Trước năm 1962,
trong một lần sang Nhật, đi nhà sách với bạn vào đúng Ngày của Mẹ, thiền sư đã
được một cô gái cài lên áo tràng một bông hoa cẩm chướng trắng mà không rõ lý
do. Hỏi ra thì thiền sư được biết trong ngày này ai còn mẹ thì được cài bông
hoa đỏ, ai mất mẹ thì cài hoa trắng. Năm 1962, thiền sư đã viết một bài viết
dài mang tên Bông hồng cài áo. Chính bài viết và câu chuyện trên của thiền sư
Thích Nhất Hạnh đã là khởi điểm cho mọi tác phẩm Bông hồng cài áo cải lương,
kịch nói, tân nhạc và cả thơ ca nhạc họa về sau.
Hoàng Khâm soạn kịch bản Bông hồng cài áo cho
Đoàn cải lương Thanh Minh vào năm 1965-1966. Vở cải lương Bông hồng cài
áo khi ấy rất nổi tiếng, quy tụ một dàn nghệ sĩ tên tuổi như Thanh
Nga, Thành Được, Ngọc Giàu, Thanh Tú, Thanh Thanh Hoa, Tám Vân, Hoàng Giang,
Minh Điển. Nghệ sĩ Kim Cương sau đó mới chuyển thể kịch bản cải lương này thành
vở kịch Bông hồng cài áo diễn ở đoàn kịch của mình. Nhạc sĩ
Phạm Thế Mỹ phỏng tác bài hát : "Bông hồng cài áo" vào
năm 1967 dựa theo lời văn của bài viết cùng tên của thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Đến nay, tiết mục : "Bông Hồng Cài Áo" là một phần quan trọng trong
các Đại Lễ Vu Lan.
Thầy MC Thích Minh Tuệ nhắc nhở mọi người khi nhận mang hoa hồng trên ngực mình là ý thức ghi nhận những ân tình sâu thẳm. Hôm nay cũng là ngày đảnh lễ Khánh Tuế chư Tôn Đức, dâng hoa chúc mừng quý Ngài sau mùa hạ thúc liễm tu tập, tăng trưởng giới đức, trí tuệ,...Chúng ta hãy nói, hãy bày tỏ và hãy làm ngay bây giờ, đừng hẹn hò nữa, kẻo trễ và không còn cơ hội.
"Xin chúc mừng và tặng cho những ai còn cha mẹ một cành hoa hồng đỏ. Còn Cha còn Mẹ là diễm phúc lớn nhất ở thế gian này. Bạn hãy ý thức điều đó và quý trọng tận hưởng những giây phút ở bên Cha Mẹ. Cái gì ở thế gian dù quý giá bao nhiêu, mất đi rồi có thể tìm lại được nhưng Cha Mẹ một khi mất đi rồi là vĩnh viễn chia xa. Mong là tất cả những người con đừng có ai quá say mê dong ruổi danh lợi và bao nhiêu hào nhoáng của cuộc đời mà bỏ quên hay thờ ở, hững hờ, không lo tròn Đạo Hiếu với Cha Mẹ để rồi khi Cha Mẹ mất đi, lúc ấy dù có tiếc nuối thì cũng đã trễ tràng, buồn thương và tiếc nuối không nguôi.
Xin chia buồn và tặng cho những ai không còn Mẹ một bông hồng trắng. Tôi tự an ủi lòng mình và an ủi với bạn : Dù Mẹ không còn nữa bằng hình hài vật chất, nhưng suối nguồn tình thương vô tận và lẽ sống Mẹ đã hun đúc cho chúng ta, những ước mơ và lý tưởng chúng ta đã thổ lộ và hứa hẹn với Mẹ, sức mạnh tâm linh tinh thần ấy là gia tài Mẹ để lại cho chùng ta. Chúng ta hãy sống thật xứng đáng và trọn vẹn với niềm tin tưởng, hy sinh và sự mong đợi của Mẹ đặt ở nơi chúng ta.
Hãy tâm niệm lời Phật dạy : Tất cả chúng sanh là cha mẹ mà sống thiện, sống tốt đối với
tất cả mọi người mọi loài. Với tâm thành, con xin hổi hướng phước đức mà con
vun bồi được cầu nguyện cho Mẹ tăng thêm phước thọ nơi cảnh giới an lành. Con
tin là Mẹ đang ngự ở cảnh giới an lành và đang tiếp tục dõi bước con đi. Mẹ dù
không còn trước mắt con bằng xương bằng thịt nhưng Mẹ vẫn luôn luôn hiện hữu
trong con. Con đang nhìn thấy Mẹ ở khóm hoa, trong tiếng gió thoảng, nơi dòng
nước êm đềm, trên những chòm sao nơi bầu trời trong mát, từng cụm mây thong
dong. Mẹ đã hóa thân thành tất cả. Con luôn tìm thấy Mẹ trong mỗi nếp con nghĩ,
mỗi bước con đi, trong những gì con con gặp, trong mỗi việc con làm,…
Mẹ vẫn mãi ở bên con trong
suốt kiếp nhân sinh hữu hạn này và con sẽ gặp Mẹ ở cảnh giới Phương Tây an lạc
- giải thoát - Niết bàn."
Trong tình cảm thương kính đối
với cha mẹ đó, bao hàm bao nhiêu ân tình lớn khác và Tứ Trọng Ân cũng trong
tinh thần như vậy.
Một Nghi Thức không thể thiếu trong Vu Lan Thăng Hội là Nghi Lễ Vu Lan. TT. Minh Dung chủ sám với những âm thanh tán tụng trầm bỗng du dương theo Nghi Lễ Bình Định. Đại chúng đồng lắng lòng theo tiếng chuông mõ, lời nguyện cầu :
Đệ tử chúng con
Vâng lời phật dạy
Ngày rằm tháng bảy
Gặp hội Vu Lan,
Phạn vũ huy hoàng
Đốt hương đánh lễ
Muời phương tam thế
Phật Pháp Thánh Hiền.
Noi gương Đức Mục Kiền Liên
Nguyện làm con thảo
.....
Đệ tử ơn sâu chưa báo
Hỗ phận kém hèn.
Giờ này quì trước đài sen,
Chí thành cung kính.
Đạo tràng thanh tịnh,
Tăng bảo trang nghiêm,
...
Chóng thành Phật quả.
Ngửa trông các Đức Như Lai
Khắp cõi hư không
Từ bi gia hộ.
Nam Mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát Ma Ha Tát
Buổi Lễ kết thúc trong niềm
hoan hỷ chung của Đại chúng thọ phạn thực buổi trưa với nhiều đặc sản quê hương
Việt Nam, Pháp Thực, Vật Thực, Hỷ Thực sung mãn. Đại Lễ Vu Lan là nhịp cầu tâm
cảm đưa những người con Việt tuy sống ly hương nhưng lại có được một ngày bên
nhau, sum họp, chia sẻ niềm vui, giữ gìn truyền thống đạo đức, văn hóa, Lễ Hội
dân tộc. Mọi người thấm nhuần cảm giác thân thương, hạnh phúc, thiêng liêng
giữa những chiếc áo dài, tiếng kinh cầu, lời giảng Pháp, đóa hoa hồng, tiệc
chay đậm đà hương vị quê hương. Thật là :
Nếp sống muôn đời của Tổ Tông ( Thi sỹ Huyền Không)
Mọi người ra về với một tâm
nguyện chung : tri ân, báo ân, báo hiếu cho trọn vẹn. Những kỷ niệm, ấn tượng,
món quà cho nhau trong hôm nay sẽ là nguồn động lực nhắc nhở, nguồn cảm hứng,
hành trang cho mọi hành giả để hoàn thiện mình, trở thành người con có hiếu,
một phật tử chân chánh, trọn vẹn nghĩa tình trong cuộc sống và vững bước thăng
hoa trong hành trình trở về bảo sở.
Ngày Lễ Vu Lan Chùa Đại Bi
Quan Âm, Cali, Hoa Kỳ