;
Lễ hằng thuận tại chùa Phổ Quang
Buổi lễ có sự chứng minh của Đại đức Thích Tâm Định - Phó thường trực Ban Hướng dẫn Phật tử Phật giáo Đắk Lắk, trụ trì chùa Phổ Quang; Đại đức Thích Hạnh Bích – UV Ban Văn hóa TƯ GHPGVN, Tổng biên tập báo Phật Giáo Đời Sống; Chư tôn đức chùa Phổ Quang, các cư sĩ Phật tử, đại diện nhóm Văn nghệ sĩ Phật giáo TPHCM, gia đình bạn bè hai họ.
Đại diện gia đình hai bên và cô dâu chú rể tác bạch thỉnh sư
Quang cảnh lễ hằng thuận tại chùa Phổ Quang
Tại buổi lễ, đôi tân lang và tân nương thực hiện nghi lễ truyền thống như lễ bái Tam bảo, lễ bái cha mẹ hai bên và hành lễ với nhau để tôn trọng sự bình đẳng, trao nhẫn cưới và cùng phát nguyện trọn đời chung sống theo những nguyên tắc đạo đức lời Phật dạy.
Đại đức Thích Tâm Định, thay mặt Chư tôn đức có huấn từ về đạo nghĩa vợ chồng, vợ chồng hòa thuận thì trong ấm ngoài êm, cha mẹ hòa thuận với con cái thì gia đình duy trì được đạo đức và việc giáo dục những thế hệ sau này sẽ có truyền thống tốt đẹp hơn.
Đại đức Thích Hạnh Bích có lời chia sẻ về ý nghĩa chiếc nhẫn. Theo đó, chiếc nhẫn là trang sức quý giá, đeo ở ngón tay để nhằm nhắc nhở vợ chồng nhường nhịn, muốn trong nhà vui vẻ đầm ấm hạnh phúc, phải biết nhường nhịn lẫn nhau.
Nhẫn hình tròn tiêu biểu cho phước báu, tiền của đầy đủ, nhắc nhở vợ chồng siêng năng làm việc chi tiêu chừng mực, không phung phí, ngoài ra phải biết san sẻ cứu giúp cho người nghèo được như vậy mới được có phước báu lâu dài.
Nhẫn được làm bằng vàng. Vàng có đặc tính là tùy duyên bất biến, hình dáng có thể thay đổi nhưng tính chất vẫn nguyên vẹn, dù có vo tròn bóp méo hay kéo dài cán mỏng, hình dáng có thể thay đổi nhưng tính chất giá trị của vàng vẫn nguyên vẹn.
Chung sống bên nhau, dù gặp hoàn cảnh nào đi nữa cũng phải vẹn lòng chung thủy trước sau như một, vàng có màu sắc tươi đẹp, không bao giờ phai nhạt dù trải qua bao lần tôi luyện, vùi dập nơi nào, nhưng vẫn giữ nguyên vẻ đẹp.
Vì những lý do đó, đôi nhẫn này có ý nghĩa thiêng liêng cho tình nghĩa, vợ chồng phải biết giữ gìn làm kỉ niệm, xem là món quà quý trong đời sống hôn nhân.
Ngoài ra, Chư tôn đức cũng nhắc nhở đôi tân lang tân nương quay về nương tựa Tam bảo, giữ gìn năm giới, thường xuyên trau dồi kiến thức Phật Pháp, sống hướng thiện, tin vào nhân quả tội phước.
Đôi bạn trẻ phát nguyện xây dựng đời sống hôn nhân trên tinh thần và nếp sống văn hoá Phật pháp, nguyện kế thừa các giá trị đạo đức tốt đẹp của truyền thống gia đình hai họ.
Cô dâu và chú rể phát nguyện trước Tam bảo và gia đình hai họ.
Cuối buổi lễ, Chư tôn đức niêm hương bạch Phật và cùng đại chúng chúc phúc cho đôi bạn trẻ "trăm năm tình viên mãn, bạc đầu nghĩa phu thê".
Được biết, sau lễ hằng thuận toàn bộ tiệc đãi hơn 350 khách được gia đình họ hàng hai bên thống nhất tổ chức bằng các món chay thuần túy tại một nhà hàng lân cận, đây là điều đặc biệt trong các lễ cưới của các gia đình Phật tử.
Những món chay đầu tiên trong bữa tiệc cưới chay ở miền sơn cước
Thực đơn chay tại tiệc cưới
Hàng trăm thực khách trải nghiệm món chay và chúc phúc cho đôi bạn trẻ.
Cư sĩ Minh Mẫn, nhà thơ Dzạ Lữ Kiều, Lê Tất Sĩ, nhạc sĩ Hưng Việt tham dự tiệc chay.
Trong ngày vui hạnh phúc của hai cháu, hai gia đình chúng tôi thống nhất không sát sanh giết hại. Con vật nào cũng biết sợ hãi, đau đớn và sẽ oán hờn khi chúng bị giết. Tổ chức đám cưới tiệc chay tạo không khí nhẹ nhàng, cũng mong sẽ vun bồi phước báu cho hạnh phúc của hai cháu cũng như sức khỏe cho con cái các cháu sau này – cư sĩ Phạm Ngọc Sơn, bố chú rể cho biết.
Ngô Quang Hiến
Ước gì lễ Hằng Thuận như đã thể hiện trong bài viết này ngày càng được lan tỏa trong giới Phật tử!
Thích Trả lời 9/25/2022 12:20:14 PM