;
Trong cuộc sống hàng ngày của chúng tôi (đây là nói tới tôi và ông xã nhà tôi), Đạo cứ lẫn với Đời gây nhiều chuyện rối rắm, trống đánh xuôi kèn thổi ngược, gây gổ có mà hờn giận cũng nhiều.
Đọc kinh Bát Nhã, giác ngộ được cuộc đời vô thường, ngũ uẩn giai không sanh sanh diệt diệt, thì hối hả muốn tu để lúc lìa thân xác tạm bợ, nghiệp lực dẫn đến cõi khác an vui hơn.
Lên chùa nghe thầy giảng, con người từ cái nghiệp triền miên kết tập từ lâu đời lâu kiếp nên chịu cảnh luân hồi sanh tử, nên muốn theo thầy để đả phá Vô Minh, vì Vô Minh là đầu nối của dòng sanh tử vô tận.
Nghe bài giảng về khuyến phát Bồ đề tâm của thiền sư Nhật Hiền mới thấy mình sai quấy mang đủ thân khẩu ý nghiệp, e rằng ngiệp chướng sẽ sinh ra ở hiện nghiệp, sinh nghiệp cho đến hậu nghiệp. Nghĩ vậy mà nhiều khi tôi đã quyết tâm rứt bỏ nợ chồng con xin thế phát xuất gia.
Tôi quy y được thầy ban cho pháp danh từ thuở nhỏ, ăn chay đều đặn mỗi tháng mười ngày, kinh kệ thuộc cũng khá, đến nay đã con cháu đầy đàn, vậy mà con đường tu tập chẳng thấy tinh tấn thêm được bước nào theo tuổi đời.
Tất nhiên phần lớn cùng do lỗi ở tôi. Tâm tính đàn bà thiếu phần kiên định, ba phải, cho nên theo cho được 37 phẩm trợ Bồ đề, nào là tứ niệm xứ, tứ chánh cầu, tứ như ý túc, thất bồ đề phần, bát chánh đạo v.v… thì chắc là phải tới một trăm, ngàn hay một hai a tỳ la kiếp, chứ kiếp này tôi đừng hòng bén mảng tới ngoài hàng rào cõi Niết Bàn.
Lý do nữa, là qua đất nước văn minh này, Đời làm khó thêm Đạo.
Hồi ở bên quê nhà, nhất là trước 75, tôi sống ở thành phố nhỏ, cuộc sống ít nhu cầu lớn, bao quanh là không khí êm đềm, mõ sớm, chuông chiều, nên tâm hồn lắng dịu.
Mà như Tổ Thiền Tông đã dạy: “Phật tánh có trong lòng mọi người, mà lòng người như mặt nước ao hồ, giữ phẳng lặng, vẩn đục Vô Minh lắng xuống thỉ Phật tánh sẽ hiện ra”.
Ở đây phần thì rảnh rang, phần thì đời sống văn minh vật chất đủ thứ quyến rủ, từ chiếc ô tô, ti vi, đến bộ áo quần, giày dép nay kiểu này, mai kiểu khác, mới thấy đó tháng sau nghe nói đã lỗi thời, đi đâu cũng thấy siêu thị Bilka, Rosengard, Fotex v.v… hôm này nơi đây bán “u-xen” thứ này, hôm khác nơi kia quảng cáo đại hạ giá món khác, dù không thiếu thốn chi mà lòng vẫn bị triền miên khuấy động.
Cái khó thứ ba tuy nhỏ mà lớn, tuy dễ dứt mà thật khó buông vô vàn, đó là cục nợ ông chồng. Anh cứ theo chọc phá, bôi bác chuyện đời chuyện đạo khiến cho tôi, mặc dầu lòng tham có thể bỏ mà sân si thì chẳng bao giờ dứt được. Cứ như vậy mà nhiều lúc tôi tưởng đã tiến được ít bước trên đường tu, nhưng sân hận nổi lên thế là bao nhiêu công phu tu tập hàm dưỡng trôi theo dòng nước. Ngày nay tôi đành nương theo pháp môn Tịnh Độ, tụng niệm danh hiệu A Di Đà Phật, gạt mọi ý niệm xấu xa để cầu mong được đưa về cảnh giới cực lạc an vui. Mong cầu như vậy, nhưng không biết lòng chí thành đã đủ để cảm ứng tới cõi Tây Phương Tịnh Độ hay chưa.
Tuần trước tôi bàn với ảnh: Chi hội mình tháng tới sẽ tổ chức thọ bát quan trai cho các đạo hữu, có Thầy về chứng minh. Em thì đương nhiên rồi, còn anh cũng nên ghi danh tham dự. Từ hồi quy y tới giờ anh cứ ngơ ngơ ngáo ngáo chẳng chịu phát nguyện tu hành chín chắn được một ngày. Ăn chay mỗi tháng có hai ngày mà bỏ ngược bỏ xuôi, tội lút đầu.
Tưởng anh bằng lòng, ai ngờ anh nói: Thôi em hãy lo cho phần đạo của em đi, phần anh, anh tự lo được, em khỏi rủ rê. Nói thật với em, không phải bát quan mà đến thập bát quan giới anh vẫn theo được như thường. Anh chưa muốn thực hiện là vì mục nằm đất đau lưng quá anh chưa quen.
Tưởng là anh nói chơi vậy thôi, tôi nghĩ mặc kệ anh, khuyên tu mà không nghe sau có sao ráng chịu. Nào ngờ anh nói tiếp: “Thọ bát quan trai là theo 8 giới cấm của người Phật tử trong 24 giờ để tập sống theo đời sống xuất gia. Tám giới là để đóng cửa phiền não lộn xộn không xen tạp vào tâm trí, giữ lòng thanh tịnh, an ổn cấm ngặt việc cãi cọ bàn bạc chuyện đời. Em mà thọ bát quan trai với mấy bà thì chỉ có nước xúm lại chuyện trò thâu đêm suốt sáng, tụ năm tụ ba, ăn uống quà vặt chẳng kể giờ giấc giống cái hồi đi dự lễ khánh thành chùa Viên Giác bên Đức. Tu học để mang lại an vui đâu chẳng thấy mà chỉ thấy bà nào bà đó khan cổ khan giọng nói không ra hơi”.
Tôi điên tiết đang tìm câu thật cay cú để đáp lễ, nhưng nhìn cái bản mặt hí hửng có vẻ chờ đợi, của ảnh, tôi nén giận. Tôi biết tôi mà sân lên là mắc bẫy của anh.
Anh đã từng thố lộ: “Anh là Ma Vương của em. Lúc đức Phật giác ngộ được đạo quả vô thường chánh đẳng chánh giác dưới cội Bồ Đề, chư thiên hiện xuống bao quanh hoan hỉ rải hoa và xưng tán đức Phật là bực thầy của trời và người. Cùng lúc đó Ma Vương cũng hiện đến dùng đủ mọi thủ đoạn để cuốn rủ, nhưng nhằm nhò gì. Ma Vương xem vậy mà cũng có lợi. Có Ma Vương quấy phá ta mới thấy được con đường ngộ đạo đâu phải suông sẻ dễ dàng. Anh làm Ma Vương của em là cũng có lợi cho em thôi”.
Tôi nén giận niệm: “Nam mô A Di Đà Phật” mà trong lòng rủa thầm “Ma Vương còn đỡ anh là Quỷ Vương còn tệ hơn Ma Vương cả chục lần”. Thấy tôi không có phản ứng, mặt anh cũng tiu nghỉu thấy rõ.
Một lần khác anh rủ rê: “Hôm nay thứ bảy mà trời tốt, tụi mình đi Bilka chơi, lâu lắm anh không đi siêu thị với em. Báo đăng Bilka có bán u-xen áo quần mùa hè nhiều thứ đẹp lắm”. Tôi nghe nói hạp ý quá nhưng cũng ngại. Tôi và bầy nhỏ quá quen thuộc với màn đi sắm đồ với anh.
Lũ nhỏ nói : “Ba ơi cái máy này, bộ đồ kia đẹp mà giá rẻ quá, chỉ còn có một nửa, mua đi ba kẻo uổng”. Anh giả vờ ngắm nghía rồi xua tay nói: “Món hàng này là hàng mẫu trưng bày chứ chưa bán, lúc nào bán hẵng mua, vội gì”. Anh quen cái cảnh hàng mẫu ở mấy cửa hàng quốc doanh bên nhà. Vào siêu thị muốn mua gì là anh cắm đầu đến thẳng quầy lấy hàng rồi ra cửa chẳng thèm nhìn ngang nhìn ngửa. Tôi mà đã vào siêu thị thì phải la cà ngắm nghía cho khỏi bỏ công. Có lần tôi mê mải trong cửa hàng quần áo, quên phứt anh đứng chờ ở ngoài.
Mặt mày bí xị một đống anh cằn nhằn: “Em tính mua gì mà sờ mó ngắm nghía hết cái này đến cái khác như lạc vào bảo tàng viện Le Louvres vậy?”.
Tôi thực thà trả lời: “Thấy hàng đẹp cũng ham, nhưng ngắm chơi chứ mua bán gì, đắt quá trời mua gì nổi”.
Anh thở ra một hơi toàn là giọng đạo: “Em dở quá, em phải giác ngộ rằng càng nhiều ham muốn thì càng nhiều đau khổ, mà mọi tội lỗi ở đời là do lòng dục mà ra. Ngưới ít ham muốn thì không bị hoàn cảnh chi phối, thần và tâm thư thái nhẹ nhàng. Nếu ta đuổi theo ham muốn không nhàm chán, tôi lỗi theo đó càng tăng. Cho nên người tu hành phải nghĩ đến biết đủ để an vui trong đạm bạc. Nói có sách mách có chứng, đó là kinh Bát Đại Nhân Giác”.
Tôi nghĩ cũng cho là lạ. Ông xã của tôi vốn tu hành lêu lổng, ngày lễ Phật chủ nhật đọc hoài kinh Cầu an, Sám hối, Tịnh độ thông thường mà cũng phải nhìn vào tập giấy quay roneô. Không hiểu anh biết được mấy đoạn kinh cao siêu này từ hồi nào. Tuy nhiên về mặt kinh kệ sức mấy mà anh qua mặt được tôi.
Tôi nói: “Anh đọc kinh Bát Đại Nhân Giác, vậy em hỏi anh phẩm thứ tư trong kinh dạy sao? Chịu rồi phải không? Nè phẩm thứ tư dạy rằng: tính lười biếng đưa tới chỗ buông thả, vì vậy ta phải chuyên cần tu tập để khắc phục mọi ràng buộc vướng mắt trong đời. Đó anh lười biếng cho lắm vào, nội bài chú Đại Bi tụng cả ngàn lần cũng không thuộc, thật chán anh hết sức”.
Cằn nhằn như vậy để thúc đẩy, thực tâm tôi thấy anh cũng không đến nỗi nào.
Nhiều lần tôi nói: “Người như anh thuốc lá không, rượu không, bài bạc cũng không, chẳng thấy ưa thích gì, áo quần ống cao ống thấp sao cũng được, anh mà đi tu chắc mau thành chánh quả. Thôi để nhà cửa bếp núc đó em lo, anh vô chùa tu quách thành chánh quả về độ cho vợ con”.
Anh xua tay nói: “Chưa được, ngó thì vậy nhưng không phải vậy, con người anh ra sao anh biết rõ, còn vướng mắc đời nên chưa lo đạo được. Em nghĩ coi, tai còn ưa nghe tiếng đờn tiếng hát, điệu rock điệu roll, mắt còn biết chiêm ngưỡng sắc đẹp, miệng còn ham hương vị tài nấu nướng của em, vậy mà tu gì nổi, vả lại anh đi tu rồi ai làm Ma Vương cho em đây”.
Thực tình ít khi anh nói được câu mát lòng mát dạ tôi như vậy.
Tôi nhớ có lần anh tỉ tê: “Này chủ nhật này em nấu nồi bún bò Huế đi, lâu quá thấy cũng thèm, luôn tiện gọi chúng nó về ăn cho vui cửa vui nhà”.
Tôi đã định bụng như vậy song giả vờ làm cao nói: “Thôi khỏi nấu nướng cực nhọc mà chẳng bao giờ có được tiếng khen. Ai đời vợ nấu xong hỏi ngon dở ra sao, khá lắm mới nghe anh buông một câu “cũng tàm tạm”, vậy anh nấu đi cho ngon, chứ em nấu tàm tạm thì nấu chi cho mất công tốn của”.
Anh an ủi: “Với anh chữ tàm tạm đã là một lời khen rồi. Sở dĩ anh phải dè dắt tiết kiệm lời khen cũng là làm điều thiện cho em mà thôi. Trong thập thiện gồm thân, khẩu, ý, thiện thì khẩu thiện có 4 điều là không nói dối, không nói đòn xóc hai đầu, không sử dụng lời nói độc địa, và nhất là không nói lời chải chuốt khen ngợi êm tai làm người nghe dễ bị say đắm không rõ hình tướng mình. Hơn nữa em biết đó theo kinh Bát Nhã, thị chư pháp không tướng, nhãn nhĩ tĩ thiệt thân,ý là không tướng, ngon dở cũng đều là không tướng. Vậy mà em cũng đòi khen ngon dở”.
Copenhagen Denmark 2014: Lễ Vu lan thắng hội tại chùa Liễu Quán Đan Mach và lễ thọ Bát quan trai.
Tôi bực mình vì cái tính gàn dở của anh, muốn ăn bún bò giò heo mà cũng bày đặt giải kinh Bát Nhã. Sân si nổi lên, tôi nói: “Anh thuộc kinh như vậy là giỏi rồi, thanh hương vị là không tướng, bún bò hay cơm nguội cũng là không tướng luôn. Vậy thì anh lục cơm nguội mà ăn, em khỏi nấu bún bò chi cho mất công, vậy là em cũng làm điều thiện cho anh, “Huề”.
Anh than van, “biết vậy đừng nói cho xong, em thấy đó nhiều khi kinh kệ thuộc nhiều lắm cũng không có lợi’. Nghe vậy tôi cũng bật cười, cơn giận lắng xuống, tôi lo đi nấu nồi bún bò Huế ngon hơn bất cứ lúc nào để cha con anh ăn, nếu không anh lại vịn vào đó mà quên hết mớ kinh kệ lộn xộn của anh.
Nhiều lúc nghĩ lại cuộc đời cũng thấy lạ. Trước 75 anh chỉ tay năm ngón chẳng biết gì đến chuyện bếp núc, nồi cơm nấu cũng không chín tới. Hè 75 như một cơn đại hồng thủy ập đến, công lao dành dụm nửa đời người trôi theo dòng nước. Anh làm đủ mọi nghề, phá rẫy trồng khoai mì, chưa ăn heo rừng đã giẫm nát. Nuôi gà, gà chết dịch không còn một que, nuôi cút thức ăn dỏm cút không đẻ. Tôi mất tinh thần ngủ không an giấc. Anh phụ giúp tôi lo cho bầy nhỏ lúc nhúc, lo cái lý lịch trơn tru cho chúng nó vào được trường học, học hành chưa được bao lâu thì lo cho chúng bỏ học để đi vượt biển, vượt biên. Vậy mà tuy kinh kệ có phần xao lãng, nhưng đạo vẫn giữ được trong lòng. Nhìn thấy xã hội rối mù, tiền tài danh vọng có đó không đó, nên thấy mình gần gũi với Đạo pháp hơn trước.
Qua Đan Mạch cuối năm 89, cơ duyên run rủi khiến tôi và anh cắp sách đến trường cùng học lớp vỡ lòng trường Sinh ngữ của Hội đồng tị nạn. Hai đứa tôi bắt đầu tập đánh vần mấy chữ cái a,b,c, “in” là một, “to” là hai. “tờ re” là ba. (1).
Lớp chúng tôi có mười mạng thuộc 5 quốc tịch khác nhau, 3 màu da khác nhau. Ngồi bên tôi là một cô gái da đen mặn mòi. Cô giáo Đan Mạch hỏi: “Hvor kommer du fra?”, cô gái trả lời: “Jeg kommer fra Chết”. Tôi lạ lùng về nhà tìm hồi lâu trên bản đồ thế giới mới biết cái nước Tchad bé tí ti nằm lọt vào giữa châu Phi. Chẳng biết có biến động thiên tai gì mà cô bé lọ lem từ cõi Chết đó lại lưu lạc đến tận đây ngồi bên tôi.
Tôi viết thơ kể chuyện học hành cho đứa con gái còn ở lại còn ở lại bên nhà, hai vợ chồng nó cười ngất nói: “Ba mẹ đi học giống như trong chuyện nhi đồng dê con biết đếm chín mười. Đọc thơ chúng, anh cằn nhằn: “Mình thế này mà chúng nó nói là dê con, dê cụ thì còn có lý”.
Học hành gặp tiết đông tuyết xuống đầy đường, co ro đổi hai chuyến xe buýt đến trường, tôi về cự nự mấy đứa nhỏ: “Biết qua đây từng này tuổi còn phải cắp sách đi học, tao đâu thèm qua làm gì, tụi bây viết thơ về chẳng đứa nào nói cho tao biết trước”. Bọn nhỏ cười nói: “Mẹ đi học có người lo thu dọn giấy bút sẵn sàng, vào lớp cô giáo hỏi, lỡ bí có ba ngồi bên cạnh nhắc thầm, vậy mà còn than”.
Hồi mới bước xuống phi trường Odense ảnh nói: “Chà đúng y chang như trong câu ca dao đến đây đất nước lạ lùng, con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng kinh. Thôi dầu muốn dầu không ta cũng phải nhận nơi đây làm quê hương. Con cái nó vào quốc tịch Đan Mạch hết rồi, mình cũng phải cố gắng hội nhập vào xã hội mới, thích nghi với hong tục tập quán người ta, như vậy mới gọi là biết sống”.
Tôi bàn thêm: “Anh nói đúng quá, mà em nghĩ đặc điểm nổi bật của xứ này là trọng nữ khinh nam, đàn bà được ưu đãi chiều chuộng, vua cũng là đàn bà, nghe nói đàn ông Đan Mạch phải lo chuyện nội trợ nữa. Để chóng hội nhập vào xã hội mới anh lo dùm chuyện bếp núc cho em”.
Anh nín khẽ vì nói lỡ rồi, không chối cãi được. Có ông chồng cù lần dễ nghe dễ tin như vậy thật cũng đỡ.
Tôi nhớ lại hồi anh đi làm rể, ngồi vào bàn là cắm đầu ăn, không mời mọc ông bà nhạc một tiếng, hai đứa em vợ tương lai chẳng biết o bế đưa chúng đi ăn kem đi xinê. Làm rể hai năm chứ đâu phải ngày một ngày hai mà không làm tặng tôi một bài thơ nào, ngày sinh nhật của người ta có thông báo hẳn hòi mà chẳng mua tặng một bó hoa lấy thảo.. Tôi chán cái đức cù lần của anh hồi đó, đã vậy hai đứa em còn xía vô: “Cù lần mà còn kẹo nữa”.
Lắm lúc vừa bực mình vừa tức, tôi cằn nhằn để anh bỏ tật nhưng anh vẫn bướng bỉnh cãi chày cãi cối rằng: Trong cái “Kẹo” vẫn có cái chất liệu ngọt ngào của nó, trong cái “Cù lần” vẫn có cái góc thơ mộng của nó, em chưa nhìn thấy hay không chịu thấy đó thôi. Ngày nay nghe Thầy giảng Kinh Pháp Hoa, phẩm Tín Giải: Chúng sinh thấy Chúng Sinh bằng Nghiệp, do đó nhìn nhau bằng tâm đối đầu, tâm ghét bỏ, chê bai v.v… tôi nghĩ lại, hóa ra ngày trước anh cương ẩu vậy mà lại đúng.
Sau mấy mươi năm chung sống lẫn lộn chuyện Đạo chuyện Đời, nhìn lại hai mái tóc, kẻ muối tiêu lấm chấm, người lơ thơ còn vài trăm sợi, tôi mới thấm thiá bài kinh Phật Bồ Đề Tâm để đi vào Đạo. Tôi với anh cũng từ nghiệp mà nên duyên vợ chồng vướng víu cho nên kiếp này ráng kẻ trả qua người trả lại cho dứt hết nợ nần.
Tâm sự điều này với anh, anh ngậm ngùi: Em nói cũng phải, nhưng phần anh, anh trả cho em quá lố, bị thiệt thòi nhiều quá. Rồi như khơi đúng mạch nguồn, niềm ấm ức của anh chất chứa trong lòng tuôn trào. Anh kể lể: “Chuyện này không nghe kinh anh cũng biết rõ từ cái ngày mà ông bà ngoại nhận sinh lễ kia, anh biết cái nghiệp mà anh phải trả cho em”.
Tôi ngắt lời: “Dóc tổ, hồi đó anh đâu biết Đạo biết Chúa là gì, chân chưa bước qua cổng tam quan mà bày đặt nói chuyện nghiệp chướng.
Anh nói: “Không phải là chuyện đạo mà là chuyện tướng số có khoa học hẳn hòi. Hồi đó ông bà nội đi coi tuổi hai đứa mình, nghe ông thầy tướng nói là anh thấy đủ chuyện không ổn. Hai đứa mình xung khắc đủ thứ. Anh tuổi Mùi em tuổi Sửu, mà Thìn Tuất Sửu Mùi tứ hành xung. Anh Tân Mùi mạng Thổ, em Đinh Sửu mạng Thủy, mà Thổ khăc Thủy.
Đâu đã hết, mạng anh Lộ Bàng Thổ là đất bên đường, mạng em Đại Khuê Thủy là nước suối lớn. Thử hỏi đất bên đường làm sao ngăn nổi suối lớn, gặp lúc mưa bão nước suối lớn dâng lên thì đất bên đường cũng bị cuốn trôi luôn. Biết rõ điều đó nên trong nhà mà lỡ có mưa bão thì anh nhịn em cho chắc ăn”.
Tôi nghe nói mủi lòng, an ủi anh; “Thôi kiếp này đã lỡ như vậy rồi, kiếp sau thành vợ thành chồng nữa em nguyện trả lại nợ cho anh cả vốn lẫn lời”.
Anh xua tay la làng: “ Thôi thôi cho tôi xin, vợ chồng một kiếp đủ rồi, quá đủ là đằng khác”.
Các chị em nghĩ dùm coi, ở vào trường hợp tôi, nếu nghe đức ông chồng nói mấy câu xóc óc như vậy, hỏi có ngăn được sân si hay không?
Thôi đàng để cho tam bành lục tặc nổi lên rồi công phu tu tập bao lâu nay có trôi theo dòng nước cũng đành chịu. (1)
Nam Mô A Di Đà Phật.
Nữ Đàn Việt.
Lê Thị Thu Bích
Chú thích:
(1) Lê Bá Châu “Đời Và Đạo” và “Cảm Nghĩ Về Những Ngôi Chùa”.