nguoiphattu.com Nhân dịp đầu năm, nhà sư có duyên lành gặp các Phật tử để trao đổi kinh nghiệm tu tập với đề tài Tâm Phật. Hôm nay nhân dịp đầu xuân, trong Khóa tu một ngày an lạc, nhà sư xin chia sẻ pháp thoại với chủ đề. Đi chùa cầu phước.
Các Phật tử biết rằng, Phật giáo Việt Nam đã gắn bó và đồng hành cùng dân tộc trên dưới hai ngàn năm. Chính vì thế, mái chùa đã trở thành linh hồn, là nếp sống của dân tộc. Nếp sống này đã thấm nhiễm, ăn sâu trong tâm thức của người Việt. Ngoài việc lễ bái tổ tiên, mừng tuổi, chúc tết ông bà, cha mẹ thì gần như số đông bà con, dù là Phật tử hay không phải Phật tử đều có nếp quen đi chùa trong dịp đầu xuân để cầu nguyện cho bản thân và gia đình luôn gặp nhiều phước báu, cũng như tạo thiện sự để kết duyên lành với Tam bảo.
Do vậy, khi nói đến đạo Phật thì khoảng hơn 60 phần trăm dân số đều quy ngưỡng đạo Phật. Mỗi khi đến dịp Tết Nguyên Đán; ngày rằm tháng giêng, rằm tháng bảy, rằm tháng mười... thì nếp quen ấy lại lan tỏa đến tâm thức của mọi người trong cộng đồng.
Nếu nói đi chùa để học đạo, phát tâm bồ-đề tìm hiểu giáo pháp, nghiên cứu giáo pháp và thực hành giáo pháp một cách tinh tấn để chuyển hóa tâm tánh phàm phu trở nên hiền thánh thì các Phật tử dường như ít ai quan tâm đến chí nguyện ấy. Quán chiếu tu tập để đoạn trừ tận gốc rễ vô minh, phiền não tham sân si đang ngự trị trong tâm để tâm trở nên thanh tịnh. Tâm ấy chính là tâm Phật thì các Phật tử biết đây là việc làm rất khó, phải mất thời gian dài, trải qua nhiều đời, nhiều kiếp tinh tấn nỗ lực không dừng nghỉ mới thành tựu được, nhưng nếu nói đi chùa để cầu phước thì ai trong chúng ta cũng có thể làm được và còn vui làm nữa.
Có thể quanh năm chúng ta không nỗ lực tu tập nhiều nhưng nếu nói đi chùa để cầu phước thì chúng ta luôn phát khởi tâm vui thích và hoan hỷ làm. Cho nên, ngày Tết và những ngày rằm lớn trong đạo Phật mọi người đều ưa thích mặc đồ đẹp, đến chùa thắp hương lễ Phật với mục đích để cầu nguyện, cầu xin chư Phật ban phước lành, cầu tai qua nạn khỏi… cũng như ước mong những sở nguyện của mình được sớm thành tựu trong tương lai.
Cầu nguyện bình an và sở nguyện thành tựu trong năm mới
Ngày tết mọi người đều hướng tâm đến chùa, đi đảnh lễ, chiêm bái thập tự đầy đủ không bỏ sót một ngôi già lam nào, nhưng ít ai nhận biết rằng một khi đến chùa là khi ấy ta đang quay về sống hiện tại với chính mình bằng ý niệm thiện lành phát khởi trong tâm. Việc đến chùa cầu phước chỉ thật sự mang giá trị tâm linh, đem đến sự bình an cho bản thân khi tâm chúng ta hướng thượng, có ý niệm thiện lành và phải tu tập chuyển hóa nghiệp thức vô minh, chuyển hóa tội lỗi nhiễm ô của tâm, tu tam nghiệp thân - khẩu - ý cho thanh tịnh.
Cốt lõi của việc tu tập chuyển hóa tâm nằm ở chỗ này mà ít ai quan tâm và đặc biệt chú trọng đến nó. Đức Phật đã thấy rõ điều đó và Ngài còn chỉ rõ điều này trong kinh Pháp Hoa: “Đức Phật ra đời vì một đại sự nhân duyên là khai thị chúng sanh, ngộ nhập Phật tri kiến”. Và Ngài cũng khẳng định: Như Lai là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành.
Đứng trên quan điểm của các tôn giáo khác để thừa nhận thì chúng ta sẽ nhìn thấy nét đặc sắc, độc đáo vượt bậc chỉ có trong Phật giáo là Đức Phật không giành quyền làm Phật cho riêng mình. Ngài dạy rằng, nếu chúng sanh nào nỗ lực tu tập thì nhất định trong tương lai vị ấy sẽ chứng ngộ đạo quả giải thoát như Ngài, nghĩa là ai cũng có thể thành Phật. Điều đó đã bác bỏ ý kiến cho rằng Phật là nhân vật phi thường, tuyệt trên cao còn chúng sanh là dưới thấp. Đức Phật đã khẳng định rằng ai rồi cũng sẽ đến quả vị tối thượng như Ngài.
Học đạo chúng ta phải hiểu từng mức độ tiến hóa, tức là bước dần từ thấp lên cao. Trong kinh Đại Bát Niết Bàn, Đức Phật nói chỉ khởi tâm muốn đi chùa là công đức vô lượng, giở từng bước chân đi đến chùa cũng là công đức. Nhiều người nói đi chùa nhưng đi chưa được là do chưa hội đủ duyên lành, phải mất thời gian khi nhân duyên hội đủ mới đi được; hoặc có những lúc trong tâm khởi ý niệm đi chùa nhưng vừa bước ra cửa thì có việc phải quay lại, đi nửa đường gặp bạn bè, bà con nhờ giúp vào việc gì đó nên cũng không đi được.
Cho nên, không thể nói muốn đi chùa, đi một lúc là đến nơi được. Muốn đi, đi được và chỉ đi với mục đích cầu vái thôi, cầu vái những điều thiện lành đến với ông bà, cha mẹ, anh em, chồng vợ, con cháu… là cũng vui mừng lắm, khi về lòng cảm thấy an ổn, nhẹ nhàng. Đó gọi là cầu phước, đầu năm hầu như tất cả mọi người ai cũng lo việc đó. Từ mùng Một tết cho đến rằm tháng giêng không đi chùa thì cảm thấy thiếu, đi chùa để cầu vái thì lòng cảm thấy an tâm. Có những Phật tử cho rằng năm nay tuổi mình gặp sao không tốt, chẳng hạn như sao La Hầu, Kế Đô… cho nên càng phải đi chùa nhiều hơn nữa để cầu nguyện. Đây gọi là cách đi chùa cầu phước thông thường của bá tánh có hướng tìm cầu các vị giáo chủ, các vị Phật thánh, thiên thần. Do vậy, với đề tài thuyết giảng này, nhà sư xin chia sẻ một vài ý pháp để các Phật tử được hiểu rõ việc đi chùa cầu phước như thế nào là đúng theo quan điểm của Phật giáo. Cầu những việc gì, ước nguyện những điều nào mà không trái lời Phật dạy, mang một ý nghĩa hướng thượng, thiết thực đúng với chánh pháp.
Trước khi nói ý nghĩa về phước qua hai bài kệ thơ, nhà sư xin đọc một vài đoạn trong bài kinh Tăng Chi Bộ, chương 8, phẩm Bố thí, phần Phước nghiệp sự. Có bao giờ, chúng ta tự hỏi tại sao trong đời có người nhiều phước báu thù thắng, có những người không cầu nhưng phước vẫn tìm, có người cầu mãi nhưng phước lại không đến?
Cây trồng lâu năm thì mặc nhiên có hoa, có quả. Tuy nhiên, có những cây có bông hoa trong năm đầu đậu lại thành hạt, có cây hoa thật nhiều nhưng chẳng đậu lại mà rụng xuống hết, hoặc đôi khi đậu lại năm ba trái; năm sau đậu nhiều hơn một chút. Phước sự gieo trồng qua việc tu tập cũng vậy, có người phước sống thiếu tạm cho là đủ, có người phước vừa đủ sống, có người phước dư thừa, của cải tài sản ngày càng thêm nhiều, đến khi chết đi người ấy vẫn để lại phúc đức cho con cháu trong gia đình và nhiều người khác được nương nhờ.
Các vị để ý nhà Nho có câu: “Thiên sanh nhơn, hà nhơn vô lộc; địa sanh thảo, hà thảo vô căn”, nghĩa là, trời sanh người, người sao vô lộc; đất sanh cỏ, cỏ nào không rễ. Qua đó cho chúng ta thấy rằng các bậc thánh nhân thấy rõ được sanh làm người thì nhất định có phước, nhưng phước ít, phước vừa, phước nhiều hay phước thật nhiều là tùy nhân duyên gieo trồng, tùy theo phước lực tu tập qua hạnh nguyện bố thí của mỗi người đã gieo trồng ở nhiều đời, nhiều kiếp. Trong hiện đời, nhìn xung quanh đời sống của mọi người ta sẽ thấy rất rõ điều này, có người cả đời không bao giờ biết làm phước; nhiều khi thấy ai nghèo khổ, bạn bè đến xin không cho thì sợ người chê cười, gièm pha nên cho nhưng trong lòng cảm thấy không vui.
Có người cho rằng làm phước thật là phiền và còn đảo ngược vấn đề không cho mà còn lấy cớ bảo vì những người này đời trước không tu nên bây giờ họ khổ, cứ để cho họ trả quả, bây giờ mình làm phước thì họ không tiêu nghiệp được. Bậc thiện tri thức hiểu rõ nghiệp nhân mỗi người tự gieo thì mỗi người tự gặt quả, tất cả đều có kết quả như bóng theo hình không sai chạy nên vị ấy vui lòng, hoan hỷ bố thí với tâm trong sạch không mong cầu. Xét cho cùng mỗi người đều có suy nghĩ, quan niệm sống khác nhau nhưng trọng tâm của vấn đề là nên làm phước hay không làm phước.
Các vị thấy có những loại trái cây chúng ta ăn ngon một cách lạ lùng, có người ăn trái xoài ngon đến mức cảm thấy ngọt từ ngoài vào trong hột. Việc bố thí cũng vậy, có người trước khi làm vị ấy sanh tâm hoan hỷ, trong khi làm sanh tâm ưa thích và sau khi làm xong tâm cảm thấy khinh an, nhẹ nhàng. Như vậy là chúng ta đã thành tựu việc thiện sự bố thí một cách rốt ráo.
Tình cờ, nhà sư đọc trong kinh Tăng Chi, thấy Đức Phật dạy có 3 phước nghiệp. Ba phước nghiệp này chỉ cần khéo suy nghiệm chúng ta sẽ biết rõ căn nguyên của việc làm phước. Nếu không khéo tư duy quán xét chúng ta rất dễ sanh tâm ganh tỵ, đố kỵ; một khi biết rồi thì sống rất nhẹ nhàng, sống một cách tự tại. Việc siêng đọc kinh, siêng học kinh có tác dụng lớn để chuyển hóa tâm xấu ác quấy nơi chính mình; nếu không có điều kiện đọc, học thì nên siêng nghe để từ đó ta có cách nhìn nhận rõ ràng. Do nghiệp thức vô minh che lấp bản tâm thanh tịnh nên con người thường ưa tự ngã, tự ái. Từ đó sanh ra bảo thủ, cố chấp, ưa thích nghĩ theo quan điểm của mình.
Hành động thiện của thân - khẩu - ý sẽ cho kết quả tốt, hành động xấu ác sẽ cho nhân quả khổ đau. Tích lũy nghiệp nhân như thế nào thì kết quả như thế đó. Tạo nhân thiện nhiều sẽ gặt kết quả phúc báu nhiều, tạo nhân thiện ít sẽ có kết quả ít. Thông thường, mỗi khi làm việc thiện tâm thường câu nệ trong mọi sở hành, nếu gặp được thiện tri thức nhắc nhở ta mới mau chịu làm việc phải, việc tốt; còn như thiếu may mắn thì chúng ta rất dễ rơi vào sự biếng nhác, không nỗ lực siêng năng. Thiếu sự quyết đoán, thường đắn đo suy nghĩ, ngăn mình, ngăn người làm việc phước là hành động của người ích kỷ chưa biết tu.
Tuy nhiên, có người biết sắp đặt mọi công việc, biết chia phần từng việc làm bố thí của mình cho từng cá nhân, từng thành viên từ cha mẹ, anh em trong gia đình cho đến bạn bè, đồng nghiệp ngoài xã hội. Việc làm này sẽ mang lại phước báu cho tự thân và lợi ích cho tha nhân rất nhiều.
Đức Phật dạy như sau: “Ở đây, này các Tỷ-kheo, có ba căn bản làm phước. Thế nào là ba? Căn bản làm phước do bố thí, căn bản làm phước do giới đức, căn bản làm phước do tu tập”.
Các vị nhớ kỹ ba điều này, người Phật tử là người học Phật, việc đi chùa cầu phước thông thường thì ai cũng biết và không bao giờ làm thiếu sót. Đến trước tượng Phật cầu vái mọi chuyện đã tính sẵn trong tâm, nhưng làm phước để hiểu đúng nghĩa, đúng chánh pháp cho hàng Phật tử hoặc Tăng Ni tu tập thì chúng ta phải học mới hiểu và biết được.
“Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người căn bản làm phước do bố thí trên một quy mô nhỏ, căn bản làm phước do giới đức trên một quy mô nhỏ, căn bản làm phước do tu tập một quy mô nhỏ. Người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh làm người không may mắn”.
Có người làm phước một ngàn đồng, hai ngàn đồng họ cảm thấy lớn rồi nhưng so với lời dạy trên thuộc quy mô nhỏ. Hoặc có người chỉ làm phước thôi chứ thân - khẩu - ý chưa hiền thiện, chưa được nhiếp phục, tam quy ngũ giới của người Phật tử tại gia họ chưa giữ trọn nên làm phước tâm ưa dùng dằng, tâm chấp chặt không cho những người chịu nhiều nghiệp tội mà giới đức không chịu giữ. Tăng Ni xuất gia và Phật tử tại gia tùy theo trình độ mà mỗi người tu tập sai khác, có người vừa giữ giới, vừa làm phước, vừa tu tập để chuyển hóa tâm. Làm phước mà không giữ giới thì mất vui, làm phước mà không tu tập thì đây là điều khuyết, phải nhìn ra điều khuyết đó để hoàn thiện bản thân trên bước đường tu tập.
Trải qua thời gian tu tập chúng ta sẽ nhận thấy sự khác biệt khi chúng ta mới tập tu, vào chùa một ngày tâm khác với lúc chưa vào, một tháng nó khác, một năm nó khác, đôi ba năm lại càng khác. Chúng ta phải làm sao càng tu tập lâu tâm càng được nhiếp phục, thọ trì giới pháp để chuyển hóa thân tâm từ buông lung giải đãi, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác trở thành hành động hiền, lời nói nhẹ nhàng, ý niệm trong sạch.
Là người đệ tử Phật, muốn hiểu giáo pháp và thực hành đúng thì phải học kinh. Học và hiểu đến đâu là tùy theo lực của mỗi người giống như trường đại học vậy, ai vào học theo kịp thì học hoài, học đến lúc thành tài, còn ai học không nổi bắt buộc phải nghỉ đó là quyền của mình. Điều này Đức Phật cũng dạy rõ, hạnh phúc hay khổ đau do ta quyết định, chính ta chọn lựa con đường tái sinh của chính mình chứ không phải ai khác, không phải một vị thần thánh nào lựa chọn thay ta.
“Làm phước trên quy mô nhỏ, tu tập giữ giới trên quy mô nhỏ, tu tập trên quy mô nhỏ người ấy sau khi thân hoại mạng chung được sanh làm người nhưng không may mắn”.
Đức Phật dạy rất tường tận, có người nghèo không may mắn nhưng cũng có người nghèo may mắn; có người khá không may mắn và lại cũng có người khá mà may mắn, chứ không phải may mắn là điều ai cũng gặp. Xuất gia làm Tăng Ni cũng vậy, có vị cả đời nhọc nhằn chứ không phải chỉ trước kia mới nhọc nhằn; hoặc có vị nhọc nhằn trong một thời gian ngắn đến thời điểm thích hợp nỗi nhọc nhằn đó sẽ biến mất.
Có lần nhà sư đọc câu chuyện đệ tử của ngài Xá Lợi Phất từ lúc sanh ra đến lúc mất đi đều không may mắn, không có ngày nào được ăn no đủ. Bà mẹ mới thọ thai thì cả làng đều mất mùa dẫn đến nạn đói xảy ra. Mọi người trong làng muốn biết rõ nguyên nhân nên mới tách dân làng ra làm hai, nửa làng nào có bà mẹ đó thọ thai thì cũng gặp nạn đói, những gia đình nào được tách khỏi nơi người mẹ đang mang thai đứa bé ấy thì đều làm ăn được mùa. Họ tách dần đến khi chỉ còn hai gia đình cuối cùng có đứa bé này cùng chung sống thì cả làng biết chắc nguyên nhân xảy ra nạn đói là do đứa bé trong bào thai của người mẹ này. Đến khi sinh ra ngài thì gia đình ngài vẫn nghèo đói, người cha thấy không thể tiếp tục cuộc sống đói nghèo như vậy nên quyết định từ bỏ gia đình, người mẹ vì quá thương con nên không đành bỏ, chấp nhận chịu khổ để nuôi ngài. Năm ngài lên 4 tuổi thì người mẹ cũng không thể tiếp tục cuộc sống như vậy và quyết định bỏ rơi ngài. Thấy hoàn cảnh đáng thương, ngài Xá Lợi Phất đem về nuôi và nhận làm đệ tử.
Đến khi tu chứng quả A-la-hán, vị Tỳ-kheo nầy vẫn bị đói. Thầy đi khất thực cả xóm không ai cúng. Nhiều lần liên tục như vậy khiến Thầy phải nhịn đói. Ngài Xá Lợi Phất thấy thương quá, bèn bảo: “Để ta khất thực đem về cho”. Khi Tôn giả khất thực về, sớt cơm qua bát của Thầy. Vì đói quá, tay Thầy run rẩy làm đổ bát cơm đi, nên cũng không ăn được. Phật nói nguyên nhân đời trước Thầy đã mấy lần ngăn không cho người ta cúng dường chúng Tăng, nên bây giờ bị quả báo như thế. Đó là vì thầy Tỳ kheo này không gieo duyên để người cúng dường, nên bây giờ không được cúng dường, dù Thầy đã chứng quả nhưng vẫn đói như thường.
Các Phật tử nên biết, nghiệp lực có sức chi phối đời sống của chúng sanh rất lớn. Do vậy nếu thấy ai không chịu nỗ lực tu tập chúng ta đừng chỉ trích, nhìn lỗi của họ phải lấy đó làm bài học để nhắc nhở bản thân, chứ không nên nói gièm pha sẽ sanh ra nghiệp. Tưởng nói là điều tốt nhưng thật ra vô tình tạo nghiệp cho chính bản thân vì Đức Phật đã dạy rõ có nhân là có quả. Các vị phải nhớ thật kỹ điều này, nó rất dễ nhớ nhưng mà sao có nhiều Phật tử lại hay quên, thấy ai tu không đúng pháp lập tức xầm xì to nhỏ mà bản thân mình không được lợi ích gì.
Các vị thấy có người trúng số mình nói tới, nói lui người ta cũng đâu có chia cho mình đồng nào, huống gì người xấu quấy nói không có tác dụng gì cả, người tu đúng mặc dù có khen tặng đi nữa mà ta không biết tự tu thì cũng đâu được lợi ích như họ. Người Phật tử là phải ngộ ra chuyện này, nếu không thì rất dễ bị bệnh nghiệp chi phối, tu mà không biết giữ cái phước cứ để nó bị mai một thì rất tiếc.
Trước khi sống trong đạo, nhìn đời ta thấy có người luôn gặp chuyện may, có người gặp những điều bất như ý đến với mình. Câu kinh sau đây sẽ làm sáng tỏ điều đó:
“Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người căn bản làm phước do bố thí trên một quy mô vừa, căn bản làm phước do giới đức trên một quy mô vừa, không đạt được căn bản làm phước do tu tập. Người ấy, sau khi thân hoại mạng chung được sanh làm người có may mắn”.
Nhà sư vừa đọc cho các Phật tử nghe, vừa thấy nơi mình một chuyện, như sáng nay đi giảng mà quên mang theo kiếng. Chỉ một việc nhỏ như vậy nhưng cũng có kết quả của nó, mọi hành động của bản thân ta phải chịu trách nhiệm với chính nó. Nhiều chuyện trong đời của mình là vậy, vạn sự trên cuộc đời này đều có nhân – duyên – nghiệp quả hết. Không phải muốn là được nhưng chúng ta lại ưa thích làm theo tự ngã. Tu như vậy rất khó thấy đạo, cứ đi sai đường thì làm sao đến nơi cửa đạo như mình mong muốn. Đi phải đi đúng đường, tu cũng vậy phải tu cho đúng cách, đây là điều hết sức quan trọng. Lúc đầu, bố thí trên quy mô nhỏ, giới đức nhỏ, tu tập ít thì cuộc sống thiếu may mắn; còn ở đây bố thí làm phước trên quy mô vừa, giới đức trên quy mô vừa, nhưng tu tập ít cũng không được.nguoiphattu.com
Có người biết làm phước nhưng đắn đo từ ít đến vừa và đến nhiều, cũng có người làm phước nhưng không chịu giữ giới còn bây giờ đến giai đoạn này làm phước vừa vừa, có giữ giới vừa vừa và tu tập cũng vừa phải. Một vài Phật tử thọ Tam quy trì Ngũ giới nhưng hỏi pháp danh lại không nhớ, hoặc có người nhớ pháp danh nhưng hỏi quy y khi nào cũng không nhớ. Đọc kinh mới thấy rõ và giật mình vì lời Phật dạy quá rõ ràng, tất cả đều có nhân quả. Tiến trình tu tập phải trải qua nhiều giai đoạn, nhiều nấc thang từ làm phước nhỏ, giữ giới ít, tu tập ít đến làm phước vừa, giữ giới vừa, không tu tập…
Hãy bình tâm nhìn đời, tu không có việc gì phải gấp, nhân nào quả nấy không ai có thể thêm bớt được. Ở đời, đôi khi chúng ta cầu cạnh các vị có thần thánh có uy lực để được điều này điều kia chứ ở trong đạo thì nhân quả là không thể cầu cạnh được, kể cả cầu xin Phật, Bồ tát, các vị chư Thiên. Ai tu tập bao nhiêu sẽ hưởng phước bấy nhiêu; làm phước và giữ giới vừa vừa sẽ có phước nhưng phước đó không nhiều. Sau đó, mỗi đoạn kinh nâng tiến trình tu tập thêm một bước đến khi sống trong đời gặp nhiều sanh thiện, nhiều khả hỷ, khả ái khi thân hoại mạng chung được sanh ở cõi trời hưởng tuổi thọ, dung sắc, an lạc, danh tiếng của chư Thiên… là lâu lắm.
Trọng tâm của vấn đề cầu phước, nhà sư muốn nhấn mạnh đó là bài kinh Cội phước trong kinh Tăng chi như sau:
Do sự có mặt của ba pháp, này các Tỷ-kheo, một thiện nam tử có lòng tin tạo ra nhiều phước. Thế nào là ba ?
Do sự có mặt của lòng tin, này các Tỷ-kheo, một thiện nam tử có lòng tin tạo ra nhiều phước. Do sự có mặt của vật bố thí, này các Tỷ-kheo, một thiện nam tử có lòng tin tạo ra nhiều phước. Do sự có mặt của các vị xứng đáng được cúng dường, này các Tỷ-kheo, một thiện nam tử có lòng tin tạo ra nhiều phước.
Do sự có mặt của ba pháp này, này các Tỷ-kheo, một thiện nam tử có lòng tin tạo ra nhiều phước.
Có lòng tin tạo ra nhiều phước là cái vốn có của mỗi người chứ không phải san sẻ cho ai được. Thiện nam tử là người thích tu học, thọ trì giới pháp, có tâm từ bi hỷ xả, thấy rõ nhân quả tội phước, sống đúng chánh đạo. Do vậy, thiện nam tử bao gồm cả thiện nữ nhơn. Người nữ nào có những đức tính như vậy được gọi là thiện nam tử, còn người nam mà tâm tánh ích kỷ nhỏ nhen dù có gọi là thiện nam tử thì họ cũng không nhận ra do tâm còn mắc kẹt nhỏ hẹp. Khi sanh tử đến, thân này sẽ trở về cát bụi, trở về với tứ đại đất, nước, lửa, gió đâu còn có sự phân biệt là nam hay nữ.nguoiphattu.com Muốn tạo ra nhiều phước đòi hỏi người Phật tử trước hết phải có lòng tin chân chánh, tức là có tấm lòng tốt biết chia sẻ với những người thiếu thốn. Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng nữa là phải có vật bố thí. Điều kiện này không phải ai cũng được, phải có phước duyên mới hội đủ. Có tấm lòng bố thí đã khó, huống chi người có tấm lòng bố thí mà còn có vật bố thí lại còn khó hơn. Người sinh ra có phước ngay từ nhỏ đã được ông bà, cha mẹ, anh chị thương yêu, vật chất không thiếu thốn nhưng cũng có người ngay từ bé đã sống thiếu thốn tình cảm, thiếu sự quan tâm chăm sóc, lo lắng từ vật chất đến tinh thần của cha mẹ và những người thân trong gia đình. Người có phước mới hội đủ hai điều kiện trên.
Sau cùng, một thiện nam tử có lòng tin tạo ra nhiều phước do sự có mặt của những vị xứng đáng được cúng dường. Điều này dễ thấy, có những người bạn mình muốn mời ăn nhưng có những bạn ta đâu muốn mời có phải chăng là do mình thiếu duyên với người đó và người đó thiếu phước để nhận lãnh từ nơi mình dù đó là vật nhỏ.
Phật tử cũng vậy, gặp một vị Tăng, vị Ni, một vị thiện hữu tri thức nào mình mến, kính trọng liền dâng cúng, biếu tặng một vật nào đó mà mình có cũng là cái duyên của mình với vị ấy và bản thân vị ấy phải có giới đức mới đáng thọ nhận, chiêu cảm sự cúng dường, biếu tặng của mình. Lòng tin, vật bố thí và người xứng đáng được thọ nhận vật bố thí đó là ba nguồn cội phước của con người. Cội phước này không phải ai cũng hội đủ phải do tu tập, trì giới và bố thí cúng dường đúng pháp mới thành tựu được.
Bài kinh “Bốn nguồn sanh phước” trong Kinh Tăng chi, quyển I, chương 4, phẩm Nguồn Sanh Phước sẽ cho chúng ta thấy rõ về phước do đâu mà có, do đâu mà thành tựu:
Này các Tỷ-kheo, có bốn nguồn sanh phước, nguồn sanh thiện... hạnh phúc, an lạc. Thế nào là bốn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu với lòng tịnh tín bất động đối với Phật; bậc Thế Tôn ấy là bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn... Này các Tỷ-kheo, đây là nguồn sanh phước, nguồn sanh thiện thứ nhất... hạnh phúc an lạc.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu với lòng tịnh tín bất động đối với Pháp, Pháp được Thế Tôn khéo nói, thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu. Này các Tỷ-kheo, đây là nguồn sanh phước, nguồn sanh thiện thứ hai... hạnh phúc, an lạc.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu với lòng tịnh tín bất động đối với chúng Tăng, Thiện hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn. Trực hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn. Ưng lý hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn. Chánh hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn. Tức là bốn đôi tám vị. Chúng đệ tử này của Thế Tôn đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được đảnh lễ, đáng được chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời. Này các Tỷ-kheo, đây là nguồn sanh phước, nguồn sanh thiện thứ ba... hạnh phúc, an lạc.nguoiphattu.com Phải tu tập nhiều đời mới thành tựu phước báu. Một khi đã thành tựu, phước tự nhiên phát sanh, do sự tích lũy phước từ nhiều đời nên đời này mặc dù ta không mong cầu nhưng phước vẫn đến và đến một cách đúng lúc, hợp thời, hợp lý. Tăng Ni, Phật tử và người đời nếu tích lũy được thiện sự sẽ thành tựu phước báu. Nhiều Phật tử biết khóa tu kỳ này có bài pháp thoại mang chủ đề “Đi chùa cầu phước” nên mới bảo nhau cùng nghe để hiểu đi chùa cầu cái gì, cầu như thế nào để được phước nhưng thật ra nguồn phước này mình đã có rồi và được rồi. Điều quan trọng là Phật tử nên xem lại mức độ được phước của mình nhiều hay ít giống như ở đời nhà nào cũng có tiền nhưng nhiều hay ít mới là điều đáng nói.
Do vậy, niềm tin bất động nơi Đức Thế Tôn các Phật tử hãy nên xem lại là nhiều hay ít, có khi quy y rồi nhưng lại không nhớ đến Phật, không nhớ Pháp, không nhớ đến Tăng bảo. Niềm tin tịnh tín của mình đối với Phật chưa được vun đắp, chưa được nuôi dưỡng mỗi ngày, mà đôi khi quy y Phật trải qua thời gian từ mười năm, hai mươi năm bị lãng quên, làm đệ tử Phật lại không nhớ đến Phật.
Các vị thấy có khi nào cây trồng được ba tháng mà không thấy nó lớn, phát triển hơn so với lúc mới trồng hoặc mua một cây nào đó về trồng sau ba tháng thấy nhỏ hơn lúc mới mua về. Chuyện như vậy ở đời không xảy ra nhưng tâm tu của chúng ta vô tình lại mắc phải trường hợp này. Có người quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng từ ba năm, năm năm, bảy năm, mười năm, hai mươi năm rồi, thường xuyên đi chùa nghe kinh học pháp nhiều rồi nhưng tham sân si vẫn còn nguyên, có khi tâm bồ đề còn bị thối chuyển gặp chuyện không vừa ý liền nổi sân, vẫn còn tham lam, ích kỷ.
Việc tu tập cũng giống như trồng cây, cây được nuôi dưỡng và phát triển bởi phân bón, sự chăm sóc, tưới tiêu của người trồng; đệ tử Phật cũng thế phải biết nuôi dưỡng thân tâm bằng chất liệu của pháp bảo, nhờ pháp bảo soi rọi tâm thức giúp chuyển hóa tâm tham sân si thành chất liệu từ bi hỷ xả thương yêu cuộc đời. Pháp bảo chính là lời dạy của Đức Phật được ví như là thuốc diệu dược để trị tâm bệnh của chúng sanh, là con đường hướng thượng giúp chúng sanh chuyển mê khai ngộ, chuyển hóa nghiệp chướng, đoạn tận phiền não khổ đau.
Mặt khác, Phật tử cần nên tinh tấn phát khởi niềm tin nơi Tăng bảo vì Đức Phật dạy đây là bậc đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được đảnh lễ, đáng được chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời. Tăng bảo là vị “tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự” tức là thay mặt Phật làm việc Phật, thay Đức Phật tuyên dương chánh pháp để chúng sanh tiếp nhận được hương vị an lạc, giải thoát trong cuộc đời.
Chúng ta chuyên cần phát khởi niềm tin tịnh tín nơi Đức Phật khi đã quy y Ngài, trở thành đệ tử của Ngài, là đệ tử của một bậc chánh giác, bậc lưỡng túc tôn viên mãn hai phần phước đức và trí tuệ. Cho nên, tu là phải tiến, mà tiến ở đây được Đức Phật dạy là phải tu tập phước. Nguồn phước này không ở đâu xa, người tu rất dễ tìm thấy đó là niềm tin khi quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng và trưởng dưỡng niềm tin chân chánh bất động ấy suốt đời không thoái chuyển. Một khi tin, chúng ta sẽ tu tập và hành trì theo lời Phật dạy sẽ mang lại lợi ích cho tự thân ngay kiếp này và những kiếp về sau. Tịnh tín bất động nơi Phật Pháp Tăng là tin rằng giáo pháp từ mấy ngàn năm đến nay vẫn không xê dịch nhờ có các vị thánh tăng, chơn tăng, hiền tăng gìn giữ. Phật pháp lưu trụ nơi những người tu hành chân chánh nếu được vậy sẽ có nguồn phước và nâng tâm lực tịnh tín bất động với Tam bảo.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu với những giới được bậc Thánh ái kính, không bị phá hoại, không bị bể vụn, không bị điểm chấm, không bị uế nhiễm, đưa đến giải thoát, được người trí tán thán, không bị chấp thủ, đưa đến Thiền định. Này các Tỷ-kheo, đây là nguồn sanh phước, nguồn sanh thiện thứ tư... hạnh phúc, an lạc.
Đối với người Phật tử thành tựu giới tức là thọ Tam quy Ngũ giới, giữ Bát quan trai giới; chư Tăng Ni thì có Sa di giới, Cụ túc giới. Quy y rồi, giữ giới rồi thì chúng ta phải tin, tu tập hành trì một cách trọn vẹn. Tin giới có công năng bảo vệ mình không gây tạo những điều tội lỗi trở nên trong sạch, thánh thiện.
Người giữ giới như trong kinh Phật dạy được các bậc thánh ái kính, không bị phá hoại, không bị bể vụn, không bị điểm chấm, không bị uế nhiễm, đưa đến giải thoát, được người trí tán thán, không bị chấp thủ, đưa đến Thiền định. Thành tựu giới sẽ là nhân đưa đến định và tuệ, khi ấy chúng ta sẽ không còn vô minh, không còn bị trói buộc bởi phiền não, tham ái… tâm được giải thoát. Đây là nguồn sanh phước thứ tư.
Này các Tỷ-kheo, bốn nguồn sanh phước, nguồn sanh thiện này, đem lại an lạc, thuộc Thiên giới, là quả lạc dị thục, dẫn đến cõi Trời, đưa đến khả lạc, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc.
Ai tin tưởng Như Lai,
Bất động, khéo an trú,
Ai tin giới, hiền thiện,
Bậc Thánh khen, mến chuộng.
Ai tịnh tín chúng Tăng,
Với cái nhìn chánh trực,
Người ấy được họ gọi,
Không phải là người nghèo.
Ðời sống người như vậy,
Không phải đời trống rỗng,
Do vậy tín và giới,
Tịnh tín và thắng pháp,
Bậc trí chú tâm niệm,
Lời dạy của chư Phật.
Kế tiếp, bài kinh Nguồn nước công đức, được trích từ Tăng Chi Bộ, quyển 3, chương 8, phẩm Bố thí; Đức Phật dạy có 8 nguồn nước công đức và một lần nữa Ngài khẳng định quy y Phật, quy y Pháp và quy y Tăng là một trong ba nguồn công đức đầu tiên của người Phật tử.
Này các Tỷ-kheo, có tám nguồn nước công đức này, là nguồn nước thiện, món ăn cho an lạc làm nhơn sanh Thiên, quả dị thục an lạc, đưa đến cõi trời, dẫn đến khả ái, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc. Thế nào là tám ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử quy y Phật. Này các Tỷ-kheo, đây là nguồn nước công đức thứ nhất, là nguồn nước thiện… hạnh phúc, an lạc.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử quy y Pháp. Này các Tỷ-kheo, đây là nguồn nước công đức thứ hai, là nguồn nước thiện… hạnh phúc, an lạc.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử quy y Tăng. Này các Tỷ-kheo, đây là nguồn nước công đức thứ ba, là nguồn nước thiện… hạnh phúc, an lạc.
Chúng ta có sẵn nguồn phước, rồi còn việc nhận ra không là do mình. Bây giờ phải nhìn nhận cho thật rõ con đường mình đã đi và cái phước mình đang có; điều này trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật đã dạy viên ngọc như ý nằm ở trong chéo áo chứ không phải ở đâu xa chỉ cần quay lại nhìn là sẽ thấy; các thiền sư thì chỉ rằng tâm Phật nằm ở ngay nơi mình chứ không phải tìm ở nơi đâu. Do vậy, các Phật tử hãy ráng nhớ điều này.
Một số Phật tử hỏi nhà sư làm sao nhận ra điều này để hưởng phước? Đơn giản mỗi lần các vị làm điều gì tâm hãy nhớ rằng mình là Phật tử đã quy y Phật rồi, tin giáo pháp Đức Phật, tin Tăng bảo, tin nhân, tin quả vậy thì phải tự hỏi và nhắc nhở mỗi hành động, mỗi lời nói, mỗi ý niệm của bản thân có giống Phật, có giống lời dạy của Phật và có giống các bậc Thánh tăng đã làm hay không?
Một khi các vị có suy nghĩ như vậy nên mỗi lần ý niệm hành động phát khởi ta biết cái gì hiền thiện, phải tốt là giống Phật, giống Pháp, giống Tăng thì mình làm; còn những gì xấu ác quấy thì nhất định biết chắc rằng Phật không làm, pháp Phật không có dạy, các bậc Thánh tăng, chơn tăng, hiền tăng không có làm nên mình cũng không được làm. Biết như vậy tức là chúng ta đã khai phá được nguồn phước nơi tự thân.
Ví như trong quả địa cầu có những quặng sắt, vàng, dầu mỏ… có người ngay trong nhà có nhưng có người không thấy, không biết cũng giống như bị ngăn che. Do vậy các Phật tử nhớ nguồn phước Đức Phật dạy ở đây là quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Mỗi lần biết dừng lại, tự soi sáng chính mình là các Phật tử đã khai phát được nguồn công đức của mình.
Cũng trong bài kinh này, Đức Phật cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ năm giới sẽ mang lại phước báu cho những ai muốn hướng đến con đường hướng thượng:
Này các Tỷ-kheo, có năm bố thí này, là đại bố thí, được biết là tối sơ, được biết là lâu ngày, được biết là truyền thống cổ xưa, trước không tạp loạn, hiện tại không tạp loạn, tương lai không tạp loạn, không bị những Sa-môn, những Bà-la-môn có trí khinh thường. Thế nào là năm?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử đoạn tận sát sanh. Này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử từ bỏ sát sanh, đem cho không sợ hãi cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hận thù cho vô lượng chúng sanh, đem không hại cho vô lượng chúng sanh; sau khi cho vô lượng chúng sanh, không sợ hãi, không hận thù, không hại, vị ấy sẽ được san sẻ vô lượng không sợ hãi, không hận thù, không hại.
Này các Tỷ-kheo, đây là bố thí thứ nhất, là đại bố thí, được biết là tối sơ, được biết là lâu ngày… không bị những Sa-môn, những Bà-la-môn có trí khinh thường. Này các Tỷ-kheo, đây là nguồn nước công đức thứ tư, là nguồn nước thiện… dẫn đến khả ái, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử đoạn tận lấy của không cho, từ bỏ lấy của không cho… đoạn tận tà hạnh trong các dục, từ bỏ tà hạnh trong các dục… đoạn tận nói láo, từ bỏ nói láo… đoạn tận đắm say rượu men, rượu nấu, đem cho không sợ hãi cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hận thù cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hại cho vô lượng chúng sanh; sau khi cho vô lượng chúng sanh, không sợ hãi, không hận thù, không hại, vị ấy sẽ được san sẻ vô lượng không sợ hãi, không hận thù, không hại.
Này các Tỷ-kheo, đây là bố thí thứ năm, là đại bố thí, được biết là tối sơ, được biết là lâu ngày… không bị những Sa-môn, những Bà-la-môn có trí khinh thường.
Này các Tỷ-kheo, đây là nguồn nước công đức thứ năm, là nguồn nước thiện… dẫn đến khả ái, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc.
Trước kia, hiện nay và về sau đây là năm công đức cổ xưa mà chúng ta làm được gọi là bố thí, làm tốt hơn gọi là đại bố thí. Lâu nay các vị quy y Tam bảo, giữ Ngũ giới mà giới thứ nhất Phật dạy không sát sanh rồi các vị đọc và cho rằng mình đã thọ giới nhưng các vị biết ý nghĩa lớn và sâu xa của việc không sát sanh là công đức vô lượng. Chỉ cần giữ nghiệp không sát sanh, rồi đoạn tận nghiệp không sát sanh đem cho không sợ hãi cho vô lượng chúng sanh.
Ngay từ nhỏ mỗi lần có làm điều gì sai, người mẹ cầm roi đánh để dạy dỗ chúng ta hay là cha chúng ta đánh nhưng không đánh bằng tay, dùng roi mây kêu nằm xuống khi đó ta cứ ngó chừng hoài, năn nỉ ba mẹ đánh nhẹ nhẹ vì nếu đánh mạnh thì ta cảm thấy rất đau đớn. Nhiều khi cha mẹ vừa rầy vừa dùng tay đánh là mình cũng sợ hãi.
Từ đó, chúng ta thử hình dung nếu con kiến, con thằn lằn, rồi con chuột cho đến con gà, con vịt… mà nó thấy mình cầm cây, cầm dao chuẩn bị đập, bắt giết là nó sợ lắm. Cho nên nghiệp sát sanh làm cho chúng sanh sợ hãi, ghê gớm lắm, vì vậy từ bỏ nghiệp sát sanh là mình bố thí cho chúng sanh vô lượng sự không sợ hãi đây là công đức đặc biệt lắm và cũng là nguồn phước mà nếu không tu chúng ta sẽ không thấy. Chứ không phải các Phật tử cứ vào chùa rồi cầu vái suông là được. Cầu phước báu mà không tu tập thì làm sao nó phát sanh, cầu vái mãi không thấy đến nhưng nếu giữ giới cho thật tốt là nguồn công đức vô lượng. Phật tử nhận ra điều này thì mới gọi là người tu thật sự.
Chính vì thế nên nói, tu là dễ nhưng lại khó là ở chỗ đó, quan trọng là có thấy cách để tu hay không thôi, có thấy pháp để tu không? Nếu không thấy thì những việc trước mắt bỗng trở nên mờ mịt giống như trong nhà có hũ vàng mà không biết cách đào lên để sử dụng. Người cư sĩ tại gia Quy y Tam Bảo, thọ trì Ngũ Giới là nền tảng tạo phước ở đời
Đem cho không hận thù cho vô lượng chúng sanh, giả sử bạn bè đi học mà vô cớ đón đường đánh thì mình tức lắm, mai rủ nhóm bạn khác trả thù, đánh đập lại. Như vậy, các Phật tử thấy oan gia xuất hiện từ đây. Nếu gây thương tích thì hận thù sẽ tăng lên, còn nếu gây án mạng thì hận thù còn tăng lên rất nhiều. Cho nên, có người nguyện sống để dạ, chết mang theo đời sau trả oán.
Từ bỏ việc sát sanh, từ bỏ không giết hại là mình ban cho chúng sanh sự không sợ hãi và xóa đi oan gia hận thù trong nhiều đời nhiều kiếp. Lòng oán hận của chúng sanh làm sao chúng ta biết và hiểu tường tận? Oan gia thù hận trong nghiệp sát xảy ra nhiều chuyện, sự oán hận đó là nhân dắt dẫn đời sau để chúng ta tìm gặp và gây đau khổ cho nhau. Mỗi Phật tử phải tự quán xét để thấy rõ, từ đó sẽ chấm dứt, đoạn tận nghiệp sát, đoạn tận nghiệp gây sợ hãi cho người thì công đức và phước báu sẽ theo đó mà phát sanh.
Giới thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm trong Ngũ giới của người Phật tử nếu được giữ gìn trọn vẹn sẽ mang lại nguồn phước thù thắng. Khi các vị mất tài sản hay mất thứ gì quan trọng thì ngay lập tức chúng ta buồn, đau khổ và sợ hãi. Từ bỏ nghiệp không trộm cắp chúng ta sẽ tạo nghiệp thân thiện với chúng sanh. Giới thứ ba không tà dâm, không ngoại tình cũng vậy, vợ chồng người đang yêu thương nhau tự nhiên chúng ta chen vào làm đổ vỡ hạnh phúc gia đình họ mà bảo là không tạo tội hay sao? Giới thứ tư không nói dối, người ta có lòng tin nên mới nghe theo mình nhưng ta lại lợi dụng sự tin tưởng đó để gạt người, hại người, gây khổ đau cho người thì đấy là ta đã gieo nhân không tốt thì tức nhiên sớm muộn gì cũng gặt quả xấu. Giới thứ năm không uống rượu cũng vậy nếu giữ giới này trọn vẹn sẽ thành tựu được nguồn phước thứ năm.
Năm giới này, các vị quán xét cho kỹ sẽ thấy đây là nguồn phước nếu tránh được bao nhiêu tội lỗi, bao nhiêu oan gia thù hận mà bố thí cho chúng sanh sự an lạc, sự sống bình yên, sự yên lành trong tài sản, sự yên lành trong hạnh phúc thì đây gọi là đại bố thí.
Ông bà ta thường nói người sống hơn đống vàng, nếu mình giết người ta chết là đem đống vàng đổ sông, đổ biển hết rồi. Vì vậy, nếu giữ năm giới cho thật tốt không những được gọi là bố thí mà còn được gọi là đại bố thí vì đây là cách bố thí rộng lớn, cách bố thí thù thắng lớn hơn tiền bạc, tài sản mà các vị đem cho chúng sanh. Chính vì thế mà Đức Phật gọi đây là năm nguồn sanh phước của người Phật tử tại gia.
Một ý pháp nữa mà nhà sư muốn gởi đến các Phật tử là chúng ta đi chùa tụng kinh, lễ Phật, nghe pháp thì nhất định được phước. Bài kinh sau đây được trích trong kinh Tăng Nhất A Hàm, tập 2, phẩm Thiện Tụ sẽ chỉ rõ điều này:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
Phụng sự, lễ Phật có năm công đức. Thế nào là năm? Ðoan chính; tiếng tốt; nhiều tiền lắm của; sanh dưỡng trong nhà trưởng giả; chết sanh cõi lành, lên trời. Vì sao thế? Như Lai không ai sánh bằng. Như Lai có tín, có giới, có văn, có tuệ, có sắc lành thành tựu nên thành tựu năm công đức.
Các vị đi đường hay vào chùa có khi ngạc nhiên nhìn thấy vị Tăng, vị Ni, vị thiện nam hay vị tín nữ thân hình đoan chánh, đầu, mắt, tay, chân… sao đẹp quá! mà trong kinh gọi là 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp. Tiếng tốt tức là giọng nói êm dịu, mát mẻ dễ gây thiện cảm với người, nhiều tiền lắm của, sanh trong gia đình giàu có, thân hoại mạng chung được sanh thiên. Tất cả đều là phước báu do sự lễ Phật.
Lại do nhân duyên gì lễ Phật được tướng đoan chánh? Vì thấy hình tượng Phật rồi phát tâm hoan hỷ. Do nhân duyên này được đoan chánh.
Muốn có thân hình đoan chánh là điều không khó chỉ cần chúng ta siêng lễ Phật, quán tướng tốt của Phật đặng mình nương pháp quán đó tu tập chuyển hóa tâm tánh phàm phu nơi chính mình. Từ chúng sanh muốn tu giải thoát để thành Phật là rất khó nhưng khi thấy tướng Phật trang nghiêm, ngày đêm mong cầu nên cố gắng tập tu để được phước tướng như vậy thì chúng ta thích làm. Mỗi lần muốn gây với ai, nhăn nhó với ai thì chúng ta phải tự nhắc nhở rằng mình tu theo Phật, muốn được tướng tốt như Phật thì không được nóng nảy sân si, tướng giận dữ, mắng chửi đó là tướng của A tu la ác thần. Do vậy, nếu chiêu cảm tướng xấu thì đời sau nhất định tướng xấu đó ta sẽ thọ lãnh bởi vì tâm ta tương ưng với cái xấu.
Lại do nhân duyên gì có âm thanh tốt? Vì thấy hình tượng Như Lai rồi, ba lần xưng danh hiệu: Nam-mô Như Lai Chí Chân Ðẳng Chánh Giác. Do nhân duyên này được âm thanh tốt.
Các vị Tổ dạy mình lạy Phật rồi niệm Phật để được phước tướng và âm thanh tốt. Các vị thấy ca sĩ nào có tướng tốt và âm thanh tốt thì đi đâu cũng được nhiều người yêu thích, mến mộ và muốn nghe hát. Có người dù chưa gặp mặt nhưng nghe tiếng tốt của người ấy thì ta cũng mến rồi.
Lại do nhân duyên gì được lắm tiền nhiều của? Do họ thấy Như Lai mà bố thí lớn: rải hoa, đốt đèn và thí những vật khác. Do nhân duyên này được giàu có.
Có những người không muốn tu, không muốn tạo phước chẳng hạn như bà Mạt Lợi phu nhân thấy Đức Phật thân tướng đoan chánh nên tâm hoan hỷ liền phát khỏi tâm cúng dường đến Phật. Nhiều Phật tử ban đầu đâu muốn đi chùa nhưng khi thấy tượng Phật Bổn Sư, tượng Bồ tát Quán Thế Âm liền quỳ lạy và nhìn thấy thân tướng trang nghiêm tốt đẹp quá. Những lần sau đến đảnh lễ phát tâm cúng dường bông hoa, trái cây đến Phật, Bồ tát mặc dù biết cúng thì Phật, Bồ tát đâu có dùng; nhưng lòng cảm thấy vui, cảm thấy hoan hỷ khi cúng dường.
Nhờ thấy tướng đẹp của Như Lai nên phát tâm cúng dường thể hiện tấm lòng tôn kính của mình, từ nhân bố thí cúng dường đó sẽ sanh ra phước. Không những thế, cúng dường Như Lai lòng mình cảm thấy vui vẻ, an lạc nên từ đó cũng hoan hỷ giúp đỡ và bố thí cho kẻ khác cho nên gọi đó là nguồn sanh phước.
Lại do nhân duyên gì sanh nhà trưởng giả? Nếu thấy thân Như Lai rồi, tâm không dính mắc, gối phải chấm đất, quỳ thẳng chắp tay chí tâm lễ Phật. Do nhân duyên này sanh nhà trưởng giả.
Nhiều người ở đời đâu chịu phục ai nhưng khi thấy thân tướng Như Lai, Bồ tát đẹp nên sẵn sàng đảnh lễ một cách hoan hỷ. Các vị thấy, những bậc vua quan thường sống cao sang ở vị trí của họ nhưng khi đến chùa là họ muốn lạy Phật, hạ thấp tự ngã xuống.
Lại do nhân duyên gì khi chết sanh cõi lành, lên trời? Theo phép thường của chư Phật, Thế Tôn: Có các chúng sanh đem năm việc nhân duyên lễ Như Lai sẽ sanh cõi lành, lên trời.
Lễ Phật, cúng dường Phật, tưởng nhớ oai đức của Phật, thành kính trước bảo tượng Phật là nguồn sanh phước.
Ðó là, Tỳ-kheo! Có năm nhân duyên lễ Phật được công đức. Thế nên, các Tỳ-kheo! Nếu có thiện nam, tín nữ muốn lễ Phật, nên tìm phương tiện thành tựu năm công đức này. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này.
Sau cùng, nhà sư xin đọc cho các vị nghe về ba phước nghiệp trong kinh Tăng Nhất A Hàm tập 2, phẩm Tam bảo, Đức Phật có dạy như sau:
Có ba phước nghiệp này. Thế nào là ba? Bố thí là phước nghiệp, bình đẳng là phước nghiệp, tư duy là phước nghiệp.
Là Phật tử rồi thì quanh năm bố thí, lúc có tiền nhiều thì bố thí nhiều, khi có tiền ít thì bố thí ít hoặc không có tiền thì mình giới thiệu cho người khác bố thí. Cách làm này tạo ra phước nghiệp, bố thí bằng công sức của mình. Bình đẳng là phước nghiệp tức là sống bình đẳng với mọi người không có sự phân biệt cao sang, thấp, hèn nên tâm lúc nào cũng từ bi hỷ xả nên phước cũng theo đó mà phát sanh. Mặt khác, tư duy suy nghĩ về điều thiện lành như tư duy suy nghĩ về việc bố thí cúng dưỡng, giúp đỡ những người nghèo khổ… đó cũng là nhân để tạo nên quả phước nghiệp.
Thế nào gọi bố thí là phước nghiệp? Nếu có một người mở lòng bố thí cho Sa-môn, Bà-la-môn, người hết sức bần cùng, người cô độc, người không nơi nương tựa, cần ăn cho ăn, cần nước cho nước, y phục, thức ăn, giường nằm, thuốc men trị bệnh, hương hoa, chỗ ở, tùy theo sự thuận tiện của thân, không có yêu tiếc. Ðây gọi là phước nghiệp bố thí.
Có Phật tử tội nghiệp thật thích bố thí cho người nghèo nhưng cúng dường chư Tăng Ni thì họ không hoan hỷ nhưng cũng có vị ngược lại cúng dường chư Tăng Ni bao nhiêu cũng được mà bố thí cho người nghèo khổ bất hạnh thì tâm họ không vui. Điều này trong kinh Đức Phật dạy phải thành tựu cả hai việc đó là biết phát tâm cúng dường chư Tăng Ni và nỗ lực làm việc bố thí cho người nghèo khổ, người cô độc, người không nơi nương tựa, cung cấp tứ sự cần dùng thức ăn, vật uống, chỗ ở, thuốc men cho những người thiếu sự may mắn.
Thế nào gọi bình đẳng là phước nghiệp? Nếu có một người không giết hại, không trộm cắp, hằng biết hổ thẹn, không dấy tư tưởng ác, cũng không trộm cắp, thích bố thí cho người, không tâm tham lẫn, nói năng hòa nhã, không tổn thương tâm người, cũng không dâm dục với vợ hay chồng người khác, tự tu Phạm hạnh, tự đủ với sắc vợ hay chồng mình, cũng không vọng ngữ, hằng nghĩ chí thành, không lời hư dối.
Người ấy được người đời kính nể, không có thêm bớt, cũng không uống rượu, hằng biết tránh loạn động, lại đem tâm từ rải khắp một phương, hai phương, ba phương, bốn phương cũng thế; tám hướng, trên dưới, đầy khắp. Trong đó không hạn, không lượng, không thể giới hạn, không thể tính kể; dùng tâm từ này che khắp tất cả khiến được an ổn; lại đem tâm bi, hỉ, xả trải khắp một phương, hai phương, ba phương, bốn phương cũng vậy, tám hướng, trên dưới, đều tràn đầy. Trong đó không hạn, không lượng, chẳng thể tính kể; dùng tâm bi, hỉ, xả, rải đầy trong đó. Ðó gọi là bình đẳng, là phước nghiệp.
Rốt cuộc Đức Phật cũng quay về dạy người Phật tử tại gia giữ gìn Ngũ giới cho thật tốt. Đây là điều căn bản và rất quan trọng bởi nó vừa là nền tảng vừa là tư lương để giúp chúng sanh thăng tiến trên con đường tâm linh hướng đến sự giải thoát. Mình sống không muốn chết nên cũng không muốn gieo đau khổ và sự giết hại đến bất cứ ai và đến mọi loài chúng sanh. Của cải, tài sản cũng vậy, mình không muốn bị người khác vơ vét, chiếm đoạt nên cũng không tìm cách để chiếm đoạt đồ vật của người. Vợ chồng sống với nhau được là do sự lựa chọn tự nguyện của hai người, đẹp hay xấu đừng bận tâm, tất cả đều có nhân duyên với nhau từ những kiếp trước nên kiếp này mới gặp lại và chung sống trọn tình nghĩa bên nhau.
Do vậy, chúng ta phải tự vui với cuộc sống gia đình của chính mình. Không có thêm bớt, tức là giữ tâm niệm bình đẳng với mọi người, mọi thành phần trong xã hội chứ không phải thấy người giàu sang mình đối xử cung kính tôn trọng còn người nghèo khổ thấp hèn mình đối xử với tâm chê bai cao ngạo. Phật tử nào còn tâm niệm đó tức là chưa thật khéo tu, phải giữ tâm niệm bình đẳng trong mọi hoàn cảnh khi ta tiếp xúc và ứng xử với mọi người không phân biệt kẻ thân sơ, người trí kẻ hèn…
Không uống rượu tức là chúng ta đã giữ gìn giới pháp thứ năm trong Ngũ giới. Do không uống rượu nên trí tuệ minh mẫn sáng suốt không mê mờ loạn động với mọi hành động từ thân khẩu ý của tự thân. Người ấy biết rõ đây là pháp thiện được bậc trí ca ngợi, tán thán, ngợi khen nên tinh tấn hành theo, biết đem tâm từ bi hỷ xả rải khắp bốn phương tám hướng đầy khắp không hạn lượng, không thể tính kể. Tu tập tâm từ bi hỷ xả và biến mãn khắp mười phương thế giới đem đến sự an ổn cho hết thảy chúng sanh. Đây là phước nghiệp thù thắng vi diệu được các bậc thánh, các bậc phạm hạnh tán thán, khen ngợi và khuyến khích chúng sanh tu tập để được phước báu vô lượng.
Thế nào gọi tư duy là phước nghiệp? Ở đây, Tỳ-kheo, tu hành niệm giác ý, ý vô dục, ý vô quán, ý diệt tận, ý xuất yếu, tu pháp giác ý, tu niệm giác ý, tu ý giác ý, tu định giác ý, tu xả giác ý, ý vô dục, ý vô quán, ý diệt tận, ý xuất yếu. Ðó gọi là tư duy là phước nghiệp. Như thế, Tỳ-kheo, có ba phước nghiệp này.
Đây là cách tạo phước nghiệp do sự nỗ lực tu tập các pháp quán. Tu từ hình thức bố thí không phân biệt rồi đến tu tập bình đẳng không phân biệt sau cùng đến tâm tánh chấm dứt sự phân biệt. Để được phước nghiệp này đòi hỏi chúng ta phải có sự tu tập lâu năm và thành tựu được giới định tuệ, tâm không mong cầu, buông bỏ ý niệm cố chấp việc làm bố thí.
Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:
Bố thí và bình đẳng,
Từ tâm, xả, tư duy,
Có ba xứ sở này,
Chỗ người trí thân cận,
Trong đây hưởng báo này,
Trên trời cũng lại thế.
Do có ba chỗ này,
Sanh Thiên ắt chẳng nghi.
Thế nên, các Tỳ-kheo, hãy tìm phương tiện đến ba chỗ này. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Hôm nay, nhà sư giới thiệu cho các Phật tử năm bài kinh được Đức Phật dạy trong kinh Tăng chi và kinh Tăng nhất A hàm để các vị lấy đó làm nền tảng tu học, tự nâng mức độ kiến thức, nâng mức độ nhận thức và nâng sở hành tu tập của mỗi người tiến thêm một bậc. Từ đó Phật tử hiểu việc đến chùa cầu phước là cầu như thế nào cho đúng pháp, tu tập như thế nào sẽ sanh ra nguồn phước đức mang lại niềm vui, hạnh phúc cho bản thân và sự lợi lạc cho tha nhân.
Để kết thúc buổi giảng hôm nay, nhà sư xin đọc tặng các Phật tử hai bài thơ được chuyển từ kinh Bốn nguồn sanh phước và Tám nguồn công đức trong kinh Tăng chi.
BỐN NGUỒN SANH PHƯỚC
Tỳ kheo phước báu bốn nguồn
Sanh thiện, hạnh phúc, tịnh thường… an vui.
Thứ nhất - Thành tựu Phật ngôi
Tịnh tín bất động, phụng thời kính tin
Mười hiệu vô thượng tâm linh
Điều Ngự, Ứng Cúng… chí thành ngưỡng tôn!
Thứ hai - Vi diệu pháp môn
Thành tựu tịnh tín… tâm hồn thảnh thơi
Sanh thiện, hạnh phúc đời đời
Pháp bảo bất động hướng nơi an hòa.
Thứ ba - Phúc thọ Tăng già
Thiện hạnh, trực hạnh… báu tòa sen thiêng
Ứng lý, chánh hạnh pháp duyên
Cung kính đảnh lễ nhiệm huyền nhân gian.
Thứ tư - Giới đức huy hoàng
Bậc thánh ái kính đạo tràng trang nghiêm
Không uế nhiễm, không não phiền
Người trí tán thán… định thiền phước sanh.
TÁM NGUỒN CÔNG ĐỨC
Tám nước công đức chí thành
Nguồn gốc an lạc, thiện sanh vô vàn
Khả hỷ, khả ái, khinh an…
Vô lượng hạnh phúc, Niết bàn trường miên.
Thứ nhất - Thánh đệ tử hiền
Quy y Phật… thọ phúc duyên thế trần
Tích tụ vi diệu trong ngần
Nguồn nước công đức bội phần tiến tu.
Thứ hai - Thánh đệ vô ưu
Quy y Pháp… thoát mây mù si mê
Nguồn nước trí tuệ, bồ đề
Sanh thiện an lạc… lối về thanh cao.
Thứ ba - Thánh đệ nhiệm mầu
Quy y Tăng bảo… thoát sầu trần gian
Nguồn nước trí đức Kim cang
Giải thoát tịnh lạc… sen vàng thơm hương!
Phước đức lan tỏa mười phương
Bố thí, đại thí… con đường cổ xưa
Không tạp loạn, không đong đưa
Sa môn đại trí thường ưa pháp lành.
Thứ tư - Đoạn tận sát sanh
Đoạn sợ hãi, đoạn tử sanh nhiều đời
Cho sự sống, cho nụ cười
Không hại, không oán… tuyệt vời phúc ân.
Thứ năm - Đoạn tận tham trần
Tài sản, tiền bạc… ấy nhân khổ sầu
Của không cho, quyết không cầu
Đoạn tận trộm cắp, khỏi rầu buồn đau!
Thứ sáu - Sống đời thanh cao
Đoạn tận tà hạnh, ra vào thanh lương
Xa lìa dục ái, vấn vương
Luyến lưu, bi lụy… trăm đường bể dâu!
Thứ bảy - Không lựa cơ cầu
Không gian, không dối… hai đầu bớt thêm
Từ bỏ nói láo, tỵ hiềm
Đoạn tận đâm thọc, oan khiên khôn cùng.
Thứ tám - Chuyển hóa mê cung
Đoạn tận men rượu thoát vòng đắm say
Từ bỏ ô nhiễm trần ai
Xa lìa tăm tối… đêm ngày tỉnh tâm.
Thánh đệ tử - Hướng cao thâm
Soi sáng nẻo đạo quyết tầm phước duyên
Trần gian đầy dẫy não phiền
Quay đầu giác ngộ hiện tiền an vui.
Phật Pháp Tăng… luôn rạng ngời
Hồng ân Tam bảo đời đời cho ta
Đầu năm phước báu nở hoa
Tinh tấn tu tập Phật là tự tâm.
Một lần nữa, xin cầu nguyện hồng ân Tam bảo chứng minh, chư Thiên Long thần Hộ pháp hộ trì cho chư tôn đức Tăng Ni và các Phật tử trong đạo tràng luôn được an lạc và tinh tấn trong chánh pháp. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.