;
Chùa Phúc Lộc là ngôi chùa nhỏ, điều kiện vật chất còn eo hẹp, khó khăn ở xã An Cầu, mới thỉnh sư cô Liên Nghiêm về trụ trì. Sư cô Liên Nghiêm là người Hà Nội, tu học ở Huế và về vùng quê nghèo Quỳnh Phụ hoằng pháp, trước tiên ở chùa Vân Linh (thôn Vọng Lỗ, xã An Vũ), và hiện nay cũng đang giúp người dân thôn Tư Cương, xã An Cầu thờ kính Tam Bảo, khiến họ hiểu về Phật pháp, kính tín hơn và mang lại an lạc cho đời sống hàng ngày của họ. Song song với việc hoằng pháp, sư cô còn tìm nhiều cách vận động kinh phí để tặng quà cho học sinh nghèo vượt khó và chuẩn bị thành lập thư viện Tuệ Tâm tạo điều kiện cho học sinh, Phật tử và người dân có nơi đọc, mượn sách, vừa hiểu thêm về Phật pháp, vừa bồi đắp thêm kiến thức đời sống.
Cách chùa Phúc Lộc chừng 3 km là chùa Thiên Phúc hay
còn gọi là Thiên Phước, ở thôn Tân Hóa, xã Quỳnh Hội do sư cô Quảng Phát trụ
trì từ. Sư cô Quảng Phát là người gốc miền Trung, tu học ở ni viện Phước Long,
quận 9, TP HCM, ra Bắc hoằng pháp từ năm 2010. Khi ấy chùa Thiên Phước là ngôi
chùa nhỏ bé, chật chội, tường nứt, ngói xô, có nguy cơ đổ sụp, tượng cổ bong
tróc, lở lói do nhiều năm dân làng nghèo không có điều kiện tu sửa, ít quan tâm
tới di tích của cha ông và cũng chưa biết nhiều về Phật pháp. Khi muốn tụng
kinh niệm Phật thì dân làng phải ngồi tràn ra cả ngoài sân. Mặt khác, lúc đó do
dân làng chưa hiểu thấu về Phật pháp và có sự khác biệt giữa tín ngưỡng, văn
hóa, phong tục miền Bắc và miền Nam nên họ còn e dè, nhưng bằng sự từ tâm và cả
bằng những phương pháp tiếp cận của một cử nhân ngành sư phạm, sư cô đã dần
giao hòa, cảm hóa được họ.
Để xây dựng chùa, sư cô Quảng Phát đã đưa thông tin
lên mạng, kêu gọi Phật tử trong và ngoài nước hỗ trợ xây dựng lại ngôi Tam bảo
bằng vật liệu hiện đại nhưng vẫn mang dáng dấp ngôi chùa Bắc, tới cuối năm 2012
thì hoàn thành tâm nguyện. Từ đó, dân làng Tân Hóa có một nơi khang trang để làm
nơi nương tựa tâm linh cũng như đời sống tinh thần. Không chỉ dân làng mà cả
người dân ở các xã lân cận cũng thường xuyên tới chùa tu học, tham gia các khóa
tu, các buổi thuyết giảng của sư cô.
Cũng là một nhà sư phạm (hiện sư cô còn là hiệu trưởng
trường mầm non thuộc ni viện Phước Long, quận 9, TP HCM), nên sư cô Quảng Phát rất
quan tâm tới giới trẻ. Sư cô nói: “Có ra nông thôn miền Bắc thì mới biết các em
còn rất thiệt thòi, nên sư cô mong muốn sẽ làm được nhiều việc hỗ trợ cho các
em”. Việc sư cô quyết định bỏ hàng chục triệu đồng để đóng tủ sách đẹp, mua nhiều
đầu sách báo phong phú, phù hợp cũng như tổ chức cho nhiều em tham gia khóa tu
mùa hè hàng năm cũng nằm trong kế hoạch đó, giúp bạn đọc, nhất là học sinh được
tiếp cận với vốn tri thức của nhân loại cũng như của nhà Phật.
“Sư cô rất tha thiết mong mời được tiến sĩ Nguyễn Mạnh
Hùng – chuyên gia nổi tiếng, doanh nhân có tâm Phật, người được mệnh danh là
“tiến sỹ văn hóa đọc” về nói chuyện với học sinh, Phật tử ở chùa. Đây là chương
trình đầu tiên và qua những Phật tử là trí thức như tiến sĩ thì học sinh sẽ tìm
thấy những điểm sáng để học hỏi, vươn lên, còn Phật tử sẽ vững tin hơn vào Tam
Bảo, người chưa tín tâm cũng sẽ thay đổi cách nhìn của mình về đạo Phật” – sư
cô Quảng Phát tâm sự.
Tuy còn nhiều khó khăn của những chùa ở nông thôn
vùng xa, nhưng dịp này cả chùa Phúc Lộc và chùa Thiên Phước đều cố gắng tổ chức
buổi trao hàng chục, hàng trăm phần quà cho học sinh nghèo học giỏi tại địa
phương. Đồng thời nhà chùa và địa phương rất mong muốn mời doanh nhân, Phật tử
Nguyễn Mạnh Hùng – một trong những diễn giả hàng đầu Việt Nam về văn hóa đọc hiện
nay - về chia sẻ Phật pháp, văn hóa đọc với người dân nông thôn. Tất cả cùng
mong được truyền ước mơ, khát vọng chính đáng dưới ánh sáng nhà Phật cho lớp trẻ.
Trao đổi với chúng tôi TS Nguyễn Mạnh Hùng cho biết:
Mặc dù đang rất bận để tổ chức chương trình đón thầy Huyền Diệu từ Ấn Độ và
Nepal về Việt Nam thuyết pháp, nhưng với tâm nguyện của một người con Phật luôn
mong muốn đem Phật pháp và văn hóa đọc tới nhiều người, đặc biệt ở nông thôn
vùng xa giúp họ tránh xa những mê tín dị đoan, hủ tục, cảm nhận được sự an lạc
trong cuộc sống nên ông đã quyết định về để tham gia chia sẻ trong 2 chương
trình này.
Thái Bình không phải là mảnh đất lạ với ông Hùng, vì
đây vốn quê hương của ông. Ông cũng từng về nói chuyện nhiều lần với bạn đọc
trong các chương trình giao lưu Văn hóa đọc ở huyện Quỳnh Phụ, huyện Kiến
Xương, huyện Tiền Hải, thành phố Thái Bình, các trường cao đẳng Sư phạm, Kinh tế
Kỹ thuật… Đặc biệt, huyện Quỳnh Phụ là nơi đầu tiên chào đón ông Nguyễn Mạnh
Hùng về giao lưu Văn hóa với nông thôn lần 2010 và từ thành công của chương
trình khởi đầu này đã tạo nền móng cho nhiều chương trình giao lưu Văn hóa đọc
nông thôn huyện Quỳnh Phụ được tổ chức định kỳ những năm sau và lan tỏa ra khắp
Thái Bình cũng như một số tỉnh lân cận. Đây cũng là lần thứ hai ông Nguyễn Mạnh
Hùng về chùa làng nói chuyện với học sinh, bà con Phật tử sau chương trình giao
lưu rất thành công trong Khóa tu mùa hè lần 2 – 2013 vừa qua ở chùa An Đức, huyện
Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương.
Người dân địa phương nhất là các bạn trẻ đang rất
hào hứng chào đón sự kiện này. Đối với các thành phố lớn như Hà Nội hay TP HCM,
để được nghe những doanh nhân thành đạt và nổi tiếng như TS Nguyễn Mạnh Hùng đã
không dễ, huống chi là những vùng quê xa xôi. Được biết, ngay sau đó, TS Nguyễn
Mạnh Hùng sẽ trực tiếp có 2 buổi nói chuyện với các thầy cô giáo, các bậc phụ
huynh và các bạn học sinh sinh viên TP Hà Nội trong chương trình “Hương sen đại
bi” sẽ diễn ra 2 ngày 26 và 27/07 tại chùa Hưng Khánh, xã Phù Lưu Tế, huyện Mỹ
Đức. Còn cả ngày 28/07, tức chủ nhật, TS Nguyễn Mạnh Hùng sẽ cùng những ai thật
sự quan tâm có trọn 1 ngày trải nghiệm với chương trình “Khai phá tiềm năng vô
hạn trong bạn” tại Thủ đô Hà Nội.
Mong sao để chúng ta có thêm nhiều doanh nhân Phật tử thành đạt và có tâm như TS Nguyễn Mạnh Hùng. Mong sao, có nhiều địa phương có cơ hội làm những chương trình bổ ích và thiết thực như 2 xã An Cầu và Quỳnh Hội, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.
Bùi Văn Xuyên
Đạo Phật là đạo của trí tuệ - lòng từ bi - và sự giải thoát. Cần lắm những Người có trí tuệ như doanh nhân phật tử Nguyễn Mạnh Hùng - Một người đang sơ cơ học Phật như tôi sẽ có thêm niềm tin và sức lan tỏa lời Phật dạy trong mỗi hành động, việc làm hàng ngày. Cảm ơn TS và chúc TS luôn tinh tấn hoằng truyền Chánh Pháp đến mọi người.
Thích Trả lời 8/2/2015 1:42:41 PM