;
Từ nhiều đời nay, đạo Phật đã trở thành một tôn giáo truyền thống của người Việt. Dù sống ở đâu, hình ảnh một ngôi chùa thân thương luôn gợi nhắc người Việt hướng về cội nguồn. Bởi vậy mà ở hàng chục quốc gia khác nhau trên thế giới, hàng trăm ngôi chùa của người Việt đã được dựng lên, trở thành địa chỉ tâm linh của những người con xa xứ.
Phần lớn chùa Việt Nam ở nước ngoài là những ngôi chùa nhỏ, nhiều chùa có kiến trúc hiện đại. Nhưng cũng có cả những quần thể chùa chiền đồ sộ mang phong cách kiến trúc truyền thống rất đặc thù của người Việt. Những ngôi chùa này không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của kiều bào mà còn là danh lam thắng cảnh của nước sở tại.
Đại tòng lâm Tam Bảo Sơn
Tọa lạc cạnh thị trấn Harrington, tỉnh Quebéc, Canada, Đại tòng lâm Tam Bảo Sơn (thường gọi là chùa Tam Bảo Sơn) được xem là trung tâm văn hóa Phật giáo lớn nhất của cộng đồng người Việt ở quốc gia Bắc Mỹ này.
Chùa được Hòa thượng Thích Thiện Nghị chính thức khởi công xây dựng từ năm 1988 trên một vùng đất hoang vu, ít người qua lại, gần chân núi Mont-Tremblant. Chùa chính thức khai trương từ năm 2003 và trở thành ngôi chùa Việt lớn nhất tại Canada.
Đường lên chính điện chùa Tam Bảo Sơn. |
Chùa nằm trên khuôn viên rộng tới 337 ha với những dãy núi cao bao bọc, suối nước, rừng cây và những thảm cỏ xanh mướt, mang vẻ đẹp độc đáo của không gian kiến trúc Phật giáo hòa quyện cùng cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ.
Trung tâm của quần thể kiến trúc chùa Tam Bảo Sơn là chính điện Thiên Phật Tam Bảo Sơn với tượng Phật Thích Ca cao 25m, chung quanh có thêm 1.000 bức tượng Phật lớn, nhỏ với 5 biểu tượng khác nhau tượng trưng cho 5 cách hoằng pháp của Đức Thế Tôn.
Một tháp chuông của chùa Tam Bảo Sơn. |
Hai bên đường dẫn vào chính điện là 18 bức tượng Đức A la hán đúc bằng đồng thau đứng uy nghiêm. Phía sau chính điện là thư viện Phật giáo với trên 50.000 đầu sách. Ngoài ra, trải đều trên diện tích rộng lớn của chùa là 14 khu vườn và tượng đài với những nét đặc trưng của văn hóa Phật giáo.
Vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên, sự trang nghiêm của các pho tượng Phật đã biến Đại tòng lâm Tam Bảo Sơn thành một quần thể kiến trúc chùa chiền Phật giáo độc đáo hiếm thấy giữa đất trời Bắc Mỹ xa xôi.
Chùa Trúc Lâm - Kharkov
Khánh thành trước dịp Tết nguyên đán 2008 tại Kharkov, Ukraina, chùa Trúc Lâm là ngôi chùa đầu tiên của người Việt Nam tại quốc gia Đông Âu này.
Sự ra đời của ngôi chùa là tâm huyết của 2 năm chuẩn bị tỉ mỉ và 7 tháng thi công đầy nỗ lực với bàn tay của hơn 100 thợ xây, thợ mộc, nghệ nhân giàu kinh nghiệm đến từ 7 tỉnh thành phía Bắc Việt Nam. Họ đã vượt ngàn dặm sang xứ người để thực hiện những công việc đòi hỏi sự khéo léo và tinh tế như đắp hoa văn bằng giấy bản, giấy dó, trạm trổ mái cong và đúc nặn những con vật linh thiêng trong chùa.
Cổng Tam Bảo của chùa Trúc Lâm. |
Nhiều loại vật liệu xây dựng hiếm tại Kharkov như ngói đỏ, gỗ quý, đá hoa... đã được chuyển từ Việt Nam sang. Tất cả đều được kiểm tra kỹ lưỡng về chất lượng để đảm bảo công trình có thể chịu đựng được sương gió, băng giá của xứ sở bạch dương.
Được xây dựng bởi các bàn tay Việt, chùa Trúc Lâm - Kharkov có đầy đủ các hạng mục như tất cả các ngôi chùa trên đất mẹ Việt Nam như điện Tam bảo, Nhà tổ, Bảo tháp, Tháp Quan âm, Tháp chuông, Tháp khánh, Nhà khách, Tam quan.
Chùa Trúc Lâm trong tuyết Đông Âu. |
Với quần thể kiến trúc bề thế, mang đậm phong cách chùa Việt Nam, chùa Trúc Lâm không chỉ là một công trình tâm linh của người Việt mà đã trở thành một trong những công trình kiến trúc độc đáo và giá trị nhất ở thành phố Kharkov.
Việt Nam Phật Quốc Tự
Là mảnh đất khai sinh ra Phật giáo, Ấn Độ là nơi hội tụ nhiều chùa chiền thuộc các quốc gia có theo Phật giáo như Trung Quốc, Nhật Bản, Nepal, Myanmar, Thái Lan, Sri Lanka, Bhutan... Tại Bodhgaya, nơi tương truyền hoàng tử Tất Đạt Đa ngồi thiền dưới gốc cây bồ đề và trở thành Đức Phật, từ năm 1987 nhà sư người Việt có pháp danh Huyền Diệu đã tiến hành xây dựng một ngôi chùa Việt Nam.
Tam quan của Việt Nam Phật Quốc Tự. |
Chùa được xây dựng trên khuôn viên rộng 3,5 ha, mang tên “Việt Nam Phật Quốc Tự”, hoàn thành vào năm 2003. Theo giải thích của sư trự trì, tên chùa có nghĩa là đặt “Tổ quốc Việt Nam lên trên hết”.
Chùa được xây dựng kiên cố bằng bê-tông, cốt thép với cấu trúc hình vuông và hai mái cong vươn cao như đóa sen vượt khỏi mặt nước bùn lầy. Kiến trúc của ngôi chính điện cũng thể hiện được truyền thống bất khuất trước ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.
Chính điện của Việt Nam Phật Quốc Tự. |
Chính điện của chùa có chu vi 64 m2, cao 24 m, gồm 3 tầng. Tầng 1 là pháp xá, có thể dung chứa cho khoảng 30 vị khách tăng. Tầng thứ 2 dùng để trưng bày những di tích, kinh sách, pháp khí trong và ngoài nước. Tầng thứ 3 là nơi tôn thờ Đức bổn Sư Thích-ca và chư vị Bồ-tát.
Phía sau chánh điện là hậu Tổ, tôn thờ các vị Thánh đệ tử và các vị Thánh Tăng Việt Nam qua các triều đại. Đối diện với bàn thờ Tổ là khu tưởng niệm các vị anh linh Tổ quốc Việt Nam, có cả ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và lá cờ đỏ sao vàng. Các câu đối, trướng và các chữ viết trong chùa hầu hết đều dùng chữ Việt.
Chùa Hồng Hiên
Nằm ở vùng Fréjus, tỉnh Alpes-Côte d'Azur của Pháp, chùa Hồng Hiên được dựng lên từ năm 1917 làm nơi thờ Phật cho một số binh sĩ gốc Việt bị đưa sang Pháp bổ sung cho lính Pháp ở chính quốc thời Chiến tranh thế giới I. Hòa thượng Thích Thanh Vực đặt tên cho chùa là "Hồng Hiên", với "Hồng" là rút từ chữ Hồng Lạc của nòi giống Việt, "hiên" là hiên ngang.
Lối vào chùa Hồng Hiên. |
Chùa Hồng Hiên được xây dựng theo phong cách kiến trúc truyền thống của chùa Việt. Trong quá trình tồn tại, chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu, tiêu biểu là xây thêm tháp An Lạc thờ vong năm 1988 và thỉnh một quả chuông lớn đúc theo mẫu đại hồng chung ở Huế.
Chính điện của chùa Hồng Hiên. |
Chùa Hồng Hiên là ngôi chùa cổ nhất do người Việt sáng lập ở Pháp và cũng là ngôi chùa cổ nhất trên đất Pháp. Ngày nay chùa được xem là một thắng cảnh ở miền Nam nước Pháp.
Hồng Quân
tổng hợp (Đất Việt)