;
Để kết lại một năm 2015 đầy ý nghĩa, vào chủ nhật vừa qua các thành viên CLB Yêu sách Thái Hà HCM mang tên Vườn Yêu Thương đã tổ chức chương trình “Hello Green Sunday” kỳ đặc biệt với chủ đề “Đông ấm áp” bằng hoạt động đến thăm và tặng quà cho 35 cụ già neo đơn tại mái ấm Tình Thương chùa Diệu Pháp (188 Nơ Trang Long, Phường 13, Quận Bình Thạnh, TP. HCM). Một chương trình rất ý nghĩa và khó quên. Một món quà mà chúng tôi tự thưởng cho nhau. Những bài học quý hơn vàng mà chúng tôi ai cũng nhận được.
Trời Sài Gòn năm nay bắt đầu se lạnh vào những ngày gần mùa nô en. Còn gì tuyệt vời hơn khi được cuộn mình trong chiếc chăn ấm áp, tận hưởng giấc ngủ nướng cuối tuần sau một tuần học tập và làm việc vất vả. Thế nhưng, các thành viên CLB yêu sách Thái Hà đã vượt qua “cám dỗ” để đến đúng giờ, đặc biệt ban chủ nhiệm đã dạy từ rất sớm để chuẩn bị đồ đạc, vật dụng cần thiết cho hoạt động ý nghĩa này.
Thật là khó tin khi trước 7h30 mà thành viên đã có mặt đông đủ tại mái ấm. CLB tập trung và phân công công việc sao cho đúng khả năng của từng người và hiệu quả nhất. Tất cả gồm 4 nhóm: nấu ăn, dọn nhà vệ sinh, quét mạng nhện và lau sàn, quét rác ngoài sân. Điểm thú vị rằng khuôn mặt mọi người ai nấy đều rất rạng rỡ, háo hức, tràn đầy nhiệt huyết tuổi trẻ.
Các thành viên bắt tay vào công việc trong im lặng, tập trung vào công việc mình đang làm với sự vui vẻ. Tất cả đều rất thích thú khi được đóng góp công sức nhỏ bé của mình để mang lại niềm vui cho các cụ. Và một điều bất ngờ và may mắn đối với chúng tôi khi thầy Nguyễn Mạnh Hùng Chủ tịch công ty sách Thái Hà cũng từ Hà Nội bay vào tham gia hoạt động lần này cùng với CLB.
Tôi xung phong dọn nhà vệ sinh. Nói thật rằng ngày xưa tôi cũng thích dọn nhà vệ sinh lắm. Trước đây tôi cũng thường làm biếng, có khi 1 tháng mới cọ rửa toilet 1 lần, nhưng bây giờ hàng tuần tôi đều làm công việc này. Mỗi khi dọn nhà vệ sinh là tôi lại nghĩ đến hình ảnh học sinh tiểu học Nhật Bản đang chùi rửa toilet mà tôi được xem trên facebook. Ở Nhật, từ tiểu học việc dọn dẹp toilet đã là một hoạt động tập thể bắt buộc ở trường nhằm giáo dục về tính sạch sẽ, ngăn nắp cho các em và muốn cho các em hiểu rằng những ai làm công việc dọn dẹp cũng bình thường như mọi người trong một xã hội bình đẳng.
Tôi luôn nhớ những lời dạy của Thầy Hùng. Thầy hay chia sẻ với chúng tôi câu chuyện về cái toilet của người phương tây. Thầy Hùng thành công, giàu có, có chức vụ cao đến vậy là luôn nói rằng công việc thầy thích nhất là dọn dẹp, cọ rửa nhà vệ sinh. Thầy thường bảo, nhà bạn nào cần dọn dẹp nhà vệ sinh thì liên hệ thầy, thầy xin tình nguyện đến cọ rửa. Nhờ thầy Hùng mà tôi tìm thấy được niềm vui từ công việc này. Nói thật , không hề cảm thấy miễn cưỡng hay khó chịu. Cứ nghĩ đến nhà vệ sinh được sạch sẽ, các cụ đi không bị trơn trượt... là tôi cảm thấy rất vui rồi.
Cùng các bạn trẻ làm việc bên mái ấm thì bên chùa Diệu Pháp có một nhóm các bạn nhặt rác trong toàn bộ khuôn viên chùa. Trong nhóm nhặt rác có gia đình chị Hồng cùng hai cô con gái. Một em 7 tuổi đang học lớp 2. Cô chị thì đã học lớp 7. Hai chị em rất dễ thương, nhất là cô em, thấy rác là nhặt liền. Hai chị em vui với công việc đến kỳ lạ. Thật là hay và ý nghĩa vì từ nhỏ vậy mà các em đã có ý thức bảo vệ môi trường. Điều đó là rất cần, thật sự cần cho các bạn trẻ.
Sau khi dọn dẹp vệ sinh mái ấm sạch sẽ, bữa trưa cho các cụ cũng đã chuẩn bị xong. Chúng tôi mang đồ ăn vào cho các cụ dùng bữa. Thực đơn hôm nay là món bún chay và chuối tráng miệng. Hương thơm phảng phất khắp nơi làm bụng tôi cũng kêu “rột rột”. Các cụ bảo: “Chưa ăn mà nghe mùi thôi đã thấy ngon rồi”, “Hôm nay cho ăn món gì vậy con?”. Thật là vui!
Một bà cụ bỗng vỗ tay hoan nghênh khi phát hiện trong tô rau sống có bắp chuối – loại rau mà cụ yêu thích. Tôi trông thấy thật hồn nhiên và đáng yêu như một em bé. Điều đặc biệt hơn khi cụ năm nay đã 101 tuổi mà vẫn còn minh mẫn, nói được những câu tiếng Anh và tiếng Pháp. Cụ chia sẻ, lúc 99 tuổi cụ đã chết 3 giờ đồng hồ, khi mọi người chuẩn bị mặc quần áo tang cho cụ thì cụ sống lại, thật kỳ diệu! Cụ nói bí quyết để cụ sống khỏe là không nhớ những chuyện của ngày hôm qua, vui cười với những gì ngày hôm nay.
Một bà cụ khác mắt không còn nhìn thấy gì nữa. Cụ bưng tô bún lên ăn và luôn miệng tấm tắt khen ngon. Khi ăn đúng miếng nấm đông cô cụ hỏi: “Cái này phải nấm đông cô không con?”, “Nấm này giờ bao nhiêu một lạng?”… Vì quá no nên cụ không ăn hết tô bún. Tuy nhiên cụ vẫn ráng húp hết nước để bún không bị nở ra, rồi để dành xế chiều đói bụng thì ăn tiếp. Ngồi nhìn cụ ăn làm tôi nhớ đến nội tôi đã mất. Mắt nội cũng kém không nhìn thấy rõ. Cảm giác gần gũi, thân thương ùa về trong lòng tôi.
Vào khoảng 12h khi các cụ đã ăn xong và nghỉ ngơi, thầy trò chúng tôi di chuyển ra gần bờ sông trong khuôn viên chùa và cùng nhau thiền ăn, giao lưu chia sẻ với nhau giữa các thành viên.
Tôi đã có cơ hội một số lần tham gia sinh hoạt cùng CLB yêu sách Thái Hà mang tên Vườn Yêu Thương ở nhà thầy Hùng. Nói thật rằng mỗi lần đều để lại trong tôi những cảm xúc rất đặc biệt, rất khác nhau. Và lần này cũng đặc biệt hơn khi chúng tôi được ngồi sinh hoạt dưới mái chùa Diệu Pháp thanh tịnh, gần bờ sông mát rượi, gió hiu hiu thổi, làm lòng mình thật bình yên và thư thái và nghe thầy hướng dẫn ăn trong im lặng. Chúng tôi được thưởng thức bún chay do chính chúng tôi nấu. Ngon tuyệt ạ.
Có thể nói thiền ăn chính là “đặc sản” của Vườn Yêu Thương. Chúng tôi luôn được tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng dạy về sự biết ơn đối với tất cả muôn loài và mọi người khi được ngồi đây để ăn. Để rồi từ đó cảm thấy hạnh phúc, trân trọng từng miếng thức ăn. Rồi ăn trong im lặng, ăn thật chậm để thưởng thức vị ngon, tinh hoa của đất trời vũ trụ, ăn với lòng biết hơn vô hạn.
Trong buổi thiền ăn hôm nay có một bạn nam đã chia sẻ rằng đây là bữa ăn ngon nhất đối với bạn ấy trong vòng một tháng trở lại (mặc dù ban đầu có hơi một chút khó chịu vì món ăn không hợp khẩu vị lắm). Tôi xúc động nhất khi nghe bạn chia sẻ rằn khi húp miếng xúp cảm giác giống như đang được uống sữa mẹ, đầy ngọt ngào và yêu thương. Thầy Hùng nói rằng, bản thân những nguyên liệu làm nên món ăn đã như vậy rồi, rau, đậu… đã ngon sẵn rồi, và món ăn có ngon hay không là do cách cảm nhận của mỗi người. “Cuộc sống sẽ không đẹp khi chúng ta nhìn với tâm phán xét, và cuộc sống sẽ đẹp khi chúng ta cảm nhận bằng cả trái tim thông qua đôi mắt” – thầy Nguyễn Mạnh Hùng nói với chúng tôi như vậy.
Sau khi thiền ăn xong, thầy trò chúng tôi ngồi sát lại gần nhau hơn, quây quần bên nhau, cùng nhau lắng nghe những chia sẻ của mỗi người khi tham gia sinh hoạt thăm các cụ viện dưỡng lão lần này. Những cảm xúc trào dâng. Mỗi bạn kể ra những trải nghiệm và những bài học quý giá mà mình nhận được trong ngày chủ nhật đáng nhớ này.
Hầu như bạn nào cũng cảm thấy vui và hạnh phúc khi làm điều tốt: được nấu ăn, được dọn dẹp, được thăm hỏi, mang lại niềm vui cho các cụ. Nụ cười của các cụ khi khen món ăn ngon, khi nói lời cảm ơn, khi nói chuyện với chúng tôi là món quà hết sức ý nghĩa đem đến cho mỗi thành viên CLB yêu sách Thái Hà. Nhìn thấy các cụ nơi đây nhiều bạn đã nhớ về nội, ngoại của mình, nhớ những kỷ niệm về bà. Đặc biệt tôi ấn tượng với một bạn thành viên đã rất xúc động, không kìm nổi những giọt nước mắt khi nhìn các cụ mà nhớ về người bà mới mất của mình cùng người thầy giáo mới mất hôm qua vì căn bệnh ung thư, trong khi mà chỉ cách đây vài hôm vẫn còn đứng trên bục giảng. Tôi cảm thấy vô cùng xúc động chỉ muốn chạy đến cầm lấy tay bạn ấy. Cuộc sống vô thường, không biết ngày mai sẽ ra sao.
Các cụ chính là hình ảnh của chúng ta 50 - 60 năm sau. Khi đó chúng tôi cũng sẽ già yếu, mất trí nhớ. Nếu may mắn thì được sống cùng con cháu, không may thì cũng giống như các cụ, phải sống trong viện dưỡng lão, xa con cháu, vì con cái bận chăm lo cho cuộc sống riêng, không có thời gian chăm sóc bố mẹ...
Có một câu nói rất hay tôi nghe được từ Tiến sỹ Nguyên Mạnh Hùng hôm nay “Nhiều người đã chết ở tuổi 35, chỉ có điều đến 75 tuổi mới chôn mà thôi”. Tôi hiểu đó là cái chết về mặt tinh thần, về mặt tâm linh. Nhiều người dù còn rất trẻ mà đã không sống hoặc được sống cho bản thân mình, đánh đổi tuổi trẻ, sức khỏe, hạnh phúc, thời gian bên người thân để chạy theo công việc, tiền bạc, vật chất, mối quan hệ... để rồi khi về già, ốm đau bệnh tật mới nhận ra những thứ ta theo đuổi mấy chục năm qua không còn ý nghĩa. Ai cũng sẽ già. Ai cũng trở về với cát bụi. Thầy Hùng luôn dạy chúng tôi phải luôn nhớ đến hai chữ “hiện tại”, quay về với hiện tại, bằng lòng với những gì mình đang có, tận hưởng cuộc sống bằng một trái tim yêu thương, nồng hậu, bởi hạnh phúc thật giản đơn, hạnh phúc không đâu xa mà nó ở ngay xung quanh ta.
Một điều khá thú vị trong buổi sinh hoạt hôm nay là câu chuyện về một cô tiên mang tên Khuê, tên của một chòm sao sáng trên bầu trời. Chúng tôi gọi bé là “cô tiên”. Cô tiên còn rất trẻ, năm nay mới 7 tuổi, nhưng đã biết cùng với mẹ và chị gái tham gia hoạt động thiện nguyện. “Cô tiên” có đôi mắt trong veo và nụ cười thật đẹp, hồn nhiên, trong sáng như cái tuổi của cô. Thầy Hùng đã “chộp” được khoảnh khắc cô tiên đang nhặt rác ngoài sân và đăng lên Facebook, một hình ảnh thật đẹp và ý nghĩa và có hàng trăm lượt khen và chia sẻ.
Phần sinh hoạt văn nghệ trong không khí vui tươi và tràn đầy yêu thương thật ấn tượng. Thầy trò chúng tôi cùng ngân vang câu ca với những bài hát có ca từ giản đơn mà ý nghĩa vô cùng sâu sắc:
“Ta hạnh phúc liền giây phút này. Lòng đã quyết dứt hết âu lo. Không đi đâu nữa, có chi để làm. Học buông bỏ, sống không vội vàng...”
Tôi thấy mọi người xung quanh đang có mặt trong khuôn viên của chùa Diệu Pháp, hình như đang thả mình vào giai điệu, chăm chú nghe chúng tôi hát. Thật vui và hạnh phúc.
Kết thúc buổi giao lưu chia sẻ, thầy Hùng tặng sách cho 3 thành viên ấn tượng và tích cực nhất trong buổi sinh hoạt lần này cuốn sách “Vạn sự khởi đầu nan, gian nan đừng có nản” với mong muốn các bạn trẻ phải luôn suy nghĩ tích cực, lạc quan, dám nghĩ, dám làm để đạt được thành công.
Ngày chủ nhật quây quần bên nhau và ai cũng vui, cũng tràn ngập yêu thương. Rồi chúng tôi quay lại mái ấm tình thương để tặng quà và hỏi thăm các cụ. Giờ này các củ đã ngủ trưa dạy rồi. Chúng tôi đã bắt gặp những hình ảnh vô cùng thú vị và ấn tượng.
Một bà cụ khi nhận quà phát hiện trong món quà có chiếc khăn to đùng vội lấy ra và quấn lên đầu, nghiêng qua nghiêng lại.
Một bà cụ nữa lại nhìn thấy gói cà phê liền cầm lên và nói lớn: “cà phê G7 luôn đấy”. Rồi nhìn hình ảnh trên bao bì là một nam và một nữ, cụ đã nói chuyện một cách hồn nhiên với 2 người đó: Ông dẫn bà đi đâu đấy? Đi chơi à? Sướng quá ta! Cho ta đi với! Bà nói với chúng tôi “Hai vợ chồng này dẫn nhau đi uống cà phê nè”. Rồi cả mấy bà cháu cưới khoái lên, thật là vui.
Một hình ảnh làm tôi nhớ mãi là lúc các cụ chụp chung 1 tấm hình với thành viên CLB yêu sách Thái Hà, trước mắt tôi lúc đó không phải là các bà cụ 60-70 tuổi mà là các em nhỏ 6-7 tuổi. Các cụ đứng cạnh nhau, tạo dáng chụp hình và cười tươi những những đứa trẻ thật hồn nhiên, trong sáng.
Những món quà tuy giá trị không cao nhưng chan chứa tình yêu thương gửi gấm vào nó. Đó là tấm lòng trắc ẩn của các thành viên CLB và bạn bè hảo tâm đã quyên gópcho chương trình. Đó là những tấm lòng của các thành viên CLB Yêu sách Thái Hà lan tỏa yêu thương, truyền năng lượng cho các cụ. Nụ cười của các cụ trên môi chính là món quà nô en ý nghĩa giành tặng cho chúng tôi.
Chủ nhật ngày cuối năm là một ngày vô cùng ý nghĩa đối với tôi cũng như các bạn thành viên CLB, với “cô tiên” Khuê và gia đình. Được gặp gỡ, chia sẻ, kết nối và lan tỏa tình yêu thương với các cụ, được nghe thầy Hùng chia sẻ nhiều bài học ý nghĩa còn gì hạnh phúc hơn, có gì may mắn hơn.
Hy vọng bước sang năm 2016 CLB Yêu sách Thái Hà vẫn tiếp tục phát triển bền vững, mở rộng vòng yêu thương bằng nhiều hoạt động thiện nguyện ý nghĩa cho cộng đồng, là vườn ươm cho những hạt mầm yêu thương như “cô tiên” Khuê. Đông này các cụ ấm áp thật rồi. Đông này chúng tôi cũng ấm lòng người lắm. Thật mà.
Bùi Thanh Trúc – thành viên CLB yêu sách Thái Hà