;
Mức sống con người ngày càng được nâng cao, nhu cầu về đời sống tinh thần mà cụ thể là nhu cầu du lịch của con người ngày càng đa dạng, kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch. Trong những năm gần đây, chính sách mở cửa và tiềm năng du lịch vốn có đã tạo điều kiện phát triển thuận lợi cho ngành du lịch nước ta. Tuy nhiên, đứng đằng sau sự phát triển nhanh chóng đó, nhiều vấn đề đang dần đặt ra trước mặt chúng ta, ví dụ như: Khách du lịch có các hành vi phá hoại tự nhiên và môi trường, lượng khách du lịch đông đảo vượt quá khả năng chịu tải của khu du lịch v.v. Bài viết này sẽ thông qua việc định nghĩa du lịch sinh thái và phát triển du lịch bền vững, phân tích hiện trạng phát triển của ngành du lịch nước ta hiện nay để nêu ra một số đối sách phát triển phân khúc du lịch sinh thái, từ đó tiến hành nghiên cứu biện pháp để đưa ngành du lịch nước nhà phát triển theo con đường bền vững.
1. Định nghĩa du lịch sinh thái và phát triển du lịch bền vững
Du lịch sinh thái là hình thức du lịch đặc thù vừa có thể trải nghiệm tự nhiên, vừa quan tâm tới việc bảo vệ môi trường sinh thái (bao gồm hệ thống sinh thái nguyên sinh, bao gồm cả sinh thái tự nhiên và sinh thái văn hóa), khác biệt với các hình thức du lịch tự nhiên khác. Du lịch sinh thái là mô hình quan trọng để du lịch tuần hoàn kinh tế, nhấn mạnh việc khai tháctheo hình bậc thang,ứng dụng, cắt giảm hợp lý tài nguyên sinh thái tự nhiên, thực hiện một hệ thống tuần hoàn khép kín trong hệ thống ngành du lịch. Trong khi quy hoạch khu du lịch thì tiến hành kết hợp và sử dụng nguồn tài nguyên ở các tầng bậc, thực hiện việc trao đổi thông tin và sử dụng các sản phẩm phụ, thông qua phương thức kinh doanh du lịch sinh thái hợp lý để cuối cùng đạt tới mục đích thu lợi cho ngành du lịch mà vẫn bảo vệ môi trường.
Năm 1987, trong báo cáo “Tương lai chung của chúng ta”, Ủy ban môi trường và phát triển thế giới đã chỉ ra rằng, vấn đề môi trường chỉ được giải quyết thực sự khi kinh tế và xã hội phát triển bền vững. Báo cáo này lần đầu tiên nêu ra định nghĩa “phát triển bền vững”. Phát triển bền vững vừa đáp ứng được nhu cầu của con người đương đại, vừa không ảnh hưởng tới sự phát triển của thế hệ sau. Từ đây chúng ta có thể định nghĩa phát triển bền vững ngành du lịch như sau: Ngành du lịch phát triển bền vững nghĩa là vừa đáp ứng được nhu cầu phát triển của du lịch hiện tại, vừa không ảnh hưởng tới việc khai thác du lịch và năng lực đáp ứng nhu cầu du lịch của hoạt động du lịch hậu thế.
2. Những vấn đề chủ yếu đặt ra cho du lịch sinh thái Việt Nam và phát triển du lịch bền vững
Việt Nam là một quốc gia có cảnh quan tươi đẹp, khí hậu đa dạng, lịch sử văn hóa lâu đời, do đó chúng ta không chỉ có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú mà còn có nguồn tài nguyên du lịch nhân văn mang ý nghĩa lịch sử. Dù vậy, hiện nay ngành du lịch Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề mà chúng ta không thể xem nhẹ.Ở một số khu vực, việc phá hoại sinh thái và ô nhiễm môi trường đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển của ngành du lịch.
- Môi trường khu du lịch bị ô nhiễm
Sự phát triển của ngành du lịch đã kéo theo sự lưu động của nguồn nhân lực phục vụ cho ngành du lịch. Giao thông du lịch trở nên tấp nập, khói bụi từ các phương tiện vận chuyển gia tăng gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm âm thanh và ô nhiễm nguồn nước khu du lịch.Nhiều dòng sông chảy vắt qua các tỉnh bị ô nhiễm nghiêm trọng, nguồn nước đổi màu, rác thải trôi nổi trên sông.Ngoài ra, vào mùa du lịch, cơ sở hạ tầng của khu du lịch cũng chịu tải lớn hơn, đẩy nhanh tốc độ tổn hại, giảm tuổi thọ.Việc cung ứng điện, nước, giao thông gia tăng khiến cung không đủ cầu.
- Ý thức người dân còn kém, vẫn còn các hành vi phá hoại cảnh quan du lịch
Ở các khu du lịch, chúng ta thường thấy khách du lịch sờ vào các di tích cổ, thậm chí còn có hiện tượng leo trèo, viết vẽ bậy ở hiện vật. Những hành vi thiếu ý thức này cũng đe dọa nghiêm trọng tới hình ảnh vốn có và tuổi thọ của các di vật, di tích. Nhiều người dân còn vứt rác không đúng nơi quy định, khạc nhổ bừa bãi, cười đùa ồn ĩ, bẻ cành, hái lá, làm mất mỹ quan khu du lịch. Những hành vi này vừa làm ảnh hưởng tới môi trường khu du lịch, vừa phá hoại tính đa dạng về sinh vật của địa phương.
- Khai thác quá độ nguồn tài nguyên du lịch
Ở một số địa phương có tình trạng lấn chiếm mặt sông hồlàm các cảnh quan du lịch, xây dựng nhiều nhà hàng, khách sạn, nơi an dưỡng tại khu du lịch, tạo ra một loạt ngành công nghiệp ô nhiễm trầm trọng, hao phí cao mà thu lợi thấp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn tài nguyên du lịch, cũng nguy hại tới sự cân bằng sinh thái của địa phương. Điều này trên thực tế không chỉ nguy hiểm cho sự phát triển bền vững của môi trường, mà còn đồng thời ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của kinh tế, và cuối cùng gây ra những tổn thất nặng nề khó có thể cứu chữa.
3. Ý nghĩa của việc nghiên cứu du lịch sinh thái và phát triển du lịch bền vững
- Có lợi cho việc bảo vệ tài nguyên du lịch và ưu việt hóa môi trường du lịch
Tài nguyên sinh thái độc đáo và ưu việt là cơ sở để phát triển ngành du lịch. Phát triển du lịch sinh thái theo quan điểm về kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải hài hòa mối quan hệ giữa bảo vệ tài nguyên sinh thái và khai thác ngành du lịch, đảm bảo kiện toàn chức năng và hoàn chỉnh kết cấu trong và ngoài của khu vực du lịch sinh thái. Xây dựng khu du lịch sinh thái theo quan điểm kinh tế tuần hoàn là tối thiểu hóa việc sử dụng năng lượng và tài nguyên, tối đa hóa hiệu suất sử dụng bền vững của tài nguyên và năng lượng. Phát triển du lịch sinh thái có thể đảm bảo được việc giảm thiểu sử dụng nguồn tài nguyên sinh thái, cân bằng mối quan hệ giữa tài nguyên du lịch sinh thái và phát triển ngành du lịch.
- Đáp ứng nhu cầu của con người với chất lượng cuộc sống
Các chuyên gia chỉ ra rằng, trong mức độ nhu cầu của con người, mức độ cao nhất là tự mình thực hiện, và nhu cầu vươn tới tri thức, tới cái đẹp.Hoạt động du lịch bao gồm việc thưởng thức tài nguyên du lịch tự nhiên trong môi trường tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn trong môi trường văn hóa. Từ hoạt động này không chỉ giúp cơ thể con người khỏe mạnh mà nhờ được tĩnh tâm, thư thái khi đi du lịch, con người sẽ khỏe mạnh về tinh thần. Ngoài ra, tài nguyên du lịch là tài liệu tốt nhất để giáo dục quần chúng và giáo dục trong trường học, cũng là những kiến thức hữu ích bổ sung cho sách giáo khoa trong nhà trường. Cuối cùng, khi tham gia vào hoạt động du lịch, con người sẽ hiểu được tầm quan trọng của du lịch sinh thái và chất lượng môi trường, con người đòi hỏi có được không khí trong lành và nguồn nước sạch, đồng thời giảm thiểu nhu cầu sử dụng tài nguyên du lịch và hành vi phá hoại môi trường. Từ đây có thể thấy, cuộc sống của con người đòi hỏi được điều tiết bởi du lịch sinh thái, để đáp ứng về nhu cầu vật chất và tinh thần của con người, con người dám bỏ ra nhiều tiền để mua chất lượng du lịch tốt. Nói tóm lại, dù thời đại có tiến bộ đến đâu, công nghiệp phát triển đến đâu thì nhu cầu của con người về du lịch sinh thái vẫn không hề suy giảm, thậm chí còn càng phát triển.
- Có lợi cho việc phát triển ổn định và lành mạnh ngành du lịch
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của ngành du lịch, ô nhiễm môi trường, hao phí quá mức nguồn năng lượng và mất cân bằng sinh thái là những vấn đề ngày càng trở nên nghiêm trọng.Một số nơi khi khai thác du lịch chưa làm tốt công tác bảo vệ đồng thời với khai thác, gây ra phá hoại nguồn tài nguyên. Chúng ta đều biết, dù là tài nguyên du lịch hay nhân văn đều là không thể tái sinh, hiện tượng chịu tải quá mức của khu du lịch và những hành vi vi phạm đề gây ra những tổn hại khó phục hồi cho nguồn du lịch. Phát triển du lịch sinh thái và hướng tới con đường phát triển bền vững là xu thế phát triển của ngành du lịch, phát triển du lịch sinh thái không chỉ có thể bảo vệ tài nguyên sinh thái tự nhiên của khu du lịch, mà còn giúp cân bằng sự phát triển của kinh tế và sự phát triển của môi trường tự nhiên, là cơ sở cho sự phát triển bền vững của cuộc sống con người.
- Có lợi cho việc nâng cao nguồn lợi từ du lịch và thực hiện tiến bộ xã hội
Việc xây dựng và kinh doanh khu du lịch sinh thái phải đảm bảo thu được lợi ích kinh tế. Phát triển du lịch sinh thái là một trong những yêu cầu quan trọng của phát triển kinh tế tuần hoàn. Kinh tế tuần hoàn tức là điều tiết việc thu lợi kinh tế và sinh thái của khu du lịch sinh thái trên cơ sở khống chế vốn và mô hình kinh doanh, giúp khu du lịch phát triển theo chiều hướng tích cực. Việc phát triển khu du lịch sinh thái thông qua việc phối hợp hiệu quả giữa lợi ích khu du lịch và lợi ích xã hội, thực hiện giao lưu hợp lý giữa các khu vực, để kinh tế được lưu động một cách hài hòa. Phát triển du lịch sinh thái và du lịch bền vững có thể thúc đẩy kinh tế tuần hoàn du lịch phát triển, cũng đồng thời bảo vệ văn hóa vốn có của khu vực, tôn trọng giá trị và quan niệm văn hóa của địa phương, điều này sẽ giúp xã hội phát triển hài hòa.
4. Các biện pháp phát triển du lịch sinh thái và phát triển bền vững ngành du lịch
Hiện nay, ngành du lịch nước ta còn đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề. Đứng trước những trở ngại đưa ngành du lịch phát triển bền vững, dưới đây nêu ra những đối sách và kiến nghị để Việt Nam tìm tòi con đường phát triển du lịch bền vững, phù hợp với điều kiện của nước nhà.
- Phát triển du lịch sinh thái, giáo dục phải được đặt lên hàng đầu.Phát triển du lịch sinh thái cần phải coi trọng công tác giáo dục, bồi dưỡng ý thức bảo vệ môi trường. Trong trường học, có thể thiết kế một số bài học liên quan về môi trường, bồi dưỡng ý thức của học sinh, phát triển tư duy và nâng cao tố chất.
- Các cơ quan ban ngành tăng cường tuyên truyền. Trong khi hỗ trợ các hoạt động du lịch sinh thái, các cơ quan ban ngành nên tăng cường công tác tuyên truyền cho dân cư địa phương, đặc biệt là những người lớn tuổi, trình độ văn hóa thấp hoặc những người dân không làm trong công tác du lịch. Trước khitruyền bá các hoạt động du lịch cần phải tính toán sức tải của từng khu vực, căn cứ vào đó tính toán số lượng khách du lịch và phương thức hoạt động phù hợp. Khi phát triển hoạt động du lịch sinh thái cần có cơ chế thu nhận ý kiến phản hồi hợp lý, để gia tăng thu nhập và cơ hội việc làm cho người dân địa phương, đồng thời dùng một phần tiền thu được dùng vào việc bảo vệ môi trường.
- Đảm bảo chất lượng môi trường sinh thái cho các thành phố du lịch. Có biện pháp xử lý ô nhiễm không khí, nguồn nước, tiếng ồn, rác thải; giảm thiểu và ngăn chặn nguồnô nhiễm.
- Tăng cường bảo vệ môi trường kết hợp với tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân và nhận thức về phát triển bền vững.
- Hoàn thiện hệ thống quản lý tài nguyên, hạn chế đúng mức lượng khách du lịch. Cần hoàn thiện các nội quy, quy định về hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch cũng như về quản lý nguồn tài nguyên khu du lịch. Trong điều kiện có thể, nên khai thác phát triển những điểm du lịch mới để phân tán lượng khách du lịch, tránh tình trạng tập trung một chỗ.
- Trong quá trình khai thác tài nguyên du lịch cần kiên trì theo phương thức phát triển bền vững. Khai thác tài nguyên đòi hỏi có sự hợp tác giữa các cơ quan ban ngành, các tổ chức xã hội và quần chúng. Do đó, nhà nước cần thiết lập ban ngành quản lý phát triển du lịch bền vững, từng bước đưa ra nội dung quản lý phù hợp, quy hoạch phát triển nguồn tài nguyên du lịch mang tính toàn quốc. Tất cả những nội dung này nhằm chỉ đạo và điều tiết việc khai thác tài nguyên du lịch, hạn chế những hành vi xấu có hại cho sự phát triển của du lịch, giảm thiểu tối đa hiệu ứng kinh tế tiêu cực trong quá trình phát triển du lịch. Đồng thời, chính phủ cũng nên tích cực tổ chức bồi dưỡng thị trường tài nguyên môi trường, áp dụng các phương pháp thu phí xả thải, thuế môi trường…để hạn chế doanh nghiệp và cá nhân gây hại cho môi trường.
Ts. Kiều Thị Vân Anh
Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội vùng Nam bộ
Tài liệu tham khảo:
1. Tham luận của làng du lịch Thanh Đa – Bình Quới, “Du lịch sinh thái để phát triển kinh tế”,http://quan9.hochiminhcity.gov.vn/tintuc/Lists/Posts/Post.aspx?List=f73cebc3-9669-400e-b5fd-9e63a89949f0&ID=1374
2. Nguyễn Thanh Tùng, “Cách tiếp cận và những vấn đề quan tâm để phát triển du lịch sinh thái quận 9”,http://www.quan9.hochiminhcity.gov.vn/tintuc/lists/posts/post.aspx?Source=/tintuc&Category=Du+l%E1%BB%8Bch+sinh+th%C3%A1i&ItemID=1379&Mode=1
3. “Những yêu cầu và nguyên tắc cơ bản để phát triển du lịch sinh thái”, http://voer.edu.vn/m/nhung-yeu-cau-va-nguyen-tac-co-ban-de-phat-trien-du-lich-sinh-thai/dfdf019c
4. Chung Khiết, Dương Quế Hoa: “Điều tra phân tích ý thức sinh thái của khách du lịch”, “Báo du lịch”, năm 2005.
5. Ngô Chung Hồng, Hồng Thường Minh, Chung Lâm Sinh, “Nghiên cứu về nhận thức và thái độ của người dân với du lịch sinh thái”, “Báo du lịch”, năm 2005.