;
Du lịch tâm linh ?
Bạn đã bao giờ nghe nói đến du lịch tâm linh chưa ? Ở Việt Nam trong vài năm gần đây, người ta đã chú ý đến du lịch tín ngưỡng. Thế nhưng nhiều người dường như vẫn còn nhầm lẫn hai loại hình du lịch gần giống nhau về mặt hình thức này.
Du lịch tín ngưỡng là một hình thức du lịch phát triển rất mạnh ở nhiều quốc gia trên thế giới. Du khách theo loại hình du lịch này thường tìm đến các đình, chùa, các thắng tích tôn giáo để vãn cảnh, cúng bái, cầu nguyện,… Tại đây, du khách sẽ hòa vào dòng tín đồ để cảm nhận vẻ yên bình, thanh thản ở những thắng tích tôn giáo nổi tiếng.
Còn du lịch tâm linh gần đây đã hình thành và đang phát triển ở những quốc gia châu Á, đặc biệt những quốc gia theo Phật giáo như Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan. Hàng năm, các cơ quan tôn giáo Nhật Bản kết hợp với các công ty lữ hành tổ chức tour cho trên vài ngàn khách hành hương từ Nhật Bản đến các thánh tích Phật giáo ở Ấn Độ. Thái Lan, Myanmar. Châu Âu hàng năm cũng đã tổ chức nhiều đoàn du khách tham gia các lễ hội tôn giáo, các khóa tìm hiểu và nghiên cứu tôn giáo, các khóa tu thiền tại các quốc gia châu Á từng in dấu chân của Phật Thích Ca Mâu Ni lúc sinh thời.
Thế nhưng việc đến các thánh tích tôn giáo của du khách trong loại hình du lịch tâm linh không chỉ đơn giản là vãn cảnh, hay tìm hiểu một nền văn hóa khác. Với họ, các thánh tích, Phật tích là những nơi giác ngộ, nơi có thể trao tặng cho họ các thông điệp tuyệt vời, chứa đựng minh triết giác ngộ, sự hòa hợp giữa con người với thế giới, nơi mà qua khoá tu thiền tại chỗ, họ có thể giải mã ít nhiều bản thế cá nhân bí ẩn của kiếp nghiệp chính mình,…
Cựu Tổng thống Ấn Độ, tiến sĩ A.P.J Abdul Kalam phân biệt rạch ròi rằng: “Du lịch tâm linh hoàn toàn khác với việc tham quan các địa danh và ngắm nhìn các chiều kích vật lý. Du lịch tâm linh có nghĩa là thăm viếng trái tim và tâm trí của những bậc hiền triết…”. Bởi vậy mà có tăng sư từng đề nghị đổi “du lịch tâm linh” thành “du lịch chánh pháp”, vì theo đại sư khái niệm “pháp” chỉ cho thực tại, trong khi khái niệm “tâm linh” đã hàm ý nhị nguyên. Du lịch chánh pháp có nghĩa là cuộc hành trình với chánh pháp, đồng hành với chánh pháp. Du khách thông thường chỉ đi trên con đường (walk on a path) trong khi du khách trong du lịch tâm linh thì thực hành con đường (walk a path).
Du lịch tâm linh đến các Phật tích sẽ giúp con người tháo gỡ được các cảm xúc khổ đau, vun bồi tâm trí và tinh thần minh triết. Du lịch tâm linh rất cần thiết cho tinh thần con người trong xã hội hiện đại. Nó bao hàm cả hành trình tìm kiếm các giá trị văn hóa truyền thống lẫn tìm lại chính mình. Làm trổi dậy đời sống giác ngộ của khách du lịch tại những địa danh tâm linh chính là mục tiêu của các tour du lịch tâm linh.
Điều lý thú của du lịch tâm linh còn ở chỗ tất cả du khách đi trong tour đều như nhau trong vai trò của một tín đồ, không phân biệt thành phần xã hội, giai cấp, không phân biệt sang hèn, giới tính, tuổi tác, địa vị xã hội,… Du lịch tâm linh vì vậy có thể giúp mỗi người gỡ bỏ vai diễn kẻ lạ mặt (l’étranger – chữ của Albert Camus) trong đời để sống hòa hợp tự nhiên như tất cả chúng sinh trên mặt đất.
Ngài Dalai Lama đã từng có tâm sự: “Cơ hội tham quan các điểm hành hương của các truyền thống tôn giáo khác đã giúp tôi nhận chân rằng du lịch tâm linh đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi lớn sự hiểu biết và thiết lập sự hoà hợp liên tôn. Tôi tin tưởng rằng chúng ta cần nỗ lực nhiều hơn nữa để đảm bảo rằng các tôn giáo lớn trên thế giới sẽ liên kết tiềm năng con người lại, nhằm phục vụ nhân loại và cứu sống hành tinh chúng ta một cách tốt đẹp hơn. Đồng thời, thông qua đó, chúng ta cùng nỗ lực giảm thiểu tối đa các xung đột dưới danh nghĩa tôn giáo”.
Khi đời sống vật chất ngày càng được nâng cao, xã hội càng hiện đại thì con người ta lại càng có nhu cầu nâng cao hơn nữa đời sống tinh thần. Cho nên sự phát triển của du lịch tâm linh trong tương lai không xa là nhu cầu tất yếu, nhất là đối với quốc gia có nền văn hóa Phật giáo như Việt Nam.
Chương trình tour du lịch tâm linh vì thế gần như sinh hoạt của các khóa tu với giờ giấc cụ thể, với các chương trình: Ngồi yên và tụng kinh; Pháp đàm; Thiền trà; Dự lễ xuất gia; Trò chơi dân gian; Tham vấn; Đi thiền; Pháp thoại; Thiền ca; Thiền buông thư,…
Và bạn cũng chú ý điều này, phần lớn các thánh tích nằm ở những vùng núi cao, hẻo lánh với khí hậu thường khác biệt với duyên hải, phố phường, vì vậy trong những tour cụ thể, công ty du lịch thường yêu cầu du khách chuẩn bị túi ngủ, chăn mền, áo ấm, khăn quàng cổ, nón, đèn pin, áo quần và vật dụng cá nhân. Đôi khi để tham gia các lễ hội vui xuân, tôn giáo, du khách còn được người thiết kế tour đề nghị mang theo trang phục truyền thống như áo dài, khăn đóng, áo tứ thân… Du khách nếu có sức khỏe tốt, có yêu cầu cắm trại ngoài trời, công ty sẽ chuẩn bị lều trại và các vật dụng liên quan khác. Đặc biệt ở tour du lịch tâm linh, rõ ràng du khách không được hút thuốc, hay uống rượu, không mang theo các trò chơi điện tử, đồ dùng quý giá, thức ăn mặn…
Như vậy đấy là du lịch tâm linh. Bạn đã chuẩn bị tinh thần cho một chuyến du lịch như vậy chưa, một chuyến du lịch đi xa mà lại trở về chính mình ?
Bài học từ Ấn Độ
Ấn Độ được mệnh danh là đất nước của tôn giáo và triết học. Quốc gia này là nơi khởi nguyên của các tôn giáo lớn trên thế giới trong đó nổi bật là Phật giáo, bởi vậy rải rác khắp đất nước này là hàng ngàn Phật tích, danh thắng liên quan đên Phật giáo. Với hơn một tỷ tín đồ Phật giáo trên khắp thế giới, Ấn Độ đương nhiên trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất cho du lịch tâm linh. Hiểu rõ điều này nên từ rất sớm chính phủ Ấn Độ đã chú ý xây dựng chính sách liên kết du lịch Ấn Độ với tâm linh Phật giáo.
Để các Phật tích thu hút du khách, chính phủ Ấn Độ thiết lập các đường bay mới từ các thủ đô của các bang quan trọng đến thẳng các thánh địa Phật giáo, thêm các chuyến xe lửa độc lập dành cho du khách hành hương đến đất Phật. Trong vùng phụ cận các thánh tích, họ cho xây dựng nhiều khách sạn đủ loại và các căn hộ cho thuê để du khách có thể lưu trú nhiều ngày tại đây. Các nhà hàng cũng đã có nhiều loại thực phẩm châu Á để giúp cho du khách chưa quen với hương vị thực phẩm Ấn Độ có thể ăn uống được dễ dàng. Hoàn thiện hơn, họ còn thiết lập các điểm dịch vụ y tế, đáp ứng kịp thời và đảm bảo sức khoẻ cho du khách.
Mặc dù chính phủ Ấn Độ rất quan tâm đầu tư phát triển công nghệ du lịch, nhưng không cho các yếu tố thương mại hóa chi phối du lịch tâm linh. Nói khác đi, một mặt chính phủ tạo phương tiện đầy đủ và tiện nghi cho các du khách như nâng cấp đường xá, thiết lập thêm các phương tiện giao thông, đảm bảo vệ sinh môi trường ở những nơi công cộng và các sân ga, đặc biệt là những khu phụ cận các Phật tích, nhưng mặt khác khuyến khích và tạo điều kiện cho các giáo hội Phật giáo trên khắp thế giới mở các khoá tu thiền trong khuôn viên của các Phật tích, giúp cho du khách thanh lọc thân tâm trong những ngày ở trên đất Phật.
Chẳng hạn, Tháp Bồ Đề Đạo Tràng là một trong số 84.000 công trình chùa tháp và các cấu trúc Phật giáo được đại đế A-dục kiến lập vào khoảng 218 năm sau khi Đức Phật nhập Niết bàn tại đất nước Ấn Độ. Toàn bộ quần thể Bồ Đề Đạo Tràng được chính quyền bao bọc bởi một hàng rào với kiến trúc Phật giáo thời kỳ Gupta, vừa đảm bảo được an ninh trong khuôn viên, đồng thời đảm bảo được tính tương thích của hai giai đoạn kiến trúc xưa và nay. Để biến Bồ Đề Đạo Tràng thành thánh địa linh thiêng nhất của Phật giáo, chính phủ Ấn Độ chọn ngày Rằm tháng 4, ngày Phật đản sinh làm ngày hành hương Phật giáo. Lễ hội hành hương về Bồ Đề Đạo Tràng được truyền hình và đưa tin trực tiếp trên khắp thế giới.
Việt Nam đã chuẩn bị gì cho loại hình du lịch này ?
Việt Nam là một quốc gia rất giàu có các thánh tích: chùa Trấn Quốc (Hà Nội), chùa Hương (Hà Tây), Yên Tử (Quảng Ninh), Luy Lâu (Bắc Ninh), Thánh thất Cao Đài (Tây Ninh), Trà Kiệu (Quảng Nam), La Vang (Quảng Trị), Phát Diệm (Ninh Bình),… Thế nhưng, du lịch Việt Nam cũng chỉ mới để ý đến du lịch tín ngưỡng, một loại hình du lịch nhìn ngắm, thăm viếng.
Các thánh tích ngày càng được chú ý đầu tư nâng cấp, cải tạo, tu sửa khang trang, bề thế hơn, nhưng lại ít quan tâm đến phương diện chuẩn bị các điều kiện cho du khách theo loại hình du lịch tâm linh như: nơi ở, thiền thất, thánh thất, các trang bị sinh hoạt khóa tu, nhu yếu phẩm, đặc biệt là con người. Chẳng hạn, núi chùa Bái Đính nằm cách trung tâm thành phố Ninh Bình 12km, cách cố đô Hoa Lư 5 km được xem là khu du lịch tâm linh mới của Việt Nam. Điện Tam Thế có tượng Tam Thế đúc bằng đồng, nặng tới 50 tấn; Điện Pháp Chủ với tượng Thích Ca Mầu Ni nặng 100 tấn; hai quả chuông đồng nặng 36 tấn và 27 tấn đồng, cổng Tam quan, hồ Phóng sinh… Xung quanh hai bên lối đi là 500 tượng La Hán bằng đá Ninh Vân – Ninh Bình. Ngoài ra, núi Bái Đính cũng là nơi đặt khu tháp mộ sư, bảo tháp 14 tầng, khu bảo tàng Phật giáo Việt Nam, khu thờ Mẫu… Khách có thể nghỉ ngơi trong công viên yên tĩnh nơi trồng nhiều cây dược liệu, cây quý hiếm hoặc dạo thuyền vào thăm khu hang động Tràng An cách chùa không xa, nơi có tới 50 hang động dưới lòng núi đá vôi đã phát lộ. Khu du lịch này rộng 510ha, được xây dựng với nhiều hạng mục lớn, nhưng gần như chỉ chú ý cho du khách vãn cảnh.
Là một trong 3 thiền viện tầm cỡ lớn nhất của Việt Nam, Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên thuộc xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, được xây dựng ngay bên cạnh khu di tích danh thắng Tây Thiên cổ tự. Thiền viện có diện tích rộng 4,5ha, rừng ngoại vi rộng 50ha là một công trình mang tầm cỡ quốc gia đã chính thức hoàn thiện và được khánh thành cuối năm 2005, nhưng hàng ngàn phật tử, du khách trong và ngoài nước hành hương về “cội nguồn Phật giáo Việt Nam” này cũng chỉ để thắp hương khấn phật và thưởng ngoạn cảnh đẹp rừng núi Tây Thiên hơn là tìm lại chính mình.
Ở phía Nam, du khách có thể đến Thiền Viện Bát Nhã tại huyện Bảo Lộc, Lâm Đồng. Đây là nơi thu hút đông khách đến để tu học, gỡ bỏ mọi gánh nặng cuộc sống để tìm về sự bình thản của tâm hồn. Thiền viện tọa lạc giữa mênh mông rừng thông và trà như một đóa sen tinh khiết giữa cao nguyên. Đến đây, trên từng bước đi, trong lòng hướng Phật, thân tâm đắm mình trong thiền lặng giữa một không gian bát ngát thiền ân, du khách sẽ cảm thấy cảnh vật thanh tịnh lạ lùng, chỉ nghe tiếng suối róc rách, thông reo và tiếng chuông thiền ngân nga, vang vọng, lúc ấy bạn sẽ như nghe được tiếng nói nội tâm của chính mình. Đây là một địa chỉ có thể triển khai được du lịch tâm linh.
Nhưng trên bản đồ du lịch, trên các kênh quảng bá, xúc tiến, người ta vẫn chưa thấy nói đến những nơi này như là điểm đến của loại hình du lịch tâm linh. Vì vậy có lẽ đến giờ ở Việt Nam, du lịch tâm linh vẫn còn là một loại hình du lịch của tương lai ?
Tuệ Lãng
Nguồn : internet