;
Ô nhiễm môi trường đến từ… ô nhiễm tâm hồn
Đức Gyalwang Drukpa, người đứng đầu Truyền thừa Phật giáo Kim cương thừa Drukpa cho rằng, các vấn đề môi trường hiện đang trở nên rất đáng quan ngại. Ngài cũng nêu rõ, những căn nguyên ô nhiễm môi trường thực chất không phải nằm ở bên ngoài, mà thực sự nguyên nhân gốc rễ chính là sự ô nhiễm bên trong, "cụ thể là sự ô nhiễm trong tâm hồn mỗi chúng ta". Bởi, có thể do sự hiểu biết không đúng đắn, hoặc do sự giáo dục chưa được chuẩn xác, cho nên tâm chúng ta bị ô nhiễm, dẫn đến sự ô nhiễm của môi trường.
Đức Phật Thích Ca đã từng dạy đệ tử của Ngài, đặc biệt là những phật tử xuất gia, không được phép chặt cây, nhổ cỏ, không được đào đất… để thể hiện tình yêu thương, lòng từ bi của một người đệ tử Phật ban trải đến thiên nhiên. Khi không có tình thương với muôn loài, đương nhiên chúng ta sẽ phá hoại tất cả môi trường xung quanh.
Đối với động vật, chúng ta không có tình thương, cho nên chúng ta thản nhiên ăn thịt chúng. Đôi khi chúng ta nói chúng ta thích cá, nhưng chúng ta vẫn ăn thịt cá. Chúng ta nói rằng yêu chó, thích chim, nhưng vẫn sắm những cái chuồng, cái lồng để nhốt chó, nhốt chim. Đó là cách loài người thể hiện tình yêu thương của mình đối với các động vật, nhưng hóa ra hành động ấy làm khổ các loài động vật bởi không cho chúng được tự do. Cái gọi là yêu thương đó mang sự ích kỷ bên trong.
Đối với môi trường xung quanh, chúng ta dám chặt phá cây chính bởi tâm chúng ta nhiều tham lam, bởi tâm chúng ta ô nhiễm nên không biết trân trọng, bảo vệ thiên nhiên. Khi thiên nhiên bị phá hủy thì ô nhiễm môi trường ngày càng tăng. "Tai nạn, thiên tai, thảm họa… xảy ra. Chúng ta không hiểu nguyên nhân từ đâu. Tại sao lại có những thảm họa như vậy? Đó chính bởi tâm chúng ta căng thẳng.
Chính sự căng thẳng tâm lý khiến cho thân thể mệt mỏi, bệnh tật. Và khi bầu không khí môi trường ô nhiễm tác động đến các tế bào não, từ não tác động đến tâm lý làm chúng ta tức giận nhiều hơn, phiền muộn nhiều hơn, căng thẳng nhiều hơn… Đó là lý do vì sao chúng ta bị bệnh. Như vậy, tôi nghĩ rằng sự ô nhiễm bên ngoài có liên hệ rất mật thiết với sự ô nhiễm bên trong. Và vì thế, việc giáo dục về môi trường ở các trường học và không chỉ ở trường học mà ở tất cả các nơi, các cộng đồng… vô cùng quan trọng", Đức Gyalwang Drukpa nhấn mạnh.
Phải làm gì đây?
Đức Gyalwang Drukpa cũng bày tỏ, luôn suy nghĩ trăn trở "phải làm gì đây?" và ngài luôn tìm được giải pháp, tìm được cách thức để tương tác với mọi người ở bất kỳ đất nước nào tới thăm, đặc biệt là ở Việt Nam.
Đức Phật Thích Ca đã dạy từng dạy: "Hãy sống trân trọng tất cả mọi loài". Rõ ràng, Ngài không chỉ dạy "Hãy trân trọng mọi người" mà Ngài dạy "Hãy trân trọng tất cả mọi loài", tức là phải biết trân trọng cả các loài động vật, cả môi trường thiên nhiên.
Trân trọng có nghĩa là chúng ta học cách sống tràn đầy sự kính trọng và tình thương yêu. Nếu chúng ta không biết trân trọng thì cuộc sống của chúng ta không có hạnh phúc. Hay chúng ta nói yêu vợ hoặc chồng mình, nhưng chưa chắc chúng ta đã trân trọng vợ hoặc chồng mình…
Như vậy, sự trân trọng cuộc sống, trân trọng môi trường và tất cả những gì mình đang có là điều vô cùng quan trọng.
"Hãy để cho mọi loài cùng được sống và có quyền được sống giống như chúng ta. Bởi vậy, tôi nghĩ rằng với tình thương yêu và trân trọng, chúng ta cần sống với nhau rất cởi mở, chân thành và thân thiện, đó chính là điều căn bản, là giải pháp để giải quyết vấn đề ô nhiễm", ngài nêu rõ.
Hoàng Đan
Nguồn:http://soha.vn/duc-phap-vuong-gyalwang-drukpa-ta-yeu-cho-thich-chim-nhung-sao-lai-sam-long-nhot-chung-20170329083649903.htm