;
Trong Kinh Pháp Cú, Phật nói rằng: “Có 4 cái hạnh phúc chân thật,
đó là:
Hạnh phúc thay, đức Phật giáng sinh
Hạnh phúc thay, giáo pháp cao minh
Hạnh phúc thay, chúng Tăng hòa hợp
Hạnh phúc thay, tứ chúng đồng tu". (Pháp Cú 194)
Hạnh phúc thay chư Phật giáng sinh”, bởi vì nơi nào mà có chư Phật giáng sinh thì nơi đó sẽ mang lại nguồn lợi ích, an lạc, hạnh phúc cho chư thiên và loài người. Tại sao chúng ta gọi là ngày giáng sinh hoặc
đản sinh? Đản có nghĩa là vui vẻ, hân hoan, lợi ích cho nên ngày đức Phật sinh ra đời là ngày làm cho người hân hoan, vui vẻ. Đó là nguyên nhân mà mỗi mùa Phật Đản những người con Phật chào mừng ngày đức Từ Phụ ra đời với tinh thần thương yêu, hòa ái.
Cờ Phật Giáo có 5 màu, và khi xưa người ta làm cờ với quan điểm là 5 màu thể hiện cho 5 châu nhưng về sau địa cầu có tất cả 6 đại châu mà Phật Giáo đều đến và làm cho tất cả xứ sở an ổn, hòa bình.
Trong lịch sử truyền bá của Phật Giáo, đạo Phật đi tất cả các nơi trên thế giới để chia sẻ niềm đau thương của chúng sanh mà chưa bao giờ đổ máu bởi những cuộc chiến tranh trong vai trò truyền giáo. Hôm nay chúng ta tưởng niệm ngày đản sinh của đức Phật để chia sẻ niềm vui mà Phật đã nói trong Kinh Pháp Cú tức là “hạnh phúc thay chư Phật
giáng sinh.” Chữ giáng sinh mang cái ý nghĩa cao thượng tức là một bậc tu hành nhiều kiếp thị hiện xuống trần gian làm một chúng sanh như chúng ta để chia sẻ nỗi cơ cực, thống khổ triền miên của kiếp con người và trở thành bậc Giác ngộ. Còn chúng ta thì gọi là được sinh ra trong đời này do cái nghiệp lực bởi ái dục, bởi thương yêu cho nên chúng ta chịu nhiều khổ đau cả ý niệm lẫn tâm thức.
Trong cái hình ảnh sơ sinh của Phật thì chúng ta thấy rằng Phật cũng như bao nhiêu đứa trẻ khác cũng sinh ra, lớn lên và già chết. Nhưng cái quan trọng của Phật mang vào cuộc đời là giáo lý và những tư duy làm cho cuộc đời trở nên thánh thiện. Cho nên khi chúng ta mừng ngày đản sinh của đức Phật là chúng ta tưởng nhớ đến công đức của một người đã đi vào cuộc đời này và mặc dù người ấy đã đi qua cuộc đời này 2626 năm, nhưng những gì người đó để lại cho đời quá rực rỡ, quá tốt đẹp để con người ngưỡng vọng, tưởng niệm, tôn kính và trở thành một bậc vĩ nhân của nhân loại.
Phật nói: “Hạnh phúc thay chánh pháp cao minh” tức là sau khi sinh ra ngài đã tìm được con đường tận diệt khổ đau trong cuộc đời này để mở ra một con đường giáo lý, con đường giác ngộ gọi là đạo Phật. Chánh pháp là những giáo lý chân chánh làm cho con người bỏ khổ, trừ mê và cuối cùng thành tựu giác ngộ. Nhưng sau khi Phật nhập Niết Bàn thì chánh pháp sẽ ra sao? Vì vậy Phật nói: “Hạnh phúc thay Tăng già hòa hiệp” tức là những đòan thể, những vị tu hành đã thệ nguyện đi theo con đường của đức Phật và tập sống giống như Đức Phật để hướng dẫn giáo lý của Phật cho tất cả chúng sanh, gọi là Ưu Bà Tắc và Ưu Bà Di, trở thành người Phật tử chân chánh.
Điều quan trọng sau cùng Phật gởi đến chúng ta là: “Hạnh phúc thay tứ chúng đồng tu” tức là mọi người cùng tu để giải thoát những khổ đau, giải trừ những tham vọng, những si mê trong cuộc đời thống khổ này. Tứ chúng gồm có Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc
và Ưu Bà Di, cận sự nam và cận sự nữ. Tứ chúng xây dựng đạo Phật để đi vào cuộc đời cho nên Phật nói đó là niềm hạnh phúc. Niềm hân hoan chúng ta đón nhận trong ngày Phật Đản nếu có ca hát thì là những bài nhạc thánh thiện khuyến khích những người con Phật nên tinh tấn, nỗ lực tu hành, và nếu không thì vẫn có những tấm lòng chân thành tưởng niệm đến công đức của ngài. Nhớ tưởng một cách chân chánh đến đức Phật không có gì hơn là sống thánh thiện và noi theo nhân cách của đức Phật để trở thành một người con Phật xứng đáng.Qua những lời Phật dạy chúng ta ghi nhận được rằng:
Có hai đức Phật trong đời này, một là đức Phật của lịch sử có ngày tháng năm sinh cách đây 2626 năm và hai là đức Phật thị hiện tức là đức Phật đã thành Phật trong đời này rồi mà còn trở lại đây nhiều lần vì sự thống khổ của chúng sanh.
Đức Phật của lịch sử là một người có thật đã sinh ra tại Ấn Độ cách nay 2626 năm tên là Sĩ Đạt Ta con vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Da của giòng họ Sakya tức là Thích Ca. Khi lớn lên, ngài có vợ tên là Da Du Đà La và con trai là La Hầu La. Đây là một lịch sử rất bình thường nhưng cái phi thường trong con người đó là sau khi có gia đình, nhận thức chân chánh và sâu sắc được tất cả cái khổ của cuộc đời qua “sinh, lão, bệnh, tử” khổ, “ái, biệt, ly” khổ, “thù, ghét, gặp gỡ” khổ, “thân, thể bại hoại” khổ, “cầu, muốn mà không được” khổ để rồi cuối cùng ngài đã từ bỏ cuộc sống của hương vị, của giàu sang, những luyến ái, thương yêu, khát vọng của chúng sanh để đi vào rừng già mà chịu 6 năm khổ hạnh, 5 năm tìm đạo và đã tìm ra con đường chân lý. Chân lý đây không phải là những gì kỳ tuyệt mà chỉ là sự thật của cuộc đời có nghĩa là tất cả những khổ đau, những chấp thủ trong thế giới là ngã và ngã sở hữu. Vì vậy chúng ta lăn lộn trong nhiều kiếp luân hồi và chịu vô lượng khổ đau. Sau 49 ngày ngồi duới cội cây Tất Bát La (sau gọi là cội Bồ Đề hoặc Bodhi), ngài đạt giác ngộ và thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni (trước khi giác ngộ chỉ là giòng họ Thích Ca hoặc Gotama).
Như vậy, cái thành Phật của ngài là để chúng ta thấy rằng đức Phật cũng là một con người giống như chúng ta. Do đó khi thành Phật, ngài nói rằng: “Bây giờ ta đã thấy rõ người làm nhà, thấy rõ cái con người mà ta đã từng sanh tử luân hồi qua bao nhiêu kiếp cho nên cái người thợ làm nhà [những ham muốn, chấp thủ] không còn làm nhà được nữa vì tất cả những kèo cột đều gẫy hết cho nên hôm nay ta đã chiến thắng được ngươi. Chỉ có chiến thắng được mình thì đó mới là chiến công oanh liệt nhất.” Chúng ta nghe thì thấy là đơn giản nhưng cái công trình để tìm ra con đường của giác ngộ, cái sự hy sinh, lòng từ bi vô lượng của Đức Phật khi vào đời rất là lớn và không thể diễn tả được vì không có ngôn ngữ nào để nói lên được sự cảm niệm cái công ơn sâu dầy của một người đã khai sinh ra một giáo lý mà có thể làm giác ngộ được toàn thể nhân loại.
Sau khi ngài thành Phật, ngài đã tuyên bố rằng: “Như Lai là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành” để nói là chúng ta đi trong luân hồi mà bất cứ lúc nào chúng ta giác ngộ và chấm dứt luân hồi thì chúng ta cũng sẽ thành Phật như ngài, giải thoát khổ đau như ngài vậy. Do đó chúng ta phải sách tấn tu hành và đừng nên coi thường cái khả năng giác ngộ của chúng ta ngay trong cái thế giới ngũ trược này (ngũ [5] trược [nhơ bẩn] là ác trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sanh trược và mạng trược). Phật nói rằng: “Bởi vì chúng ta tự ti, mặc cảm, cứ nghĩ rằng chúng ta là chúng sanh nhưng nếu chúng ta thử buông xả hết những tham chấp của cá nhân, thương yêu hết mọi người, tha thứ và gần gủi mọi người thì chúng ta sẽ từ từ trở thành cao thượng.”
Có người hỏi là làm sao tìm ra được người đắc đạo trong ngày nay? Thật ra, người đắc đạo không phải là người thị hiện thần thông. Đức Phật đã nói là ngài biết thần thông nhưng không muốn biểu diễn để cho người sợ hải hoặc tin theo. Phật không huyền bí như chúng ta tưởng mà là một người rất bình thường. Đặc điểm của đạo Phật là Phật và các đệ tử của ngài đi vào đời với một đặc tính hoàn toàn bình đẳng. Vì vậy khi chúng ta gần gủi người mà đã thấm nhuần nhân cách đức Phật thì chúng ta cảm nhận được cái bình an của Phật chất nơi những vị đó.
Cái quan trọng của người học Phật là chất bình an, không có sự chấp thủ cá nhân và không có sự tham muốn cá nhân. Cho nên ngày nào chúng ta còn tham muốn, còn phân biệt, còn đối xử nhiều thì ngày đó chúng ta còn cách xa Phật mặc dù trong chúng ta có đầy đủ Phật chất. Phật nói rằng: “Như Lai ra đời với một đại sự nhân duyên là khai thị chúng sanh ngộ, nhập Phật tri kiến” nghĩa là ngài ra đời để khai mở cho mọi người thấy được rằng ai cũng có những của báu và hãy xử dụng những của báu đó đúng với khả năng của nó.
Khi người ta hỏi về nguyên tắc của đạo Phật là gì thì các vị Tổ hoặc Thánh nhân trả lời rằng: “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý, thị chư Phật giáo” tức là tất cả giáo lý đạo Phật chỉ gồm trong ba điều là đừng làm ác, cố gắng làm lành, tự thanh tịnh hoặc thanh lọc chính mình và đó là lời chư Phật dạy.
Chư Phật gồm có Phật của quá khứ, Phật của hiện tại và Phật của tương lai. Khi không làm các điều ác thì chúng ta đã thiện rồi nhưng đây chỉ là phần thiện của tiêu cực, trong khi câu thứ hai “chúng thiện phụng hành” là phần thiện tích cực tức là chẳng những không làm điều ác mà những việc thiện dù nhỏ cũng không bỏ. Thí dụ như nhặt gai hoặc mảnh sành để người khác không đạp lên gọi là chúng thiện phụng hành trong khi không quăng gai ra đường là không làm ác nhưng điều thiện thì chưa làm. Khi hiểu rõ thì chúng ta thấy rằng đạo Phật rất là tích cực. Cũng như đức Phật nói rằng cuộc đời là khổ đau không có nghĩa là bi quan, yếm thế mà cốt là cho thấy rằng chúng ta không nên tham đắm, say mê cuộc đời này để rồi tạo nên những khổ đau cho người khác mà phải luôn tỉnh giác để thấy cuộc đời này là vô thường, khổ đau, vô ngã và do đó phải “chúng thiện phụng hành” để làm tốt đẹp cho người xung quanh. Sau khi bỏ ác, làm thiện, chúng ta phải thanh lọc ý của mình có nghĩa là phải sám hối để lục căn được thanh tịnh.
Trong Kinh Pháp Hoa, Phật nói rằng: “Giống như những tướng giỏi được vua ban thưởng minh châu, tất cả chúng sanh nếu tinh tấn tu học thì Phật cũng sẽ giao cho cái giá trị nhất của đạo Phật là trí tuệ của sự giác ngộ”, đây nói lên sự bình đẳng như nhau.
Thời của đức Phật, Phật và các đệ tử của Phật cũng đã từng thể hiện sự bình đẳng giữa những giai cấp trong xã hội. Hôm nay chúng ta cũng vậy, trong ngày tưởng niệm đến đức Phật chúng ta hoàn toàn không có giai cấp và chúng ta chỉ đồng có một tánh giác ngộ giống như nhau.
Chúng ta nên học nhân cách của Phật và của những vị Thánh tăng để trau dồi cái mỹ đức của chúng ta tức là cái đẹp của tánh nết, của lòng vị tha, của nhân ái, của tự trọng và kính nể mọi người. Khi tu sửa con người của chúng ta trở nên thánh thiện thì giữa ta và Phật không còn cách xa nữa. Có bài nguyện là: “Chúng con nguyện dứt bỏ dục tình ngoan cố, học đòi đức tánh hiền lương”. Cho nên người Phật tử không nhất thiết phải quy y, không phải thường xuyên đi chùa mà chỉ cần hiểu lời Phật dạy và sống xứng đáng với những giáo lý của Phật thì người đó là Phật tử chân chánh.
Khi học Phật chúng ta thấy được những phần tích cực quan trọng hơn những phần tiêu cực và vì vậy chúng ta nên bỏ đi những tiêu
cực để tập sống một cách khoáng đạt hơn. Đức Phật nói rằng: “Tất cả thế giới này nếu con người biết mở rộng tầm mắt ra bỏ đi những chấp ta, tự ngã thì con người sẽ nhận được tất cả những gì cao quí nhất của chân lý.” Là người con Phật chúng ta hiểu rằng khi sống một cách chân chánh thì chúng ta biết rằng có nhân thì có quả.
Trước khi nhập Niết Bàn, Phật nói rằng: “Tất cả các đệ tử của ta đời nay và đời sau chỉ nhớ một điều là hãy luôn luôn tinh tấn để giác ngộ giải thoát, hãy làm như một con tuấn mã chạy ra khỏi những ý hèn của mình...Nếu các Phật tử cung kính Phật thì nên nhớ là cung kính không bằng gì là phụng mạng. Này các ngươi, đừng nghe theo dục vọng mà quên lời ta dặn. Mọi sự vật ở đời không có gì là quí giá, thân thể rồi sẽ rã tan. Chỉ có chân lý của ta nói là bất di, bất dịch. Cái đó làm cho các ngươi tự giải thoát khỏi khổ đau. Cho nên, này các ngươi, hãy tinh tấn lên, hãy tự nương tựa chính mình, đừng nương tựa ở một ai khác.”
Trong Kinh Pháp Hoa, Phật là vị trưởng giả kêu gọi các con ra khỏi nhà đang bị cháy và nếu chạy ra thì sẽ được ba loại xe đẹp. Nhưng khi các trẻ chạy ra thì chỉ có một xe trâu mà thôi. Đây cho chúng ta thấy rằng tất cả các pháp tu (thiền, tịnh độ, mật chú, v..v...) là để cho chúng ta chạy ra khỏi nhà lửa tam giới và khi ra khỏi nhà lửa thì các Phật tử chỉ thấy một xe duy nhất mà thôi. Có nghĩa là khi chúng ta từ bỏ hết những đam mê, tham ái, tự ngã thì tất cả mọi người đều bình đẳng giác ngộ giống như nhau và tất cả những pháp tu đều không có khác biệt. Vì vậy sự bình đẳng là một đặc thù của đạo Phật.
Bài thơ sau đây của thi sĩ Trụ Vũ tán dương về ngày Phật ra đời:
“Nửa khuya đức Phật vào đời
Trong đôi cánh hạc tuyệt vời lên trăng
Cành hoa muộn nở ngoài sân
Thoảng hương xa Phật đến gần trong hươu
Phật là hoa, Phật là hươu, Phật là trăng, là hạc,
là hồn của phương Đông”
Tất cả các nơi, tất cả những cái đẹp nhất trong thế giới này đều là Phật cả, có nghĩa đều là giác ngộ. Nhà thơ diễn tả về Phật tiếp theo như sau:
“Rạng ngày chim hót vườn Đông
Chở chuyên trên cánh hoa hồng âm thanh
Ba nghìn vô tự chân Kinh
Lắng nghe thoảng đến tai mình đơn sơ
Lời chim hót, tiếng quay tơ
Cả âm thinh, cả lặng tờ đều Kinh
Phật ngồi trong mắt thủy tinh
Phật thơm trên má cây quỳnh, cành giao
Phật phơ phất giữa hàng rào
Thắm hoa dâm bụt xôn xao nắng chiều
Phật là quê mẹ thương yêu
Kinh là những tiếng sáo diều của em
Ôi từ độ đá thành tên
Ôi từ độ đất lên nghìn cỏ hoa
Giọt cành sương, hạt mưa sa
Pháp âm dậy giữa phong ba ngọt ngào
Từng biển thấp, từng non cao
Ý chi không Phật, lời nào không Kinh”
Khi tâm không còn phiền não, chấp mắc nữa thì ai nói gì đối với mình cũng là Kinh. Có thương yêu, có hiểu biết thì lúc đó có Phật chất trong con người của chúng ta. Những gì của thương yêu, của dịu dàng đều là Phật, là Kinh. Đạo Phật là có tính chất giác ngộ, tính chất thức tỉnh trong mọi hành động, mọi lời nói và mọi ý nghĩ của con người. Cho nên mỗi người chúng ta đều có thể đem đạo Phật vào đời tức là đem những gì Phật nói và sống vào trong cuộc đời. Chỉ khi nào chúng ta tu chứng thì mới gọi là cúng dường Phật một cách cao thượng. Trong ngày Phật Đản, chúng ta chỉ có sắm hương, hoa, quả thôi thì chưa làm tròn bổn phận. Chúng ta còn phải tưởng niệm đến công ơn của Phật, còn phải tự xét mình đã xứng đáng làm người Phật tử chưa, đã tiến bộ hơn trước chưa và chỉ khi nào con người chúng ta ngày càng hoàn thiện hơn thì mới là đã và đang cúng dường Phật một cách cao thượng.
Đức Phật có 10 danh hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư và Phật Thế Tôn.
Như Lai: “Vô sở trùng lai, diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai”. Như Lai là như như, bất động có nghĩa là không từ đâu đến và cũng không đi về đâu, nhưng tùy duyên bất biến. Khi nào chúng ta tu hành thanh tịnh rồi thì sẽ thấy rằng hiện tại đức Phật đang ở tại ngay đây và đang thuyết pháp tại đây. Lý do chúng ta không thấy được là vì con mắt của chúng ta có quá nhiều chướng nạn có nghĩa là bị che mờ bởi vô minh.
Ứng cúng: Người mà xứng đáng được cúng dường
Chánh biến tri: Sự hiểu biết chân chánh của Phật về tất cả
các pháp trên thế gian.
Minh Hạnh Túc: Trí tuệ và hạnh nguyện của Phật đều đầy đủ.
Một danh từ khác là Lưỡng Túc Tôn có nghĩa là phước túc
và huệ túc.
Thiện Thệ: Khéo vượt qua và qua lại cõi sinh tử và Niết Bàn
một cách dễ dàng.
Thế Gian Giải: Khi Phật còn tại thế, ngài có thể giải thích rõ
ràng hết tất cả những sự việc xảy ra trong không gian và thời
gian với chư Tăng, chư Phật tử, mọi loài chúng sinh.
Vô Thượng Sĩ: Sự học và thành tựu của ngài đều do ngài tự
chứng ngộ và không có thầy nào khác trên ngài.
Điều Ngự Trượng Phu: Bậc trượng phu có thể điều ngự hoặc
điều khiển chính mình. Cho nên khi Phật giác ngộ ngài tuyên bố
rằng: “Chiến thắng vạn quân không bằng chiến thắng lấy mình.
Chiến thắng lấy mình đó là chiến công oanh liệt nhất.” Khi làm
chủ được chính mình thì làm chủ được tất cả các pháp.
Thiên Nhân Sư: Phật xứng đáng làm thầy của trời và người.
Phật: Phật là giác giả tức là giác ngộ hoàn toàn (tự giác, giác
tha và giác hạnh viên mãn).
Thế Tôn: Có nghĩa là do nhân thế tôn xưng ngài với 10 danh
hiệu trên, không phải do chính ngài tự tôn xưng.
Chúng ta về chùa để cảm nhận cái tình cảm thân thiết của con người, cái tình thương bình đẳng của đức Phật đến với tất cả muôn loài.
Chùa là bóng mát quê hương
Là nơi chan chứa tình thương đậm đà
hay là
Mỗi người, mỗi nước, mỗi non
Bước vào cửa đạo như con một nhà
Không phải chỉ riêng ngày Phật Đản mà là bất cứ ngày nào trong đời, chúng ta nên mang Phật chất vào đời bằng cách sống vị tha, nhân ngã và phải biết rằng thế giới này chỉ là tạm bợ mà thôi. Do đó chúng ta phải trồng hạt giống tốt để dù cho có đi đến thế giới nào đi nữa hoặc trở lại cõi này, cuộc sống của chúng ta cũng vẫn luôn cao thượng và tốt đẹp hơn. Nói một cách khác, chúng ta phải làm sao để lúc nào cũng thấy Phật, thấy pháp, nghe Kinh thì như vậy là chúng ta đem đạo Phật vào đời.
Đức Phật nhập Niết Bàn 2546 năm và Phật đản sinh 2626 năm nhưng cái hương vị ngài trao truyền cho tất cả đều bình đẳng như nhau. Nếu như chúng ta nhớ tưởng, tôn kính đến đức Phật thì chúng ta cảm nhận được cái hạnh phúc được làm đệ tử của ngài. Chúng ta
hãy phát nguyện tự tìm về chính mình, tự giác ngộ, tự tìm Phật chất của chính mình, và trong những thời gian nào của riêng mình thì chúng ta hãy tự tịnh kỳ ý. Như vậy là chúng ta đã vâng lời dạy của chư Phật và đã cúng dường chư Phật. Ý nghĩa quan trọng nhất trong
ngày Phật Đản là “ngày Đản Sanh (ngày rằm tháng Tư) của đức Phật Thích Ca Mâu Ni không có ý nghĩa bất diệt, bất tử của nó, nhưng chính những gì Phật làm cho thế gian này sau khi ngài sanh ra làm cho ngày Đản Sanh trở nên bất diệt.”
Mừng Phật Đản trong tinh thần hòa hợp, hiểu biết, thương yêu và sống mang lại những hạnh phúc cao thượng nhất mà ánh sáng đạo Phật đã mang lại cho chúng ta.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
Tỳ Kheo Thích Minh Hiếu
(Diệu Mỹ trích từ băng giảng của Tỳ Kheo Thích Minh Hiếu, Phạm Bình hiệu đính)
(Mừng Lễ Phật Đản PL 2546 (TL 2002) tại Minh Quang Thiền Viện,
30-32 Chadderton Street, Canley Vale, Sydney, NSW 2166, Australia.