;
Nụ cười thiền sư Thích Nhất Hạnh
Bài phỏng vấn thiền sư Thích Nhất Hạnh chấn động phương Tây
Đừng buồn suối ơi !
Đừng buồn núi ơi !
(Trịnh Công Sơn)
Nhắc lại chuyện xưa một chút:
Trước năm 1975, một bữa nọ tình cờ tôi vào nhà sách Kim Linh, đường Hoàng Diệu, nay là đường Hùng Vương, TP. Pleiku. Vốn yêu sách tôi dạo một vòng và với tay chọn tác phẩm Tình Người, tác giả Tâm Quán. Tôi về đọc say mê từ đầu đến cuối, từ đó yêu thích văn học Phật giáo, và luôn tìm sách của Sư Ông để đọc. Tôi yêu văn học Phật giáo bắt đầu từ tác phẩm Tình Người. (Tâm Quán là bút danh khác của Sư Ông).
Tôi thương kính Sư Ông qua tác phẩm Tình Người, và sau này hơn trăm tác phẩm khác. Tôi dõi theo bước chân hoằng pháp của Sư Ông từ trong nước, qua các châu lục khác nhau. Yêu thương đến mức viết một bức thư tay gởi cho Sư Cô Trí Nguyện mang qua Pháp thăm Sư Ông. Trong bức thư viết ngày 20 tháng 02, năm 1998 đó có đoạn:"Bạch Sư Ông! Con yêu kính Sư Ông từ ngày con mới xuất gia, qua tác phẩm Tình Người. Kể từ ngày đó con luôn dõi theo hình bóng Sư Ông, có lúc con đi lượm lặt những tài liệu của các tác giả viết về Sư Ông, và qua những tác phẩm Sư Ông viết, con định viết cuộc đời và sự nghiệp của Sư Ông qua cách nhìn và sự rung cảm của con khi đọc. Nhưng rồi con không thực hiện được, bởi vì đệ tử của Sư Ông ở phương tây viết về Sư Ông hay quá, do vậy con bỏ ý định".
Một đoạn khác: "Bạch Sư Ông! Con nhớ thương người vô hạn, con thường xuyên giới thiệu đường hướng của Sư Ông cho tất cả mọi người không phân biệt tôn giáo, đảng phái. Sau mỗi thời gian thực tập, mọi người đều được hạnh phúc. Có lần con ra miền Bắc, có ghé Hà Nội thăm. Một số chùa tại Hà Nội, các vị tăng ni trẻ vẫn biết đến Sư Ông và họ rất thương mến. Con có tặng cho các tăng ni trẻ miền Bắc cuốn"Nói với người xuất gia trẻ tuổi". Mấy mươi năm định viết thư thăm Sư Ông, nhưng rồi không viết được, hôm nay tình cờ con lại viết thư thăm Sư Ông để nói lên nỗi niềm của mình. Con rất xúc động nên chữ nghĩa ngoằn ngoèo, mong Sư Ông xá tội cho". ( Bức thư này được in trong tác phẩm "Về lại cội Bồ Đề" nhà xuất bản Lá Bối - Paris 1999).
Năm 2005, Sư Ông về nước thăm, hoằng pháp, tôi cùng các Phật tử có "Theo bước chân Thầy" đi thiền hành tu tập, ở Huế, Quy Nhơn - Bình Định).
Ấn tượng nhất vẫn là lần cùng Sư Ông, tăng thân Làng Mai thăm đền Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt, ở Phú Phong , Tây Sơn, Bình Định. Nghi lễ đón tiếp Sư Ông tại bảo tàng Quang Trung vô cùng long trọng, chuyến thăm này chư tôn đức trong BTS tỉnh hội Phật giáo Bình Định cùng đi với Sư Ông. Hòa thượng Giác Ngộ, chùa Bửu Thắng Gia Lai, Hòa thượng Thiện Nhơn tổ đình Thiên Đức Bình Định, cùng tháp tùng đoàn.
Đôi mắt Sư Ông luôn rực sáng chăm chú xem biểu diễn tinh hoa võ thuật Bình Định, xong phần biểu diễn Sư Ông có nói chuyện với hội chúng khoảng 30 phút, sau đó thầy Pháp Ấn đem bức thư pháp lồng trong khung hình, kích cỡ 40 x 60 có thủ bút của Sư Ông với dòng chữ " ĐỪNG PHỤ SUỐI ĐỒI". Tặng cho ban tổ chức bảo tàng Quang Trung. Tại sao không câu chữ nào khác, mà lại là câu" ĐỪNG PHỤ SUỐI ĐỒI". Sư Ông muốn nhắn gởi điều gì đây đối với các vị lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, các vị lãnh đạo Phật giáo trong Ban trị sự Phật giáo tỉnh Bình Định.
Các Thiền Sư, các Tổ Sư, các Hòa thượng cao tăng, miên mật tu trì, thiền định, các vị thường có tuệ giác, tri kiến khác người thường, có vị nhìn biết diễn biến thời cuộc trước khi nó xảy ra, như Quốc Sư Vạn Hạnh đời nhà Lý, Bồ tát Thích Quảng Đức năm 1963, và một số vị Thiền Sư được ghi chép lại trong "Thiền Uyển Tập Anh", và "Thơ văn Lý Trần"....
Dõi theo đời hoằng đạo của Sư Ông, chúng ta cũng thấy được tuệ giác siêu việt của Sư Ông. Trước năm 1975 khi viết cuốn sách "Đạo Phật ngày mai" với bút danh B'SU DANGLU, (nhà xuất bản lá bối 1970) Sư Ông có dự đoán rằng đất nước Việt Nam sẽ thống nhất. Sự kiện 11 tháng 9 năm 2001 tại Tòa Tháp Đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới tại Manhattan, Thành phố New York . Trước ngày Tòa Tháp Đôi nổ tung một tuần, Sư Ông đang thuyết giảng tại Thành phố New York, với đề tài Giận (Angry).
Khi còn khỏe Sư Ông cùng với các nhà khoa học thế giới luôn tổ chức những khóa hội thảo khoa học về môi trường, môi sinh. Trong những đĩa băng giảng mà chúng tôi nghe được, có một đĩa giảng Sư Ông kể lại đại ý rằng: Có những năm các nhà ngoại giao và doanh nghiệp Mỹ trước khi qua Việt Nam để thương thảo về lãnh vực kinh doanh, có hỏi ý kiến Sư Ông và xin Sư Ông một lời khuyên, Sư Ông trả lời họ như thế này: " Các ông qua đất nước chúng tôi để hợp tác kinh doanh thương mại, chúng tôi rất mừng, mong các vị làm kinh tế với đất nước Việt Nam chúng tôi, làm gì đó thì làm nhưng đừng hủy diệt môi trường của đất nước chúng tôi, đừng biến đất nước chúng tôi thành một bãi rác".
Ngày hôm nay, nhớ lại lời dặn dò của Sư Ông với các nhà ngoại giao và doanh nhân Hoa Kỳ, chúng ta thấy như là lời dự báo về hiểm nạn môi trường sống của đất nước Việt Nam chúng ta, qua các sự cố ô nhiễm biển các tỉnh miền trung vừa rồi.
Trở lại bức thư pháp "ĐỪNG PHỤ SUỐI ĐỒI" của Sư Ông.
Sư Ông là một nhà sử học, đã viết tác phẩm "Việt Nam Phật Giáo Sử Luận" với bút danh Nguyễn Lang, tác phẩm viết về lịch sử Phật giáo Việt Nam rất công phu giá trị, được nhiều giới học thuật ngợi khen.
Chính từ là một nhà sử học, cho nên Sư Ông hiểu rất rõ về vai trò của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn trong lịch sử nước nhà. Hiểu được sự đóng góp của đồng bào các dân tộc,trong đó có dân tộc Ba Na.... trong công cuộc kháng chiến của nhà Tây Sơn, và sau này là cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Vùng tây sơn thượng đạo (An Khê ngày nay) núi rừng hiểm trở, nếu không có sự ủng hộ giúp sức của đồng bào dân tộc Ba Na thì nhà Tây Sơn, cũng khó mà tụ nghĩa dựng nghiệp.
"ĐỪNG PHỤ SUỐI ĐỒI" là Sư Ông thầm chỉ các dân tộc thiểu số miền núi, ta đừng phụ họ.
Trong cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, đồng bào các dân tộc thiếu số ở ba miền, có công rất lớn. Và chính quyền đã làm công tác dân vận rất khéo, thể hiện tình cảm hết lòng, nên họ cũng đã hết lòng che dấu bảo vệ, sống chết có nhau. Điều quan trọng nhất trong thời gian kháng chiến là chính quyền, nhà nước đã khơi mở, giảng giải, thuyết phục họ giữ được ông Giàng (trời) của họ, tín ngưỡng truyền thống, văn hóa gốc của họ, nên họ đã chung lưng đấu cật trong việc chung của Tổ quốc.
Sau năm 1975, đất nước hòa bình độc lập, sự quan tâm ít hơn, kém hơn, công tác dân vận lơ là. Bởi vậy họ nghĩ rằng mình phụ họ, nên họ có niềm tin, tín ngưỡng mới, không còn gắn kết được với nhau thì lơ là nhả ra thôi, đó là quy luật. Với cái nhìn của một nhà sử học, của một thiền sư bất lập văn tự, khi nhìn đến viễn cảnh mất còn của đất nước Sư Ông chỉ còn viết ra được bốn chữ này thôi: "ĐỪNG PHỤ SUỐI ĐỒI".
Một nghĩa nữa:
Mình phụ suối đồi, núi đồi, thì suối đồi, núi đồi sẽ chết. Mà núi chết thì sông chết, và với thuyết nhân quả, duyên sinh của nhà Phật: "Chúng ta tồn tại là tồn tại trong mối tương quan của muôn loài vạn hữu, con chuồn chuồn, con bươm bướm, con chim họa mi... kia sẽ chết trong môi trường không khí bị ô nhiễm, thì con người ta cũng sẽ chịu chung số phận thôi. Con cá, con tôm, con ốc... sống không nổi trong môi trường nước bị ô nhiễm, thì con người cũng chung số phận thôi".
Tôi đã hiểu vì sao trong những buổi thiền trà, trong những bữa cơm im lặng Sư Ông đã dặn dò nhắc nhở đệ tử mình chỉ dùng những chiếc lá để đựng kẹo bánh, thức ăn. Không dùng bì ni lon, giấy... để giữ cho mẹ đất có tuổi thọ dài lâu.
"ĐỪNG PHỤ SUỐI ĐỒI" là thông điệp quan trọng nhất mà Sư Ông Thích Nhất Hạnh thương gởi đến chúng ta, để chúng ta suy ngẫm mà đóng góp công sức mình trong công việc giữ yên đất nước, và cầu mong Tổ quốc mãi mãi thanh bình, thịnh vượng cho tương lai con cháu chúng ta thụ hưởng.
Gia Lai, ngày 14.10.2016