;
Công đức khó tạo nhưng dễ mất
Ngày 26/12, Đại đức Thích Tâm Hòa – Trụ trì chùa Hòa Phúc đã truyền Bát Quan Trai Giới cho các Phật tử.
Tham gia khóa tu, các Phật tử tại gia học theo hạnh của người xuất gia phát nguyện thực hành Bát Quan Trai Giới trong hai ngày, một đêm thanh tịnh. Đây là bước tiến quan trọng trong sự nghiệp tu tập của người Phật tử hướng đến giác ngộ, giải thoát.
Tại Tam bảo điện uy linh tối thượng, thầy Tâm Hòa phân tích: “Giới” là hương hoa làm đẹp, là điều kiện để Phật tử tu tập tiến bộ hơn mỗi ngày. Khi có “Giới” thì mới có Chánh niệm. Có Chánh niệm thì mới tạo công đức. Nhờ có công đức mà nghiệp chướng tiêu trừ, phúc báo tăng trưởng. Bởi vậy, được thọ Bát Quan Trai Giới là niềm hạnh phúc rất lớn của mỗi Phật tử”.
Tuy nhiên, theo Thầy, tích công đức thì khó nhưng làm mất công đức thì rất dễ. Nguyên nhân dẫn đến mất công đức là bởi bản thân không nghiêm khắc với chính mình, sống buông lung, phóng túng. Vì vậy, mỗi Phật tử cần phải luôn tự nhắc mình giữ “Giới” và nỗ lực tinh tấn mỗi ngày để không đi lạc khỏi con đường Phật đạo.
Chăm chú nghe thầy Trụ trì giảng giải, Phật tử Tưởng Phan Thái (19 tuổi) – pháp danh Minh Bình thêm thấu hiểu hơn về con đường giác ngộ mà mình đã đi theo nhiều năm nay. “Từ ngày đến với Phật pháp, mình cảm thấy bình an hơn, dễ cân bằng cuộc sống hơn, phát khởi tâm từ bi nhiều hơn. Hôm nay được nghe Đại đức dạy, mình nhận ra bản thân cần phải nghiêm túc và tinh tấn hơn trên con đường tu học”, Phan Thái chia sẻ.
Ngày mai nhà chùa mới tổ chức lễ “Quy y Tam bảo” nhưng ông Nguyễn Thế Cách (74 tuổi) đã vượt đường xa, gió lạnh từ Thuận Thành (Bắc Ninh) đến mái già lam Hòa Phúc từ sáng sớm 26/12 để dự thính khóa tu “Sứ giả Như Lai”. Ông vốn là một thương binh, từng có thời gian dài phải đi bằng đôi nạng gỗ. Từ ngày biết đến Phật pháp, thường xuyên tới chùa tham gia các khóa tu và thiền hành, ông dần tự đi lại được mà không cần đến nạng nữa. Ông Thế Cách xúc động cho biết: “Phật pháp đã nâng đỡ tôi đứng lên, thay đổi chính mình và vượt qua chướng ngại trong cuộc sống”.
“Ngay lần đầu tiên tới Hòa Phúc, tôi đã cảm thấy mái chùa này thật gần gũi, thân quen. Tôi đặc biệt ấn tượng với thầy Thích Tâm Hòa – một nhà tu hành còn trẻ tuổi nhưng rất giỏi. Thầy tuy nghiêm khắc nhưng ẩn đằng sau đó là tấm lòng từ bi vô lượng. Tôi đã chảy nước mắt khi đọc những dòng thơ thầy Tâm Hòa viết về đấng sinh thành và về Thượng tọa Thượng Chân Hạ Tính (trụ trì chùa Hoằng Pháp) - vị ân sư đã ân cần chỉ bảo Đại đức tu học.
Hôm nay, được nghe thầy Trụ trì giảng pháp, tôi mở mang thêm nhiều điều. Dù tuổi đã cao nhưng tôi sẽ cố gắng tu tập, vun bồi công đức”, ông Thế Cách nói.