;
Hỏi: Thưa thầy, nếu mình tin Tịnh độ theo Duy tâm Tịnh độ, nhưng đồng thời mình vẫn niệm Phật cầu vãng sanh Tây phương Cực
lạc sau khi chết. Xin hỏi như vậy có chống trái nhau không?
Đáp: Xin thưa ngay là không có gì chống trái nhau cả. Có chống trái nhau chăng là do mình thiên kiến vọng chấp đó thôi. Chúng ta nên nhớ, trong giáo lý đạo Phật trước sau nhứt quán, không có gì là mâu thuẫn. Đạo Phật chủ trương “Sự Lý” phải viên dung. Tánh tướng không hai. Như nước và sóng không thể ly khai ra được. Trước hết xin nói về Sự Tịnh độ.
Sự Tịnh độ là sao? Sự là hình tướng là những hiện tướng bề ngoài mà chúng ta có thể thấy biết được. Dựa theo trong Kinh A Di Đà mà đức Phật Thích Ca đã giới thiệu diễn tả về cảnh giới Tây phương Cực lạc. Chúng ta y cứ vào đó mà hết lòng tin tưởng. Tin có cõi Cực lạc, có đấng giáo chủ Phật A Di Đà và có các hàng Thánh chúng. Cũng như những vị đã được vãng sanh về cõi đó. Chúng ta một bề tin chắc y báo và chánh báo như thế, không một niệm nghi ngờ. Nhờ tin chắc như vậy, nên chúng ta mới cố gắng nương vào danh hiệu sáu chữ Di Đà mà trì niệm. Sáu chữ Di Đà là danh tướng. Đây gọi là chấp trì danh hiệu.
Nếu chúng ta chưa hiểu rõ về lý Tịnh độ mà cứ bền tâm một lòng niệm Phật, thì cũng sẽ được vãng sanh. Nhờ niệm Phật lâu ngày sẽ được thuần thục, dần đến được nhứt tâm bất loạn. Nếu chưa được « Lý nhứt tâm bất loạn », thì cũng được « Sự nhứt tâm bất loạn ». Điều quan trọng là, trong lúc hành giả niệm Phật thì phải tâm niệm, chớ không nên chỉ có miệng niệm suông không thôi. Nếu chỉ có miệng niệm mà tâm không niệm, thì coi chừng chúng ta sẽ trở thành cái máy niệm Phật.
Cho nên, khi niệm Phật, chư Tổ thường khuyên bảo nhắc nhở chúng ta : « tâm và tiếng phải hiệp khắn nhau và phải niệm mỗi chữ mỗi câu cho rõ ràng rành rẽ ». Phải nhiếp tâm mà niệm. Niệm được như thế, thì chắc chắn khi lâm chung hành giả sẽ được vãng sanh về Cực lạc. Pháp môn Tịnh độ điều quan yếu hơn cả, là phải có lòng tin sâu và nguyện thiết. Đó là hai yếu tố tư lương để quyết định được vãng sanh. Xin Phật tử lưu ý ghi nhớ kỹ điều nầy. Còn sự khác biệt cao thấp của chín phẩm liên hoa ở cõi Cực lạc, đó là do công phu hành trì của chúng ta ở cõi nầy có sâu cạn khác nhau đó thôi. Nói về Sự Tịnh độ đại khái là như thế.
Còn lý Tịnh độ là sao ? Lý là bên trong thuộc về tâm thể, chúng ta không thể dùng mắt thấy được. Tâm thể nầy mỗi người đều sẵn có. Đây là một thực thể bất sanh, bất diệt, còn gọi là chơn tâm hay lý tánh v.v… Khi chúng ta nhiếp tâm niệm hồng danh Phật, mà lúc đó tâm ta an trụ vào câu hiệu Phật không khởi nghĩ việc gì khác, nghĩa là không khởi nghĩ hai bên : có không, phải trái v.v… thì khi đó tự tánh Di Đà hay Duy tâm Tịnh độ hiện tiền. Như vậy Sự và Lý đâu có hai. Tuy không hai, nhưng nói một cũng không được. Thí như nước trong không ngoài nước đục mà có. Muốn có nước trong, thì ta phải chịu khó lóng lặng. Khi cặn cáu không còn, thì chất nước trong hiện ra. Trong nhà Phật thường nói : « nương sự hiển lý hay tức lý hiển sự là vậy ». Sự và Lý phải viên dung. Nước đục là dụ cho Sự, nước trong là dụ cho Lý. Thế thì, Lý không ngoài Sự và Sự không ngoài Lý mà có.
Hiểu thế, thì giữa Sự và Lý làm sao có sự chống trái nhau? Nhưng khi tu, hành giả chưa thể nhập được lý tánh, thì cần phải nương vào sự tướng. Cho nên pháp môn niệm Phật gọi là đi từ hữu tướng để thể nhập vô tướng, hay thật tướng.
Xin nhắc lại cho Phật tử nhớ rằng, trong đạo Phật không hề có sự mâu thuẫn chống trái nhau. Có chống trái chăng, là do vì trình độ nhận thức của chúng ta chưa được dung thông đó thôi. Bởi do trình độ nhận thức của chúng ta còn thiển cận nông cạn, nên mới có những cái nhìn sai lệch. Mới có thấy sự khác biệt chống trái nhau. Nếu hiểu như thế, thì trong khi ứng dụng tu, ta cần phải dung thông giữa Sự và Lý, không nên cố chấp một bề, đó là mang cái lỗi biên kiến vậy.
*Bài viết đăng tải đã được sự cho phép của tác giả - thầy Thích Phước Thái.