;
Là người con Phật ai ai trong chúng ta cũng luôn tưởng nhớ đến Ngài và những lời dạy quý giá hơn vàng của Ngài. Là con Phật, chúng ta luôn quán tưởng và ứng dụng Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo và 37 Phẩm Trợ Đạo. Đây là những gì căn bản nhất, cốt túy nhất. Đây là những thứ mà ta luôn nhớ nằm lòng. Tôi cũng vậy.
Tôi có thói quen đi đâu cũng quan sát và học hỏi. Tôi luôn cho rằng tất cả những gì đã và đang xảy ra đều có ý nghĩa và phải xảy ra như vậy và đây là các bài học quý. Vấn đề là mình có nhận ra hay không, có định học hay không. Trong những ngày qua khi chúng tôi có mặt tại Pháp và Bỉ đã chứng kiến những tấm lòng của người dân địa phương mà không thể không ghi lại cũng như quán chiếu đến những lời Phật dạy.
Khi tàu từ Paris về đến Bruxelles của Bỉ chúng tôi cần đi bộ từ nhà ga về khách sạn Helmet trên rue de Palais. Tuy nhiên, từ ga Bruxelles Midi ra có 2 hướng ngược nhau. Tôi cũng đã cẩn thận hỏi cô nhân viên trên tàu nhưng chị nói không rõ và có vẻ như rẽ phải. Chúng tôi ra khỏi ga và gặp ngay một người phụ nữ. Thế là có người hỏi đường. Chị phụ nữ này cũng biết mang máng về địa chỉ của khách sạn nhưng cũng không chắc lắm. Chị nói với tôi rằng vùng Schaerbeek nơi có khách sạn thì chị biết nhưng không nhớ cụ thể. Chị phụ nữ đề nghị tôi đưa tờ đặt khách sạn và chị gọi ngay về khách sạn để hỏi đường.
Hóa ra đi về khách sạn mà chúng tôi đã đặt phòng ở phía bên kia của nhà ga Bruxelles. Chị đã quyết định đi bộ và dẫn đường cho chúng tôi. Không những vậy chị rủ người phụ nữ khác mà tôi đoán rằng đó là chị gái của chị đi cùng.
Bạn cũng biết đấy, đi xuyên nhà ga từ bên này sang bên kia là không gần, hơn nữa còn các cầu thang lên xuống. Ấy vậy mà, sang đến bên kia rồi, chị còn đi bộ với chúng tôi khá lâu. Chị đi đến khi chỉ còn việc duy nhất là chúng tôi cứ đi thẳng đến ngã 3 có cổng chào là rẽ phải về đến khách sạn chị mới yên tâm chào tạm biệt. Chị gái của chị cứ hỏi đi hỏi lại tôi bằng tiếng Pháp rằng tôi đã chắc chắn hiểu ý của chị chưa và đã chắc chắn biết cách đến khách sạn chưa. Chúng tôi đi bộ tiến về phía trước. Tôi ngoái lại và thấy họ vẫn đứng nhìn về phía chúng tôi. Tôi vẫy tay. Cả 2 chị em vẫy tay lại cười rất đẹp. Nụ cười đẹp đến mức tôi vẫn nhớ 2 nụ cười ấy.
Chuyện tiếp theo xảy ra khi chúng tôi cần bắt tàu điện (tiếng Anh là tram) từ khách sạn đến quảng trường trung tâm La Grande Place và Manneken Pis để tham quan, cũng như nhất định phải đến ngay bức tượng Cậu bé đi tiểu Le Petit Julien nổi tiếng của thủ đô Bruxelles. Chúng tôi ra đến bến tàu và giao cho cháu Minh Anh học sinh lớp 5 chuẩn bị vào lớp 6 trường THCS Lô Mô Nô Xốp Hà Nội mua vé tàu để thực tập tự lập và sử dụng các phương tiện công cộng.
Bạn biết đấy, ở châu Âu rất ít quầy bán vé có người phục vụ mà chủ yếu là máy bán vé tự động. Tuy nhiên Minh Anh chưa biết sử dụng máy bán vé. Hơn nữa mỗi vé là 2,1 Euro mà đoàn chúng tôi có 4 người. Chúng tôi đang lúng túng không biết làm cách nào thì một người phụ đi tới và chỉ dẫn cho chúng tôi cách mua vé. Thế là chúng tôi gặp thêm một người tốt bụng nữa.
Việc đầu tiên chị dặn chúng tôi cần cất kỹ tiền bởi ở đây theo chị nói có rất nhiều kẻ “điên khùng”. Chị rất lo lắng khi tôi cầm cả thẻ tín dụng và ít tiền mặt bằng giấy ra đưa cho Minh Anh tìm cách mua vé. Chị nói rằng máy bán vé chỉ nhận tiền xu, không nhận tiền giấy. Chị tìm các cách giúp chúng tôi.
Bạn cũng biết đấy, ở châu Âu không bán vé trên xe buýt và trên tàu. Vé phải mua trước khi lên tàu. Hơn nữa trên tàu không có người kiểm tra vé, hay xé vé mà chúng ta phải tự activate tức cho vé vào máy để đọc coi như tự soát vé. Nếu bạn không có vé hoặc có vé mà chưa activate tức bạn trốn vé. Chuyện này rất không tốt, nhất là đối với những người có lòng tự trọng.
Đầu tiên chị nói rằng thực ra từ đây về đến ga Trung tâm cũng chỉ có 4 bến. Chị khuyên cứ cầm thẻ visa và tờ 10 Euro lên tàu và đi. Nếu có bị hỏi cũng giải thích thật rằng mình là người nước ngoài và không có tiền xu mua vé. Chị thì như có vẻ yên tâm còn tôi thì lại không.
Như hiểu ý tôi chị đưa mắt quan sát tất cả. Chị là người Tây Ban Nha nên cũng không biết hết Bruxelles, nhất là khu vực này. Tuy nhiên, quan sát chị thấy ngay 1 cửa hàng bán nước và bánh mở cửa. Chị hướng dẫn tôi lại đó mua 1 chai nước và xin họ thối lại tiền xu để mua vé. Công nhận là chị quan sát nhanh bởi bên châu Âu các cửa hàng vốn đã ít mà lại mở cửa rất muộn. Mới 9 giờ sáng thì hầu như chưa mấy nơi mở. Thế là tôi làm theo. Minh Anh có cơ hội thực tập mua vé tàu điện (tram) tự động như cháu đã thực tập mua vé tàu điện ngầm tự động và tại quầy ở Paris.
Tôi cũng rất ấn tượng với lòng tốt của chị phụ nữ này. Trên khuôn mặt chị hiện lên rất rõ sự cảm thông xen chút lo lắng. Chị đọc được sự băn khoăn của bé Minh Anh mới 11 tuổi và cả chút suy tư lo lắng trên khuôn mặt 2 bạn Nguyên Minh và Nguyễn Hương đang đi cùng. Chị nói rằng rất yêu quý Việt Nam và mong sớm được đến đất nước nhiều nắng và nhiều trái cây của chúng ta.
Đợi chúng tôi mua xong 4 vé, đợi cho tàu đến, chúng tôi lên tàu chị với chào rất vui và đi. Hình như chị đã toàn tâm giúp chúng tôi. Hình như chị đồng cảm với khó khăn của 1 khách du lịch khi đến đất nước lạ, đến thành phố lạ. Công nhận rằng chị rất tốt bụng. Rất nhiệt tình. Giúp đến cùng.
Thêm chuyện thứ 3 nữa khi chúng tôi tham quan xong trung tâm Bruxelles và muốn đi tham quan Mini Europe tức Châu Âu thu nhỏ. Chúng tôi biết rằng cần phải đi tàu điện ngầm. Thế là xuống và chuẩn bị để Minh Anh vào quầy mua vé. Tuy nhiên để chắc ăn, tôi lại quyết định hỏi thăm người đàn ông mà chúng tôi tình cờ gặp. Ông giải thích rất rõ rằng từ ga Roger này đi 2 bến tàu điện ngầm đến ga Elizabeth thì chuyển tàu đi tiếp về hướng Heizel.
Tuy nhiên để chắc chắn ông lại đến quầy thông tin hỏi lại hướng xuống tàu. Hỏi xong ông chỉ lại cho chúng tôi. Tuy nhiên, như chưa yên tâm, người đàn ông tốt bụng này lại quyết định dẫn chúng tôi xuống tàu. Tôi đã nói rằng tôi biết rồi và chúng tôi tự đi được. Tuy nhiên ông vẫn dẫn xuống. ông nói rằng ông muốn nói chuyện với chúng tôi.
Trên tàu ông giới thiệu về đất nước Bỉ, về thủ đô Bruxelles, về những cảnh đẹp ở đây, về những gì mà người dân Bỉ tự hào. Ông nói cả về những lo âu mà người dân Bỉ phải đối mặt ở thế kỷ XXI này nữa. Ông dẫn chúng tôi chuyển tàu điện ngầm và lại tiếp tục kể chuyện. Ông nói rằng không hiểu sao tối qua ông vừa xem trên kênh tiếng Pháp 1 bộ phim nói về thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam. Ông còn hỏi tôi nên gọi là TP Hồ Chí Minh hay Sài Gòn vì trong tâm ông đây phải là Sài Gòn và ông thích gọi là Sài Gòn.
Ông đứng nói chuyện với chúng tôi đến khi còn cách 1 ga nữa thì đến Mini Europe tức Châu Âu Thu nhỏ thì ông mới xuông tàu và quay lại hành trình của mình. Tôi cũng không hiểu tại sao ông không đi cùng tôi đến bên mà chúng tôi cần xuống mà lại xuống trước 1 bến. Tuy nhiên ông có nói rằng, chúng tôi nhớ rằng bến sau xuống nhé.
Thêm 1 chi tiết nữa rằng ông hỏi sau khi thăm Mini Europe chúng tôi đi đâu. Tôi trả lời rằng sẽ về khách sạn. Thế là ông bảo mang bản đồ ra để hướng dẫn cách đi. Ông cũng nói thêm rằng ở Bruxelles chỉ với 1 vé là có thể đi được cả tàu điện ngầm và tàu điện. À ra thế. Tức là chúng tôi sẽ đi tàu điện ngầm về ga trung tâm Roger và chuyển tram về khách sạn. Hay quá.
Người đàn ông nhiệt tình dẫn đi Metro đến tận Mini Europe
Ông khách lạ rất nhẹ nhàng, rất thân thiện, rất nhiệt tình. Ông tốt bụng kỳ lạ, Ông tận tình đến khó tin. Cả 4 thành viên trong đoàn chúng tôi đều ngạc nhiên nhất là cháu Minh Anh thì cứ ngớ người ra.
Có thêm 2 chi tiết tôi muốn kể nữa: tàu của chúng tôi chạy hôm qua từ Bruxelles về Amstetdam. Giữa chừng tàu dừng ở ga Rotterdam. Tôi ra cửa, thấy có 3 người, 2 nữ 1 nam đẩy 1 xe gấp đến và nối vào cửa toa của tôi. Một người đàn ông lên toa và như tìm kiếm ai đó. Sau đó họ gặp 1 người khuyết tật đi xe lăn. Họ hỏi có đúng anh xuống bến này không. Anh này trả lời là đúng vậy. Thế là họ giúp anh xuống tàu. Xuống tàu xong họ chào tạm biệt chúc anh chuyến hành trình tốt và gấp xe cầu thang đẩy đi.
Đón khách xe lăn ở Rotterdam Hà Lan.
Chi tiết cuối là ở ga xe lửa Amsterdam. Chúng tôi đến và muốn ăn cái gì đó trước khi tham quan khu vực này. Tôi vào cửa hàng và thấy trái cây, bánh mỳ, nước trái cây, sữa,… rất nhiều. Tuy nhiên ở đây khách hàng cần tự quẹt thẻ tín dụng và tự thanh toán. Chuyện này tôi đã thấy ở Nhật Bản khi qua đó. Rằng người dân Nhật có trồng cây hay trái cây tự để bên đường và ghi giá tiền. Người có nhu cầu tự lâý món đồ và tự trả tiền vào chiếc thùng hay hộp giấy đó. Lúc về chủ nhân chỉ việc cầm tiền về thôi. Còn bây giờ là Amsterdam của Hà Lan. Tự thanh toán. Tự tính tiền. Không có nhân viên thu ngân. Mà ngay tại nhà ga trung tâm. Ôi sự thật thà của người dân Hà Lan. Họ đâu có là Phật tử mà giữ giới thứ 2: không trộm cắp tốt thế. Mà trộm cắp, theo chúng ta vẫn hiểu, là lấy bất cứ thừ gì của ai mà chưa được cho phép, kể cả cây kim hay sợi chỉ.
Xe đón khách đi xe lăn ở Rotterdam.
Đón xong khách xe lăn mang thiết bị gập lại và ra về vui vẻ.
Giáo pháp của Ðức Phật là làm cho chúng sinh chuyển mê khai ngộ, chuyển hóa phiền não khổ đau thành bình an, hạnh phúc tiến đến chứng Niết Bàn. Người con Phật luôn học những lời Phật dạy để ứng dụng vào đời sống hằng ngày, trong mọi hoàn cảnh, mọi điều kiện, mọi nơi, mọi lúc để tâm được an tịnh, để giác ngộ và giải thoát.
Chúng ta rất coi trọng ba mươi bảy Phẩm Trợ Ðạo. Chúng ta luôn coi đây là pháp môn căn bản nhất. Người cầu đạo giải thoát không thể rời khỏi 37 phẩm trợ đạo quan trọng này. 37 phẩm trợ đạo dẫn con người đến chỗ an vui hạnh phúc, đoạn trừ được các lậu hoặc, giải thoát mọi phiền não, khổ đau.
Tôi nhớ như in lời Phật dạy rằng: “Phật bảo chư tỳ kheo, nếu có Tỳ kheo nào ở trong chốn này, tạo tác là niệm khởi, làm thế nào để biết, làm thế nào để thấy, làm thế nào để đoạn trừ các lậu hoặc. Ta vì các ông đã nói qua, phải quán thân ngũ ấm, gọi là Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Ðề Phần, Bát Chánh Ðạo Phần, Ta đã nói pháp này..."
Trong 37 phẩm trợ đạo có Tứ chánh cần mà chúng ta hay nhớ “Ngăn ác, diệt ác pháp. Sinh thiện, tăng trưởng thiện.” Bản chất của Tứ chánh cần là chúng ta cần tinh tấn đoạn trừ các điều ác đã sanh, tinh tấn ngăn ngừa các điều ác chưa sanh, tinh tấn làm tăng trưởng những điều thiện đã sanh và tinh tấn làm phát sanh những điều thiện chưa sanh.
Chúng ta nỗ lực liên tục để các điều ác được đoạn trừ và các điều thiện được phát sinh và tăng trưởng. Chúng ta tinh tấn tu tập bốn điều này để tiến tới Niết Bàn.
Chúng ta là những Phật tử, những người con Phật. Chúng ta được học Pháp. Nhưng người châu Âu, hay nói cụ thể là những vị khách lạ mà chúng tôi vừa gặp ở Bruxelles Bỉ thì sao. Họ đâu có là Phật tử. Họ đâu có biết đến Tứ chánh cần hay 37 phẩm trợ đạo. Vậy mà họ làm các điều thiện. Và những việc thiện lành chúng tôi chứng kiến liên tục. Rất tình cờ.
Có ai đó đọc vanh vách, học thuộc làu làu Tứ chánh cần nhưng có khi không hề thực tập. Có ai đó đọc tứ vô lượng tâm làu làu nhưng không có mấy tâm từ. Có ai đó tự nhận mình là Phật tử và học hết khóa Tứ diệu đế đến khóa Bát chánh đạo rồi khóa 37 phẩm trợ đạo mà thực hành không được mấy. Tôi còn thấy có nơi học xong các khóa này còn cấp chứng chỉ. Tôi đã thấy có người treo các chứng chỉ này đầy nhà nhưng hình như hành xử vẫn thua xa mấy vị khách tây phương mà tôi gặp mấy hôm nay ở Bruxelles và châu Âu chưa hề biết đến Phật Pháp.
Tôi ghi lại những câu chuyện này để nhắc mình, nhắc chính mình cần sống thiện, sống tốt, cần tinh tấn thực tập, thực hành những lời Phật dạy. Ứng dụng vào cuộc sống mới là quan trọng.
Tứ Chánh Cần là pháp môn thực tiễn. 37 phẩm trợ đạo là rất quan trọng và cần thiết giúp chúng sinh giải trừ phiền não khổ đau, là con đường đưa chúng ta từ ác đến thiện. Ngồi ở châu Âu nghĩ về những lời Phật dạy thấy quý hóa vô cùng. Những lời dạy chân thật mang vị giải thoát quá vi diệu. Nếu chúng ta quyết tâm và tinh tấn hành trì nhất định sẽ có an vui, hạnh phúc, nhất định sẽ giác ngộ và đến được bến bờ giải thoát. Hạnh phúc thay.
Paris – Bruxelles – Amsterdam tháng 6/2016
TS Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch HĐQT Công ty sách Thái Hà