;
Kính tưởng Giác Linh Cố thượng tọa Thích Tâm Khanh !
Năm bốn (54) năm qua giữa cuộc đời
Thăng trầm theo thế cuộc đầy vơi
Thôi, thế thì thôi! Duyên trần mãn
Người đã trở về chốn thảnh thơi….
Tôi thật bàng hoàng khi hay Thầy vừa viên tịch (xin phép được gọi Giác linh Cố Thượng tọa bằng danh từ “Thầy” như cách tương kính thân thương thuở sinh tiền). Hơn 12 năm qua, nhiều lần tôi hỏi thăm về Thầy và mong hội ngộ đàm đạo bên tách trà tại Hoa Kỳ nhưng chưa gặp lại. Vậy là từ nay không thể nào hội kiến từ dung của Thầy được rồi.
Đêm nay, tôi độc ẩm, nhìn chòm lá hai cây Sa La xào xạc mà nhớ tưởng người xưa, góp nhặt nơi đây những kỷ niệm ân tình, quý giá với Thầy, đốt nén tâm hương kính tưởng người Pháp lữ thân thương
Tôi có ấn tượng đặc biệt với Thầy hay nói đúng hơn là Thầy đã ám ảnh tôi suốt 3 năm học tại Trường Cao cấp Phật học Việt Nam (TCCPHVN - Đại Học Vạn Hạnh, 1994-1997, năm đầu 1993 tôi chưa chú ý đến Thầy) với lý do thật dễ hiểu: Thầy đạt kết quả xuất sắc nhất lớp Tăng và trở thành lớp phó học tập của lớp. Sau bao nhiêu năm thi thố học đường và thăng trầm của cuộc đời, tôi xuất gia không muốn đụng đến sách vở bút nghiên nhưng rồi theo lời khuyên của Sư phụ và Sư huynh tôi vào trường lớp học Đạo, khi mới chỉ là người mới xuất gia “chân ướt chân ráo” nhảy lớp, bỏ ngang Trung Cấp Phật Học Bình Định ngay giữa năm I để thi và vào học TCCPHVN.
Chuyện đã hơn 22 năm trước, tất nhiên đạo lực tu tập của tôi lúc đó chưa được đầy đủ và hiểu câu: “Người ta đã là trượng phu, ta không phải là trượng phu hay sao” hơi thái quá, phiến diện, với lại đó cũng là thói quen tranh đấu khi chưa xuất gia, với “nhân ngã – bỉ thử” tôi chưa tự cho phép mình “tâm phục khẩu phục” cho dù Thầy suốt hai năm ( năm 2, năm 3) đứng nhất lớp. Mãi đến sau này tôi chợt hiểu : thời gian tôi đầu tư cho tiếng Anh, tiếng Hoa, tiếng Hán quá nhiều, vậy thì thời gian đâu nữa mà đi sâu vào nghiên cứu các bộ Kinh Luận – thâm trầm tư tưởng? Làm sao 1 chú mới xuất gia 1-2 năm như tôi có thể “đốt cháy giai đoạn” để so bì với người đã xuất gia học Đạo và học ngoại ngữ hơn 10 năm chẳng hạn? Cái gì nó cũng công bằng theo luật nhân quả và quá trình tích lũy, chin muồi.
Kỷ niệm năm thứ 4 ra trường, tôi vừa hài lòng cho bản thân tôi, vừa lo lắng cho Thầy: Tôi đạt được điều mình mong muốn: là 1 trong 4 Tăng Sinh đạt hạng A ( xuất sắc) mà Thầy lại không đạt được hạng A, có lẽ Thầy quá bận rộn bên công việc cán sự lớp hoặc bệnh duyên không đầu tư học đầy đủ. Tôi tò mò băn khoăn không hiểu Thầy có cảm giác gì khó chịu như 2 năm trước đó tôi từng chịu đựng hay không?
Nhớ đến Thầy và việc học như vậy, kể lại những chuyện này, tôi buồn cười cho cái cách “hăng hái vụng dại thời xưa”, “ngựa non háu đá” của chính mình và thấy mình còn nhiều non nớt trong tư tưởng trong giai đoạn đó.
Bởi vì học Đạo là để tu chứ đâu phải để thi thố, phô trương cho bản ngã? Sau này khi đi dạy học tôi thường khuyên người học Đạo đừng rơi vào thái cực đó: Hãy tận dụng thời gian tốt nhất, hãy nỗ lực học tập nhưng hãy hoan hỷ với những kết quả mình đạt được, hãy chỉ nên so sánh với chính mình, mình thấy mình có tiến bộ mỗi ngày là tốt rồi. Hãy biết tùy hỷ và tán thán những thành tựu của người khác. Có nhiều Tăng Tài thì đó là điều nên hoan hỷ, Phật giáo nơi đó có phước, có nguồn nguyên khí tốt cho nước nhà. Nếu chấp ngã và phiền não tăng trưởng thì hãy xem lại việc tu học của mình đã chệch hướng rồi.
Kể lại kỷ niệm học chung mái trường như vậy để thấy hình bóng Thầy in đậm vào tâm trí tôi biết dường nào. Thầy hội đủ rất nhiều yếu tố, phước báo, nhân duyên xứng đáng cho người khác kính quý : hảo tướng, chữ đẹp, soạn bài rõ ràng sâu sắc, rất có trách nhiệm, sống vì đại chúng, vì lớp, khiêm tốn, thông minh, lắng nghe, tế nhị, nụ cười hiền hòa luôn đượm trên môi,…
Thầy là “học trò cưng” đặc biệt của cố Giáo sư Anh văn Trần Phương Lan và Văn Hóa – Tôn giáo học Phan Lạc Tuyên. Tôi còn nhớ, khi chúng tôi trú ở Thiền Viện Quảng Đức (294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Saigon), Thầy quan tâm đến thể thao và sức khỏe, đến treo lưới và kẽ ô để 2 cặp thi đấu cầu lông. Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma cũng từng quan tâm đến võ thuật và thể dục, gìn giữ sức khỏe và hình thành nên “Võ thuật Thiếu Lâm” xen kẽ các thời khóa tu học của Tăng chúng. Đứng trên lầu 2 của Thiền Viện Quảng Đức nhìn xuống việc làm của Thầy tôi chợt hiểu : sống nên hài hòa, có tình với đại chúng, không phải chỉ có học và học với những trò chơi chữ nghĩa vào đầu của mình, mà còn biết tạo sinh khí chung, quan tâm đến đại chúng, tính việc về lâu về dài, “tinh thần minh mẫn ở trong cơ thể tráng kiện”.
Thế rồi, sau khi tốt nghiệp Đại học Vạn Hạnh, tôi với Thầy mỗi người đi mỗi hướng, tôi hoàn tất 8 năm du học Ấn Độ và tiếp tục du học Hoa Kỳ, còn Thầy du học Đài Loan xong cũng qua Hoa Kỳ hành Đạo trước tôi vài tháng. Trong lễ vu lan năm 2004 tại Chùa Lục Hòa do tôi làm chủ lễ và thuyết giảng, Thầy và Tăng chúng từ chùa Phổ Hiền Worcester, Massachusetts đến chúc mừng tôi đến được Hoa Kỳ, làm trụ trì Chùa Lục Hòa Dorchester và có thuận duyên học bỗng học thêm ngành Cao Học Giáo Dục tại U Mass Boston. Lúc đó, tôi không còn thấy có khoảng cách với Thầy nữa, lòng Thầy luôn rộng rãi, hoan hỷ để đi chúc mừng những thành tựu của người khác.
Sau này, khi có duyên đi giảng dạy nhiều đạo tràng, nhiều chùa, nhiều khóa tu học và Trường Hạ ở Hoa Kỳ, tôi lại chợt thắc mắc : có một Tăng sỹ rất xứng đáng như là Thầy Tâm Khanh tại sao tôi lại ít gặp, ít hay biết đến dù tôi cũng ở Hoa Kỳ? Tôi chỉ biết mang máng Thầy rời Worcester đến Connecticut, rồi sau đó qua Louisiana và rồi mua nhà thờ làm chùa ở North Carolena. Có thể Thầy chưa thực sự thích nghi với nền văn hóa, xứ sở phương Tây về thủ tục giấy tờ, trú xứ hoặc có thể Thầy dồn hết công phu vào việc tịnh tu là quan trọng hơn như là cái tên cơ sở Tôn Giáo thể hiện tâm nguyện cùa Thầy: “Tĩnh Tâm Thiền Tự”.
Chúng sanh vẫn còn đó, thời gian kéo dài đến vô chung, hành Đạo tùy duyên, trách nhiệm tự độ và độ tha phải đi song song với nhau. Thuyết giảng khuyên dạy người khác tu, nhưng liệu mình đã thực hiện hết những gì mình bảo người khác nên làm hay chưa? Nếu trong tâm chúng ta chưa vơi phiền não, chưa tĩnh tâm, hoằng Pháp không phải với Bồ Đề Tâm, Bồ Tát Hạnh, chưa lưu xuất từ suối nguồn tâm uyên nguyên ngộ Đạo, thì tất cả chỉ là trò chơi của chữ nghĩa, các xô diễn ồn ào theo phong trào như ca sỹ.
Có vị giảng sư đã từng chịu quả báo 500 kiếp đọa làm thân chồn hoang khi giảng sai về Nhân – Quả, Ngộ Đạt Quốc Sư trí tuệ cao thâm dường nào mà còn vướng vào cái Danh và Chấp Ngã để rồi phải chịu trả nghiệp đau đớn, cuối đời lo âm thầm sám hối. Tôi cảm thông với những khó khăn khi hành Đạo tại Hoa Kỳ mà Thầy đã trải qua – người tu sỹ phải lo đủ mọi thứ từ vật chất cho đến cơ sở rồi thủ tục pháp lý, ngoái đầu nhìn lại thì hơn 15 năm trôi qua và mình đã già, mòn mỏi, suy nhược.
Đem cây Bồ Đề trồng trên cây Thánh giá, tất nhiên là công việc vô vàn khó khan. Mỗi người có những phước duyên khác nhau, hành Đạo thành tựu không đơn giản chỉ dựa vào trí tuệ và công đức tu hành mà còn cần đến phước duyên và quyến thuộc,…
Thời đại công nghệ 4.0 ngày nay, nếu search tìm vào tên của ai mà tần số xuất hiện thật nhiều, có nhiều người mến mộ, tôi tùy hỷ tán thán cho hoạt động có phương pháp khoa học, kiên nhẫn, khéo léo và hiệu quả của họ thế nhưng trong cảm nhận cá nhân của tôi, nếu search tìm tên người đó mà không có gì cả trong google và youtube, dù vốn biết đó là người tài đức (như trường hợp Thầy Tâm Khanh), tôi lại càng vì nể hơn nữa vì cái hạnh sống lặng lẽ, không thích phô trương, làm nổi cộm tên tuổi của họ. Họ sống chân chất, ẩn dật, chuyên lo hành trì, không màng thị phi, dư luận, lợi danh, hành hoạt với Bồ Tát Hạnh, Khôn, Vô Tướng, Vô Tác, “nhạn vô di tích chi ý, thủy vô lưu ảnh chi tâm”. Họ như ở một cung bậc khác xa với những lao xao và toan tính của thế nhân thường tình…
Thầy Tâm Khanh! …
Chuyến đi dã ngoại Nha Trang của lớp vẫn còn đọng lại bao nhiêu kỷ niệm, nét chữ rồng bay phượng múa và nụ cười hồn nhiên hiền hòa của Thầy vẫn còn hiển hiện trong tâm trí bao người, tất cả đã là dĩ vãng thôi sao? Thầy không hoằng Pháp nhiều với khẩu giáo nhưng cuộc đời của Thầy là sự thị hiện cho biết bao nhiêu bài học quý giá không lời về phẩm hạnh của một vị chân tu, về nếp sống hài hòa, khiêm cung và vị tha, về sự vươn lên trong nghiệp chướng và nghịch cảnh, về hy sinh, dấn thân, tạo cơ sở giềng mối Đạo Pháp cho các thế hệ sau, về phản quang tự kỷ trở về với chính mình giữa bao nhiêu vòng xoáy, cơn lốc cuộc đời….
Phật chủ yếu dạy về “Khổ” và “Con đường thoát khổ”. Nghiệp từ bao đời kiếp đối với mỗi chúng sanh là trùng trùng và bất khả tư nghì. Hàng đệ tử Phật, ai có thần thông hơn Ngài Mục Kiền Liên thế mà cuối đời lại chết dưới dao gậy của tà ma ngoại Đạo?
Điều quan trong của đời người không phải là sống bao lâu mà là sống như thế nào? Cũng vậy, điều quan trọng của một người không phải là tại sao phải chết sớm, tại sao tu trọn kiếp mà còn phải chịu nghiệp chướng lúc lâm chung,… mà là chết như thế nào, chết vì cái gì?
Thầy đã sống trọn đời cho Đạo Pháp và ra đi khi đang làm Phật sự, khi đang lo trang nghiêm đạo tràng, cơ sở Thiền Tự, chặt phát cành cây, dọn sửa cảnh quang cho đạo tràng. Đâu dễ để một người dám chắc là công việc và tâm niệm cuối cùng (cận tử nghiệp) trước khi ra đi là vì Đạo Pháp, vì Phật sự, vì chúng sanh?
Hoa nở rồi tàn, tụ rồi tán, đến rồi đi, sinh diệt là lẽ thường tình của Pháp hữu vi. Người đã ra đi nhưng người còn ở lại, hoa Đàm tuy rụng vẫn còn hương. Cảm ơn duyên hội ngộ với Người đã giúp tôi thêm nhiều động lực phấn đấu, thêm nhiều suy tư, chiêm nghiệm, khám phá, thêm nhiều hành trang cho cuộc sống.
Ta cứ ngỡ trần gian là cõi thật
Thế cho nên tất bật đến bây giờ
Khách Nam Kha vừa chợt tỉnh cơn mơ
Thôi buông xả, còn chần chờ chi nữa?.
Những gì cần nói, cần làm, cần thị hiện, Người đã thị hiện xong, chúng ta còn đòi hỏi mong chờ từ nơi Người nhiều hơn nữa? Giờ đến lượt chúng ta, những người còn ở lại, hãy tinh tấn sống, chiêm nghiệm, thể hiện làm tất cả những Thiện Pháp cho mục tiêu giác ngộ, giải thoát bằng những gì có thể làm được bây giờ và tại đây, vì cuộc sống, nào ai biết có bao lâu, mà đợi chờ?
Thầy đã từng đứng nhất lớp về pháp học, bao năm qua, Thầy đã hành Pháp Ba La Mật, Thầy không còn vướng nợ, vướng nghiệp trần gian nên ra đi trước: Giác Pháp vốn như thị, hạnh nguyện đã viên thành, Phổ Hiền khẽ gọi tên, Liên Hoa đang chờ Người.
Thầy luôn đi trước chúng tôi một bước. Huynh Đệ và những người có duyên hội kiến với Người vẫn mãi luôn nhắc nhở và trân trọng những kỷ niệm quý giá về Người. Nguyện thế thế sanh sanh đồng vi Pháp lữ. Nguyện cầu hồng ân Tam Báo gia bị cho Giác Linh Thượng Tọa Thích Tâm Khanh cao đăng Phật Quốc, hồi nhập Ta Bà, hóa độ nhất thiết chúng sanh.
Nam mô Khai Sơn tịnh Trú Trì Tĩnh Tâm Thiền Tự, Tự Lâm Tế Chánh Tông, Tứ Thập Nhị Thế, Huý Thượng TÂM hạ KHANH, Tự HẠNH NGUYỆN, Hiệu GIÁC PHÁP Thượng Toạ Giác Linh thùy từ chiếu giám.
Tây Nguyên, đầu hạ, 20/04/Kỷ Hợi (24/05/2019)
Pháp lữ: Thích Đồng Trí.