;
Kính chào Phật tử Tâm Tịnh đại diện cho quý Phật tử gần xa, thắc mắc về phần hỏi đáp về thiền. Trong chương mục lần trước một em học sinh hỏi về phương pháp tu thiền nào tốt nhất và khi ngồi thiền ở nhà có ảnh hưởng gì không và nguyên văn như sau: -Kính thưa thầy! Hiện nay con vẫn còn là học sinh nhưng con rất muốn ngồi thiền để tịnh tâm ý, mà con không biết bắt đầu từ đâu và phương pháp nào mới có kết quả nhất. Kính mong thầy chỉ dạy để con biết cách ngồi thiền. Và con có thêm một câu hỏi, nếu mà ngồi thiền ở nhà không có thầy giám sát thì có ảnh hưởng gì không?
Lần trước thầy đã trả lời nhấn mạnh về cốt tủy của thiền? mà không đi vào nội dung câu hỏi là có lý do… bởi người hỏi là một em học sinh chưa là Phật tử, thế cho nên thầy muốn mọi người hiểu đúng về thiền sau đó sẽ trả lời vào nội dung nếu có ai thắc mắc. Thầy rất chân thành cảm niệm công đức của Phật tử Tâm Tịnh về tinh thần học đạo có hiểu biết, có thắc mắc và những gì chưa rõ ràng phải thưa hỏi đến nơi. Trước tiên thầy thành thật xin lỗi quý Phật tử gần xa về phần hỏi đáp về thiền, thầy thiếu xót……không trả lời đúng nội dung.
-Kính thưa thầy! Hiện nay con vẫn còn là học sinh nhưng con rất muốn ngồi thiền để tịnh tâm ý, mà con không biết bắt đầu từ đâu và phương pháp nào mới có kết quả nhất. Kính mong thầy chỉ dạy để con biết cách ngồi thiền. Và con có thêm một câu hỏi, nếu mà ngồi thiền ở nhà không có thầy giám sát thì có ảnh hưởng gì không? Trước khi muốn ngồi thiền hoặc tu thiền, điều đầu tiên phải tập giữ giới mà giới thì có nhiều loại, giới cho người tại gia giữ 5 giới hoặc 10 giới, giới cho người xuất gia Tăng 250 giới, Ni 348 giới.v…v…
Giờ thầy nói cho đủ nghĩa trước khi muốn ngồi thiền hoặc tu thiền trước tiên phải tập giữ giới, giới pháp được trong sạch thì ngồi thiền hoặc tu thiền mới có kết quả.
Ngồi thiền hoặc tu Thiền muốn có kết quả tốt đẹp, tâm an định và trí tuệ phát sinh để sống bình yên, an vui, hạnh phúc thì mọi người cần phải nắm vững những điều căn bản sau đây:
1- Không trực tiếp sát sinh hại vật, xúi bảo người khác giết hại hoặc vui vẻ đồng tình khi thấy người khác giết hại. Người có tâm sát sinh hại vật thì không bao giờ có thể Thiền định, vì trong các nghiệp xấu ác nặng nhất là tội giết hại. Kẻ giết người cùng kẻ bất hiếu với cha mẹ cũng không thể Thiền định.
Muốn tu Thiền được kết quả tốt đẹp chúng ta phải từ bỏ giết hại, bởi khi giết vật mắt thấy, tai nghe chúng giãy giụa đau thương nên chủng tử đó huân tập vào tàng thức, lâu ngày ta thấy con vật la khóc đến đòi nợ. Người giết hại nhiều hay lo lắng, sợ hãi, bất an nên trong tâm lúc nào cũng day dứt, khó chịu. Người tại gia vì gia đình, người thân nên phải làm việc để có nguồn thu nhập, vẫn phải ăn mặn để đủ sức khoẻ mà dấn thân đóng góp, phục vụ; nhưng nên ăn mặn theo Tam tịnh nhục, không trực tiếp giết hại, không xúi bảo người khác giết hại, không vui vẻ đồng tình khi thấy người khác giết hại. Ta có quyền mua thịt cá đã làm sẵn hoặc đã nấu chín, nếu mua thịt cá mần sẵn thì phải để ý kiểm tra, đừng mua đồ ương thối tuỳ theo kinh nghiệm mỗi người. Người hay sát sinh hại vật tức làm khổ chúng sinh nên không có lòng từ bi, do đó khó mà Thiền định được kết quả tốt đẹp.
2- Không gian tham trộm cướp, lấy tài sản của cải người khác. Trộm là lén lấy, cướp là công khai lấy. Muốn Thiền định mà trong tâm cứ tính toán làm sao để lấy của người khác thì chắc chắn không bao giờ tâm an định. Nhân trộm cướp quả hiện đời bị tù tội và nghèo khổ, thiếu thốn. Cho nên, người tại gia tu Thiền mà còn bệnh này tức lòng tham lam, ích kỷ quá nhiều, do đó không thể đạt kết quả như ý muốn.
3- Người hay tà dâm cũng vậy, vì lòng dục nặng nề thích đắm sắc mê hoa nên lúc nào cũng toan tính, tìm cách chiếm đoạt để hưởng thụ khoái lạc dục tính. Muốn được như vậy trước nhất người tà dâm phải nói dối “tôi không hạnh phúc” hay “tôi bị bắt buộc”, cốt để làm sao cho người khác phái tin mình. Tham lam, dối gạt để hưởng thụ cho riêng mình là thói quen xấu nhiều đời nhất của đấng mày râu. Dù có vợ đẹp con xinh nhưng vẫn muốn kiếm thêm, vẫn ham thích của lạ để chứng tỏ khả năng chinh phục.
Báo chí vừa qua cũng đã đăng tin các đại gia bỏ tiền mua dâm với một số người mẫu, hoa hậu với số tiền quá cao trong một lần quan hệ. Quan niệm chồng chúa vợ tôi, trai năm thê bảy thiếp là tập tục trọng nam khinh nữ phát xuất từ thời phong kiến. Vua có quá nhiều cung phi mỹ nữ nên ít có ông nào sống thọ. Vậy muốn tu Thiền có kết quả tốt chúng ta phải biết tiết chế trong sinh hoạt tình dục bằng cách sống thuỷ chung “một vợ một chồng”. Người quá nặng tính dục sẽ giảm sức khoẻ, tinh thần không sáng suốt nên ngồi Thiền khó an định, do đó tâm niệm cứ lăng xăng dính mắc “ta-người-chúng sinh”.
4- Người hay nói dối để lường gạt hoặc hại người cũng khó lòng Thiền định vì tâm tư lúc nào cũng tính toán hơn thua, tìm cách sén bớt của người. Tâm không ngay thẳng, hay nghĩ điều tà dại như nói dóc, nói láo để lường gạt, khoe khoang, nói lời mắng chửi nặng nề tức tâm nóng giận, thù hằn chất chứa nhiều trong lòng. Hạng người như vậy cũng khó mà Thiền định an ổn. Cho nên, muốn tu Thiền đạt được kết quả phải buông xả phiền não tham-sân-si, phải giữ giới không nói dối hại người hoặc nói lời hằn học, mắng chửi.
5- Uống rượu hoặc dùng các chất kích thích, ăn uống đồ độc hại, hút chích xì ke ma tuý thì càng không thể Thiền định vì tinh thần mê muội, thân thể bất an, không có tinh thần tự chủ. Khi ta tiêu thụ những thứ trên quá nhiều sẽ làm tàn hại thân tâm, bệnh hoạn, si mê, cuồng loạn; làm hại mình, hại gia đình, người thân và xã hội. Hạng người như thế lúc nào cũng tìm cách lường gạt của người khác, nếu làm có tiền cũng tiêu tốn hết vào đó. Gia đình nào có những con người như thế sẽ khổ đau vô cùng cực vì làm khổ chính mình lẫn gia đình, người thân. Nếu ghiền những thứ đó mà không có tiền thì phải trộm cướp, lường gạt của người khác bằng mọi cách.
Một xã hội có nhiều con người như vậy trước sau cũng sẽ tan nhà nát cửa, đất nước loạn lạc, khủng hoảng nhân cách đạo đức làm mất tính người. Biện pháp duy nhất giúp cho con nghiện là sống cách ly xã hội, được hướng dẫn đạo đức tâm linh để tin sâu nhân quả, được tạo công ăn việc làm tại chỗ, sống đơn giản, đạm bạc thì hoạ may mới cứu chữa được; bằng không xã hội phải xây cất nhiều trung tâm thần kinh và trung tâm cai nghiện để chứa những con người này, dần hồi nhà tù sẽ được mở rộng để dung nạp nhiều kẻ lường gạt, trộm cướp, biếng nhác, ăn không ngồi rồi.
Hiện nay xã hội chỉ chữa bệnh tạm thời trên phần ngọn nên tốn kém, mất mát, hao hụt quá nhiều; muốn giúp thế gian giảm bớt tệ nạn xã hội chỉ có cách duy nhất làm sao hướng dẫn mọi người tin sâu nhân quả, gieo nhân tốt gặt quả tốt, gieo nhân xấu gặt quả xấu.
Đất nước chúng ta đang trên đà phát triển toàn diện về mọi mặt, nếu con người không ý thức và có hiểu biết chân chính thì chỉ được lợi ích vật chất bên ngoài. Trong bối cảnh hiện nay chúng ta đang sống chung với ô nhiễm môi trường, ô nhiễm văn hóa phẩm đồi truỵ, ô nhiễm thực phẩm đồ ăn thức uống, hầu như đại đa số mọi người đều dùng những hoá chất độc hại đưa vào cơ thể do nhu cầu sự sống. Ngành quản lý chức năng cần hạn chế cấp giấy phép một số hoạt động có tác hại lớn như các quán nhậu, các làng nướng, vũ trường… đang mọc lên như nấm mà không có giờ giấc hạn chế.
Cơ sở giáo dục chưa phù hợp với sự hiểu biết của con người nên không có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa học tập, làm việc và tu dưỡng đạo đức tâm linh. Việc thay đổi, phát triển, mở mang là điều tốt nhưng phải dựa theo trình độ dân trí, nếu phát triển quá nhanh sẽ làm con người không theo kịp, thành ra phản tác dụng và làm tổn hại trở lại. Có tiện nghi vật chất đầy đủ mà không có tinh thần sáng suốt cùng hiểu biết chân chính thì nguy hiểm vô cùng vì sẽ đưa con người vào hố sâu tội lỗi.
Theo sự hiểu biết của chúng tôi, muốn mọi người sống thương yêu đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau trên tinh thần vị tha, biết cảm thông và tha thứ, biết bao dung và độ lượng, hay san sẻ và nâng đỡ bằng tình người trong cuộc sống thì trước nhất ta phải tin sâu nhân quả, tin nhân quả luôn theo ta như bóng với hình, dù trăm kiếp ngàn đời vẫn không mất, khi hội đủ nhân duyên quả báo hoàn tự hiện. Ta tin tâm mình là Phật, siêng năng cố gắng làm lành, buông xả tâm niệm về hành động xấu ác. Ta tin bản thân có khả năng làm được tất cả mọi việc trên thế gian mà không phải cầu khẩn, van xin một đấng quyền năng nào đó.
Chính ta là chủ nhân ông của bao điều hoạ phúc. Ngày xưa khi ta chưa biết tu thì ý nghĩ xấu phát sinh ra lời nói, dẫn đến thân giết hại, trộm cướp, lường gạt của người khác; bây giờ biết tu rồi ta suy nghĩ điều thiện, miệng nói lời từ ái, chân thật, sống bao dung, giúp đỡ người khác. Chúng ta chỉ cần thay đổi nhận thức thì nhân quả xấu sẽ từ từ thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp, nhưng ta phải bền chí, kiên trì, đừng ham mau lẹ mà trở thành tham lam. Mình mới tu Thiền chỉ có vài năm mà muốn có kết quả liền thì không thể được vì vô số kiếp khi chưa biết tu ta đã huân tập biết bao nhiêu thói hư, tật xấu; nay biết tu rồi chỉ cần kiên trì, bền bỉ lâu dài thì việc gì cũng có thể làm được; ví như tấm gương sáng lâu ngày bị bụi bám đầy, ta chỉ cần lau bụi phiền não tham-sân-si, ganh ghét, tật đố, ích kỷ, mê muội chất chứa hại người cho đến khi nào bụi hết thì gương tự trong sáng.
6- Người tu Thiền mập quá cũng khó tu vì ăn nhiều là do lòng tham đắm, không biết làm chủ trong ăn uống, thân thể chậm chạp, mệt mỏi, ngồi lại vọng niệm lăng xăng khó điều phục. Người quá mập nếu là phụ nữ có chồng sẽ bị chồng chê và khó có được hạnh phúc thật sự, khó Thiền định được vì khi ngồi lại cảm thấy khó khăn, chộn rộn, mệt mỏi, hoặc Thiền đi, Thiền lạy cũng chậm lụt hơn người thường.
Muốn tu Thiền để được kết quả tốt đẹp ta phải điều hoà, cân bằng sức khoẻ. Thí dụ mình cao 1m60 thì trong lượng cơ thể cho phép 56 kg, giữ quân bình như vậy thì ta tu Thiền rất nhẹ nhàng vì mình làm chủ được ăn uống là đã biết tu rồi. Nếu không có đủ khả năng làm chủ trong ăn uống thì ta điều hoà thân thể tối đa là 59 kg hoặc thấp nhất là 53 kg, chỉ cần làm chủ trọng lượng cơ thể là chúng ta đã biết cách tu Thiền.
7- Người ốm quá là người bệnh hoạn, suy dinh dưỡng, thiếu sức khoẻ nên thân thể đau nhức, mệt mỏi, tinh thần rối loạn, hay lo lắng. Thân thể không khoẻ mạnh thì tinh thần không sáng suốt nên cũng khó định tâm trong lúc Thiền.
Ngoài những đòi hỏi trên thì người tu Thiền phải biết cung kính, hiếu thảo với ông bà cha mẹ, phải chăm sóc dưỡng nuôi khi cần thiết và khi tuổi già sức yếu; ngoài ra còn biết bố thí, cúng dường người tu hành chân chính và người khó khăn, nghèo khổ, biết làm các việc phước thiện như ấn tống kinh sách, băng đĩa, từ thiện giúp đỡ người bất hạnh khi có nhân duyên. Có bố thí, giúp đỡ, sẻ chia ta mới xả bỏ tâm tham lam, ích kỷ, bỏn sẻn, keo kiết nhiều đời; nhờ vậy tâm từ bi giúp người cứu vật được phát triển từ trong gia đình, người thân rồi lan rộng đến người ngoài xã hội.
Nói tóm lại, trước khi tu Thiền chúng ta cần phải có một hiểu biết chân chính, nhận thức sáng suốt, tin sâu nhân quả, tin chính mình và quyết tâm bền chí phải Thiền trong mọi oai nghi đi-đứng-nằm-ngồi, ăn uống, ngủ nghỉ, sinh hoạt cho có chừng mực, giữ giới không làm tổn hại thân tâm mình, người và vật. Đó là phương pháp chung dành cho người tu Thiền, nhưng còn tuỳ sức khoẻ, hoàn cảnh cuộc sống của mỗi người mà chúng ta biết cách áp dụng sao cho bản thân được bình yên, an vui, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.
Chúng ta biết áp dụng Thiền đúng lúc, đúng chỗ, đúng nơi thì ngày càng giảm bớt phiền não tham-sân-si và phát sinh trí tuệ, nhờ vậy tăng trưởng lòng từ bi thương xót giúp đỡ người và vật khi có nhân duyên. Cứu giúp một người qua cơn hoạn nạn và giúp họ biết tin sâu nhân quả, hay nói cách khác ta cho họ con cá cũng cần phải cho họ cần câu và chỉ cách câu. Con cá chỉ là phương tiện ban đầu, cho họ cái cần câu thì họ mới biết cách vượt qua nỗi khổ, niềm đau và sống an vui, hạnh phúc.
Thiền mà chúng tôi đang hướng dẫn ở đây là đi vào đời sống gia đình và xã hội, ai muốn sống tốt, không làm tổn hại người khác thì ngay bây giờ phải biết tu tâm sửa tánh để quay về con người tâm linh của chính mình. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sau khi tu Thiền thành tựu đã giáo hoá 49 năm không biết mệt mỏi, nhàm chán vì Ngài không thấy ai là kẻ thù mà chỉ thấy người chưa thông cảm với nhau mà thôi. Dù bị người hãm hại đủ mọi cách nhưng Phật vẫn không buồn phiền mà còn thương họ nhiều hơn vì Ngài đã sống được với tâm thanh tịnh, sáng suốt. Người không biết tu Thiền khi gặp việc xấu sẽ tìm cách trả thù trở lại nên nhân quả vay trả, trả vay không có ngày thôi dứt.
- Đây là nghi thức ngồi thiền do chúng tôi biên soạn thay cho câu trả lời, kính mong mọi người tham khảo.
NGHI THỨC TỌA THIỀN
1- LỄ PHẬT
Đại từ, đại bi, thương chúng sinh,
Đại hỷ, đại xả, cứu muôn loài,
Tướng đẹp sáng ngời dùng trang nghiêm,
Chúng con chí tâm thành đảnh lễ. (đánh chuông, xá 1 xá)
-Nhất tâm đảnh lễ: Tất cả chư Phật ba đời thường trú trong mười phương. (đánh chuông lễ 1 lễ)
-Nhất tâm đảnh lễ: Tất cả Chánh pháp ba đời thường trú trong mười phương. ((đánh chuông lễ 1 lễ)
-Nhất tâm đảnh lễ: Tất cả Tăng bậc hiền Thánh ba đời thường trú trong mười phương. (đánh chuông lễ 1 lễ)
2- HÔ THIỀN (chủ lễ hô thiền)
Đầu hôm:
-Canh một nghiêm trang ngồi tịnh tu,
Tinh thần tịch chiếu đồng thái hư,
Muôn kiếp đến nay chẳng sinh diệt,
Đâu cần sinh diệt, diệt gì ư? (Bốn câu này hô từ chậm đến nhanh. Đánh chuông từ chậm đến nhanh, từ lớn đến nhỏ dần….)
-Gẫm xem các pháp đều như huyễn,
Bổn tánh tự không đâu dụng trừ, (Hai câu này hô từ chậm đến nhanh. Đánh chuông từ chậm đến nhanh, từ lớn đến nhỏ dần…)
-Nếu biết tâm tánh không tướng mạo,
Lặng yên chẳng động tự như như. (Hai câu này hô từ chậm đến nhanh. Đánh chuông từ chậm đến nhanh, từ lớn đến nhỏ dần…)
Nam-mô Phật Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni. (Niệm 3 lần, mỗi lần đánh một tiếng chuông, Đại chúng đồng niệm theo sau)
Buổi khuya:
-Canh năm Bát-nhã chiếu vô biên,
Chẳng khởi một niệm khắp tam thiên,
Muốn thấy chân như tánh bình đẳng,
Dè dặt sinh tâm, trước mắt liền. (Bốn câu này hô từ chậm đến nhanh. Đánh chuông từ chậm đến nhanh từ lớn đến nhỏ dần…)
-Lý diệu ảo huyền khôn lường được,
Dụng công đuổi bắt càng nhọc mình, (Hai câu này hô từ chậm đến nhanh. Đánh chuông từ chậm đến nhanh, từ lớn đến nhỏ dần…)
-Nếu không một niệm mới thật tìm,
Còn có tâm tìm toàn chẳng biết. (Hai câu này hô từ chậm đến nhanh. Đánh chuông từ chậm đến nhanh, từ lớn đến nhỏ dần…
Nam-mô Phật bổn sư Thích-ca Mâu-ni. (mỗi lần đánh một tiếng chuông, niệm 3 lần. Đại chúng niệm theo)
3- TỌA THIỀN
Có ba giai đoạn: Nhập, Trụ, Xuất.
a- NHẬP: (Bồ đoàn linh động tùy theo người mập, gầy mà kích cỡ khác nhau. Bồ đoàn: Dùng vải cắt hình tròn thường là đường kính 25cm, dồn gòn cao 15cm, ngồi xuống dẽ còn 10cm. Tọa cụ: Miếng nệm dầy 5 hoặc 7cm, vuông góc 60cm)
Đến giờ tọa thiền, trải tọa cụ ra, đặt bồ đoàn lên trên tọa cụ. Ngồi lên bồ đoàn, xương cùng đúng giữa bồ đoàn, nghiêng qua nghiêng lại cho ổn định, mới kéo chân ngồi. Nới rộng dây lưng, cổ áo, sửa thân ngay thẳng.
Ngồi Kiết già: Chân trái gác lên đùi phải, chân phải gác lên đùi trái, dùng khăn tay xếp lại lót vào chỗ gót bàn chân thấp, để cho mặt trên 2 gót chân bằng nhau. Hai bàn tay các ngón khích vào, tay phải để lên tay trái, các ngón tay để chồng lên nhau, đầu hai ngón cái chạm nhau để trên ngón trỏ và ở giữa rún không lệch qua trái hay phải. Hai tay để lên gót chân chỗ lót khăn, ngón út sát thành bụng dưới.
Mắt nhìn xuống ngay đầu mũi, gập càm lại sát cổ, ta nhìn theo đường thẳng từ đầu mũi xuống ngay đầu ngón tay cái thì lưng sẽ thẳng, không nghiên ra trước, không ngửa ra sau, không nghiên trái, phải. Mắt nhìn đầu mũi, tầm nhìn từ giữa hai chân nhìn ra phía trước, khoảng cách từ 40cm đến 80cm thì cổ sẽ thẳng, mắt thường là mở 1/3. Mắt nhắm hay mở tùy theo người tỉnh hay buồn ngủ. Tỉnh thì có thể nhắm, buồn ngủ phải mở mắt to. Hai trái tai đối xứng với hai bả vai. Ngồi không quá thẳng cũng không quá chùn, lưng cong thì đau lưng và đầu cúi dễ sinh hôn trầm (ngủ).
Chuyển thân ba lần từ mạnh đến nhẹ. Điều hơi thở, hít vô sâu bằng mũi, thở ra dài bằng miệng. Hít vô tưởng không khí trong sạch vào khắp châu thân, thở ra tưởng phiền não bệnh tật đều được tiêu trừ. Thở từ mạnh dần đến nhẹ ba lần, không được ra tiếng. Rồi thở lại bình thường bằng mũi nhè nhẹ, đều đều như lúc đi đứng.
Mặt tươi tỉnh, bình thản, môi và răng vừa khít nhau, lưỡi để phía trên mà không cong.
Ngồi bán già: Cách thức cũng như ngồi kiết già, có điều chỉ gác một chân lên trên, tùy theo chiều thuận riêng của mỗi người, gác chân phải hay trái lên trên cũng được, không bắt buộc. Nếu gát chân nào lên thì để bàn tay bên ấy ở dưới.
b-TRỤ: Có 3 phương pháp dành cho người sơ cơ:
1- SỔ TỨC QUÁN:
Sổ là đếm, tức là hơi thở. Sổ tức quán là quan sát hơi thở ra vào, đếm từ một đến mười. Có hai cách sổ tức: Nhặt và khoan.
-Nhặt: Hít vô cùng đếm một, thở ra sạch đếm hai, lần lượt đến mười, rồi trở lại bắt đầu từ một.
-Khoan: Hít vô cùng thở ra sạch đếm một, hít vô cùng thở ra sạch đếm hai, lần lượt đến mười, rồi bắt đầu trở lại từ một. Cứ đếm như thế suốt thời gian tọa thiền. Nếu trong lúc đếm từ một đến mười, nửa chừng quên hoặc nhầm số, thì bắt đầu đếm trở lại từ một… Sau một thời gian tu tập, hành giả đếm thuần thục không còn nhầm lộn số nữa thì bước qua giai đoạn Tùy Tức.
2-TÙY TỨC:
Tùy là theo, tức là hơi thở. Tùy tức là theo dõi hơi thở. Hít hơi vô tới đâu ta cảm nhận biết tới đó. Hơi thở ra đến đâu ta cũng đều cảm nhận biết rõ. Tức là sự tỉnh giác hiện hữu
Trong khi tỉnh táo cảm nhận hơi thở vào ra một thời gian thì ta sẽ cảm nhận được mạng sống chỉ trong hơi thở. Thở ra mà không hít vào hoặc hít vào mà không thở ra là mạng sống không còn tồn tại. Hơi thở đã vô thường thì mạng sống của ta cũng mong manh giả tạm chỉ có bằng một hơi thở, nhưng chẳng biết trước rằng lúc nào thở ra mà không còn hít vào nữa.
Khi theo hơi thở thuần thục rồi, hành giả bước sang giai đoạn Biết có Chân Tâm.
3-BIẾT CÓ CHÂN TÂM
Từ công phu theo dõi hơi thở, hành giả tiến lên buông hơi thở, tâm an định. Bấy giờ hành giả luôn tự thấy biết là chân tâm, thấy chỉ là thấy nhưng thường biết rõ ràng; tai mũi lưỡi thân ý cũng lại như thế. Khi hành giả nhận ra Chân tâm thường biết rõ ràng mà không động niệm. Nếu mơ màng ngủ gục thì mở mắt sáng ra, chấn chỉnh công phu.
c. Xuất: (khởi niệm đọc thầm bài Hồi Hướng.)
Nguyện đem công đức này.
Hướng về khắp tất cả.
Đệ tử và chúng sinh
Đều trọn thành Phật đạo.
-Thở từ nhẹ đến mạnh, hít vô bằng mũi, thở ra bằng miệng (hít sâu thở dài). Hít vô tưởng máu huyết lưu thông khắp châu thân, thở ra tưởng phiền não bệnh tật đều được tiêu trừ. (ba lần)
-Kế chuyển động hai bả vai, mỗi bên 5 lần.
-Cúi ngước đầu lên xuống 5 lần.
-Xoay đầu qua phải trái 5 lần, rồi cúi ngước trở lại một lần nữa cho quân bình.
-Kế hai bàn tay co duỗi ra vào. Xong, chuyển thân từ nhẹ đến mạnh 4 lần. Lần thứ 5 đưa hai tay ra đầu gối ấn xuống.
-Kế xoa mặt 20 lần, xoa hai vành tai, xoa đầu, xoa gáy cổ, xoa cổ trước; mỗi chỗ 20 lần.
-Kế xoa vai, xoa tay, còn tay kia xoa dài xuống hông, mỗi bên 5 lần (tay phải choàng vai trái, tay trái choàng hông phải vuốt xoa mạnh. Sau đó trở tay ngược lại).
-Xoa lưng, ngực, bụng từ trên xuống, mỗi bên 5 lần (úp lòng bàn tay phải vào ngực, lưng bàn tay trái áp vào lưng trên, xoa ngang. xoa lần xuống bụng dưới và thắt lưng. Sau đó trở tay ngược lại).
-Xoa hai bên mông đùi, chà dài xuống dọc hai bên đầu gối.
-Hai ngón giữa và trỏ của 2 bàn tay chạm vào nhau chà cho nóng rồi áp vào mắt, đẩy từ ngoài vào trong sống mũi, mỗi bên 5 lần.
-Kế tiếp, 1 tay nắm mấy đầu ngón chân, tay kia bợ cổ chân kéo nhẹ chân xuống. Xoa từ đùi dài xuống, day đầu gối, xoay cổ chân sao cho hai chân máu huyết lưu thông, rồi xoa lòng bàn chân. Sau cùng duỗi thẳng hai chân, lưng thẳng, hai tay để trên đùi. Hít sâu vào đưa hai tay từ từ ra hai bàn chân 3 lần (vẫn ngồi trên bồ đoàn).
Kế bỏ bồ đoàn ra và xoa bóp thêm nơi nào còn đau. Thời gian xả thiền khoảng 8 -10 phút (nếu ngồi lâu). Sau đó đứng lên tụng kinh Bát Nhã 1 lần và đọc bài tứ hoằng thệ nguyện, hồi hướng.
4- CÁC TRIỆU CHỨNG :
1- Trong khi ngồi nếu thấy chảy nước miếng là lơ là không tỉnh táo nên chấn chỉnh lại.
2- Nếu thấy căng đầu là gắp nên thư giản nhẹ nhàng lại.
3- Đau lưng: Do cong quá phải thẳng lên
4- Tức ngực: Do thẳng quá nên phải chùn người xuống. Hơi thở không thông nên thở dài và nhẹ.
5- Đau vai: Nếu nhức một bên vai, coi chừng hai vai không ngang nhau, một bên bị lệch xệ xuống. Nếu nhức cả hai vai là do gồng hai tay, phải nới lỏng ra, toàn thân ở tư thế thư giản, không được gồng kềm người.
6- Đau hông: Do ngồi nghiên nên phải chấn chỉnh lại.
Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.
Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sinh
Đều trọn thành Phật đạo.
ĐẢNH LỄ TAM BẢO
Con xin nương tựa Phật
Bậc phước trí vẹn toàn
Cầu tất cả chúng sinh
Giác ngộ, phát tâm lành. (một lạy)O
Con xin nương tựa Pháp
Nguồn tuệ giác Từ bi
Cầu tất cả chúng sinh
Hiểu đạo, tỏ nguồn tâm. (một lạy)O
Con xin nương tựa Tăng
Đoàn thể sống an vui
Cầu tất cả chúng sinh
Hòa hợp, thương mến nhau. (một lạy)O
Kế tiếp là thầy trả lời câu hỏi sau: Và con có thêm một câu hỏi, nếu mà ngồi thiền ở nhà không có thầy giám sát thì có ảnh hưởng gì không? Trước tiên phải tham gia vào các khóa tu thiền ở các Thiền Viện trên ba miền Nam, Trung, Bắc để biết cách ngồi thiền và có quý thầy giám sát kiểm thiền cho thuần thục một thời gian và sau đó mới tập ngồi thiền ở nhà.
Ngày xưa thầy làm ban rẫy ở Thiền Viện Thường Chiếu nên mỗi ngày phải tưới rau, tưới phân do đó trong một thời gian dài vai bên trái bị cong lên bởi thầy thuận tay trái. Trồng rau thì phải ở luôn ngoài rẫy và ngồi thiền chỉ một mình, đến khi thầy nhận nhiệm vụ khác thì được ngồi thiền chung với đại chúng trong thiền đường.
Lúc này thầy mới phát giác ra rằng, thầy ngồi niểng một bên vai trái cao hơn vai phải và đầu thầy cong một bên. Khi được thầy giám thiền sửa lại để cho ngay ngắn đầu mình và tứ chi, nhưng khi vừa sửa xong thầy bật trở lại lại tư thế cũ là thế ngồi cong và niểng một bên. Cuối cùng thầy phải đặt tấm gương lớn đem vào thiền đường để ngồi và cố gắng chỉnh sửa hơn sáu tháng mới ngồi ngay trở lại được. Thế cho nên, muốn ngồi thiền ở nhà một mình mà không có ai giám sát phải cẩn thận lắm mới đảm bảo an toàn. Tốt nhất vừa tập ngồi thiền tại các Thiền Viện và vừa tập ngồi ở nhà nhưng phải thường trau đổi thắc mắc thầy nào hướng dẫn thiền là tiện lợi nhất.
Thiền là con đường ngắn nhất cho nhân loại ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày, tuỳ theo hoàn cảnh cuộc sống mỗi người mà ta khéo sắp xếp để Thiền trong đi, đứng, nằm, ngồi, ăn uống, ngủ nghỉ và làm việc trong mọi lúc mọi nơi mới đúng là thiền. Còn chỉ ngồi thiền không thì chưa đủ, vậy khi đi đứng nằm và hoạt động thì không có thiền hay sao? Như chúng tôi đã nói phải thiền trong mọi hoạt động thậm chí trong lúc tắm giặt hoặc chất xú uế ra đều thiền cả.
Trong đạo Phật có nhiều phương pháp Thiền để giúp cho nhân loại thể nghiệm sâu sắc vào đời sống gia đình và xã hội. Chính đức Phật Thích Ca Mâu Ni ra đời tại Ấn Độ trên 2600 năm cũng do tu Thiền mà thành tựu đạo giác ngộ, giải thoát. Bên cạnh đó, Ngài thành Phật nhờ hành Bồ tát đạo vô số kiếp về trước và cũng do tu Thiền mà thành tựu trong kiếp hiện tại. Nếu chúng ta giác ngộ, giải thoát cho mình mà không giúp đỡ người khác cùng giác ngộ theo là hạnh của hàng Thanh Văn, Duyên Giác thủ chứng quả vị A La Hán nên không thể thành Phật. “Phật” là danh từ chung nói cho đủ là “Phật đà”, là người giác ngộ, là người tỉnh thức, nghĩa là tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn. Phật là con người bằng xương bằng thịt như tất cả mọi người, cũng được sinh ra từ bụng mẹ, không phải biến hoá từ nơi khác đến. Chúng ta cũng là người giống như Phật, Phật tu hành thành Phật, ta cũng có thể tu hành thành Phật và ai muốn thành Phật thì phải biết tu Thiền.
Con người hay xa rời thực tế để tìm hiểu những điều cao siêu, huyền bí, trong khi cuộc sống đang dàn trải trước mắt chúng ta tất cả đều là Thiền. Thấy sắc là Thiền, nghe tiếng là Thiền. Mắt thấy, tai nghe là hai căn chúng ta tiếp xúc hằng ngày, ta chỉ Thiền ngay nơi thấy-nghe chớ không phải tìm cầu đâu xa. Con người thường hay nhớ nghĩ về quá khứ, luyến tiếc thời vàng son và mơ mộng viễn vông về tương lai xa tít. Người lớn tuổi hay nhớ về kỷ niệm quá khứ vui buồn, người trẻ thường mong muốn đến tương lai, do đó đánh mất mình trong hiện tại.
Người tu Thiền sống ngay tại đây và bây giờ để nhìn thấy rõ những tâm niệm tốt xấu, đúng sai, phải quấy, hơn thua đang phát khởi trong tâm nhằm chuyển hoá chúng trở về với cái gốc ban đầu. Thiền là chất liệu sống giúp con người thông suốt mọi hiện tượng, sự vật trên thế gian này và sống bình yên, hạnh phúc nhờ thấy biết đúng như thật. Nhờ có Thiền chúng ta hiểu rõ bản chất thực hư của thân tâm mình và hoàn cảnh, nên con người sống thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau bằng trái tim hiểu biết với tấm lòng vô ngã, vị tha.
Thiền là chân lý sống nên không thể dùng ngôn ngữ hay định nghĩa để diển tả Thiền, đến chỗ đó thì mỗi hành giả nóng lạnh tự biết; nhưng Thiền không thể tách rời cuộc sống, không thể tìm thấy ở một nơi xa xôi nào mà ngay nơi cuộc đời chúng ta.
Những lời dạy vàng ngọc của đức Phật do tu Thiền mà thành tựu đã trải qua hơn 26 thế kỷ vẫn còn là ngọn đuốc sáng soi đường cho con người xây dựng nếp sống bình yên, an vui và hạnh phúc trọn vẹn. Đạo Phật đã hiện hữu sáng ngời theo dòng thời gian và tồn tại cho đến ngày hôm nay chính yếu vào việc thăng hoa tuệ giác tâm linh và đạo đức con người. Từ đó, đức Phật hiện thân người, biết rõ thực tại khổ đau của con người và tìm được lối thoát cho con người. Ngài từ bỏ con đường tư duy và cuộc sống bế tắc của các lối Thiền ngoại đạo, đến cội bồ đề tham Thiền nhập định. Trong suốt 49 ngày đêm, Ngài đạt đến sự giác ngộ hoàn toàn, thấy rõ con người từ đâu đến, sau khi chết đi về đâu và biết rõ phương cách thoát khỏi sinh-già-bệnh-chết của kiếp người. Trạng thái giác ngộ ấy trải qua ba giai đoạn: đầu đêm Ngài chứng tuệ giác Túc Mạng Minh, giữa đêm chứng tuệ giác Thiên Nhãn Minh và cuối đêm chứng tuệ giác Lậu Tận Minh. Ngài ngồi dưới cội Bồ-đề 49 ngày đêm Thiền định nhằm phát minh chân lý cuộc đời. Khi định đã sâu, tâm an nhiên, lặng lẽ nên trí tuệ sáng suốt, do đó chứng Tam minh và thành Phật.
Khi tâm an định, trong sáng, Ngài liền nhớ lại vô số kiếp về trước đã từng ở đâu, làm gì, giàu nghèo hay sang hèn… Đây gọi là chứng được Túc Mạng Minh, khi ấy tâm hoàn toàn thanh tịnh, trong sáng, lặng lẽ mà hằng chiếu soi. Túc Mạng Minh đức Phật chứng đắc không phải một thứ thần thông huyền bí nào đó mà do tâm Ngài yên lắng nên nhớ lại vô số kiếp về trước như nhớ chuyện ngày hôm qua. Tất cả suy tư ấy đã nung nấu, thúc đẩy Ngài dấn thân tìm phương cách đưa người thoát khỏi khổ đau, trầm luân và an hưởng hạnh phúc chân thật, vĩnh hằng. Ngài nhớ lại vô số kiếp về trước một cách rõ ràng, tường tận, không thiếu xót một chi tiết nào; từ đó Ngài biết được con người từ đâu đến. Chúng ta không phải ngẫu nhiên có mặt một lần trong cuộc đời mà đã sống chết luân hồi từ vô số kiếp đến nay. Khi chứng được đạo quả sẽ thấy được lẽ thật, ai nói đúng sai về chân lý cuộc đời chúng ta đều biết rõ.
Trạng thái chứng thứ hai là Thiên Nhãn Minh. Túc Mạng Minh là cái thấy biết về thời gian quá khứ-hiện tại-vị lai trong vô số kiếp. Thiên Nhãn Minh là cái thấy biết về không gian, thấy được sự vật hết sức nhỏ nhiệm và xa vô cùng; thấy tường tận, rõ ràng nhân quả nghiệp báo của tất cả chúng sinh. Chúng sinh có mặt trên thế gian này là do nghiệp quá khứ tạo nên tốt hay xấu mà dẫn tới thọ sanh trong hiện tại, tuy là con người nhưng không ai giống ai vì nghiệp báo bất đồng. Trong Kinh đã nói khi chứng được Thiên Nhãn Minh Ngài thấy trong bát nước có vô số vi trùng, 26 thế kỷ trước khoa học chưa tiến bộ nên không có kính hiển vi nhưng đức Phật đã thấy được vô số vi trùng trong bát nước.
Trạng thái chứng thứ ba là Lậu Tận Minh. “Lậu” là lọt, là rớt, không còn rớt trong ba cõi sáu đường tức là chứng được Lậu Tận Minh. Đây là vấn đề then chốt và chủ yếu mà Ngài muốn tìm để giúp thân phận con người thoát khỏi sinh-già-bệnh-chết. Do chứng được Lậu Tận Minh nên Ngài biết rõ nguyên nhân đi trong sanh tử luân hồi và cách dứt khỏi luân hồi sống-chết. Chính bản thân Ngài đã thoát ra được và đi giáo hoá suốt 49 năm; bị người vu oan giá hoạ, bị người chửi mắng, hãm hại đủ mọi cách nhưng Phật vẫn bình thản, an nhiên, tự tại chứng minh cho đời sự trong sạch của mình, đã hoàn toàn giác ngộ, giải thoát và thành Phật. Trước khi nhập diệt, Ngài báo cho tứ chúng đồng tu biết được ngày giờ ra đi trước ba tháng. Cho nên, Thiền định là con đường thể nghiệm sâu sắc về chính mình, giúp mọi người vượt qua cạm bẫy cuộc đời để sống bình yên, hạnh phúc và tự tại, giải thoát.
Tam Minh là quá trình Thiền của đức Phật trong đêm Thành đạo dưới cội Bồ đề, đánh dấu sự chuyển đổi quan trọng từ sa môn Cù Ðàm dấn thân tìm chân lý trở thành bậc giác ngộ Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Ðiều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Thế Tôn.
Phật là một con người, giống như tất cả mọi người, ngài là một hoàng thái tử dám từ bỏ quyền uy thế lực, cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan, dám từ bỏ tất cả những gì mà chúng ta hằng mong muốn để đi tìm chân lý sống cho con người.
Riêng tại Việt Nam, ánh sáng tuệ giác Tam Minh của đức Từ Tôn đã được các Thiền sư, cư sĩ Phật tử tiếp tục thắp sáng, tạo thành những trang sử vàng son cho ngôi nhà Phật giáo Việt Nam. Tiêu biểu như ở thời Lý, Trần, vua quan và Thiền sư đã khéo vận dụng tuệ giác và sống đúng như thật qua những đóng góp quan trọng vào việc giữ gìn đất nước độc lập, xây dựng, phát triển quốc gia. Nhất là đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông do tu Thiền mà giác ngộ, giải thoát, mở ra dòng Thiền hiện đại Trúc Lâm Yên Tử Việt Nam hướng dẫn tất cả mọi người cùng tu. Ở Ấn Độ có Thái tử đi tu và thành Phật. Ở Việt Nam ta có vị vua từ bỏ ngai vàng, xuất gia và ngộ đạo. Đó là điểm sáng chiếu soi cho ngôi nhà Phật giáo Việt Nam. Phật do tu Thiền mà giác ngộ, các vị Tổ cũng do tu Thiền mà giác ngộ, và đặc biệt cư sĩ tại gia Tuệ Trung Thượng Sĩ cũng do tu Thiền mà tự tại. Trước lúc sắp ra đi, thê thiếp, con cháu trong nhà khóc lóc um sùm, ngài mở mắt ra nói “các ngươi làm mờ chân tánh ta”, nói xong ngài an nhiên, tự tại ra đi.
Tóm lại, trước khi tu Thiền chúng ta cần phải có một hiểu biết chân chính, nhận thức sáng suốt, tin sâu nhân quả, tin chính mình và quyết tâm bền chí phải Thiền trong mọi oai nghi đi-đứng-nằm-ngồi, ăn uống, ngủ nghỉ, sinh hoạt cho có chừng mực, giữ giới không làm tổn hại thân tâm mình, người và vật. Đó là phương pháp chung dành cho người tu Thiền, nhưng còn tuỳ sức khoẻ, hoàn cảnh cuộc sống của mỗi người mà chúng ta biết cách áp dụng sao cho bản thân được bình yên, an vui, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ. Chúng ta biết áp dụng Thiền đúng lúc, đúng chỗ, đúng nơi thì ngày càng giảm bớt phiền não tham-sân-si và phát sinh trí tuệ, nhờ vậy tăng trưởng lòng từ bi thương xót giúp đỡ người và vật khi có nhân duyên. Cứu giúp một người qua cơn hoạn nạn và giúp họ biết tin sâu nhân quả, hay nói cách khác ta cho họ con cá cũng cần phải cho họ cần câu và chỉ cách câu. Con cá chỉ là phương tiện ban đầu, cho họ cái cần câu thì họ mới biết cách vượt qua nỗi khổ, niềm đau và sống an vui, hạnh phúc.
Thiền mà chúng tôi đang hướng dẫn ở đây là đi vào đời sống gia đình và xã hội, ai muốn sống tốt, không làm tổn hại người khác thì ngay bây giờ phải biết tu tâm sửa tánh để quay về con người tâm linh của chính mình. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sau khi tu Thiền thành tựu đã giáo hoá 49 năm không biết mệt mỏi, nhàm chán vì Ngài không thấy ai là kẻ thù mà chỉ thấy người chưa thông cảm với nhau mà thôi. Dù bị người hãm hại đủ mọi cách nhưng Phật vẫn không buồn phiền mà còn thương họ nhiều hơn vì Ngài đã sống được với tâm thanh tịnh, sáng suốt. Người không biết tu Thiền khi gặp việc xấu sẽ tìm cách trả thù trở lại nên nhân quả vay trả, trả vay không có ngày thôi dứt.
Thiền trong cuộc sống là sự biết cách hoà hợp nhịp nhàng giữa một khối óc sáng suốt và một trái tim hiểu biết, nhân hậu để phát sinh trí tuệ và từ bi.
Chữ Thiền ngày hôm nay đã mang quá nhiều khái niệm sai biệt để mong đạt được một mục đích mơ hồ nào đó do lòng tham muốn thôi thúc. Mơ hồ vì ta chỉ biết áp dụng theo khuôn mẫu người khác đưa ra mà cố gắng thực hành để đạt được những suy tính của mình. Tuy nhiên người sơ cơ và mới tập thiền cần phải ngồi thiền nhiều hơn nữa để tập sức chịu đựng, giảm bớt thói quen ngủ nghỉ nhiều. Tốt nhất là tâp ngồi thiền vào buổi tối hoặc sáng sớm.
Nếu chúng ta biết thận trọng, chú tâm, quan sát và soi sáng lại chính mình từ ý nghĩ, lời nói và trong mọi sinh hoạt. Thiền như vậy sẽ tốt hơn gấp trăm ngàn lần cái gọi là ngồi thiền mỗi ngày.
Con đường Thiền tập là tỉnh giác trong mọi lúc, mọi nơi để mỗi hành giả thể nhập chứng ngộ Phật tính sáng suốt ngay nơi thân này. Nói đến Thiền là nói đến sự gắn liền với đời sống con người, không phải như nhiều người thường lầm tưởng là Thiền chỉ dành cho bậc thượng căn, Thiền chỉ áp dụng trong các Thiền viện hoặc phải vào thâm sơn cùng cốc mới có thể tu Thiền, hiểu như vậy vô tình đánh mất giá trị thiết thực của nó.