;
Cuộc “lập đàn giải hạn” khổng lồ bất thành
Nghĩ rằng “ông thầy” này “cao tay” có thể “giải hạn” được cho cả thôn nên khi các “đệ tử” của thầy ngấm ngầm đi đến từng hộ dân để thu tiền, ai nấy cũng đều mừng ra mặt. Trong quá trình những “cận thần” của thầy cúng đi thu tiền để lập đàn giải hạn cho cả thôn, họ tỏ ra vô cùng khôn khéo, chỉ thu tiền của những ai sùng bái tâm linh, tin vào chuyện tà yêu, còn những gia đình có người làm cán bộ công chức ở xã, huyện hoặc Trưởng thôn, Bí thư chi bộ thì họ đều “né”.
Nhà nhà, người người đều sẵn sàng đóng góp để chuẩn bị cho một “cuộc lập đàn giải hạn lớn nhất lịch sử” tại thôn nhỏ bị “ma ám” này.
Sau khi hàng trăm triệu được người dân quyên góp, thầy bói bấm giờ và hẹn ngày đẹp “hoàng đạo” để lập đàn giải hạn cho thôn Bích Thủy tại đình làng.
Theo đúng như ngày giờ đã định, gần chục thầy cúng từ huyện Nam Sách kế bên lỉnh kỉnh khăn áo, đàn ca, sáo nhị… lặn lội sang thôn Bích Thủy để làm đàn. Ba chiếc xe ô tô chở vàng mã, ngựa, hình nhân cũng đã sẵn sàng cho một cuộc bái tế khổng lồ chưa từng có ở xã Văn Đức nói riêng và thị xã Chí Linh nói riêng. Tuy nhiên, sau khi nghe thấy thông tin trên, ông Phát đã ra đình làng nghiêm cấm việc cúng tế, yêu cầu tất cả mọi người giải tán, chở đồ đạc đi “nếu không tôi sẽ gọi công an xã và huyện đến bắt tất cả các anh lại”.
Trước thái độ nghiêm khắc của ông Phát, nhóm thầy cúng cùng các đệ tử đành phải cun cút cuốn gói đồ đạc ra về.
“Ở thôn này có nhóm “đệ tử tay chân” của các thầy bói làm “hoa tiêu” nên việc gì trong làng họ cũng đều biết rồi về nói lại cho các thầy. Khi mọi người sang xem thì “thầy” nói vanh vách nên ai cũng ngỡ là “thầy cao tay phán đúng” dẫn đến mê muội, tạo tin đồn hoang mang gây mất trật tự an ninh thôn xóm. Nếu hôm đó tôi không ngăn cấm kịp thì lúc họ đốt 3 xe ô tô vàng mã, khói bốc lên chắc phải cỡ như lò gạch, có thể lan sang đến cả… vài xã bên cạnh”, ông Phát cho biết.
Một “bùa trừ ma” tiền triệu được treo trong nhà một người đã chết.
“Rắn thần” hay trò trục lợi của những gã thầy bói?
Hàng chục cuộc gặp gỡ, phỏng vấn những người trong dòng họ L.V, những người trong làng Bích Thủy và thậm chí cả những địa phương lân cận, trong quá trình thực hiện loạt bài này, bản thân nhóm phóng viên cũng có những lúc bán tín bán nghi sự việc.
Chỉ đến khi gặp ông L.V. Phát, người đã dám “một mình chống lại cả làng” khi giải tán đám đông cả trăm người tụ tập định lập đàn cúng tế “thần rắn”, chúng tôi mới tin rằng chuyện rắn trong mộ tổ thì có, nhưng chuyện “rắn thần báo oán” là điều không tưởng.
Ông Phát lý giải, việc đôi rắn xuất hiện trong ngôi mộ tổ của dòng họ nhà mình là chuyện bình thường. Những dịp lễ Tết, khi ngôi mộ của người chết được cũng bái, con cháu có thể để lại đồ ăn như gạo, bánh kẹo, hoa quả… nên lũ chuột thường tìm đến khoét hố rồi tha đồ ăn vào, cư trú luôn ở đó. Hết đồ ăn, sau khi lũ chuột bỏ đi thì cái hang đó rắn sẽ chui vào sinh sống và khi đào mộ thì tất nhiên mọi người sẽ bắt gặp.
Lý giải về những cái chết của mọi người trong họ, ông Phát cũng cho biết là do mọi người bất cẩn, hay lạm dụng rượu bia, lao động quá sức… dẫn đến lao lực đổ bệnh ốm chết. “Và khi trong gia đình có người chết thì ai cũng đau buồn thương tiếc, suy sụp tinh thần dẫn đến ốm đau bệnh tật và không qua nổi cơn bạo bệnh nên cứ nối tiếp nhau chết chứ không có việc “trùng tang” hay rắn thần trả thù ở đây”, ông Phát khẳng định.
Trong quá trình đi tìm hiểu nội tình vụ việc để làm rõ về những cái chết của những người trong dòng họ L.V, chúng tôi nhận thấy một số người đều có bệnh sẵn, tùy mức độ nặng nhẹ khác nhau như ung thư dạ dày, đường ruột…
Ngoài một số trường hợp chết do tai nạn, trước khi chết họ cũng đều đã đi bệnh viện để khám xét và đều được các bác sỹ cho biết nội tạng trong cơ thể đều đã hỏng hết và bệnh đã bùng phát giai đoạn cuối. “Vụ người trong dòng họ bị tai nạn tàu hỏa ở thị trấn Văn Điển có thể là do sự cẩu thả vội vàng, trong khi chiếc tàu đang lù lù đến gần anh ấy vẫn cố gắng băng qua nên bị tàu quệt vào đuôi xe và tử vong. Vụ người khác đi bắt lươn bị xe ô tô va phải có thể là do lái xe ẩu, không quan sát kỹ nên đã va vào. Đó chỉ là những tai nạn giao thông”, ông Phát nhận xét.
Cũng theo như một người khác trong dòng họ nhận xét thì việc 12 người chết trong vòng 3 năm đối với một dòng họ thì đó là “số lượng bình thường” vì qui luật cuộc sống nếu không chết vì “sinh lão bệnh tử” thì cũng có thể gặp rủi ro, tai ương. Ngoài ra, do dòng họ con cháu đông, tính đến nay đã 5 đời và chủ yếu lại đều ở thôn Bích Thủy nên khi có hàng chục người chết, việc suốt ngày phải đi dự đám tang khiến người ta lo sợ. “Giả sử nếu mỗi chi sinh sống một nơi, một tỉnh khác nhau thì việc chết chóc là điều bình thường, không có gì để bàn cãi và đáng sợ cả”, người này đặt giả thiết.
Theo tìm hiểu của nhóm phóng viên, được biết hiện trong dòng họ này còn có bốn người độ tuổi từ 50 – 85 tuổi đang mắc căn bệnh hiểm ác trong người như ung thư vòm họng, viêm bàng quang hay bị hỏng nội tạng do uống quá nhiều rượu… và những người này tình trạng sức khỏe rất yếu, thời gian sống chỉ còn tính bằng ngày. Một lần nữa, vấn đề đặt ra là sắp tới dòng họ này còn có thêm những người có thể qua đời vì bệnh tật, liệu còn có xuất hiện những lời đồn như “rắn thần trả thù”, “trùng tang” nữa hay không?
Đó cũng là điều mà ông L.V. Phát trăn trở: “Nếu chính quyền không vào cuộc ngăn chặn những đối tượng thầy cúng, bói toán “phán” lăng nhăng, người dân không chỉ có nguy cơ thêm “hao tiền tốn của”, mà những lời đồn vẫn còn có nguy cơ bùng lại khiến dân làng thêm hoang mang, cuộc sống xáo động, mất an ninh trật tự địa phương”.
Theo Pháp luật & Thời đại