;
“Này các Tỷ-kheo, có năm dục trưởng dưỡng. Thế nào là năm? Các sắc do mắt nhận thức, sắc này khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý,
kích thích lòng dục, hấp dẫn. Các tiếng do tai nhận thức... (như trên)... các hương do mũi nhận thức... các vị do lưỡi nhận thức... các xúc do thân cảm xúc là khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, kích thích lòng dục, hấp dẫn.
Này các Tỷ-kheo, như vậy, là năm dục trưởng dưỡng”. (Trích Kinh Thánh Cầu_Ariyapariyesnà Sutta, thuộc Kinh Trung Bộ (Majjhima Nikàya))
BÀN THÊM: Thế giới chúng ta tiếp cận chung quy là năm nhóm gồm hình thể màu sắc (SẮC), âm thanh tiếng động (THANH), mùi hương (HƯƠNG), mùi vị như chua cay mặn nhạt nồng,..(VỊ), cảm giác khi xúc chạm như ê, ráp, cứng, mềm, lạnh, nóng,…(XÚC). Chúng chính là cuộc sống để chúng ta cảm nhận. Chúng cũng là nhu cầu để con người cảm thụ, hưởng thụ khi nó vừa ý, cũng đem lại sự phật lòng, đau khổ khi là bất như ý.
Con người khai thác năm nhóm này theo hướng vừa ý, có lợi cho mình, đem lại cảm giác dễ chịu, Phật giáo gọi lạc thọ. Một khi quá lạm dụng và sa đà vào chúng dân gian gọi là GHIỀN hoặc NGHIỆN (ví dụ nghiện rượu, nghiện ma túy, nghiện game,…). Đây là cảm giác khó chịu khi không được thỏa mãn (khổ thọ) người ta liền bằng mọi cách có được nó, khi được rồi liền có cảm giác dễ chịu, khoái lạc (lạc thọ). Ví dụ người nghiện rượu phải cố tìm rượu, người nghiện ma túy cố tìm ma túy, người nghiện game cố để được chơi game, người nghiện nữ sắc cố tìm nữ sắc,…
Khi đã là nghiện thì đó là nghĩa tiêu cực, vì con người đã lệ thuộc chúng (5 dục), bị nó sai khiến và có khi chủ thể bất chấp tất cả (kễ cả phạm pháp) để đạt mục đích, đến mức độ này thì chính con người từ chỗ bị lệ thuộc trở thành nô lệ. Ví dụ người hám TÀI có thể phạm pháp để có tài chính cho riêng mình (thụt két, tham nhũng), kẻ nghiện ma túy tìm lạc thú bằng cách cướp trộm để có tiền thỏa mãn...
Đức Phật dạy chúng ta đừng nên để mình phải rơi vào sự lệ thuộc và nô lệ cho năm dục thế gian (sắc, thanh, hương, vị, xúc) hay tài, sắc, danh, thực, thùy. Vì mọi sự tham muốn sẽ tăng dần mức độ, nay chỉ ghiền, mai tăng thành nghiện (Đức Phật gọi là 5 dục TRƯỞNG DƯỠNG). Điều nên nhớ cảm giác vừa ý, dễ chịu (khả ý, khả lạc, khả hỷ,..) chúng mang lại chỉ có tính tạm thời, liền sau là đau khổ. Khi không bị nó lôi cuốn tức chúng ta đã làm chủ được mình, chúng ta liền tự do ngay trong cuộc sống chính mình, tự tại ngoài vòng kìm tỏa của chúng, Đạo Phật gọi đó là GIẢI THOÁT vậy!
Lành thay!