;
Thực hiện Chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ VI (2007-2012), sắp tới ngày 6-10, Ban Từ thiện xã hội Trung ương (TTXH T.Ư) kết hợp cùng Văn phòng II TƯGH tổ chức “Hội thảo khoa học nuôi dạy trẻ mẫu giáo, trẻ cơ nhỡ, mồ côi tại các cơ sở từ thiện Phật giáo” tại Tổ đình Vĩnh Nghiêm, TP.HCM.
Phật giáo chưa chú trọng giáo dục trẻ em trong các gia đình có điều kiện bình thường
Theo như chủ đề của Hội thảo thì đây có lẽ là lần đầu tiên ngành TTXH T.Ư ngồi lại với nhau cùng bàn bạc đến vấn đề giáo dục mầm non trong cơ sở tự viện của Phật giáo. Đây là lĩnh vực mà ngành TTXH đã quan tâm.
Còn nhớ cách đây hơn 10 năm, trong phiên họp Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, với tư cách là Phó ban Thường trực TTXH T.Ư, tôi đã từng đề xuất lên chư tôn đức lãnh đạo về vấn đề giáo dục mầm non trong tự viện Phật giáo nhưng không được chư tôn đức quan tâm. Muốn thực hiện được giáo dục mầm non trong tự viện, chúng ta phải có chủ trương, định hướng, sự chỉ đạo của Giáo hội mới mong phát triển có hệ thống được.
Ngành TTXH đã thành lập và duy trì được nhiều trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật, lớp học tình thương cho đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhưng, chúng ta chưa chú trọng đến giáo dục trẻ em trong các gia đình có điều kiện bình thường, dù phụ huynh rất có nhu cầu đưa con đến học tại các lớp mẫu giáo do các tự viện tổ chức nuôi dạy dưới hình thức trường dân lập.
Thực tế, giáo dục đã được xã hội hóa, các lớp mẫu giáo do các Ban TTXH tỉnh thành, chùa thành lập ở Đồng Nai, Huế, Quảng Trị, TP.HCM, Lâm Đồng… có sự tương tác rất tốt giữa phụ huynh và nhà trường. Phụ huynh cũng hết lòng tin tưởng vì đó là môi trường giáo dục tốt. Hệ thống trường mẫu giáo, mầm non do các tự viện Phật giáo quản lý thực tế chỉ điều hành và quản lý bởi những cá nhân tâm huyết đối với giáo dục Phật giáo chứ chưa có sự chỉ đạo xuyên suốt của Trung ương Giáo hội.
Trong khi chờ chủ trương, sự chỉ đạo, định hướng của Giáo hội về lĩnh vực này, nhiều nơi đã mạnh dạn mở các điểm giáo dục mầm non. Chúng ta thật xót xa khi nhìn thấy con em Phật tử phải đi đến những trường mẫu giáo, mầm non của tôn giáo khác để học. Hàng ngày, các cháu làm dấu thánh thay cho chắp tay búp sen niệm Phật trước bữa ăn...
Chúng ta cũng biết có nhiều Tăng Ni, Phật tử rất tâm huyết với vấn đề giáo dục mẫu giáo, mầm non tại các tự viện nhưng thực tế vẫn phải chờ đợi vì lẽ khi chưa có định hướng từ trên, nên ý tưởng, dự án cũng chỉ nằm trên bàn giấy. Ngay cả việc các sư cô khi đăng ký thi tuyển vào ngành giáo viên mầm non cũng phải rất lo lắng, không biết mình bỏ ra 4 năm đi học về để làm gì, dạy cho ai và ai nhận mình vào dạy.
Hội thảo lần này có thể là một dịp để chư tôn đức Giáo hội có những chủ trương và quyết định mới, rộng mở hơn cho vấn đề giáo dục mẫu giáo, mầm non trong hệ thống tự viện Phật giáo. Tại Đại hội đại biểu Phật giáo TP.HCM vừa qua, HT.Thích Như Niệm phát biểu trong tham luận của mình đã nói lên một thực tế là 30 năm qua, về mặt từ thiện xã hội của Giáo hội chưa có công trình nào tầm cỡ và mang dấu ấn đặc trưng thời đại.
Nói như vậy không phải Phật giáo không có những công trình nhân sinh có ý nghĩa mà là chưa có công trình nào thật sự để lại dấu ấn thể hiện sự đồng thuận và nhất trí cao của đông đảo Tăng Ni, Phật tử.
Cá nhân tôi, nhận thấy, nếu hệ thống giáo dục mẫu giáo, mầm non Phật giáo từ lâu được xã hội công nhận thì nay nếu được sự quan tâm của chư tôn đức giáo phẩm lãnh đạo và sự đồng thuận, nhất trí của toàn thể Tăng Ni, Phật tử thì đó là công trình không chỉ tác động xã hội mà còn mang đậm dấu ấn của Phật giáo nước nhà.
Ni sư TN.Huệ Từ (H.Diệu ghi) - Theo GNO