nguoiphattu.com Một trong những chân lý căn bản mà đức Phật thường đề cập đến trong hệ thống giáo lý đồ sộ do Ngài phát minh, không nằm ngoài hai chữ “nhân - quả”. Nhân - quả được hiểu nôm na là nguyên nhân và kết quả, nói khác đi “nhân” là hạt giống, “quả” là hoa trái.
Dù đức Phật có ra đời hay không thì nhân - quả vẫn hiện hữu như một quy
luật của tự nhiên mà không một ai có đủ khả năng thay đổi, kể cả Đức
Phật. Nhân - quả có từ bao giờ điều đó không quan trọng, quan trọng là
sự tác động, ảnh hưởng của nó đến vạn vật trong vũ trụ, trong đó có con
người.
Đứng về phương diện khoa học,
nhân - quả được đa số các nhà khoa học đồng tình, chấp nhận như một sự
thật không thể phủ định. Tuy nhiên, khi bàn sâu về quá trình vận hành
của nhân - quả ở ba phương diện thời gian, bao gồm: quá khứ, hiện tại và
tương lai thì vấn đề trở nên phức tạp. Sở dĩ, có sự phức tạp là xuất
phát từ hai nguyên do. Thứ nhất, nhân - quả ở hiện tại được xác quyết và
kiểm định thông qua quá trình nghiên cứu và được công bố khi hội đủ
bằng chứng xác thực. Đây là công việc dễ làm hơn nhiều so với việc
nghiên cứu dưới góc độ thời gian, vì thời gian của quá khứ đã đi qua và
thời gian của tương lai chưa đến thì không có dữ liệu khách quan để nhận
định, điều này khoa học chưa làm được. Thứ hai, trong vũ trụ có rất
nhiều sự thật, tuy chưa thể đưa ra những chứng cứ để chứng minh, nhưng
chúng ta cũng không nên phủ định sự tồn tại của nó. Hơn nữa, nhân sinh
vũ trụ bao la vô cùng, vô tận, chúng ta không dễ dàng thấy biết tường
tận hết.
Nhìn hướng Đông thì không thấy
hướng Tây, nếu nhìn mặt đất bằng mắt thường thì không tài nào biết trong
lòng đất có gì, nhìn mặt biển không thể thấy được những gì dưới lòng
đại dương, đơn giản vì mắt ta không thấy. Học lái xe không thể điều
khiển máy bay, học Anh văn không thể nói được Hoa văn, trừ khi ta học cả
hai thứ tiếng, nhưng những thứ tiếng khác trên thế giới ta không học
thì không thể biết.
Cũng như thế, có rất nhiều vấn đề
mà khoa học ngày nay chưa tìm ra hoặc phải bó tay, điều đó nói lên sự
hạn chế của khoa học hiện đại. Vì vậy, quá trình vận hành của nhân - quả
cũng không thể dùng sự hiểu biết cạn cợt mà miêu tả hết được.
Cho nên, sự thấy biết của con
người rất giới hạn so với Bậc giác ngộ giải thoát, mà ở đây là đức Phật.
Sự thấy biết phiến diện khiến ta không đủ khả năng để nhìn nhận những
gì đã xảy ra ở một quá khứ xa xôi, và càng khó khăn hơn khi tìm hiểu
trong khi nó chưa bao giờ xảy ra. Nếu có chăng, đó là sự phán đoán mà
phán đoán rất thiếu độ chuẩn xác, thậm chí, có thể sai lệch hoàn toàn so
với thực tế. Và dưới góc độ này, một lần nữa khẳng định sự hạn chế của
khoa học. Vì nhân - quả là dòng chảy tương tục vượt không gian lẫn thời
gian, thế nên, để hiểu một cách tường tận, ta phải dựa vào các yếu tố
nhân duyên khác nhau, đặc biệt là trong ba kỳ thời gian vừa nêu trên.
Điều đó lý giải vì sao một người
sống hiền lương vẫn bị quả báo đau khổ, ngược lại, một người làm việc
bất thiện lại có đủ phước báu và gặp nhiều may mắn trong cuộc đời. Thật
ra, quá trình vận hành của nhân - quả có nhanh, chậm và còn tùy thuộc
vào các yếu tố khách quan cũng như chủ quan (Duyên). Một người sống
thiện lành chịu quả báo xấu ở hiện tại vì trong quá khứ họ không làm
nhiều việc tốt nhưng bù lại những gì họ làm ở hiện tại sẽ là nhân lành
để gặt hái một tương lai tốt đẹp. Trường hợp, một người ăn ở bất thiện
lại có được hạnh phúc, bình an ở hiện tại, vì trong quá khứ người đó
biết tu nhân, tích đức. Tuy nhiên, những việc xấu ác tạo ra ở hiện tại
thì chắc chắn phải lãnh chịu quả xấu ở tương lai. Cũng có trường hợp,
tạo nhân lúc trẻ và về già thọ quả báo, đó là nhân - quả tức thời ở hiện
tại vì đã hội đủ các yếu tố nhân duyên. Và trường hợp đó, khoa học hoàn
toàn đồng tình.
Đứng về phương diện tôn giáo,
đặc biệt là các tôn giáo độc Thần và các vị Thần linh trong hệ thống đa
Thần, vấn đề nhân - quả hầu như không được đề cập đến. Giáo lý của họ
chỉ đưa ra hai giả thuyết thuận - nghịch dựa trên nền tảng của
niềm tin, hoặc sinh thiên đàng nếu tin theo Thượng đế hoặc đọa hỏa ngục
mãi mãi nếu lúc sống không phải là một tín đồ, và điều này lại càng
không phù hợp với khoa học thực tiễn. Đối với Phật giáo, nhân - quả là
quá trình vận hành vượt không gian lẫn thời gian, nhân - quả là vô thỉ
vô chung, không có điểm khởi đầu thì điểm kết thúc cũng không. Con gà đẻ
ra quả trứng và quả trứng lại nở ra con gà, không có cái nào trước, cái
nào sau, cứ vận hành xuyên suốt tương tục.
Ở một góc độ khác, đức Phật khích
lệ chúng ta nên nhìn nhận nhân - quả thông qua quá trình luân chuyển
của sự vật, hiện tượng. Nước được đun nóng, bốc hơi bay lên gặp không
khí lạnh tạo thành nước mưa, rơi xuống thấm vào lòng đất trở thành mạch
nước ngầm cung cấp cho mọi sinh hoạt của con người. Nước ở Bắc cực được
cấu tạo dưới dạng băng tuyết, nước ở không trung được định hình dưới
dạng mây. Do đó, nước chỉ thay đổi hình dạng chứ không mất đi. Con người
cũng thế, đến với thế gian từ một thế giới khác và khi lìa đời cũng tùy
theo nhân - quả, tội - phước mà đầu thai vào các cảnh giới cao - thấp,
vui - khổ khác nhau. Có sáu thế giới khác nhau, bao gồm: các cõi Trời,
nếu lúc sống chuyên hành thiện; A Tu La, có phước ngang cõi Trời nhưng
người nam thì hình thù xấu xí, hung dữ vì tâm ôm nhiều sân hận, ngược
lại người nữ vô cùng xinh đẹp; Cõi Người là nơi chúng sinh có đủ phước
báu và các loại tội nghiệp; Súc Sinh chịu quả báo cho một quá khứ tạo
tội sát hại sinh linh và si mê; Ngạ Quỷ chịu thọ báo đói khát, thân hình
xấu xí vì kiếp trước tham lam, bỏn xẻn, không bố thí, làm phước và chỉ
biết sống cho riêng mình; Địa Ngục là cảnh giới chịu quả báo hoàn toàn
thống khổ vì quá khứ sống quá tàn ác, không tin nhân - quả, tà kiến, hại
người, sát vật.
Trên bình diện đời sống nhân sinh,
đức Phật khuyến khích chúng ta nên suy ngẫm về hậu quả mà mình đang thọ
lãnh. Phá rừng, tàn hoại môi sinh, sát sinh hại vật, lối sống xa xỉ,
phung phí, băng hoại đạo đức bằng những tệ nạn hiện hành là nguyên nhân
dẫn đến thiên tai, chiến tranh, khủng bố, tật bệnh, nghèo đói và nhiều
hệ lụy khác. Nếu tiếp diễn đời sống như thế, trong tương lai mức độ thảm
họa về thiên tai, nhân tai sẽ rất lớn. Thậm chí, hậu quả của nó được
các nhà khoa học cảnh báo bằng các thông số hiểm họa hết sức nguy hiểm.
Tình trạng hâm nóng toàn cầu được cảnh báo như một thử thách cho quá
trình phát triển kinh tế, đặc biệt là quá trình công nghiệp hóa - hiện
đại hóa ở những nước đang phát triển. Liên hợp quốc cảnh báo các thành
phố lớn trên thế giới đang có nguy cơ trở thành chiến trường trong cuộc
chiến chống biến đổi khí hậu. Các thành phố trên thế giới chỉ chiếm 2%
diện tích trái đất nhưng thải ra tới 70% lượng khí thải toàn cầu. Xu
hướng đô thị hóa vẫn đang gia tăng ước tính đến năm 2030, khoảng 59% dân
số trẻ sống tại thành phố và điều đó có tác hại không nhỏ đến môi
trường, trong đó có con người. Hệ quả là mất cân bằng dân số và tệ nạn
xã hội sẽ có cơ hội hoành hành, phát triển như một thách thức của thời
đại.
Đứng về phương diện đạo đức,
đức Phật khuyến tấn chúng ta sống theo năm chuẩn mực đạo đức, bao gồm:
không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không sử
dụng chất gây say nghiện.
Bản chất con người có ba đặc tính
căn bản: Phật tính, Nhân tính và Thú tính. Người nào mang nhiều hạt
giống Phật tính, người đó có đủ trí tuệ và khả năng để làm chủ cũng như
chuyển hóa xúc cảm là rất lớn; Người có hạt giống nhân tính nổi trội sẽ
trở thành những nhà giáo dục, nhà đạo đức và nhà tu hành mẫu mực; hạng
người còn lại mạnh về thú tính, nên suy nghĩ, hành động, nói năng thường
sai đạo lý và mang nhiều nỗi bất hạnh đến cho tự thân cũng như tha
nhân.
Đức Phật khích lệ chúng ta nên
nuôi dưỡng, phát triển Phật tính và Nhân tính bằng cách không sát sinh,
hại vật. Một mặt để tôn trọng sự sống, bảo vệ tính công bằng; mặt còn
lại tránh quả báo đau khổ trong tương lai, vì khi giết hại một chúng
sinh đồng nghĩa với việc giết chết một vị Phật tương lai. Đức Phật từng
khẳng định: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”.
Tại sao ta có thể hại người, sát vật trong khi ta không hề mong muốn
điều đó xảy ra với mình? Do đó, sát sinh là vô lý và bất nhân.
Trên bình diện nhân - quả,
đức Phật khuyên chúng ta nên suy ngẫm về quả báo xấu có thể xảy ra
trong tương lai nếu ta sát sinh. Vì một chúng sinh khi có mặt tại thế
gian, trước đó đã trải qua vô số đời sống khác nhau với nhiều hình tướng
khác nhau, môi trường sống khác nhau và tương lai sẽ tiếp diễn như thế
theo dòng chảy bất tận của thời gian. Điều đó khẳng định rằng, tất cả
mọi loài, bao gồm con người đều có mối tương quan mật thiết với nhau và
việc cướp đi mạng sống một con vật đồng nghĩa với việc giết chết cha mẹ
hay người thân của mình trong quá khứ.
Sát hại một con vật dù nguyên
nhân có chính đáng đi chăng nữa thì hậu quả về bệnh tật, chết yểu và bị
kẻ thù giết lại là điều khó tránh trong tương lai. Suy ngẫm sâu sắc như
thế, để ta dừng ngay hành động!
Phương diện đạo đức thứ hai mà đức Phật đề cập đến, đó là không trộm cắp.
Trộm cắp được xem như là một căn bệnh phổ biến của con người. Trộm cắp,
tùy theo đối tượng, hoàn cảnh mà được thực hiện dưới nhiều hình thức
khác nhau từ thô đến tế, hoặc cướp giật công khai hoặc buôn bán gian lận
hoặc sử dụng chức quyền thâu tóm của cải từ mọi nguồn lực. Nếu trộm cắp
chưa được pháp luật phát hiện thì tòa án lương tâm cũng không tha, theo
đó tâm lý trở nên lo sợ, bất an và sống những ngày chui lủi. Ngược lại,
nếu phải vào tù thì điều đó không có gì tốt đẹp cho một kiếp người, bởi
lẽ, không một xã hội nào chấp nhận người trộm cắp. Lòng tham là nguồn
gốc sinh khởi trộm cắp, còn “ít muốn, biết đủ” là phương pháp đưa đến an
vui, hạnh phúc với những gì mình đang có trong hiện tại. Và cần ý thức
sâu sắc rằng nếu đời sống cứ trôi qua trong toan tính, giành giật, bất
an… thì việc có thêm nhiều vật chất cũng chẳng có ích gì. Dù sao ta cũng
không thể mang theo mọi thứ khi thần chết gõ cửa. Đức Phật khuyên ta
nên bố thí từ ba nguồn lực, bao gồm: của cải vật chất, những phương pháp
chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau và đem lại sự bình yên, niềm tin cho những
ai đang trong cơn thất vọng, sợ hãi.
Phương diện đạo đức thứ ba được đức Phật đề cập đến, đó là không tà dâm.
Yếu tố hạnh phúc gia đình được Đức Phật đề cập riêng cho người cư sĩ
tại gia, trong hai trường hợp trước và sau khi kết hôn, thông qua việc
không thử trái cấm trước khi kết hôn và sống chung thủy một vợ, một
chồng. Quan hệ tình dục bừa bãi trước hôn nhân, có thể trước mắt ta
không thấy được hậu quả lâu dài vì cảm thọ từ các giác quan mang lại hết
sức hưng phấn và theo đó đánh mất lý trí sáng suốt. Một thời gian sau
rắc rối có mặt, buộc phải phá thai vì mang thai ngoài ý muốn và vấn đề
này phần lớn làm cho người phụ nữ bị tổn thương về thể chất lẫn tinh
thần, một số trường hợp dẫn đến vô sinh do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Vấn đề lây nhiễm các căn bệnh thế kỷ cũng không ngoại lệ. Và như thế,
việc thỏa mãn sự thèm khát thân xác trong vài chục phút đã phải trả một
cái giá đắt mà suốt cuộc đời còn lại sống trong ân hận, đau khổ.
Phương diện thứ tư là không nói dối, bao gồm: không nói lưỡi đôi chiều, không nói lời hung ác, không nói thêu dệt. Ông Bà ta thường dạy: “Sự thật thì mất lòng” hoặc “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”.
Người xưa đã đúc kết bài học đạo lý ấy từ đời sống đạo đức. Có lẽ, họ
cũng đã từng sống như thế trong một xã hội xưa rất trọng chữ Tín, nếu ăn
nói không thật thà sẽ bị cộng đồng lên án, tẩy chay, một số nơi còn áp
dụng những hình thức xử phạt, răn đe mang tính giáo dục rất nghiêm khắc.
Bởi lẽ, nói dối thể hiện một tâm hồn không trong sáng và điều đó không
tốt đẹp dành cho những thế hệ con cháu sau này.
Đức Phật khuyên ta nên nói những
gì tốt cho người, lợi mình và nói đúng sự thật, không thêm bớt, với mục
đích đảm bảo chữ Tín trong các lĩnh vực làm ăn, xã giao cũng như thiết
lập tính đoàn kết trong xã hội.
Phương diện cuối cùng là không được sử dụng chất gây nghiện,
đức Phật đã đề cập đến cách đây gần 26 thế kỷ và mang tính chất như một
lời cảnh báo. Trước khi cầm ly rượu ta có thể tưởng tượng đến tình
trạng say xỉn, lời nói thô lỗ, hành động bất chính, đó là chưa kể đến
việc hao tổn đến sức khỏe, trí tuệ và tài sản, gây ra đau khổ, bất an
cho bản thân, gia đình và xã hội… Hiệu dụng của việc không sử dụng chất
gây nghiện là bảo vệ sức khỏe, trí tuệ của bản thân và góp phần gìn giữ
an ninh, trật tự xã hội một cách lâu dài.
Nền tảng an vui tự thân, phúc lạc
hòa thuận trong gia đình, an ninh cho xã hội được bắt nguồn từ việc
thực hành 5 yếu tố đạo đức trên. Cuộc sống hiện tại ta không bị các hệ
quả xấu do chủ nghĩa hưởng thụ chi phối và xa hơn nữa là cơ hội tái sinh
trở lại làm người ở kiếp sau có đầy đủ phước báu, trí tuệ và mọi quyền
lợi của kiếp người nói chung. Những ai không đủ trình độ nhận thức hoặc
thiếu khả năng làm chủ xúc cảm sẽ có nguy cơ phá hoại 5 căn bản đạo đức
này và hệ quả xấu sẽ xảy ra theo chiều hướng tiếp diễn vị lai và cơ hội
không được tái sinh trở lại làm người ở kiếp tiếp theo là điều khó tránh
khỏi. Khoan nói đến tương lai, hãy nhìn ngay hiện tại, số phận con
người bị định đoạt bằng những trận động đất, sóng thần, bão lũ, dịch
bệnh, nạn phá thai, bạo lực học đường, bạo hành gia đình, và các tệ nạn
khác mà hung thủ không ai khác ngoài chúng ta. Cho nên, trong Kinh Phật
mới có câu “Bồ-tátsợ nhân, chúng sanh sợ quả”. Vì sợ quả
báo đau khổ nên Bồ-tát (Người trí) nhất quyết không gây nhân xấu, trong
khi đó, chúng ta vì không thấy được hậu quả tồi tệ phải hứng chịu trong
tương lai nên ngây thơ tạo tội. Do đó, ta thường than van mỗi khi tai
họa ập đến, ta còn tìm cách trốn tránh trách nhiệm về những việc làm
trong quá khứ bằng cách cầu nguyện, van xin các Đấng sáng thế của các
tôn giáo nhất Thần. Điều đó hoàn toàn là sai lầm. Thật ra, đó chỉ là quá
trình tự làm, tự chịu và ta nên học cách chấp nhận nó, thừa nhận nó để
đi tìm nguyên nhân. Khi biết được nguyên nhân là chúng ta đã giải quyết
vấn đề hết một nửa, nửa còn lại thì ta sử dụng những phương pháp thực
tiễn để triệt tiêu. Khi triệt tiêu được thì hạnh phúc có mặt và khôn
ngoan hơn là tránh quả xấu bằng cách không gieo các nhân bất thiện.
Giá mà ta có thể sợ nhân như Bồ-tát thì quả báo đã không đến nỗi nào và những thảm họa cho ta một nhận thức sâu sắc rằng: “Hạnh phúc hay khổ đau đều do ta tự quyết định!”. Hãy luôn suy ngẫm về hậu quả trước khi bắt tay vào công việc, vì chỉ như thế mới hy vọng có quả vị tốt đẹp trong tương lai.